Chương 2. THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG TỈNH ĐẮK LẮK
2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk
2.2.3. Các nhân tố kinh tế - xã hội
Tính đến 31/12/2012, dân số Đắk Lắk đạt gần 1,8 triệu người – một con số khá lớn so với nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Dân số đông tạo nên thị trường tiêu thụ lớn, kích thích hoạt động SX nông sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn tiếp giáp với Lâm Đồng, Khánh Hòa và khá gần với Đông Nam Bộ (quan trọng nhất là trung tâm kinh tế TP. HCM) – một thị trường nhiều tiềm năng, sức tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn. Đắk Lắk còn giáp với Campuchia, tạo điều kiện trao đổi hàng hóa và mở rộng thị trường nước ngoài. Hiện nay, nhiều loại nông sản của Đắk Lắk trở thành mặt hàng tiêu thụ trên phạm vi cả nước (cà phê, hồ tiêu, ngô,…) và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta.
Thị trường tiêu thụ nông sản: Là một trong những yếu tố quan trọng trong nhân tố thị trường. Giá các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông sản Đắk Lắk nói riêng còn thấp và thiếu ổn định. Đặc biệt những năm gần đây, do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho giá cả thị trường nông sản bất ổn, nhiều biến động, thông qua lợi nhuận làm ảnh hưởng đến tâm lí cũng như nguồn vốn đầu tư của các hộ nông dân trong SX nông nghiệp.
Ngoài ra, do chưa giải quyết tốt vấn đề đầu ra nông sản cho các hộ nông dân, nên từ lâu đã tồn tại nghịch lí, vào mùa thu hoạch giá nông sản xuống rất thấp, làm cho giá trị nông sản và thu nhập của người nông dân không cao. Ví dụ, trong vụ thu hoạch ngô tháng 7/2013, giá đầu ra của ngô ở nhiều xã thuộc huyện Cư M’gar chỉ dưới mức 2.000 đồng/kg , nhiều hộ nông dân đã phải bù lỗ và không gieo trồng vụ 2.
Những hạn chế này đặt ra yêu cầu cần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cũng như cơ cấu mùa vụ trên địa bàn tỉnh phù hợp và đạt hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn như trồng các giống cây trái mùa nhằm cải thiện giá thành nông sản, đảm
bảo ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao khả năng bảo quản và chế biến nông sản tại chỗ,lúc đó giá bán ra của các loại nông sản được cải thiện và tránh bị ép giá trong thời gian thu hoạch.
Ngoài ra, thị trường cung ứng vật tư, giống cây trồng cũng có những ảnh hưởng nhất định đến lựa chọn loại cây trồng, năng suất, hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng thông qua một số đặc điểm: quy mô và khả năng phát triển, cung ứng của thị trường, công nghệ,…
Tóm lại: Những năm gần đây, nhu cầu thị trường ngày càng mở rộng, đa dạng và yêu cầu số lượng nhiều, chất lượng sản phẩm cao, giá cả thị trường còn nhiều bất ổn. Vì vậy, nhân tố thị trường đã có những ảnh hưởng quan trọng và trực tiếp đến quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu, tăng khả năng cạnh tranh và đem lại hiệu quả KT-XH cao.
2.2.3.2. Nguồn lao động
Với qui mô dân số khá lớn, nên nguồn lao động trong ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk khá đông. Năm 2012, ngành nông nghiệp Đắk Lắk có trên 600 nghìn lao động chiếm gần 72% trong cơ cấu lao động tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, số lượng lao động có trình độ chưa qua đào tạo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn còn lớn đã hạn chế hiệu quả quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích các loại cây không theo qui hoạch, kĩ thuật chăm sóc cây trồng cũng như khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất còn nhiều hạn chế, độ linh hoạt trong nắm bắt thị trường chưa cao.
