Liên kết hình thức

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ truyện đồng thoại tiếng việt (Trang 91 - 98)

CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ TRUYỆN ĐỒNG THOẠI XÉT TỪ CẤP ĐỘ CÂU TRỞ XUỐNG

3.2. Đặc điểm liên kết trong truyện đồng thoại

3.2.1. Liên kết hình thức

Theo Trần Ngọc Thêm, đơn vị liên kết của văn bản chính là phát ngôn. Đó là

“một bộ phận của đoạn văn, với một cấu trúc và nội dung nhất định nào đó (đầy đủ hoặc không đầy đủ), được tách ra một cách hoàn chỉnh về hình thức: Ở dạng viết, nó bắt đầu bằng chữ cái hoa và kết thúc bằng dấu ngắt phát ngôn; ở dạng nói, nó được phát ra theo một ngữ điệu nhất định và kết thúc bằng một quãng ngắt hơi; về mặt lượng, nó có thể kết thúc bằng một ngữ khí từ”[80, tr.42].

Văn bản đồng thoại có cả ba loại phát ngôn: phát ngôn tự nghĩa, phát ngôn hợp nghĩa và ngữ trực thuộc, nên hầu hết tất cả các phương thức liên kết đều được sử dụng. Tuy nhiên, theo ghi nhận bước đầu của chúng tôi, một số phương thức được trình bày sau đây được sử dụng nhiều hơn vì đi kèm với những hiệu quả nghệ thuật hoặc một số tác dụng khác.

3.2.1.1. Phép lặp

Theo Trần Ngọc Thêm, “Phương thức lặp là phương thức liên kết thể hiện ở việc lặp lại trong kết ngôn những yếu tố đã có ở chủ ngôn” [80, tr.87]. Yếu tố được lặp lại được gọi là lặp tố. Tùy thuộc vào tính chất của lặp tố mà phương thức lặp có thể chia thành ba dạng thức: lặp từ vựng, lặp ngữ pháp và lặp ngữ âm.

Trong ba dạng thức, truyện đồng thoại sử dụng nhiều nhất là dạng thức lặp từ vựng, đó là “phương thức lặp mà ở đó chủ tố và lặp tố là những yếu tố từ vựng” [80, tr.88], phương thức này xuất hiện trải dài suốt văn bản đồng thoại.

Lặp tố có thể xuất hiện ở các câu của một đoạn văn, cũng có khi xuất hiện ở các câu thuộc các đoạn văn hoặc các phần khác nhau của văn bản.

(152) Đánh nhau thì đánh nhau, Bọ Ngựa chẳng cần. Nhưng Bọ Ngựa lại nghĩ rằng đánh nhau với một quân hung ác, phải cẩn thận giữ gìn lắm, không nên khinh địch chút nào. (Võ sĩ Bọ Ngựa, tr.9)

Từ Bọ Ngựa có tác dụng liên kết hai câu văn trên. Nó còn được sử dụng rất nhiều lần trong truyện (129 lần), mỗi lần nó xuất hiện là một lần các câu văn (chứa nó) được liên kết với nhau theo dạng liên kết bắc cầu. Đây là một hiện tượng phổ biến trong nhiều loại văn bản. Trong truyện đồng thoại cũng vậy, lặp từ vựng là một

dạng thức liên kết dùng để thể hiện liên kết chủ đề của văn bản. Theo đó, các từ được lặp lại nhiều nhất trong văn bản có liên quan mật thiết đến đề tài (chủ đề) chính.

Phương thức lặp không chỉ giúp văn bản liên kết về mặt hình thức mà chủ đề của nó cũng được duy trì liên tục. Qua những lần xuất hiện trong những ngữ cảnh khác nhau của yếu tố lặp, chủ đề sẽ dần được hình thành trong tâm trí người đọc. Phương thức lặp, do đó, tạo hiệu quả không nhỏ về mặt tiếp nhận.

Lặp ngữ pháp - dạng thức lặp mà chủ tố và lặp tố là mô hình cấu trúc của phát ngôn và các từ hư - cũng được sử dụng trong đồng thoại nhìn chung với mức độ ít hơn nhưng có tác dụng riêng.

Có khi lặp ngữ pháp được sử dụng vừa để liên kết vừa để nhấn mạnh hay tạo nên một ấn tượng:

(153) Lên đường! Lên đường! Mỗi bước chân sẽ thấy một đổi thay! Mỗi sớm mỗi chiều sẽ thấy một cảnh vật mới! (Dế Mèn phiêu lưu ký, tr.36)]

(154) Ngày đầu Rùa chạy, như có ai đẩy sau lưng. Ngày thứ hai, Rùa chạy chậm. Ngày thứ ba, Rùa đi. Ngày thứ tư, đi chậm. Ngày thứ năm, Rùa lê từng bước.

(Bài học tốt, tr.4)

Có khi lặp ngữ pháp được sử dụng trong lời thoại tạo nên nhịp điệu mô phỏng âm thanh và hành động của loài vật. Trường hợp này xuất hiện nhiều hơn trong truyện đồng thoại:

(155) Chèo Bẻo họa nhịp:

- Thích! Thích! Có hoa trăm sắc! Có hương thơm ngát!

Bồ Các nhấn mạnh hai tiếng:

- Vui là! Vui là!

Vành Khuyên và Chim Chích động viên nhau:

- Phải hát! Phải hát!

(Những câu chuyện, tr.22)

Nói chung, truyện đồng thoại thiên về tường thuật sự kiện khách quan, vì vậy chúng ít dùng lặp cú pháp làm phương thức liên kết, ngoại trừ trường hợp vừa nêu trên, lặp cú pháp vừa là phương tiện liên kết vừa là một thủ pháp nghệ thuật. Ta biết, âm thanh của động vật thường có khuynh hướng lặp lại (mỗi loài chỉ có một số âm

thanh đặc trưng, tiếng kêu của động vật thường cũng có khuynh hướng theo nhịp điệu, hay có chu kì). Vì vậy, phương thức lặp cú pháp đi kèm với lặp từ vựng trong lời nói của nhân vật đồng thoại tạo cảm giác cho người đọc đang lắng nghe thế giới âm thanh của loài vật trong hình thức giao tiếp của con người (lời nói). Đi kèm với đó là sự liên kết chặt chẽ các câu văn. Đây chính là nét riêng trong lời thoại của nhân vật đồng thoại, tất nhiên không phải bất cứ lời thoại nào trong truyện đồng thoại cũng được tạo nên từ phương thức lặp cú pháp.

Lặp ngữ âm - dạng thức lặp mà chủ tố và lặp tố là những yếu tố ngữ âm- cũng được sử dụng trong truyện đồng thoại.

Ta biết, phép lặp ngữ âm là một dạng thức liên kết phát ngôn được dùng nhiều nhất trong các loại văn vần. Truyện đồng thoại có hẳn một bộ phận được sáng tác dưới dạng văn vần. Nhưng do phạm vi của luận văn, chúng tôi không bàn đến ở đây mà chỉ đề cập vấn đề trong phạm vi các truyện có hình thức văn xuôi mà thôi. Theo đó, truyện đồng thoại dù viết theo dạng văn xuôi cũng hay mượn hình thức văn vần trong một số trường hợp cần thiết, chẳng hạn trong lời thoại hoặc lời hát của các nhân vật:

(156) (1)May một chiếc áo Không những cần kim, Còn phải tìm

Ai người có chỉ.

