Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG
1.4. Thực tiễn chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Việt Nam và Tây Nguyên
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu cây trồng là vấn đề quan trọng và được sự quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển. Trên thế giới, quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng diễn ra khá sớm.
Philippin tiến hành đa dạng hóa cây trồng trên đất trồng lúa, dừa và trồng cây trên đất dốc; Thái Lan thay thế lúa bằng những loại cây có giá trị cao hơn, trồng cây ăn quả xen với cà phê; Malaysia đẩy mạnh quá trình đa dạng hóa cây trồng theo hướng tăng tỉ trọng cây công nghiệp;…
Ở Việt Nam, từ sau đổi mới đến nay, với những chính sách của Đảng và Nhà nước những năm qua đã làm cho nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng phát triển và có sự chuyển dịch đáng kể. Nông nghiệp đang xoá dần nền SX tự cấp tự túc sang SX hàng hoá theo cơ chế kinh tế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh, phát huy tiềm năng, nâng cao năng suất và thu nhập.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở nước ta trong những năm vừa qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, thể hiện rõ ở sự thay đổi về tỉ
lệ diện tích cây lương thực, nổi bật là giảm tỉ trọng đáng kể của lúa, tăng tỉ trọng các loại cây công nghiệp trong tổng cơ cấu ngành trồng trọt (xem biểu đồ 1.1 và bảng 1.1).
Biểu đồ 1.1. Cơ cấu diện tích cây trồng Việt Nam giai đoạn 1990 – 2012 (Nguồn: Xử lí từ [3], [4], [5], [6], [7]) Bảng 1.1. Cơ cấu GTSX cây trồng Việt Nam giai đoạn 2005 – 2012
Đơn vị: %
Năm Cây
lương thực Rau, đậu Cây công nghiệp
Cây
ăn quả Cây khác
2005 58,8 9,3 23,8 6,2 1,9
2007 56,2 10,0 25,8 6,4 1,6
2010 55,2 10,4 26,6 6,6 1,3
2012 55,2 10,2 26,8 6,5 1,3
(Nguồn: Xử lí từ [4], [5], [6], [7])
− Sau gần 30 năm đổi mới, ngành SX lương thực đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nước ta từ tình trạng độc canh sản xuất lúa nước (chiếm 90% tổng diện tích), trình độ kĩ thuật thô sơ, năng suất lúa rất thấp, thiếu lương thực triền miền thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới từ năm 1999.
− Cơ cấu cây trồng đa dạng theo hướng đẩy mạnh SX các loại nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường lớn. Giảm tỉ trọng cây lương thực (năng suất và sản lượng tuyệt đối tăng nhằm đảm bảo an ninh lương thực), tăng tỉ trọng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, rau quả, đặc biệt CCNLN để đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm cây công nghiệp, cây ăn quả, rau xuất khẩu có vị thế trên thị trường thế giới.
− Cơ sở hạ tầng nông thôn, cơ sở vật chất kĩ thuật nông nghiệp phát triển khá nhanh và hiệu quả.
− Các tiêu chuẩn về chất lượng cuộc sống như giáo dục, y tế, nước sạch, thu nhập,… được cải thiện. Tỉ lệ hộ đói nghèo ở nông thôn giảm từ 37,4% năm 1998 xuống còn 11,1% năm 2012. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng nhanh từ 21,1 triệu đồng (2004) lên 72,8 triệu đồng (2012).
Hiện nay, nước ta đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp (Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Trung du miền núi phía Bắc), vùng chuyên canh cây lương thực (Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long).
Tuy nhiên, cơ cấu SX lương thực ở nước ta những năm gần đây còn bất hợp lí và sự chuyển biến tiến bộ chưa nhanh. Lúa còn chiếm tỉ trọng quá lớn cả về diện tích và sản lượng, tỉ trọng hoa màu nhỏ và có xu hướng giảm trong vài năm gần đây. Điều đó đặt ra sự cần thiết và nhanh chóng biến đổi cơ cấu SX lương thực hợp lí để tạo nền tảng, điều kiện thúc đẩy việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện.
1.4.2. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Tây Nguyên
Tây Nguyên là vùng có tiềm năng lớn để phát triển trồng trọt, đặc biệt là các loại CCNLN. Phát triển cơ cấu cây trồng Tây Nguyên có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến yêu cầu bảo vệ rừng và nguồn nước - những yếu tố có tính sống còn đối với vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta.
Theo báo cáo năm 2011, SX lương thực Tây Nguyên tiếp tục phát triển, an ninh lương thực được duy trì; nông nghiệp chuyển dịch theo hướng SX hàng hoá qui mô lớn: Cao su phát triển cả về diện tích, năng xuất và sản lượng; Cà phê đi vào thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; áp dụng công nghệ cao vào SX, hình thành các vùng tập trung, chuyên canh lớn.
Cơ cấu cây trồng ở Tây Nguyên đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ, đất rừng Tây Nguyên chuyển đổi nhanh chóng thành đất trồng cà phê, cao su và sắn. Rừng tự nhiên đang ngày càng giảm sút cả về số lượng và chất lượng, thay vào đó là sự tăng trưởng không được kiểm soát tốt đối với diện tích cây công nghiệp và các loại cây lương thực thực phẩm ngắn ngày khác, nổi bật là cây sắn. Trong cơ cấu cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng sắn chiếm tỉ trọng lớn, chỉ sau cây lúa và tăng với tốc độ cao từ 38.000 ha (năm 2000) lên 133.200 ha (năm 2010), chiếm hơn 1/4 diện tích cả nước.
Sản xuất nông nghiệp và quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Tây Nguyên chưa ổn định, thiếu bền vững. Bên cạnh những mặt tốt về xây dựng mô hình sản xuất tập trung, chuyên canh để vươn lên trở thành nhà xuất khẩu cà phê, cao su hàng đầu thế giới thì công tác qui hoạch và quản lí qui hoạch về cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên đã bộc lộ sự bất cập. Diện tích nhiều loại cây tăng hoặc giảm ồ ạt không theo qui hoạch, dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như tình trạng thiếu nước tưới, năng suất thấp, chất lượng kém, giá thành hạ.
Vì vậy, cần thiết phải làm rõ qui hoạch, kế hoạch bố trí cơ cấu cây trồng theo hướng ưu tiên bảo vệ rừng và giải quyết hài hoà, hợp lí mối quan hệ giữa
các loại cây trồng. Mặt khác, cần có những giải pháp về tuyên truyền, giáo dục; về các chế tài hành chính và luật pháp được áp dụng mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác quản lí qui hoạch bố trí cơ cấu cây trồng nói chung và quản lí, bảo vệ rừng nói riêng.
Tiểu kết chương 1
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng thực chất là quá trình biến động và chuyển đổi cơ cấu giữa các nhóm, loại cây trồng. Nhằm khai thác tốt các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo môi trường sinh thái.
Các chỉ tiêu cơ bản đánh giá hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng gồm:
nhóm chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế, nhóm chỉ tiêu phản ánh hiệu quả xã hội, nhóm chỉ tiêu phản ánh hiệu quả môi trường và sử dụng nguồn lực.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng là một tất yếu và chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, nhân tố tự nhiên có vai trò tiền đề, nhân tố KT-XH có vai trò quyết định làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu sản phẩm cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường.