CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ TRUYỆN ĐỒNG THOẠI XÉT TỪ CẤP ĐỘ CÂU TRỞ XUỐNG
2.1. Đặc điểm từ vựng
2.1.1. Xét về nguồn gốc
2.1.1.1. Lớp từ thuần Việt
Trong vốn từ vựng tiếng Việt, ngoài những từ được xác định là từ Hán – Việt, những từ có nguồn gốc Ấn – Âu, còn lại là những từ thuần Việt. Nghiên cứu từ thuần Việt, ta thấy không ít từ có sự tương ứng với các ngôn ngữ họ hàng hay các ngôn ngữ trong khu vực như ngôn ngữ Mường (bí, cau, cỏ, chuối,…), ngôn ngữ Tày – Thái (bánh, bắt, bóc, buộc,…), ngôn ngữ Môn – Khơme (bố, bọn, mày, mẹ,…). Tuy nhiên, thật khó để nói rằng những từ như vậy là của ngôn ngữ nào. Vả lại, lịch sử cho thấy nhiều dân tộc có cùng nguồn gốc, cho nên, từ lâu, các nhà ngôn ngữ học xếp các từ ngữ trên vào lớp từ bản địa. Truyện đồng thoại sử dụng rộng rãi từ thuần Việt như đất, đá, gió, lửa, con, cháu, mẹ, ông, sông, nước, bắt, bóc, buộc,… nhất là các lớp từ cơ bản, đây là trường từ vựng rất phù hợp với sự hiểu biết của trẻ em. Chúng là những từ ngữ phản ánh sự vật, sự việc, hiện tượng không chỉ rất cơ bản trong tiếng Việt mà còn rất quen thuộc với tất cả người Việt. Chúng được dùng để nói, viết trong mọi phong cách. Trong những năm đầu đời, trẻ em luôn được tiếp xúc với lớp từ này trong quá trình học nói khi tiếp xúc thế giới xung quanh. Cho nên, lớp từ thuần Việt trở thành vốn từ đầu tiên trong cuộc đời mỗi đứa trẻ.
Tiếp xúc với truyện đồng thoại, ta dễ dàng tìm thấy rất nhiều từ thuần Việt, chúng chiếm tỉ lệ rất cao.
(1) Nhưng nửa đêm, nổi cơn mưa lớn. Chúng tôi ẩn dưới tàu lá chuối, cả đêm
nghe mưa rơi như đánh trống trên đầu. Sáng hôm sau, bừng mắt dậy, trời đã tạnh hẳn. Tôi nhìn ra trước mặt, thấy một làn nước mưa mới chảy veo veo giữa đôi bờ cỏ.
Đấy là một con sông đêm qua chúng tôi không trông rõ. (Dế Mèn phiêu lưu ký, tr.47)
Trong đoạn văn (1), các từ được sử dụng phần lớn là những từ thuần Việt quen thuộc. Các từ chỉ sự vật, hiện tượng như đêm, mưa, lá, mắt, trời, cỏ, sông; các từ chỉ hành động, trạng thái, tính chất như nổi, lớn, nghe, rơi, dậy, nhìn, chảy, veo veo,…gợi ra những hình ảnh cụ thể, sinh động, rất dễ hình dung.
Những đoạn văn với nhiều từ ngữ thuần Việt như vậy có thể thấy rất nhiều trong truyện đồng thoại.
