CHƯƠNG 2: NỘI DUNG CẢM HỨNG TRỮ TÌNH - SỬ THI TRONG THƠ LÊ
2.1. Lê Anh Xuân, cu ộc đời và hành trình thơ
2.1.1. Tiểu sử Lê Anh Xuân.
Lê Anh Xuân (bút danh) tên khai sinh Ca Lê Hiến sinh ngày 5 tháng 6 năm 1940 tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Quê gốc: xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
Ông xuất thân trong một gia đình trí thức yêu nước. Bố là giáo sư Ca Văn Thỉnh (1902-1987), nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học có tầm cỡ ở nước ta. Mẹ: Lê Thị Tài, cũng là một nhà giáo tận tụy, nhân từ, phúc hậu.
Lê Anh Xuân là con thứ năm trong một gia đình có sáu người con (Nam Bộ gọi thân mật: Sáu Hiến). Các anh chị em ruột của nhà thơ đều thành đạt trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, đạo diễn, hội họa. Thời niên thiếu của Lê Anh Xuân gắn với những năm tháng bão táp cách mạng, quê hương có nhiều biến động, gia đình tham gia kháng chiến cho nên việc học hành cũng không được thuận lợi.
Năm 1950, Lê Anh Xuân sống với bố mẹ ở vùng kháng chiến Tây Nam Bộ, học trường con em cán bộ Trần Quốc Toản (Bạc Liêu), sau đó chuyển về trường Biển Bạch, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Bạn học thân thiết nhất lúc này có Bùi Thị Xuân Lan (em gái nhà văn Anh Đức), một cái tên quen thuộc trong nhật ký, góp phần tạo nguồn cảm hứng thơ và hình thành bút danh Lê Anh Xuân.
Cuối năm 1952, Lê Anh Xuân vào làm việc ở nhà in Trịnh Đình Trọng, thuộc Sở giáo dục Nam Bộ. Tại đây, Lê Anh Xuân vừa tiếp tục học văn hóa vừa tập làm công nhân xếp chữ và bắt đầu làm thơ đăng báo tường của nhà in. Năm 1954, Lê Anh Xuân cùng gia đình tập kết ra Miền Bắc, vào học Trường học sinh Miền Nam (Hải Phòng), Trường phổ thông trung học Nguyễn Trãi (Hà Nội) và trở thành sinh viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1962, tốt nghiệp Đại học, ông được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy và được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài (1963). Nhưng cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, Lê Anh Xuân tình nguyện xin trở về quê hương chiến đấu.
Tháng 12 năm 1964, Lê Anh Xuân trong đoàn cán bộ giáo dục (phiên hiệu K.33) vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ, công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn
49
Trung ương cục. Tháng 7 năm 1965, chuyển sang công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Từ đây, Lê Anh Xuân sống và chiến đấu với tư cách người chiến sĩ - nghệ sĩ. Ông tham gia đợt 2 chiến dịch tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 và anh dũng hy sinh vào ngày 24 tháng 5 năm 1968 tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Hiện nay, phần mộ Lê Anh Xuân được di táng về nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Ở tỉnh Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác có những con đường, trường học mang tên nhà thơ Lê Anh Xuân.
2.1.2. Hành trình thơ Lê Anh Xuân
Theo một số tài liệu nghiên cứu và qua lời kể của người thân trong gia đình thì Lê Anh Xuân bắt đầu sáng tác thơ từ lúc còn nhỏ tuổi: "Mới 12,13 tuổi nhưng anh đã bắt đầu làm thơ đăng báo tường của nhà in" [46, tr.392]. Nhưng phải đến bài Nhớ mưa quê hương đạt giải nhì, giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ năm 1961 thì Lê Anh Xuân mới khẳng định được tài năng thơ của mình. Và cũng kể từ đó cho đến khi hy sinh (1968), sự nghiệp sáng tác của ông mới thực sự nở rộ, thơ ông mới có vị trí tỏa sáng trong nền thơ chống Mỹ.
Hành trình thơ Lê Anh Xuân chia làm hai thời kỳ:
• Thời kỳ học tập và công tác ở Miền Bắc (1954 -1964), bút danh Ca Lê Hiến. Các sáng tác của ông được tập hợp trong tập Tiếng gà gáy (24 bài thơ). Có thể nói, trong Tiếng gà gáy bên cạnh những khúc hát ngợi ca cuộc sống đổi thay trên quê hương Miền Bắc là nỗi lòng thổn thức, đau đáu, đầy hoài mong của nhà thơ đối với Miền Nam yêu thương:
Quê nội ơi!
