CHƯƠNG 1: CẢM HỨNG TRỮ TÌNH - SỬ THI TRONG THƠ CHỐNG MỸ
1.2. Đặc điểm cảm hứng trữ tình - sử thi trong thơ chống Mỹ
1.2.4. Đặc điểm về giọng điệu nghệ thuật
Giọng điệu nghệ thuật tồn tại trong thế giới nghệ thuật, thuộc phạm trù thi pháp học. Các tác giả Từ điển các thuật ngữ văn học định nghĩa giọng điệu là: "Thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn
39
qui định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm" [22, tr.l 12]. Ở nước ngoài, nghiên cứu giọng điệu nghệ thuật là vấn đề không mới. M.Bakhtin đã đề cập đến khái niệm này trong các công trình nghiên cứu về tiểu thuyết. Theo M.Bakhtin, giọng điệu bao giờ cũng thể hiện thái độ, lập trường của chủ thể và bao giờ cũng gắn với cảm hứng chủ đạo và kiểu sáng tác. Đặc biệt, ông còn nêu lên vấn đề "loại hình hóa giọng điệu, đặt giọng điệu trong bối cảnh văn hóa" [71, tr.9]. Theo đó, nghiên cứu giọng điệu có xu hướng mở rộng chứ không dừng lại ở một nhà văn cụ thể. M.B Khrapchenko trong "Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học" cũng bàn kỹ đến vấn đề giọng điệu. Theo ông, một nghệ sĩ tài năng bao giờ cũng tạo ra một giọng điệu độc đáo. Còn G.N Pôxpêlôp thì thừa nhận cảm hứng có vai trò chi phối giọng điệu tác phẩm.
Ở Việt Nam, từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, những nhà nghiên cứu theo hướng thi pháp học hiện đại đã tập trung nghiên cứu vấn đề giọng điệu trên các phương diện và các cấp độ khác nhau. Nhiều nhất vẫn là nghiên cứu giọng điệu nhà văn, tiếp cận phong cách nghệ thuật từ giọng điệu. Xác định giọng điệu trong tác phẩm văn học, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà viết: "Giọng vừa liên kết các yếu tố hình thức khác nhau, làm cho chúng cùng mang một âm hưởng nào đó, cùng có chung một khuynh hướng nhất định, vừa là chỗ dựa chính để các yếu tố của tác phẩm qui tụ lại và định hình, thống nhất với nhau theo một kiểu nào đó, trong chỉnh thể giọng ấy, mỗi yếu tố hiện ra rõ hơn, đầy chất thơ hơn, thậm chí có khi mới mẻ hơn "[94, tr.152].
Một điều nữa khiến chúng tôi quan tâm là hầu hết các nhà nghiên cứu hàng đầu ở nước ta đều thừa nhận sự tương ứng giữa cảm hứng với giọng điệu. Trần Đình Sử khẳng định: "Giọng điệu tác phẩm phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo và các dạng cảm hứng như cao cả, bi kịch, hài kịch, lãng mạn, cảm thương..." [73, tr.356]. Còn nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến thì quả quyết: "Cảm hứng nào giọng điệu ấy nhưng cũng có thể ngược lại, giọng điệu định hướng hình thành cảm hứng" [27, tr.136]. Tiếp theo là quan niệm giọng điệu mang tính thời đại, ở mỗi thời đại có một loại hình giọng điệu đặc trưng: "Mỗi thời đại nhìn chung có một giọng điệu riêng, thể hiện cách thức chiếm lĩnh hiện thực và lí giải hiện thực riêng. Gắn với điều này là quan niệm nghệ thuật của thời ấy"[13, tr.104 -105].
Thơ kháng chiến chống Mỹ lấy cảm hứng trữ tình - sử thi làm chủ đạo. Nó là sản phẩm tất yếu của thời đại cả nước ra trận. Tương ứng với cảm hứng chủ đạo này là giọng điệu trữ tình - sử thi (còn gọi là giọng điệu anh hùng ca), có thể nói đây là chủ âm trong giàn đồng ca
thơ chống Mỹ. Tuy nhiên, trên cái giọng nền ấy cũng xuất hiện những giọng điệu khác, tức là các sắc thái khác nhau của nó: "Thơ ca chống Mỹ có những đóng góp đáng chú ý về phương diện thi pháp... Các sắc thái giọng điệu thơ khá phong phú, đa dạng" [14, tr.l 1]. Nhìn tổng thể thơ ca chống Mỹ, chúng tôi thấy nổi lên một số giọng điệu chủ yếu sau đây:
• Giọng hào sảng, lạc quan.
Hào hùng, sôi động, sảng khoái, lạc quan là âm hưởng chủ đạo trong thơ ca cách mạng nói chung và thơ chống Mỹ nói riêng. Có thể nói, ở mức độ này, mức độ khác, phần lớn các sáng tác thơ ca trong hai cuộc kháng chiến đều là những bài ca về cuộc sống vĩ đại của dân tộc.
Tâm thế của các nhà thơ là tâm thế của người ca sĩ hát lên những khúc ca đẹp nhất dâng tặng quê hương, xứ sở mình: "Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát / Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta"(Tố Hữu). Để ca ngợi đất nước một cách chân thật hơn, say sưa hơn, bản thân nhà thơ tự cảm thấy cần nỗ lực hết mình, nâng mình lên ngang tầm thời đại: "Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy" (Chế Lan Viên). Chất giọng hào sảng được hiện lên ngay ở tiêu đề thi phẩm, từ Gió lộng, Ra trận, Hai đợt sóng, Hoa dọc chiến hào, Mặt đường khát vọng, Vầng trăng và quầng lửa... đến: Người con gái Việt Nam , Dáng đứng Việt Nam, Tố quốc bao giờ đẹp thế này chăng... Các nhà thơ như đều muốn hướng tới một tầm không gian cao rộng, đầy nóng bỏng.
Và chỉ có ở tầm cao ấy, con người mới dễ bề vươn lên thành Phù Đổng: "Cánh tay thần như Phù Đổng sẽ vươn mây" (Chế Lan Viên), thành Thạch Sanh: "Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi" (Tố Hữu). Dĩ nhiên, muốn có được chất giọng này, nhà thơ nhất thiết phải thực sự ngập tràn trong cảm hứng ngợi ca:
Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi
(Tố Hữu)
Thơ kháng chiến chống Mỹ là thơ hiện thực (không có thơ tượng trưng hoặc siêu thực).
Nhưng để thể hiện tầm vóc cao đẹp của dân tộc và con người Việt Nam, nhiều nhà thơ đã sử dụng bút pháp huyền thoại hóa, tâm linh hóa "Em là ai? Cô gái hay nàng tiên" (Tố Hữu). Điều này cũng không có gì lạ, bởi hiện thực cuộc kháng chiến chống Mỹ vốn đã tiềm ẩn nhiều huyền thoại: con người huyền thoại, địa danh huyền thoại, chiến công huyền thoại, nhà thơ không thể không bộc lộ giọng điệu hào hùng, sảng khoái để ghi lấy âm hưởng của thời đại ấy:
Này đây
41
Doi đất Cửu Long xanh Sư đoàn châu thổ Giữa bãi sú, rừng tràm
Vụt đứng dậy sư đoàn Nam Bộ Sư đoàn Tây Nguyên
Từ hầm chồng, bẫy đá, cung tên (Phạm Ngọc Cảnh)
Một dân tộc vừa đánh giặc vừa làm thơ. Khi giặc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh thì giọng thơ ấy lại càng cất cao sang sảng. Ở đây không thể không nói đến vai trò đặc biệt của nhà thơ Hồ Chí Minh, linh hồn cao nhất của cuộc kháng chiến. So với trước đây, thời chống Mỹ Bác làm thơ ít hơn. Nhưng những bài Bác viết ra lại ngùn ngụt khí thế cách mạng và chứa chan niềm tin chiến thắng:
Đã lâu không làm bài thơ nào Nay lại thử làm xem ra sao Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy Bỗng nghe vần "thắng" vút lên cao.
Và còn nhiều nữa những giọng thơ sang sảng, thiết tha như thế. Giọng điệu trữ tình - sử thi khiến cho nhà thơ thích tìm đến những găm màu sáng, những âm thanh mạnh, những biểu tượng gợi cảm giác về sự kỳ vĩ, tự hào. Đồng thời giọng điệu này cũng chi phối nhà thơ trong việc xây dựng nhân vật trữ tình, sự áp đảo của giọng điệu hùng ca khiến cho những tiếng nói đau thương, mất mát trong chiến tranh chuyển sang sắc màu tin tưởng, hoặc ít nhất cũng là sự tỉnh táo:
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.
(Dương Hương Ly)
• Giọng trữ tình, thống thiết.
Bên cạnh giọng hùng ca làm chủ âm, thơ chống Mỹ còn có thêm giọng trữ tình thống thiết. Nếu giọng điệu hùng ca khởi phát từ cảm hứng sử thi thì giọng trữ tình thống thiết lại được sản sinh từ bản chất thể loại và chủ thể sáng tạo. Thơ chống Mỹ là tiếng nói tình cảm của một dân tộc đứng ở đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng, chất trữ tình đã hòa quyện tự nhiên, nhuần nhụy với chất anh hùng ca. Do vậy sự gắn kết giữa giọng hào sảng, lạc quan với giọng trữ tình, thống thiết là hai mặt của một vấn đề: "Chất trữ tình và anh hùng vẫn là hai thành phần, hai phẩm chất, hai giọng điệu quen thuộc của thơ ca yêu nước truyền thống. Nhưng trong thơ ca chống Mỹ, những phẩm chất trên được thể hiện một cách phong phú và nhất quán hơn" [11, tr.173]. Giọng trữ tình thống thiết trước hết được xuất phát từ cảm hứng "rưng rưng" trước vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam trong những tháng năm gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Một Việt Nam lẫm liệt trên trận tuyến chống ngoại xâm được cất lên bằng giọng thơ hào sảng, ngân vang bên cạnh một Việt Nam trầm tĩnh, bao dung thường được ví như người mẹ hiền lành, nhân hậu; giọng thơ trở về dịu êm, đằm thắm, chan chứa ân tình:
Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!
Trong khổ đau, người đẹp hơn nhiều Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng Nhận nại nuôi con, suốt đời im lặng.
(Tố Hữu)
Nguyễn Đình Thi rất thành công trong thơ và nhạc sục sôi khí thế cách mạng nhưng thơ ông cũng rất tâm tình, lắng sâu qua những cảm xúc về đất nước và con người Việt Nam trong những năm tháng chiến đấu:
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
Thơ Huy Cận có đặc điểm nổi bật là giản dị, hồn hậu mà xúc động sâu sắc. Trong kháng chiến chống Mỹ, hồn thơ ấy sớm hòa nhập với khí thế của thời đại. Tuy vậy, thơ ông không phải bao giờ cũng sôi nổi, dạt dào, tràn ngập niềm vui trước "Một khối hồng" như Xuân Diệu.
43
Huy Cận cũng ngợi ca nhưng trong nhiều trường hợp, chất giọng ngợi ca ấy lại điềm đạm, đúng với cái "tạng" của ông:
Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.
Tố Hữu trước sau vẫn giữ vị trí trung tâm của thơ ca cách mạng. Giọng điệu tâm tình, tha thiết luôn nhất quán trong thơ ông, đến thời kỳ này lại càng đằm thắm hơn, nồng nàn hơn. Với Tố Hữu, dù có nói đến những sự kiện lớn lao của dân tộc hay những chủ trương, đường lối của Đảng thì những sự kiện, chủ trương đó bao giờ cũng được trữ tình hóa bằng giọng thơ dịu ngọt, tình tứ. Bởi vậy, chất giọng sử thi trong thơ ông luôn hoà nhập nhuần nhuyễn với chất giọng trữ tình. Nhà thơ viết về chị Lý anh hùng bằng lời thơ dịu dàng, tràn ngập yêu thương:
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Chất giọng trữ tình nhiều khi được đẩy đến mức thống thiết. Đó là những bài thơ viết về nỗi đau đất nước bị chia cắt trong thập niên đầu của cuộc kháng chiến. Khó ai cầm lòng cho đặng khi ở Miền Nam ngập tràn những cảnh đốt phá, chém giết do Mỹ - ngụy gây ra. Giọng điệu trữ tình thống thiết có khi được vang lên từ các cụm từ "có thể nào yên", "có thể nào khuây", "có thể nào nguôi" nghe sao mà thổn thức đến nao lòng. Trong những nhà thơ quê Nam sống trên đất Bắc, Tế Hanh là người thể hiện sâu đậm nhất chất giọng trữ tình thống thiết. Thơ ông gieo vào lòng người đọc nỗi nhớ thương đến nghẹn ngào:
Tôi không phải người đi kiếm khổ đau Nhưng khổ đau vẫn là sự thực
Như đất nước lòng ta chưa thống nhất Em ở đâu rồi, em ở đâu?
Sau nỗi đau đất nước chia cắt là những cuộc tiễn đưa. Trong kháng chiến chống Mỹ có vô số những cuộc tiễn đưa: mẹ tiễn đưa con, vợ tiễn đưa chồng, người yêu đưa tiễn người yêu... Họ chúc tụng, động viên, hẹn hò và hết thảy đều lưu luyến, nhớ nhung. Những cuộc tiễn đưa như thế không chỉ là nụ cười, là câu hát mà còn có cả nỗi buồn và nước mắt. Điều này, về
sau nhà thơ Tạ Hữu Yên nói rất đúng: "ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các con không về lòng mẹ lặng yên". Như vậy, viết về những cuộc tiễn đưa (dù đó là Cuộc chia li màu đỏ), nhà thơ cũng không thể không bộc lộ bằng giọng thơ ngậm ngùi, đầy xúc động:
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cành chia li Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia Không dấu nổi tình yêu cô rực cháy, Không che được nước mắt cô đã chảy...