(2)Hay nhỉ! (3)Hay nhỉ (…)

(4)May một chiếc áo Cần chỉ cần kim, Còn phải đi tìm Ai người cắt vải

(5)Ừ phải! (6)Ừ phải! (Những chiếc áo ấm, Võ Quảng, tr.16, 17) (157) Này Ong nhỏ

Ta cần phải nói cho ngươi rõ Là ngươi được ăn

Bây giờ ngươi phải làm. (Chú Ong lười, Trần Ngọc Thanh, tr.34)

Trong ví dụ (156), các câu liên kết với nhau bằng các yếu tố ngữ âm như số lượng âm tiết trong mỗi câu (4 âm tiết); các khuôn vần như i trong chỉ, nhỉ, nhỉ (câu 1-2-3), ai trong vải, phải, phải (câu 4-5-6), cùng với việc lặp lại âm trắc ở cuối các câu. Nhờ hình thức liên kết ngữ âm mà các câu thoại hay lời hát trở nên cuốn hút hơn, cũng dễ thuộc, dễ nhớ hơn với thiếu nhi.

Ở các câu văn khác trong truyện đồng thoại, phép lặp ngữ âm cũng xuất hiện nhưng chủ yếu dùng phương tiện lặp số lượng âm tiết (kèm với lặp cú pháp):

(158) Non sông và phong tục, mỗi nơi một lạ, mỗi bước rời chân, mỗi thấy tuyệt vời. Nhìn không biết chán. Mỏi chẳng muốn dừng. (Dế Mèn phiêu lưu ký, tr.47)

(159) Gió cuốn tung bụi cát. Mưa xối xả. Nắng thiêu đốt. (Bông cúc xanh, tr.54)

Ở (158), cả hai câu văn đều có 4 âm tiết, âm bằng và âm trắc phối hợp với nhau tạo ra tính nhịp nhàng mô phỏng bước chân khám phá và tô đậm cái cảm giác thích thú, hứng khởi của kẻ say mê những cuộc hành trình.

Ở (159), câu 2 và câu 3 đều có 3 âm tiết, âm trắc được lặp lại ở cuối câu tô đậm cái khắc nghiệt của thời tiết, thử thách con người dũng cảm.

Nhìn một cách khái quát, do đặc điểm của loại hình ngôn ngữ đơn lập chi phối, cho nên trong tiếng Việt, lặp ngữ pháp thường đi kèm với lặp từ vựng và lặp ngữ âm.

Đây là đặc điểm có tính chất phổ quát trong mọi loại hình văn bản tiếng Việt. Tuy nhiên, như đã nói, trong truyện đồng thoại, về cơ bản chúng xuất hiện phổ biến hơn.

3.2.1.2. Phép liên tưởng

Phép liên tưởng, theo Trần Ngọc Thêm, “là một trong những phương thức liên kết thể hiện ở việc sử dụng trong chủ ngôn và kết ngôn những ngữ đoạn (từ hoặc nhóm từ) có liên quan về nghĩa với nhau thông qua một số ít nét nghĩa chung và không chứa nét nghĩa đối lập” [80, tr.123].

Phép liên tưởng có thể chia thành những loại khác nhau. Tại đây, chúng tôi chỉ chú ý đến một số loại tiêu biểu.

(a) Liên tưởng bao hàm dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa cái riêng và cái chung, cái toàn thể và cái bộ phận .

Trong (160), từ mặt đầm có quan hệ liên tưởng đến từ nước.

(160) Mặt đầm bập bềnh những lá sen lá sung. Nước trong veo, trông rõ những thân rong tóc tiên, rong đuôi mèo mềm mại đung đưa uốn lượn. (Chuyện vui về chú Ếch Cốm, tr.25)

Liên tưởng bao hàm có cơ sở từ thực tế khách quan. Mối quan hệ giữa cái riêng - cái chung, cái toàn thể - cái bộ phận là mối quan hệ tất yếu ở sự vật, hầu như ai cũng có thể nhận ra.

(b) Liên tưởng đồng loại - kiểu liên tưởng của những đối tượng đồng chất ngang hàng với nhau - xuất hiện rất nhiều, đặc biệt khi yếu tố liên kết chỉ đối tượng loài vật, đề tài đặc trưng quen thuộc nhất của đồng thoại.

Trong loại liên tưởng này, các đối tượng được nêu trong chủ ngôn và kết ngôn đều là những cái riêng của cùng một cái chung, những giống của cùng một loài. Điều này là có cơ sở từ đặc trưng thể loại. Hầu hết truyện đồng thoại khi xây dựng hệ thống nhân vật đều chọn những đối tượng cùng loài, thỉnh thoảng đối tượng khác loài cũng chen vào nhưng không mang tính chủ đạo. Thế giới nhân vật trong Dế Mèn phiêu lưu kýchủ yếu là các loài côn trùng, của Tấm áo đẹp nhất hay Chèo Bẻo đánh Quạ là các loài chim, của Lòng mẹlà các loài cá. Chính yếu tố này tạo điều kiện cho phép liên tưởng đồng loại xuất hiện với mật độ rất dày trong văn bản.

(161) MòngCóc đi rĩnh muỗi. Nhái Bén leo cây. Chẫu Chàng hát ngêu ngao. (Dế Mèn phiêu lưu ký, tr.63)

Trong ví dụ (160), Mòng, Cóc, Nhái Bén, Chẫu Chàng là những con vật cùng loài. Các từ chỉ các con vật này này giúp liên kết các câu văn trên.

(c) Liên tưởng định lượng giữa các đối tượng thuộc loại đồng chất:

Từ Thỏ trắng, Thỏ nâu có quan hệ liên tưởng với hai chú (162), em, mẹ em có quan hệ liên tưởng với hai mẹ con (163).

(162) Vào một buổi sáng khá đẹp, Thỏ trắng cùng Thỏ nâu tíu tít đi tìm hang ở.

Hai chú bảo: tìm được nơi ở tốt rồi, hai anh em sẽ giống chung với nhau cho vui.

(Ba người bạn, tr.24)

(163) Em ở tít trên cao này, còn mẹ em ở mãi dưới xa kia. Hai mẹ con trông thấy nhau mà không sao gặp được. ( Áng Mây, tr.6)

(d) Liên tưởng định vị - kiểu liên tưởng giữa một động vật, một tĩnh vật, một hành động với vị trí điển hình của nó rất phổ biến trong đồng thoại, thường gắn với việc miêu tả loài vật trong không gian sống đặc trưng của nó.

Trong (164), Gọng Vó là loài vật hay sống trên mặt ao.

(164) Thẳng hướng bắc bơi lên, dọc đường Mày Mạy bắt gặp một đám đông các anh Gọng Vó. Cánh này đang chơi trò biểu diễn xiếc trên mặt ao. (Chuyến đi của Mày Mạy, tr.22)

(e) Liên tưởng định chức - kiểu liên tưởng giữa một động vật, một tĩnh vật, hoặc một hoạt động với chức năng điển hình của nó. Tẩy có chức năng xóa (165), Thiên Đường có thể chao mình (166). Các từ này giúp các câu văn chứa chúng liên kết với nhau.

(165) Chị Tẩy vẫn ngồi bên dõi theo nét bút của em với vẻ mặt đầy tự hào. Chị lại xóa giúp em những nét vẽ quá cứng nhắc và bảo em chịu khó vẽ lại. (Chị Tẩy và em Bút chì, tr.18)

(166) Thiên Đường liền xoải cánh đuổi theo chiếc tổ chim. Nó chao mình sát mặt nước nghiêng ngó.(Tấm áo đẹp nhất, tr.14)

(f) Liên tưởng đặc trưng - kiểu liên tưởng giữa một tĩnh vật hoặc một hoạt động với dấu hiệu điển hình đặc trưng của nó. Mùa xuân có dấu hiệu đặc trưng là hoa (167).

(167) Mùa xuân đến. Trăm hoa đua nở. (Lòng mẹ, tr.10) (g) Liên tưởng nhân quả:

(168) Mưa như xối mấy ngày liền. Đồng quê trắng băng một màu nước.(Chuyến đi của Mày Mạy, tr.48)

Rõ ràng là mưa như xối là nguyên nhân của việc nước ngập trắng xóa ruộng đồng.

Vấn đề sử dụng các kiểu liên tưởng trên đều xuất phát từ đặc thù nội dung của thể loại đồng thoại. Văn bản đồng thoại thường lấy đối tượng loài vật hay một hiện tượng thiên nhiên làm đề tài chính. Trong quá trình triển khai nội dung câu chuyện, các đối tượng trên luôn được cụ thể hóa trong không gian, thời gian với những chức năng điển hình và dấu hiệu cơ bản của nó. Đó cũng là cách văn bản đưa đến cho

người đọc những kiến thức về thiên nhiên rộng lớn nói chung và thế giới loài vật kỳ thú nói riêng. Các phương thức liên kết liên tưởng vì thế mà được sử dụng với mật độ cao trong thể loại văn học này.

3.2.1.3. Phép đối

Phép đối là phương thức liên kết thể hiện ở việc sử dụng trong kết ngôn một ngữ đoạn (từ hoặc cụm từ) có ý nghĩa đối lập với một ngữ đoạn nào đó có ở chủ ngôn.

Phép đối chia thành nhiều kiểu:

(a) Đối trái nghĩa - kiểu đối dùng những từ liên kết cùng một trường nghĩa và có ít nhất một nét nghĩa có giá trị đối lập nhau, ví dụ như hiền lành đối lập với ác (169).

(169) Nhưng chú lại không thấy chàng Châu Chấu Ma là bạn hiền lành. Thằng kia tất ác lắm. (Võ sĩ Bọ Ngựa, tr.9)

(b) Đối phủ định - kiểu đối mà một trong hai yếu tố liên kết là dạng phủ định của yếu tố kia. Trong (170), không biết là từ đối phủ định của biết.

(170) Chỉ có nàng Áo Hoa biết được ní mật đó. Ngay cả công chúa Dây Leo, người bảo bọc Gấu cũng không biết. (Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, tr.27)

(c) Đối lâm thời - kiểu đối mà chủ tố và đối tố không phải là những từ trái nghĩa nhưng nhờ tồn tại trong những điều kiện nhất định mà chúng trở nên lâm thời đối lập với nhau.

(171) Trong mắt chúng, mèo không thể là một thi sĩ. Mèo chỉ có thể là loài vật đáng ghét nhất trên đời, là kẻ thù độc ác và nguy hiểm nhất của loài chuột. (Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, tr.27)

Theo lẽ thường, từ thi sĩ không đối lập với loài vật đáng ghét nhất trên đời, kẻ thù độc ác và nguy hiểm nhất của loài chuột. Nhưng đứng trong văn cảnh, chúng có nét nghĩa đối lập.

(d) Đối miêu tả - kiểu đối mà ít nhất một trong hai yếu tố liên kết là một cụm từ miêu tả những dấu hiệu của thuộc tính đối lập:

(172) Vừa nói, nó vừa ra oai giơ những cánh tay bé tẹo nhưng đã lởm chởm những chiếc gai như chỉ muốn đâm vào người khác hệt như dòng họ của nó. Dù

thế, Hạt Bưởi vẫn nhẹ nhàng: Anh Xương Rồng ơi, anh có giúp tôi được không?

(Hạt Bưởi và cây Xương Rồng, tr.9)

Cũng giống như phép liên tưởng, phép đối không chỉ có tác dụng liên kết trong văn bản. Nó gắn liền với thủ pháp đối lập trong việc tạo ra tình huống và khắc họa tính cách nhân vật thường thấy trong truyện đồng thoại. Rất nhiều truyện đồng thoại dùng những tình huống đối lập để triển khai câu chuyện. Thông qua tình huống, tính cách nhân vật cũng được hiện lên với những nét khác biệt. Thông thường thì đặc trưng về nội dung kéo theo những phương tiện hình thức tương ứng. Ở chiều ngược lại, chính phép liên kết đối tạo điều kiện để tình huống đối lập, tính cách đối lập nổi bật lên. Còn một tác dụng khác cũng phải bàn đến, phép liên kết đối còn có vai trò rất lớn trong việc phát triển tư duy so sánh cho trẻ.

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ truyện đồng thoại tiếng việt (Trang 91 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)