Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG
1.2. Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng
1.2.2. Nhân tố tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Các nhân tố tự nhiên bao gồm địa hình, địa chất, khí hậu, nguồn nước, đất đai và sinh vật. Đây là những nhân tố đóng vai trò cơ sở, tiền đề nhằm định hướng phân bố cây trồng và phát triển qui mô sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái của lãnh thổ. Mỗi nhân tố có những tác động nhất định, trong đó khí
hậu, đất đai và nguồn nước là những nhân tố có ảnh hưởng quan trọng nhất đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
1.2.2.1. Địa hình
Nhân tố địa hình với các đặc điểm độ cao, độ dốc, mức độ chia cắt đã có những ảnh hưởng nhất định đến lựa chọn, phân bố các loại cây trồng, khả năng phát triển phù hợp với đặc điểm sinh thái, năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản.
Ngoài ra, địa hình còn ảnh hưởng gián tiếp đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng thông qua tác động tới các nhân tố tự nhiên khác (khí hậu, nước, đất) và các yếu tố KT-XH trên địa bàn sản xuất (thủy lợi, giao thông,…).
1.2.2.2. Khí hậu
Khí hậu là nhân tố có ảnh hưởng quan trọng và trực tiếp đến phát triển cơ cấu cây trồng. Khí hậu với các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng, độ ẩm, chế độ gió và cả những biến động thời tiết, biên độ nhiệt, thiên tai có ảnh hưởng rất lớn tới việc xác định cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, khả năng xen canh, tăng vụ và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Mỗi loại cây trồng chỉ thích hợp để có thể phát triển bình thường và đưa lại hiệu quả với những điều kiện, đặc điểm khí hậu nhất định.
1.2.2.3. Nguồn nước
Muốn duy trì nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng cần phải đáp ứng nhu cầu nước đầy đủ. Nước có ảnh hưởng quan trọng đến qui mô diện tích, phân bố, năng suất, sản lượng và hiệu quả của cây trồng.
Khả năng tưới tiêu phản ánh trình độ thâm canh, khả năng cung cấp nước góp phần qui định loại cây trồng, diện tích, khả năng mở rộng và năng suất cây trồng. Từ đó tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sao cho hiệu quả.
Hiện nay, nhu cầu nước ngọt cho nông nghiệp ngày càng tăng cao. Vì vậy, ngoài việc xây dựng hệ thống thủy lợi, sử dụng hợp lí, tiết kiệm nguồn
nước, chúng ta cần lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm nguồn nước nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo cân bằng cũng như chất lượng nguồn nước.
1.2.2.4. Tài nguyên đất
Đất là tư liệu sản xuất không thể thiếu đối với cây trồng. Mỗi loại đất với đặc điểm hóa học, vật lí như quỹ đất, cơ cấu sử dụng đất, thành phần, độ phì sẽ thích hợp với những loại cây trồng nhất định. Đất đai có những ảnh hưởng nhất định đến qui mô, hướng sản xuất, cơ cấu và sự phân bố cây trồng. Từ đó ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng cả về không gian lãnh thổ và thời gian canh tác. Mỗi địa phương có vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, đặc điểm đất đai khác nhau, điều này qui định các loại cây trồng có thể gieo trồng giữa các địa phương cũng khác nhau.
Đất đai có sự thay đổi theo thời gian, nếu sử dụng không đi đôi với bảo vệ, cải tạo, trồng các loại cây không phù hợp, tài nguyên đất đai sẽ ngày càng suy giảm cả về số lượng, chất lượng. Do đó, lựa chọn cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với từng loại đất, đạt hiệu quả cao là một yêu cầu không thể thiếu đối với công tác định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
1.2.2.5. Sinh vật
Sinh vật tự nhiên xưa là cơ sở để con người thuần dưỡng, cải tạo các giống cây trồng hiện nay. Cây trồng là đối tượng sản xuất của ngành trồng trọt, là thành phần chủ yếu của hệ sinh thái nông nghiệp. Sự đa dạng các loài cây là tiền đề để hình thành, phát triển và tạo khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái.
Mỗi giống loài cây trồng thích hợp với những điều kiện sinh thái khác nhau. Vì vậy việc bố trí các loại cây trồng cần hợp lí và phải phát huy được tiềm năng sinh thái của mỗi địa phương, lãnh thổ. Những thành tựu về nghiên
cứu giống cây trồng đã tạo góp phần quan trọng để chuyển dịch cơ cấu diễn ra đúng hướng và đạt hiệu quả cao.