Mấy năm trời xa cách
Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi Nghe tiếng trời gầm xa lắc Cớ sao lòng thây nhớ thương.
Quê nội của nhà thơ: huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, một cái nôi cách mạng, trung tâm của phong trào Đồng khởi năm 1960. Tác giả lấy tên bài thơ Tiếng gà gáy (1961) để định danh cho tập thơ của mình chắc là có dụng ý: "Tiếng gà gáy như tiếng em thầm nhắc / Như quê hương đang giục trả thù". Âm vang Tiếng gà gáy báo hiệu một thời cơ mới, vận hội mới cũng như phong trào Đồng khởi trên quê hương vậy. Và kể từ đây, thơ viết về Miền Nam không chỉ là
nỗi nhớ thương da diết mà còn có cả tiếng súng, tiếng mõ, tiếng hò reo náo động ở trong đó nữa.
Năm 2002, Hàn Anh Trúc, tác giả công trình Chuyện văn, lai lịch nhà thơ, lai lịch bài thơ (Nxb Thanh niên) đã sưu tầm giới thiệu một bài thơ không có tựa đề và cho là của Lê Anh Xuân. Theo Hàn Anh Trúc thì:
"Thơ Lê Anh Xuân đầy tính trữ tình... chữ "tình" trong thơ Lê Anh Xuân quyện trong lý tưởng, quyện trong tình yêu quê hương...Nhưng trên thực tế, anh cũng có thơ tình dành riêng cho một người. Đó là bài thơ không có tên, Lê Anh Xuân viết vào hè 1963 trên bãi biển Trà Cổ tặng riêng cho một người con gái - người yêu. Bài thơ viết trước một năm về Miền Nam chiến đấu. Sau gần 30 năm bài thơ do người yêu năm xưa của nhà thơ gửi đến một tờ báo" [96, tr.834].
Bài thơ gồm ba khổ, mỗi khổ bốn dòng, mỗi dòng có 7 hoặc 8 tiếng, theo suy nghĩ bước đầu của chúng tôi, dòng thơ khởi đầu trong khổ thứ nhất:
Chân em đi trên bờ cát trắng phau, Mấy con dã tràng rủ nhau chạy mất Còn anh, anh vẫn ngồi xe cát,
Nhưng vì sao, anh chẳng sợ hỡi em?
Ở đây có dấu ấn của môtíp "đi chân đất" đã quen thuộc trong thơ Lê Anh Xuân, chẳng hạn: "Nhớ em gái cùng ta đi học / Con đường làng cát lún chân em" (Gửi Bến Tre), Hoặc: "Dấu chân em đẹp quá / Như hoa / Nở trên bến phù sa" (Dòng sông tuổi nhỏ). Nhưng rất tiếc, trong tài liệu này, tác giả Hàn Anh Trúc lại không kèm theo bút tích và cũng không ghi rõ số báo mà người yêu của Lê Anh Xuân đã cung cấp bài thơ. Hơn nữa, ngoài dấu ấn của môtíp trên, không hiểu vì sao khi đọc các khổ thơ tiếp theo, chúng tôi vẫn cứ ngờ ngợ như giọng thơ ở đây chưa thật khớp với Lê Anh Xuân. Thêm vào đó, trong bài viết của mình, chính Hàn Anh Trúc cũng có sự nhầm lẫn khi trích dẫn hai câu thơ của Lê Anh Xuân trong bài Tiêng gà gáy: "Tiêng gà gáy như tiếng em nhắc thầm / Lòng em là con nước đầy sông [96, tr.834]. Trong khi Lê Anh Xuân lại viết: "Tiếng gà gáy như tiếng em thầm nhắc / Như quê hương đang giục trả thù" ( Thơ Lê AnhXuân, Nxb Văn học, 1981 tr.14).
Bởi thế, một mặt chúng tôi rất trân trọng ý kiến của Hàn Anh Trúc, coi đây như một tìm tòi mới, mở ra hướng nghiên cứu mới về thơ Lê Anh Xuân. Mặt khác, chúng tôi cũng chưa thể
51
chỉ căn cứ vào một bài viết để kết luận Lê Anh Xuân có cảm hứng trữ tình riêng tư thuần túy bên cạnh cảm hứng trữ tình - sử thi. Vấnđề này đòi hỏi phải có thêm thời gian để tập hợp cứ liệu được đầy đủ hơn, tìm hiểu kỹ hơn. Đó là việc làm cần thiết đối với mọi người trong nghiên cứu khoa học.
• Thời kì trở về Miền Nam chiến đấu cho đến khi hy sinh (từ tháng 12 năm 1964 đến tháng 5 năm 1968), bút danh Lê Anh Xuân. Đây là thời kỳ Lê Anh Xuân có một bước trưởng thành cả về lập trường tư tưởng lẫn vốn sống và bút pháp nghệ thuật. Bước trưởng thành đó gắn liền với con người ông: từ một nhà thơ - trí thức đến một nhà thơ - chiến sĩ. Khi trực tiếp trải nghiệm cuộc sống nơi chiến trường và được đắm mình với quê hương trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng, hồn thơ Lê Anh Xuân trở nên vừa da diết nồng hậu vừa cứng cỏi, kiên trung. Chỉ trong bốn năm vừa cầm súng vừa cầm bút, Lê Anh Xuân đã cho ra mắt độc giả tập Hoa dừa (36 bài thơ). So với Tiếng gà gáy, Hoa dừa sôi động, chắc khỏe và phơi phới hơn, tình yêu quê hương đất nước cũng nồng nàn, sâu đậm cảm hứng trữ tĩnh - sử thi hơn.
Tiếp theo tập Hoa dừa là Trường ca Nguyễn Văn Trỗi. Để hoàn thành tác phẩm dài hơi này, Lê Anh Xuân đã lao động rất cật lực. Ông vừa tìm gặp chị Quyên nghe kể chuyện về anh Trỗi vừa đọc và suy ngẫm từ tác phẩm Sống như Anh của Trần Đình Vân để có thêm tư liệu.
Theo hồi tưởng của nhà văn Anh Đức, Lê Anh Xuân bắt tay viết Trường ca Nguyễn Văn Trỗi từ năm 1967, trong rừng chiến khu D: "Trong nhiều buổi chiều tà, khi cánh rừng bằng lăng trút dần ánh nắng, cũng thường là khi cơn sốt của Hiến hạ dần. Tối đến, Hiến lại ngồi vào bàn làm thơ. Dạo ấy Hiến đang viết trường ca Nguyễn Văn Trỗi dài trên một ngàn câu" [16, tr.110-111]. Năm 1969 (sau khi Lê Anh Xuân hy sinh), Trường ca Nguyễn Văn Trỗi chính thức được Nhà xuất bản Giải Phóng ấn hành. Có thể nói, đối với một nhà thơ trẻ như Lê Anh Xuân có được trường ca dài 1341 câu trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và khi thể loại này chưa phổ biến là một đóng góp rất đáng trân trọng của ông vào nền thơ chống Mỹ.
Tuy có chỗ còn hơi dàn trải và dễ dãi nhưng từ câu chuyện có thật, Lê Anh Xuân đã chuyển hóa thành hình tượng nghệ thuật đậm dấu ấn về người anh hùng thời đại: trữ tình, lãng mạn mà bất khuất, hiên ngang. Trường ca Nguyễn Văn Trỗi xứng đáng là "Tượng đài liệt sĩ bằng thơ" (Hoài Thanh).
Trở về quê hương chiến đấu, ngoài sáng tác thơ, Lê Anh Xuân còn viết truyện ngắn Giữ đất (1966) và viết nhật ký. Nhật ký của ông chủ yếu ghi chép bằng văn xuôi để bộc lộ những tâm sự riêng tư, nhưng cũng có khi xen vào những vần thơ trữ tình. Sau khi hy sinh, Nhật ký của Lê Anh Xuân được đồng đội chuyển về cho gia đình. Trong thư gửi giáo sư Huỳnh Lý
ngày 7 tháng 7 năm 1977, giáo sư Ca Văn Thỉnh (thân sinh nhà thơ) có kèm theo chùm thơ được rút ra từ Nhật ký trên.
Như vậy, hành trình thơ Lê Anh Xuân chỉ trong vòng tám năm, các sáng tác của ông lần lượt được ấn hành. Đến năm 1981, Nhà xuất bản Văn học đã sưu tầm và in lại toàn bộ các tập thơ, trường ca, thành Thơ Lê Anh Xuân. Lê Anh Xuân hy sinh khi tài năng đang bước vào độ chín. Ông đã được nhận các giải thưởng: Giải nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ năm 1961 (bài Nhớ mưa quê hương). Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam (1965). Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật (truy tặng năm 2001).