Định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh đắk lắk (Trang 103 - 114)

Chương 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG TỈNH ĐẮK LẮK ĐẾN NĂM 2020

3.1. Định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk

3.1.1.1. Đường lối và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước

− Theo nghị quyết số 09/2000/NQ-CP về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong 10 năm cần phát huy lợi thế to lớn của nền nông nghiệp nước ta về tiềm năng thiên nhiên, truyền thống làm nông nghiệp, tính cần cù, năng động, sáng tạo của nông dân. Nhằm mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp mạnh, phát triển bền vững, được áp dụng công nghệ mới, từng bước hiện đại hoá, vươn lên trở thành nền nông nghiệp SX hàng hoá lớn, có sức cạnh tranh ngày càng cao trong quá trình hội nhập quốc tế. Việc lựa chọn cơ cấu, qui mô và chủng loại sản phẩm các ngành SX nông nghiệp phải khai thác được lợi thế của cả nước và từng vùng, bám sát nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, phải có khả năng tiêu thụ được hàng hoá, có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, sinh thái.

− Theo Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP đã nêu rõ trong việc chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp là qui hoạch không trồng mới cà phê vối; chuyển một phần diện tích cà phê vối sang trồng cà phê chè ở những nơi có điều kiện.

− Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg về “Phê duyệt qui hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” chỉ rõ: chuyển đổi cơ cấu SX nông nghiệp phải dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ và gắn chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp –

nông thôn. Nhằm nâng cao chất lượng – số lượng nông phẩm, từ đó cải thiện, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho nông dân.

− Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược và phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển KT - XH bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Mục tiêu tổng quát: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn khó khăn. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, SX hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại.

Mục tiêu đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,5 - 4%/năm; sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm và hiệu quả; duy trì diện tích đất lúa hợp lí, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xoá đói, giảm nghèo.

− Theo Quyết định số 1006/QĐ-BNN-TT, ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014-2015 và giai đoạn 2016-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, đã xác định nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất qui mô lớn, tập trung gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng, miền.

Đối với CCNLN có khả năng cạnh tranh cao cần rà soát qui hoạch phát triển cao su, cà phê, chè, hồ tiêu, điều phù hợp với thị trường và đảm bảo các điều kiện

SX bền vững, ưu tiên tập trung tái canh cà phê để duy trì năng suất, sản lượng;

giảm lượng điều nguyên liệu nhập khẩu. Đối với cây ăn quả, mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.Trong đó tập trung các cây ăn quả chủ lực như thanh long, xoài, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, vải, chuối…

Về cơ chế chính sách: xây dựng mới chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa; chính sách tái canh cà phê, chính sách áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn (cao su, cà phê, hồ tiêu, mía…), tập trung ưu tiên hỗ trợ giống mới, xây dựng mô hình, đào tạo, chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là cho nông dân nghèo, vùng sâu vùng xa.

− Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển SX ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030” với mục tiêu chung là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, ngư dân, diêm dân và người làm rừng. Một số chỉ tiêu cụ thể:

+ Giai đoạn 2011 – 2020: năm 2020, nông nghiệp chiếm 64,7% trong cơ cấu ngành nông lâm thủy sản. Tốc độ tăng trưởng GTSX nông sản 4,3 - 4,7%/năm. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 22 tỉ USD. Giá trị sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 70 triệu đồng.

+ Tầm nhìn năm 2030: nông nghiệp chiếm 55% trong cơ cấu ngành nông lâm thủy sản. Tốc độ tăng trưởng GTSX nông sản 4 - 4,3%/năm. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 30 tỉ USD. Giá trị sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 100 - 120 triệu đồng.

3.1.1.2. Chủ trương và định hướng phát triển nông nghiệp Tây Nguyên

Nghị quyết 10-NQ/TW và Quyết định 168/2001/QĐ-TTg đã xác định:

“Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước cả về KT-XH và quốc phòng an ninh, có lợi thế để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp sản xuất hàng hóa kết hợp với công nghiệp chế biến…”

Chiến lược phát triển Nông nghiệp - Nông thôn giai đoạn 2011 – 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã định hướng nông nghiệp chung của Tây Nguyên là: phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp hàng hóa lớn, chất lượng cao như cà phê, cao su, điều; phát triển rau, hoa cao cấp ở Đà Lạt; bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng rừng thâm canh.

Riêng nghành SX nông nghiệp: Phát huy lợi thế so sánh, hình thành vùng chuyên canh quốc gia, SX hàng hóa lớn với một số sản phẩm chiến lược như cà phê, điều, tiêu, cao su, chè. Phát triển vùng chuyên canh ngô cung cấp cho SX thức ăn gia súc trong nước, phát triển hoa, rau công nghệ cao. Ưu tiến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến để tăng thêm giá trị cho các sản phẩm mũi nhọn. Xây dựng một số sàn giao dịch nông sản chính để có thể trực tiếp giao dịch với các trung tâm giao dịch quốc tế. Xây dựng Viện Nghiên cứu nông nghiệp Tây Nguyên thành trung tâm khoa học vùng, đặc biệt mạnh về cà phê, điều.

Phát triển nông thôn: Phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc tại chỗ. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa,... để thu hẹp khoảng cách về điều kiện sống, giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng. Phấn đấu đến năm 2020, có 60% số xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới.

3.1.1.3. Chủ trương và định hướng phát triển SX nông nghiệp, cây trồng Đắk Lắk

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về xây dựng, phát triển khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh Đắk Lắk đang phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Xây dựng nền nông nghiệp SX hàng hóa đa dạng, sử dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tăng sản lượng, chất lượng nông sản xuất khẩu.

Phấn đấu tăng GTSX nông - lâm nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 bình quân đạt 5%, giai đoạn 2016 – 2020 là 4,4 - 4,5%. Tỉ trọng của khu vực Nông – lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2020 từ 40 đến 41%. Phát triển hài hòa giữa các ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên 1 ha đất nông nghiệp.

Phấn đấu đạt giá trị SX nông nghiệp 54 – 55 triệu đồng/ha canh tác vào năm 2020.

Phát triển ngành trồng trọt theo hướng chuyên môn hoá kết hợp với đa dạng hoá sản xuất. Chuyên môn hoá cây trồng nhằm sử dụng triệt để lợi thế so sánh của các vùng và cả nước để phát triển với qui mô lớn thoả mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu ngày càng nhiều. Đa dạng hoá để tạo ra cơ cấu SX hợp lí, trên cơ sở chuyên môn hoá để thoả mãn nhu cầu đa dạng của thị trường và khai thác tối đa tiềm năng sẵn có về điều kiện tự nhiên KT-XH.

Phát triển ngành trồng trọt theo hướng thâm canh ngày càng cao và mở rộng diện tích gieo trồng bằng khai hoang và tăng vụ.

Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trên cơ sở nâng cao năng suất cây lương thực, giảm diện tích cây công nghiệp, mở rộng diện tích cây ăn quả và các cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Phát triển và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất ngành trồng trọt để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá trên thị trường.

3.1.1.4. Thực trạng hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1995 – 2012

Những năm qua, chuyển dịch cơ cấu cây trồng kết hợp với việc ứng dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật và hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, GTSX cây trồng ở Đắk Lắk tăng liên tục; nâng cao năng suất nhiều loại cây trồng; cơ cấu cây trồng đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường và ngày càng phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội; tạo điều kiện để công nghiệp chế biến phát triển ngày càng nhanh và mạnh; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. bộ mặt nông thôn Đắk Lắk từng bước khởi sắc và thay đổi nhanh chóng. An ninh quốc phòng ổn định, trật tự xã hội được đảm bảo.

Mặc dù sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh những năm vừa qua theo hướng tích cực, nhưng nhìn chung cơ cấu chuyển dịch đạt hiệu quả chưa cao, còn mang nặng tính tự phát, qui hoạch và thực hiện qui hoạch còn thiếu chặt chẽ, thiếu chiều sâu, chưa đúng bản chất. Chuyển dịch thiếu song hành với bảo vệ tài nguyên – môi trường, các qui trình trồng và chăm sóc thiếu kĩ thuật nghiêm trọng đều bị bỏ qua. Điều kiện KT-XH còn hạn chế: Cơ sở hạ tầng - cơ sở vật chất kĩ thuật không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng như đường giao thông, công trình thuỷ lợi, sân phơi, máy móc thiết bị, kho hàng phục vụ cho chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

3.1.2. Quan điểm và mục tiêu định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk

3.1.2.1. Quan điểm

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng là một nội dung quan trọng trong định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. Lựa chọn và xây dựng cơ cấu cây trồng hợp lí sẽ góp phần tăng hiệu quả không chỉ ngành trồng trọt, mà còn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng phải đặt trong bối cảnh chung của chuyển dịch cơ cấu cây trồng cả nước, Tây nguyên và điều kiện cụ thể của Đắk Lắk, đảm bảo hiệu quả các mặt kinh tế – xã hội – môi trường.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng diễn ra từng bước, tránh tình trạng chuyển dịch quá nhanh dẫn đến xáo trộn, gây ảnh hưởng lớn đến SX nông nghiệp nói riêng và đời sống nhân dân nói chung. Để quá trình này đạt hiệu quả, thì cần sự liên kết thực hiện của nhiều thành phần, bộ phận: Nhà nước, các sở, ban ngành liên quan và bà con nông dân.

3.1.2.2. Mục tiêu

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm khai thác hợp lí thế mạnh của từng địa phương, phát triển cây trồng theo hướng hiệu quả và bền vững về kinh tế - xã hội – môi trường. Tập trung phát triển những loại cây trồng thế mạnh, đồng thời điều chỉnh, đa dạng hóa các loại cây đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

3.1.3. Định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk

− Trên cơ sở hiện trạng sử dụng đất và tiềm năng đất chưa khai thác, dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên các địa bàn còn tiềm

năng. Định hướng đến năm 2020, diện tích đất SX nông nghiệp khoảng 466.206 ha (chiếm 40,6% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh).

− Trong thời gian tới, trồng trọt vẫn được xác định là ngành SX then chốt.

Định hướng chủ yếu tập trung vào chuyển đổi cây trồng, mùa vụ, tăng hệ số sử dụng đất, đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới, kĩ thuật tiên tiến để tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm, đa dạng hóa cây trồng, đưa những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

− Các cây nông nghiệp chủ yếu của tỉnh vẫn là cây công nghiệp dài ngày có giá trị xuất khẩu như cà phê, cao su, điều, ca cao, hồ tiêu; cây công nghiệp ngắn ngày có tiềm năng như bông vải, mía, lạc, đậu tương; cây lương thực chủ yếu là lúa nước và ngô; rau đậu thực phẩm.v.v. Tuy nhiên, cần ổn định và không tăng thêm diện tích cà phê, bên cạnh đó nên mở rộng diện tích các loại cây cho giá trị kinh tế cao và thị trường lớn, ổn định như các loại cây ăn trái (bơ, sầu riêng,…), hồ tiêu, ca cao,…

− Đến năm 2020, đất trồng cây hàng năm khoảng 211.200 ha, trong đó đất trồng lúa ổn định khoảng 56 – 58 nghìn ha. Diện tích cây hàng năm khác dự kiến năm 2020 đạt 145 nghìn ha, chủ yếu là đậu, sắn, bông, ngô,.v.v. Diện tích đất trồng cây lâu năm khoảng 255 nghìn ha. Thời gian tới tiếp tục định hướng không tăng diện tích cà phê, ổn định ở mức 140 – 160 nghìn ha, thay vào đó tập trung chuyển đổi sang các loại cây lâu năm khác như cao su (25 nghìn ha), điều (50 nghìn ha), hồ tiêu, các loại cây ăn trái.

− Nhóm cây lương thực có hạt, dự kiến đến năm 2020 ổn định diện tích cây lương thực có hạt khoảng 200 nghìn ha. Tăng nhanh diện tích ngô lai trên cơ sở chuyển đổi cây trồng; tăng diện tích gieo trồng lúa nước ở những vùng đảm bảo nước tưới; chuyển đổi diện tích trồng lúa bấp bênh về nguồn nước sang các cây trồng khác như ngô, rau đậu,…

+ Tăng sản lượng lúa chủ yếu dựa trên thâm canh, tăng diện tích lúa 1 vụ lên 2 vụ, sử dụng giống mới, phấn đấu đạt 1,1 – 1,2 triệu tấn vào năm 2020.

Vùng trồng lúa tập trung ở các huyện Ea Sup, Krông Ana, Krông Pắk và Lắk.

Đây là các huyện trồng lúa trọng điểm cần đầu tư thâm canh đạt sản lượng cao đáp ứng cơ bản nhu cầu tại chỗ và an ninh lương thực.

+ Ngô là loại cây dễ tính, có thể xen canh với nhiều loại cây. Tiếp tục chuyển một phần diện tích đất rẫy, đất lúa hay cây dài ngày kém hiệu quả sang mở rộng diện tích ngô, dự kiến đên năm 2020 là 140 – 150 nghìn ha, sản lượng đạt 550 – 700 nghìn tấn. Vùng trồng ngô có qui mô lớn chủ yếu tập trung chủ yếu các huyện Ea Kar, Krông Pắk, Krông Bông, Krông Buk, các huyện có tiềm năng mở rộng lớn là Ea H’leo, Krông Năng.

− Cây lấy bột (chủ yếu là sắn và khoai các loại): phát triển theo hướng SX hàng hóa và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Định hướng diện tích trồng sắn tăng lên 20.000 ha năm 2020, tập trung ở Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk. Đối với khoai lang sẽ ổn định diện tích khoảng 5.000 – 6.000 ha vào năm 2020, tăng cường sử dụng các giống khoai lang cho năng suất và sản lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính và phục vụ xuất khẩu.

− Cây thực phẩm: Xây dựng một số vùng chuyên canh rau đậu, tiến tới phát triển các vùng trồng rau sạch, rau chất lượng cao ở những vùng có điều kiện và nhu cầu lớn như ven TP.BMT, ven các đô thị. Diện tích dự kiến năm 2020 khoảng 20.000 ha, phát triển trên cơ sở tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất.

− Cây công nghiệp ngắn ngày: Tập trung phát triển các loại cây thay thế nhập khẩu và có thị trường tiêu thụ ổn định. Trên cơ sở chuyển diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả, tiến hành xen canh tăng vụ.

− Cây công nghiệp lâu năm: tập trung phát triển các loại cây thế mạnh của tỉnh, tạo khối lượng hàng hóa chủ lực ổn định.

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh đắk lắk (Trang 103 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)