(Nguyễn Mỹ)
• Giọng triết lý, suy tưởng.
Thơ khởi phát từ tình cảm nhưng không phải duy nhất chỉ có tình cảm. Nhà thơ Sóng Hồng cho rằng: "Thơ là tình cảm và lý trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật" [39, tr.124]. Tình cảm và trí tuệ trong thơ không loại trừ nhau mà luôn gắn bó mật thiết, bổ sung cho nhau. Sự hàm súc và chiều sâu luôn là một yêu cầu cao đối với thơ, mà điều đó chỉ có thể đạt được bằng cách huy động sức mạnh của trí tuệ, thông qua suy tưởng, triêt lý, tăng cường tính chính luận. Hơn nữa, sự ra đời giọng điệu triết lý, suy tưởng đậm chất chính luận một phần cũng do xuất phát từ đòi hỏi của thời đại chống Mỹ. Sự kiện Việt Nam chống Mỹ đã trở thành tâm điểm của phong trào cách mạng thế giới; các nhà thơ không thể dừng lại ở việc mô tả, trình bày, ngợi ca mà còn phải khám phá, phát hiện, bộc lộ những suy nghĩ sâu sắc của mình về con người và cuộc sống, về dân tộc và thời đại.
Giọng điệu triết lý, suy tưởng giàu tính chính luận thường được thể hiện bằng thể thơ tự do, ít gieo vần, chủ yếu là thơ điệu nói: "Xưa tôi hát mà bây giờ tập nói / Chỉ nói thôi mới nói được hết đời" (Chế Lan Viên), cấu trúc câu thơ cũng thường theo hướng mở rộng. Nhờ tăng số lượng âm tiết trong câu thơ mà nhà thơ có khả năng diễn tả nhiều cảm nhận, nhiều ý tưởng của mình về cuộc sống. Tuy nhiên mở rộng không có nghĩa là dài dòng, vô vị mà nó vẫn giữ được tính hàm súc và vẫn đi bằng nhịp điệu. Tiếng gọi đàn của giọng thơ này chính là Chế Lan Viên. Ông vốn có tư chất của giọng thơ triết luận, thích suy tưởng, cho nên một trong những vẻ đẹp nổi bật ở thơ Chế Lan Viên đó là chất trí tuệ. Chế Lan Viên không chỉ đằm thắm trong cảm xúc mà ông còn suy ngẫm sâu sắc để góp phần lý giải những vấn đề của dân tộc, của thời đại. Chẳng hạn, cũng viết về Tổ quốc, ngợi ca Tổ quốc Việt Nam trong đánh Mỹ nhưng ông
45
vừa say mê vừa tỉnh táo để soi Tổ quốc từ nhiều phía: Tổ quốc lừng lẫy, tỏa sáng nhưng cũng đầy nước mắt, đau thương; giọng thơ Chế Lan Viên trầm lắng đi vào chiều sâu suy tưởng:
Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời, Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn chiêu hồn từng thám giọt mưa rơi
Huy Cận cũng là một nhà thơ giàu suy nghĩ. Tuy không đúc kết thành những châm ngôn giàu chất trí tuệ như Chế Lan Viên, nhưng Huy Cận lại thường đi từ những hình ảnh chi tiết, cụ thể mà khám phá ra ý nghĩa sâu xa, những mối tương quan về thời gian (quá khứ, lịch sử, hiện tại) về không gian (con người, tạo vật, vũ trụ). Chẳng hạn, quan sát Các vị La Hán chùa Tây Phương qua những vết chạm khắc tạo nên chân dung đầy khổ hạnh của các pho tượng, Huy Cận đã mượn chuyện phật để nói chuyện đời, hướng người đọc suy tưởng đến một thời cha ông ta sống trong xã hội đầy tăm tối, vật vã, không tìm được lối ra:
Mỗi người mỗi vẻ mặt con người Cuồn cuộn đau thương chảy dưới trời Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi
Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị, trước sau thơ ông vẫn là những lời tâm tình da diết kể cả khi ông đưa chất chính luận vào thơ. Càng về cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, thơ Tố Hữu càng gia tăng những suy tư, chiêm nghiệm, triết lý nhằm nhận thức và lý giải ở chiều sâu về dân tộc, về lịch sử, về con người Việt Nam, về cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Nhờ vậy, giọng thơ Tố Hữu càng trở nên sâu sắc, có sức nặng bên trong:
Chúng muốn đốt ta thành tro bụi Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm Chúng muốn ta bán mình ô nhục Ta làm sen thơm ngát giữa đồng