Đôi nét về đối tượng tiếp nhận

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ truyện đồng thoại tiếng việt (Trang 28 - 32)

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TRUYỆN ĐỒNG THOẠI VÀ

1.3. Đôi nét về đối tượng tiếp nhận

Trước đây, đã từng có quan niệm cho rằng trẻ em là “người lớn thu nhỏ lại”, sự khác nhau giữa trẻ em và người lớn chỉ là ở tầm cỡ, kích thước, chứ không khác nhau về chất. Nhưng tâm lý học duy vật biện chứng khẳng định: Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại, sự khác nhau giữa trẻ em và người lớn là sự khác nhau về chất.

Trẻ em mới sinh ra giống như một tờ giấy trắng, thông qua giao tiếp xã hội mà tư duy dần phát triển, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng xã hội dần hình thành.

Ngôn ngữ học thừa nhận có mối quan hệ biện chứng giữa tư duy và ngôn ngữ. Ở trẻ em cũng vậy, sự phát triển của tư duy gắn liền với sự phát triển của ngôn ngữ.

Quá trình này diễn ra từ khi đứa trẻ mới chào đời. Đứa trẻ khi đó đã được sống trong môi trường giao tiếp, được lắng nghe người lớn nói chuyện hằng ngày nhưng trẻ chưa hiểu gì. Khoảng tháng thứ 3, thứ 4, trẻ bắt đầu có những phản ứng “bập bẹ”. Trong suốt 12 tháng đầu trở lại, trẻ “giao tiếp” với người lớn chủ yếu bằng tiếng khóc, tiếng bập bẹ, nét mặt… Bước vào tháng thứ 13, trẻ bắt đầu nói những từ đơn giản, thường là các từ “ba”, “bà”, sau đó là các từ liên quan đến các con vật, đồ vật, thức ăn.

Ngôn ngữ của trẻ được phát triển và hoàn chỉnh dần theo sự phát triển của khả năng nhận thức về các sự vật, hiện tượng mà từ biểu thị. Thông thường, “nhận thức của trẻ được phát triển từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính. Sự phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình này. Nhận thức của trẻ ban

đầu là nhận thức cảm tính. Thông qua các cảm giác, tri giác, trẻ hiểu biết những thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng. Cùng với việc nghe và hiểu lời nói, dần dần hình thành ở trẻ những từ đầu tiên. Số lượng từ của trẻ được tăng dần theo sự nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh” [54, tr.20]

Về phương diện tâm lý, trẻ em rất giàu xúc cảm, tình cảm, trí tưởng tượng phong phú, đặc biệt trẻ rất gần gũi với thiên nhiên và các sự vật xung quanh trẻ.

Trong quan hệ với chúng, ở trẻ xuất hiện lối tư duy “vật ngã đồng nhất”. Trẻ xem các món đồ chơi, các con vật, đồ vật có linh hồn, biết suy nghĩ, hành động như con người. Đó là lý do giải thích vì sao trẻ con có thể tự chơi một mình, nói chuyện với các món đồ chơi hay con vật mình yêu thích rất lâu không biết chán. Lối tư duy này có ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ ở trẻ. “So với ngôn ngữ chung thì ngôn ngữ ở trẻ còn ngây thơ và đơn giản, nhưng lại mang những nét rất riêng của trẻ mà ta không tìm thấy trong ngôn ngữ người lớn. Chẳng hạn, khi nhặt rau với mẹ, mẹ bảo

“Nhặt bỏ những cái lá già này đi”, Bé chỉ vào những cái lá non ở ngọn rau và nói

“Thế cái trẻ đây à mẹ” hoặc khi thấy quả táo rơi vào khe cửa. bé nói “Nó đi vào đây rồi, quả táo to lắm” [54, tr.15].

Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ bắt đầu bằng việc phát triển vốn từ vựng diễn ta ở các từ loại khác nhau.

Thông thưởng, danh từ xuất hiện đầu tiên. Từ 1 đến 2 tuổi, trẻ biết dùng các danh từ chỉ các bộ phận cơ thể, danh từ chỉ thức ăn, danh từ chỉ các con vật nuôi hay từ chỉ những người thân của trẻ. Đến 3 - 4 tuổi, trẻ biết các từ chỉ hiện tượng thiên nhiên như gió, mưa, sấm, nắng,… hay chỉ các hiện tượng xã hội như phố, chợ, quê,…; trẻ biết một số từ ghép chỉ sự vật tổng thể như bố mẹ, bàn ghế, bánh kẹo,

Đến 5 - 6 tuổi, ở trẻ xuất hiện các danh từ chỉ giới tính như trai, gái, nam, nữ,…, danh từ chỉ không gian như trên, dưới, trong, ngoài,…; danh từ chỉ các đồ dùng hiện đại như ti vi, tủ lạnh, xe máy.…; đặc biệt là các danh từ trong văn chương như thần mưa, thần sét, cô gió, đám mây, ánh nắng, đóa hoa,… do xem ti vi hoặc tiếp xúc với văn học ở trường mẫu giáo.

Động từ xuất hiện thường muộn hơn danh từ. Đến khoảng 2 - 3 tuổi, trẻ mới biết các từ chỉ hành động gắn liền với trẻ như ăn, uống, đi, ngủ, chạy,… Trong giai đoạn

4 đến 6 tuổi, trẻ hiểu và dùng được các từ chỉ hành động có tính hình ảnh và gợi cảm hơn như nhảy nhót, đu đưa; các động từ có tính khái quát như rửa ráy, dọn dẹp, ăn uống; các động từ là từ ghép mang nghĩa khác nhau có cùng từ gốc như ăn sáng, ăn trộm, ăn gian,… Khoảng 5 - 6 tuổi, trẻ hiểu và sử dụng được các cụm động từ có sắc thái khác nhau như chạy vèo vèo, chạy lăng xăng, chạy tán loạn,… Một điểm đáng lưu ý là lúc 6 tuổi, ở trẻ mới xuất hiện các động từ có cấu tạo Hán- Việt như giáo dục, thiết kế, khánh thành, nghiên cứu,… và trẻ sử dụng có khi chưa chính xác.

Về tính từ, trẻ 2 - 3 tuổi biết sử dụng các từ chỉ tính chất, kích thước, màu sắc như to, nhỏ, đẹp, xấu, trắng, đen,… Từ 4 - 6 tuổi, trong vốn từ của trẻ xuất hiện những tính từ mới, mức độ biểu hiện của nó về tính chất cũng tinh tế hơn. Điều này có liên quan đến tư duy của trẻ, theo Lưu Thị Lan: “Nếu như trước đây, các tính từ của trẻ dưới 3 tuổi chỉ biểu hiện một đặc điểm, một tính chất nào đó của sự vật trẻ có thể cảm nhận được thông qua các cảm giác: nóng hay lạnh, tối hay sáng, chua hay ngọt…, thì giờ đây, sự cảm nhận đó ở trẻ từ 4 đến 6 tuổi đã rõ ràng hơn, đa dạng hơn.

Do đó các tính từ được biểu hiện cũng phong phú hơn, có hình ảnh, có âm thanh, có màu sắc gợi cảm hơn”[54, tr.93]. Lúc này, trẻ đã có thể sử dụng các từ chỉ mùi vị như chua loét, ngọt lịm, mặn chát,…; các từ chỉ kích thước như bé xíu, to đùng, bé tí,…;

các từ chỉ màu sắc như đỏ choét, vàng khè, xanh xanh,… và các từ chỉ các tính chất khác như tối om, sáng choang, óng ánh, nhẹ nhàng,

Nói về vốn từ vựng ở trẻ, theo Lưu Thị Lan, “Đến cuối 6 tuổi, số lượng từ của trẻ đạt tới 1033 từ” [54, tr.51].

Về ngữ pháp, từ tháng 13 trở đi, trẻ chủ yếu nói câu một từ - cấu trúc đơn giản và dễ nhất. Trẻ 17 - 18 tháng mới nói được câu có cấu tạo là cụm từ. Lúc này, dấu hiệu ngữ pháp, trật tự từ bắt đầu xuất hiện nhưng còn nhiều nét chưa giống với người lớn, ví dụ thay vì nói “mẹ bế”, trẻ nói “bế mẹ”. Ở tuổi thứ 3, ở trẻ xuất hiện câu đơn chủ vị dạng đơn giản và ở cuối độ tuổi này, trẻ đã có thể dùng câu đơn phát triển thành phần dạng ngắn như “Cháu ăn rất nhanh”. Bắt đầu từ đây, trẻ nhanh chóng tạo nên những câu dài hơn với đầy đủ thành phần chủ ngữ, vị ngữ. Trẻ từ 4 đến 6 tuổi sử dụng được nhiều loại câu, trong đó có câu đơn mở rộng thành phần và câu ghép. “Các câu ghép đẳng lặp của trẻ 4 - 6 tuổi cũng ngày càng được mở rộng thêm, trẻ có khả

năng kể lại các sự việc đã xảy ra bằng hàng loạt các câu đơn nối tiếp” [54, tr.125].