(2) Những ngày bị nhốt trong lồng sắt, chú nghĩ về Áo Hoa nhiều hơn nghĩ về cái chết. Chú ngân nga hai câu thơ đó trong một đêm nằm dựa lưng vô vách lồng, nhìn mưa xuống bên kia bụi cỏ dày và nghe lòng mình nỗi nhớ lên rêu. (Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, tr.20)
(3) Chú bé Đất tìm đường ra cánh đồng. Đường ra cánh đồng xa lắm. Chú bé Đất cứ đi, đi mãi… chân chú đã mỏi dừ mới đến được đầu hồi nhà. Chú trông thấy một thím nhái đang nép mình dưới đám thài lài. Mỗi lần thím nhái nhảy ra, đánh lưỡi kêu “tép” là thím quơ được một con muỗi. (Chú Đất nung, tr.32)
(4) Chợt có một chú bé đang rón rén lại gần thò tay định túm đuôi bắt Chuồn Chuồn. Đứng ngoài, Rết cũng thấy lo… Trời, sắp tóm được rồi, chỉ còn cách một đoạn quá ngắn nữa. Bỗng thoắt một cái, Chuồn Chuồn bay vọt lên cao khá nhanh rồi giang cánh ra lượn đi lượn lại, có lúc gần như đứng yên một chỗ trên trời rồi lại vụt bay đi mất. (Mơ ước, tr.14)
(5) Mưa bắt đầu rơi. Mỗi lúc một nặng hạt. Thiên Đường hối hả bay trong những làn mưa xiên chéo. Nó đang lần theo bờ suối để trở về nhà. Nước réo sôi, tung bọt trắng xóa, cuốn theo những vạt lá vàng lá đỏ. Giữa đám lá ấy, chợt hiện ra một chiếc tổ chim kết bằng những sợi cỏ khô. Chiếc tổ rập rềnh, lúc nổi lúc chìm. Có tiếng chim kêu yếu ớt. Thiên Đường liền xoải cánh đuổi theo chiếc tổ chim. Nó chao mình sát mặt nước nghiêng ngó. Trong tổ, một chú chim non, lơ thơ mấy chiếc lông xám nhạt. (Tấm áo đẹp nhất, tr. 14).
Các đoạn văn (2), (3), (4), (5) đều sử dụng những từ ngữ có mối quan hệ trực tiếp với sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, chúng đều là những sự vật, hiện tượng, hoạt động không hề xa lạ với trẻ em (lồng sắt, cái chết, nhốt, nghĩ,…; đường, cánh đồng, đi, nép,…; chú bé, Chuồn Chuồn, Rết; túm, lo, tóm, bay, quơ,…; mưa, suối, nước, lá, chim, rơi, tung, cuốn, kêu,…). Lối dùng từ dung dị trong đa phần các truyện đồng thoại tạo điều kiện thuận lợi để các em có thể theo dõi nội dung câu chuyện, tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng. Đó là chưa kể, từ thuần Việt cũng có những sắc thái biểu cảm độc đáo. Đơn cử như từ con sông trong (1) vừa có khả năng qui chiếu một sự vật khách quan đồng thời vừa có thể gợi ra nét sống động tựa một sinh thể. Từ thò trong (4) rất giàu hình ảnh, ngoài ra còn gợi ra sự tò mò hay hứng thú.
Trong số các loại từ được xếp vào từ thuần Việt, lớp từ khẩu ngữ như các từ ghép chỉ tính chất tuyệt đối kiểu xanh lè, đỏ choét…, lớp từ được cấu tạo bằng phương thức láy cũng thể hiện rất rõ bản sắc tiếng Việt. Các lớp từ này được sử dụng rất phổ biến và mang đến nhiều hiệu quả về mặt tiếp nhận (xem thêm mục 2.1.3.2).
Nhìn chung, ở các văn bản, ta thấy mặc dù các lớp từ vay mượn như từ Hán – Việt, từ gốc Ấn – Âu cũng được sử dụng, nhưng các tác giả vẫn ưu tiên dùng từ thuần Việt. Chẳng hạn truyện Chim mùa xuân của Trần Ngọc Thanh tổng cộng 542 âm tiết chỉ có 5 từ Hán – Việt, một số từ Hán – Việt Việt hóa (thực ra chúng được xếp vào lớp từ thuần Việt), còn lại là từ thuần Việt. Theo Cù Đình Tú, từ thuần Việt có sắc thái ý nghĩa cụ thể, nên mang tính chất sinh động, gợi hình, màu sắc biểu cảm đa dạng, mà nổi bật lên là nét thân mật, gần gũi (so với từ Hán – Việt có sắc thái trừu tượng nên mang tính chất tĩnh tại, không gợi hình, không mang tính chất miêu tả sinh động, sắc màu biểu cảm thiên về sự trang trọng, thanh nhã) [85,tr.241-243]. Việc lựa chọn từ thuần Việt, vì vậy, phù hợp với mục đích miêu tả, kể chuyện của thể loại đồng thoại.
Nghiên cứu lớp từ thuần Việt trong truyện đồng thoại, chúng tôi nhận thấy chúng có những vai trò rất quan trọng như sau:
- Chứa đựng thông tin chủ yếu của văn bản
- Vừa đảm bảo tính mạch lạc cho văn bản, vừa tạo ra độ liên kết rất lớn phù hợp
với tâm sinh lý của đối tượng tiếp nhận.
- Đảm bảo sự tiếp nhận liên tục cho độc giả khi vốn ngôn ngữ của trẻ chưa thật sự phong phú. Ngay cả khi gặp phải rào cản của từ vay mượn thì từ thuần Việt trong ngữ cảnh có thể giúp cho trẻ khắc phục khó khăn để lĩnh hội thông tin.
Bên cạnh lớp từ thuần Việt, lớp từ Hán – Việt cũng được sử dụng trong các tác phẩm đồng thoại.
2.1.1.2. Lớp từ Hán – Việt
Từ Hán – Việt nằm trong các lớp từ vay mượn. Bên cạnh lớp từ Hán – Việt, tiếng Việt còn vay mượn từ vựng từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn gốc Ấn – Âu như tiếng Pháp, tiếng Anh. Tuy nhiên, khi khảo sát từ vựng trong truyện đồng thoại, luận văn nhận thấy các lớp từ vay mượn này thi thoảng mới xuất hiện như cà rốt, xà phòng, sô cô la, kem, xích đu,…. Chúng là những từ gọi tên các sự vật du nhập từ văn minh phương Tây, chúng chiếm một tỉ lệ không đang kể và cũng không có vai trò quan trọng lắm trong văn bản đồng thoại. Nhưng với lớp từ Hán – Việt, tình hình có khác.
Từ Hán – Việt thực ra nằm trong lớp từ Việt gốc Hán bao gồm từ tiền Hán – Việt, từ Hán – Việt và từ Hán – Việt Việt hóa. Trong đó, từ tiền Hán – Việt và từ Hán – Việt Việt hóa, theo một quan niệm phổ biến có thể tạm chấp nhận được, chúng được xếp vào lớp từ thuần Việt. Thực ra, vấn đề không đơn giản như vậy. Mặc dù từ ngữ Hán – Việt có nguồn gốc là vay mượn, nhưng chúng khác với tất cả hệ thống vay mượn khác bởi chúng vừa gần gũi về loại hình vừa du nhập vào Việt Nam thông qua một quá trình ảnh hưởng văn hóa rất lâu dài. Trong đó, có không ít từ ngữ đã nhập hệ và đã được Việt hóa rất mạnh và không phải lúc nào cũng dễ nhận diện. Cho nên những mô tả ở sau chỉ có tính chất tương đối.
Trong truyện đồng thoại, số lượng từ Hán – Việt so với từ thuần Việt là rất ít.
Khảo sát 687 trang sách (khổ 13 x 19 cm), luận văn tổng hợp được 3298 lượt từ Hán – Việt. Trung bình mỗi trang có khoảng 4,80 lượt từ Hán – Việt. Nhìn một cách khái quát, từ Hán – Việt chỉ là phương tiện điểm xuyết trong một văn bản mà do phần lớn từ thuần Việt đảm nhiệm.
(6) Cây gạo cổ thụ nghe thấy hết. Những điều bọn sẻ ao ước làm cho cây gạo
thực sự cảm động. Những dòng nhựa trong thân cây rạo rực chảy mạnh. Thật ra, vì bọn sẻ ngây thơ không biết đấy thôi. Mùa đông cây gạo trút hết lá, tích nhựa nuôi nụ hoa để sang xuân sẽ bừng nở, chứ đâu phải cây gạo đã bị tai họa gì! Trông cây chỉ toàn những cành khô cứng, cứ tưởng cây đã chết, thực ra cây vẫn âm thầm tích nhựa.
Cứ thử chích vào thân cây một tí thử xem! Dòng nhựa trắng như sữa sẽ tứa ra mãi không hết.(Đàn chim sẻ, tr40)
Tra theo Từ điển tiếng Việt có chú thích từ Hán-Việt [24], đoạn văn (6) có 4 từ Hán – Việt là cổ thụ, thật sự, cảm động, tai họa. Một số từ như thân (cây), tích (nhựa), (chỉ) toàn…là từ gốc Hán nhưng đã được Việt hóa và được xem như từ thuần Việt. Bốn từ Hán – Việt trên cũng không mấy xa lạ với đa phần trẻ em. Cho nên, việc tiếp nhận thông tin trong đoạn văn đối với trẻ sẽ không gặp trở ngại bao nhiêu nếu không muốn nói là tương đối thuận lợi.
Để lý giải sự xuất hiện của từ Hán – Việt trong truyện đồng thoại, ta phải có cái nhìn thực sự khách quan. Theo các nhà ngôn ngữ học ước đoán, từ Hán – Việt chiếm khoảng 65 % vốn từ vựng tiếng Việt cho nên việc truyện đồng thoại sử dụng từ Hán – Việt là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ta thấy các tác giả đồng thoại vẫn sử dụng hạn chế lớp từ này như một việc làm tự thân khi sáng tác bởi các từ ngữ Hán – Việt thường có ý nghĩa khái quát, trừu tượng, lại chặt chẽ về mặt kết cấu, điều này có thể gây khó khăn cho quá trình lĩnh hội thông tin văn bản. Cho nên khi sử dụng chúng, người viết đồng thoại cũng phải dùng những từ tương đối quen thuộc. Vả lại, vấn đề là ở chỗ, lớp từ Hán – Việt thuộc loại phổ biến hay ít dùng và việc chuẩn bị ngữ cảnh như thế nào.
Tần số sử dụng từ Hán – Việt trong truyện đồng thoại phụ thuộc vào dung lượng truyện. Trong quá trình khảo sát từ Hán – Việt trong truyện đồng thoại, tác giả luận văn cũng nhận thấy tỉ lệ có sự khác nhau giữa truyện ngắn và truyện dài. (Xem bảng 2.1)
Bảng 2.1. Thống kê số lượt từ Hán – Việt trong truyện đồng thoại Số lượng
trang
Số lượng từ Hán – Việt
Số lượt từ/trang
Truyện đồng thoại 687 3298 4,80
Truyện ngắn 354 1309 3,69
Truyện dài 333 1989 5,97
Để lý giải cho sự khác nhau này, ta có thể căn cứ vào các phương diện sau đây:
Thứ nhất, trên phương diện đặc trưng thể loại, truyện dài có kết cấu phức tạp, nội dung, nhân vật phong phú hơn nhiều. Nếu truyện ngắn đa phần là câu chuyện nhỏ dựa theo một tình huống có phần đơn giản thì truyện dài kết hợp các “câu chuyện”
trong nhiều tình huống khác nhau. Số lượng nhân vật trong truyện ngắn trung bình chỉ khoảng 5-7 nhân vật thì con số này ở truyện dài là vài chục, thậm chí có truyện đến gần một trăm (Dế Mèn phiêu lưu ký - Tô Hoài). Vì vậy, khi sáng tác truyện dài (đa phần là những câu chuyện phiêu lưu, khám phá), người viết đồng thoại buộc phải sử dụng nhiều từ Hán – Việt khi muốn gọi tên các sự vật, hiện tượng, cũng như nhiều nhân vật ở các vị thế xã hội khác nhau. Tra theo Từ điển tiếng Việt [24], Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài có 749 từ Hán – Việt trên 124 trang, mỗi trang có khoảng 6,04 từ gần với tần suất từ Hán – Việt của truyện dài đã thống kê ở trên.