Lao động ở nông thôn tỉnh Đắk Lắk phần lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và chủ yếu là trồng trọt. Nhưng hiện nay vào giai đoạn thu hoạch hay chăm sóc tập trung trong năm (tưới nước, thu hoạch,…) vẫn diễn ra tình trạng thiếu lao động, đẩy giá thuê nhân công lên cao ở nhiều vùng trong toàn
tỉnh, từ mức 50-80 ngàn đồng/công (trước năm 2010) lên 150 – 200 nghìn đồng/công, gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả, thu nhập các hộ nông dân.
2.2.3.3. Chính sách phát triển nông nghiệp
Đắk Lắk là tỉnh nằm trung tâm khu vực Tây Nguyên, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và có thế mạnh về cây công nghiệp lâu năm. Các cấp chính quyền của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế tỉnh nói chung và SX nông nghiệp nói riêng về nhiều mặt (nguồn vốn, lao động, cơ sở vật chất – cơ sở hạ tầng,…).
Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế các tỉnh miền núi, trong đó có Đắk Lắk như: đổi mới nông nghiệp – nông thôn, phát triển các vùng chuyên canh CCNLN, hỗ trợ vốn, nâng cao trình độ lao động, chính sách khoán đất và khả năng tự chủ, tự quyết trong hoạt động sản xuất cho người nông dân,… góp phần nâng cao tinh thần và năng suất lao động, từ đó đẩy mạnh hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã đầu tư 58,5 tỉ đồng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ 2010 đến năm 2015. Cụ thể, hỗ trợ 30% lãi suất đối với chuyển đổi cây cà phê sang cây trồng khác (với mức vay tối đa là 20 triệu đồng/ha). Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn 100% giá trị cây giống (nhưng không quá 6 triệu đồng/ ha), đối với các hộ còn lại hỗ trợ 50% giá trị cây giống (không quá 3 triệu đồng/ ha)... khi chuyển diện tích cà phê kém hiệu quả sang cây trồng khác. Tỉnh cũng có các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống mới, xúc tiến thương mại... Qua đó, sẽ khuyến khích được các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn.
2.2.3.4. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ trồng trọt
Cơ sở hạ tầng với mạng lưới giao thông, điện nước,.. ngày càng hoàn thiện nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu cho trồng trọt. Tính đến cuối năm 2010, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 167/184 xã, phường có đường nhựa, bê tông tạo điều kiện cho nông nghiệp các vùng nông thôn tiếp cận, ứng dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật cũng như nâng cao giá trị sản xuất.
Cơ sở vật chất kĩ thuật nông nghiệp phát triển khá mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển trồng trọt. Nổi bật là hệ thống thủy lợi với tổng cộng 642 công trình thủy lợi (hồ chứa, đập dâng, trạm bơm) tính đến tháng 6/2012 và tỉ lệ năng lực so với thiết kế đạt 80%. Tổng dung tích trữ nước từ các công trình thủy lợi khoảng 421 triệu m3 (chưa kể hồ Ea Sup). Hàng năm đảm bảo cung cấp nước tưới cho 18.000 ha lúa và 40.600 ha cà phê.
Các cơ sở chế biến nông sản tương đối nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung ở TP. BMT và các trung tâm kinh tế huyện. Ở các địa phương khác, qui mô các cơ sở chế biến còn nhỏ và hiệu quả hoạt động không cao.
Các trại, trạm giống và cơ sở bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh khá đa dạng về hình thức và số lượng lớn. Hệ thống này đang ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển ngành trồng trọt, đảm bảo chất lượng, năng suất cao,… cho người nông dân thông qua việc đầu tư các dự án, cung cấp, thử nghiệm giống cây trồng mới, các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,…
2.2.3.5. Tiến bộ khoa học và công nghệ
Ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản là nhân tố có vai trò đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng quan trọng đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk.
Những năm gần đây, trồng trọt trên địa bàn tỉnh đã đưa các giống mới cho năng suất và chất lượng cao vào sản xuất như các giống trái cây trái vụ, ngô
ngắn ngày năng suất cao, thay thế nhiều diện tích cà phê vối bằng cà phê ghép,…
Các kĩ thuật và công nghệ tưới tỏa đều, sử dụng phân hữu cơ, kĩ thuật xen canh, gối vụ,… được sử dụng ngày càng nhiều và đạt hiệu quả cao.