Nhiều mẫu câu phức tạp hoặc những mẫu câu ít sử dụng có thể không được hoàn thiện trong lứa tuổi 6 - 7. Đứa trẻ tiếp tục được học những mẫu câu mới phức tạp trong những năm đầu tiên ở trường học.

Song song sự phát triển của ngôn ngữ là sự phát triển của tư duy, ngôn ngữ là tiền đề cho sự phát triển của tư duy. “Nhờ có ngôn ngữ, trẻ lại có thể tìm hiểu, nhận biết sự vật với những mối liên hệ có tính qui luật giữa các sự vật và hiện tượng, biết so sánh, tổng hợp, phân tích để hình thành những khái niệm sơ đẳng ban đầu, những suy đoán đơn giản” [54, tr.21].

Ở lứa tuổi 6 - 7, đứa trẻ xem như đã có được vốn ngôn ngữ cơ bản nhất, làm cơ sở cho sự phát triển dài lâu. Tuy nhiên, vì mới đạt được trình độ cơ bản nên trẻ còn hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin có ngôn ngữ phức tạp. Đó là lý do mà khi soạn sách cho trẻ em, các nhà biên soạn, các nhà văn, nhà thơ đều sử dụng thứ ngôn ngữ tương đối đơn giản, dễ hiểu nhất cả về phương diện từ vựng lẫn phương diện ngữ pháp vì “Việc hiểu nghĩa các từ của trẻ con còn rất hạn chế: Phần lớn trẻ chỉ mới hiểu được các từ mà nghĩa của nó biểu thị những sự vật, hành động cụ thể, những đặc điểm, tính chất của các sự vật, hiện tượng có thể cảm nhận được bằng các giác quan.

Còn đối với các từ có tính chất trừu tượng, có tính khái quát cao, hoặc biểu thị sự vật một cách tổng thể hay biểu thị những khái niệm thì trẻ hiểu được rất ít hoặc là chưa hiểu gì” [54, tr.16]. Do đó, “Để nói với trẻ, người lớn phải chọn những từ, những câu nói thích hợp. Đó là những câu nói ngắn có cú pháp được đơn giản hóa, từ vựng đơn giản, có quan hệ với những tình huống cụ thể và quen thuộc” [54, tr.48].

Các nhà văn đồng thoại xuất sắc là những người hiểu rất rõ tâm lí trẻ em. Không những vậy, họ cũng phải am tường năng lực ngôn ngữ của trẻ, nắm được cái nét riêng, cái bản sắc trong sáng, ngộ nghĩnh, ngây thơ của ngôn ngữ trẻ. Có như vậy, nhà văn mới có thể sáng tác nên những câu chuyện đồng thoại hấp dẫn với lứa tuổi này.

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em tất nhiên không phải dừng lại ở độ tuổi 6 - 7 như đã nói ở trên. Quá trình đó còn diễn ra liên tục trong những năm tháng về sau, thậm chí ngay cả khi chúng đã trưởng thành. Nói điều này để ý thức một điều rằng sự

phát triển ngôn ngữ ở trẻ diễn ra ra sao, theo hướng như thế nào phụ thuộc vào việc định hướng của người lớn, các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục. “Nếu trẻ được sống giữa những người có trình độ ngôn ngữ tốt thì khả năng ngôn ngữ của trẻ được phát triển tốt hơn. (…). Ngược lại, sẽ có những hệ quả không tốt cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nếu trẻ phải sống trong một môi trường ngôn ngữ mà người lớn nói một cách tùy tiện, gặp đâu nói đó không suy nghĩ” [54, tr.22]. Trong tình tình đó, ngôn ngữ truyện đồng thoại có một ví trí nhất định trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển ngôn ngữ và cả tư duy cho các em. Theo Trương Dĩnh, nếu cho rằng năng lực ngôn ngữ của các em cuối cùng phải đạt đến mục đích giao tiếp thì khi tiếp xúc với văn chương, các em sẽ được rèn luyện ngôn ngữ ở cấp độ giao tiếp cao nhất [21, tr.18].

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ truyện đồng thoại tiếng việt (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)