Nhân tố kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh đắk lắk (Trang 31 - 34)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG

1.2. Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng

1.2.3. Nhân tố kinh tế - xã hội

Các nhân tố tự nhiên tuy làm tiền đề nhưng làm thay đổi chậm quá trình chuyển dịch. Trong khi đó, nhóm nhân tố KT-XH chi phối mạnh mẽ và có vai trò quyết định đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu sản phẩm cây trồng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, ngoài đánh giá tác động của các nhân tố tự nhiên, cần thiết phải đánh giá đầy đủ những ảnh hưởng của nhân tố KT-XH đến quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Các nhân tố KT-XH như: Đường lối chính sách, thị trường, cở sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, lao động, tiến bộ khoa học công nghệ, trình độ phát triển các ngành kinh tế, tổ chức lãnh thổ nông nghiệp,…

1.2.3.1. Thị trường tiêu thụ nông sản

Thị trường tiêu thụ nông sản gồm thị trường trong và ngoài nước. Trong mỗi thị trường lại bao gồm thị trường tiêu thụ trực tiếp và thị trường nguyên liệu chế biến. Đây là nhân tố quyết định đối với chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng như cơ cấu kinh tế. Vì thế, khi nghiên cứu xác định cơ cấu cây trồng cho mỗi vùng SX cần phải chú trọng đến những cây trồng mà sản phẩm có sức tiêu thụ lớn, GTSX cao nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân - nông thôn.

Sự phát triển của thị trường nói chung và thị trường nông sản nói riêng ảnh hưởng đến giá nông sản, thúc đẩy quá trình phát triển SX cây trồng, xu hướng phát triển, thay đổi cơ cấu cây trồng nhằm đáp ứng nhu cầu đầu vào (giống, loại cây trồng, diện tích,…) và đầu ra (chất lượng, số lượng,…) của nông sản. Trong các yếu tố của thị trường, giá đầu ra nông sản có tác động rất lớn đến việc lựa chọn loại cây trồng, thu hẹp hay mở rộng diện tích cây trồng.

Ngoài ra, thị trường cung ứng vật tư phục vụ cho trồng trọt cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sự lựa chọn cơ cấu cây trồng và hiệu quả SX.

1.2.3.2. Đường lối và các chính sách phát triển nông nghiệp

Quan hệ sở hữu và chính sách phát triển nông nghiệp – nông thôn có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khai thác tiềm năng để phát triển nông nghiệp.

Đường lối và các chính sách phát triển nông nghiệp là nhân tố mang tính đòn bẩy, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Từ sau Đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nông nghiệp – nông thôn như: chính sách ruộng đất, chính sách phát triển sản xuất hàng hóa, chính sách khuyến nông, chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn,… Các chính sách này đã có những tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, thay đổi cơ bản cơ cấu cây trồng và bộ mặt nông thôn.

1.2.3.3. Nguồn lao động

Nguồn lao động được coi là nhân tố quan trọng để phát triển cơ cấu cây trồng theo chiều rộng và chiều sâu. Nguồn lao động được xem xét cả về số lượng và chất lượng như trình độ học vấn, tỉ lệ lao động được đào tạo,…

những đặc điểm này ảnh hưởng đến việc lựa chọn và xây dựng cơ cấu cây trồng cũng như phát triển nông nghiệp. Vì vậy, chuyển dịch cơ cấu cây trồng cần phù hợp với số lượng, chất lượng của nguồn lao động địa phương, đảm bảo tính bền vững của sản xuất về mặt xã hội.

1.2.3.4. Tiến bộ khoa học và kĩ thuật trong nông nghiệp

Sự phát triển của khoa học công nghệ thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển ngành trồng trọt. Nhờ nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu kĩ thuật tạo ra nhiều giống cây, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh, góp phần làm cho

trồng trọt giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

1.2.3.5. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp

Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp có vai trò thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển trồng trọt cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Cơ sở hạ tầng nổi bật là mạng lưới giao thông vận tải. Sự phát triển của mạng lưới giao thông tạo điều kiện để SX nông nghiệp tiếp cận thông tin, tiêu thụ hàng hóa, vận chuyển đáp ứng nhu cầu cũng như nâng cao giá thành nông sản. Ngoài ra, các nhân tố khác như cung cấp điện, nước, thông tin giá cả,...

cũng có nhiều ảnh hưởng đến phát triển và chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ trong SX nông nghiệp, quan trọng nhất là hệ thống thủy lợi đảm bảo cho nhu cầu tưới tiêu, tạo thuận lợi để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Bên cạnh đó, sự phân bố, qui mô, số lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở chế biến nông sản cũng có ảnh hưởng đến việc xác định qui mô diện tích và khả năng chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Ngoài ra, sự phát triển và mở rộng của các cơ sở bảo vệ thực vật, công tác khuyến nông sẽ đảm bảo những điều kiện cho sản xuất nông sản phát triển và chuyển dịch hiệu quả.

1.2.3.6. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng đối với hoạt động SX trong đó có ngành trồng trọt. Hiện nay, ở nước ta vốn đầu tư cho trồng trọt chủ yếu là tự túc của các hộ nông dân, nên quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần phải có sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Nhà nước.

1.2.3.7. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế

Tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã mang đến những cơ hội cũng như thách thức đối với SX nông nghiệp nước ta. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa cây trồng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng nông sản, nhằm thích nghi, đáp ứng và vượt qua những thách thức cạnh tranh thị trường ngày càng cao.

Tóm lại: Các nhân tố vị trí địa lí, tự nhiên – tài nguyên thiên nhiên và nhân tố KT-XH có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chúng cùng nhau tác động toàn diện đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong mỗi lãnh thổ sản xuất. Vì vậy, khi nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng cần phải xem xét, phân tích và đánh giá tổng hợp các nhân tố, nhằm lựa chọn và thực hiện hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lí.

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh đắk lắk (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)