Truyện ngắn đồng thoại thông thường có số lượng từ Hán – Việt rất ít. Ta hầu như có thể kể ra các từ Hán – Việt có mặt trong truyện. Chẳng hạn truyện Ba người bạn (6 trang) của Viết Linh có 10 từ Hán – Việt: giảng giải, quyết định, tử tế, ngạc nhiên (2 lần), hối hận, đề phòng, nhất định, hoạn nạn (2 lần) (1.7 từ/ trang). Nhiều truyện khác cũng có tình hình tương tự như Buổi sáng trước sân nhà của Nguyễn Kiên có 8 từ (2.66 từ/ trang), Bài học tốt của Võ Quảng có 12 từ (3 từ/ trang), Biển khơi vẫy gọi(Viết Linh): 34 từ (3.4 từ/ trang), Đàn chim sẻ của Trần Hoài Dương có 12 từ (4 từ/ trang). Ở một số truyện khác, số lượng có tăng lên nhưng chỉ dừng lại ở con số mấy chục từ như Chị Tẩy và em Bút chì (Trần Hoài Dương): 29 từ (4.83 từ/trang), Mắt Giếc đỏ hoe (Võ Quảng): 31 từ (5.16 từ/ trang).
Trường hợp nhà văn Tô Hoài khá đặc biệt. Ngoài các truyện dài như Dế Mèn phiêu lưu ký hay Chèo Bẻo đánh Quạ, Tô Hoài còn có một số truyện đồng thoại ngắn. Trong các truyện này, có truyện xuất hiện khá nhiều từ Hán – Việt. Lí giải ra sao? Trước hết, khách quan mà nói, truyện ngắn của Tô Hoài không thực sự ngắn với trẻ em. Người viết đã khảo sát số lượng trang và số lượt từ Hán-Việt trong các truyện này như sau (xem bảng 2.2):
Bảng 2.2 Thống kê tần suất lượt từ Hán – Việt trong các truyện đồng thoại ngắn của Tô Hoài
STT Tên truyện Số lượng trang
Số lượng từ Tần suất (lượt từ/trang)
1 Võ sĩ Bọ Ngựa 24 160 6,66
2 Dê và Lợn 25 62 2,48
3 Đám cưới Chuột 22 213 9,68
4 Ba anh em 22 89 4,04
Trong các truyện trên chỉ có Võ sĩ Bọ Ngựa, và đặc biệt là Đám cưới Chuột là có tần suất từ Hán – Việt trội hơn hẳn, hơn cả tần suất trung bình của các truyện đồng thoại dài. Điều này có thể lý giải. Trên thực tế, dựa theo số trang và để tiện cho việc khảo sát, các truyện trên của Tô Hoài được xếp vào loại truyện đồng thoại ngắn nhưng thực tế chúng mang dáng dấp truyện dài.
Về mặt kết cấu, hai truyện trên khá giống với truyện dài, tức truyện bao gồm nhiều tình huống liên kết với nhau. Truyện Võ sĩ Bọ Ngựa có nội dung khá giống với Dế Mèn phiêu lưu ký, tryện kể về “võ sĩ” Bọ Ngựa trên bước đường phiêu lưu của mình gặp nhiều tình huống và nhiều nhân vật khác nhau. Truyện Đám cưới Chuột kể về chàng Chuột Nhắt trong xã hội phong kiến xưa trên hành trình tìm kiếm công danh và xây đắp hạnh phúc, tìm kiếm lý tưởng của mình.
Đặc biệt, đề tài trong Đám cưới Chuột thực chất phù hợp với người trưởng thành hơn là trẻ em (tất nhiên, trẻ em có thể đọc truyện theo cách hiểu của mình). Tô Hoài viết các truyện này không chỉ dành riêng cho trẻ em mà còn cho người trưởng thành với mục đích tác động về mặt nhận thức. Ta đọc một đoạn trong tác phẩm:
(7) Đầu tiên, anh vinh qui ỏm tỏi, đó là một sự huênh hoang vô ích rồi. Về nhà, anh lại hí hửng muốn lấy vợ. Chao ôi! Làm như ở trên đời này, một thanh niên chưa có vợ chẳng có thể sống được hay sao? Phải lập thân trước đã chứ! Anh nên quên cái lão viên ngoại tráo trở, cái cô Chuột Chù đỏng đảnh kia đi. Đừng bao giờ nghĩ rằng họ làm hại nhà anh. (…). Phải đánh đổ cho kỳ được thằng Mèo. Nếu nó chết, chúng ta sẽ được sống yên lành trong hang, ngoài bờ cỏ, ngoài ruộng lúa. Chính tôi đương cổ động tất cả hãy hoạt động để phá cho được cái lâu đài của thằng Mèo quái ác ấy đi. (Đám cưới Chuột, tr.73)
Như vậy, có thể thấy, Tô Hoài đã mượn hình thức đồng thoại để một phần nào đó tác động về nhận thức chính trị đối với tầng lớp thanh niên thời trước Cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên, những trường hợp như hai tác phẩm trên không thấy xuất hiện nhiều trong thể loại đồng thoại.
Trên phương diện đối tượng tiếp nhận, dung lượng truyện cùng với những khác biệt về mặt ngôn ngữ như đã nói ở trên cũng có sự chi phối đến khả năng tiếp nhận của trẻ. Các truyện đồng thoại dài thường không dành cho các em mới bắt đầu đi học mà thường cho đối tượng độc giả đã có một số vốn ngôn ngữ nhất định, trong đó có vốn từ Hán – Việt. Thậm chí khi đặt bút viết những tác phẩm dài, nhà văn cũng hướng đến độc giả trưởng thành bên cạnh đối tượng tiếp nhận là trẻ em. Những tác phẩm như Dế Mèn phiêu lưu ký, Chèo Bẻo đánh Quạ của Tô Hoài, Tôi là Bêtô, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ của Nguyễn Nhật Ánh không dành cho các em ở lứa tuổi mẫu giáo hay đầu cấp tiểu học.
Trong khi đó, các truyện đồng thoại có dung lượng ngắn thường được dùng trong bậc học mẫu giáo. Ngay cả khi chưa biết mặt chữ nhưng qua lời đọc của giáo viên hay phụ huynh, các em vẫn có thể tiếp nhận một cách dễ dàng.
Như trên đã phân tích, vấn đề sử dụng từ Hán – Việt trong truyện đồng thoại nhìn chung là có cân nhắc. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa từ Hán-Việt không có vai trò trong thể loại này. Do lớp từ này có nhiều sắc thái đặc biệt, so với từ thuần Việt như sắc thái tao nhã, trang trọng, khái quát, sắc thái cổ [53, tr.166], cho nên chúng được sử dụng để tạo nên một số hiệu quả nhất định. Truyện Võ sĩ Bọ Ngựa nhờ dùng nhiều từ Hán – Việt mà gợi ra được cái không khí mang hơi hướng võ hiệp theo phong cách hài hước, giễu nhại. Đám cưới Chuột cũng nhờ đó mà vẽ nên bức tranh xã hội phong kiến nho giáo xưa. Truyện Thủ lĩnh đi bằng hai chân của Đồng Xuân Lan dùng nhiều từ Hán – Việt như chỉ huy, xứng đáng, vô địch, thủ lĩnh, đồng ý, thông thái, đề nghị, tổ chức… trong một câu chuyện mô phỏng một cuộc họp, tranh luận theo kiểu của người lớn. Đọc các tác phẩm đồng thoại, những đoạn văn sử dụng nhiều từ Hán – Việt không phải là hiếm gặp. Việc sử dụng này là có chủ đích.
Đây là lời “văn vẻ” của nhân vật thầy đồ Cóc trong Dế Mèn phiêu lưu ký: