Đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh đắk lắk (Trang 41 - 48)

Chương 2. THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG TỈNH ĐẮK LẮK

2.1. Khái quát chung về tỉnh Đắk Lắk

2.1.2. Đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên

2.1.2.1. Địa hình – Địa chất

Quá trình phong hóa trên đá bazan ở Đắk Lắk diễn ra nhanh và triệt để với chiều dày vỏ phong hóa lớn (30 – 50m).

Địa hình chủ yếu là cao nguyên rộng lớn, dốc thoải (từ 30 - 80), lượn sóng, khá bằng phẳng, độ cao trung bình từ 500 - 800m so với mặt nước biển, thấp dần từ đông sang tây, từ nam lên bắc. Quá trình bào mòn, xâm thực diễn ra mạnh, nhất là khu vực phía nam tỉnh. Địa hình được chia thành 4 bậc chính:

Địa hình núi: phần lớn diện tích thuộc sườn phía tây nam dãy Trường Sơn Nam, nên địa hình núi cao chiếm 35% diện tích tự nhiên, tập trung phía Nam và Đông Nam tỉnh với độ cao trung bình 1000 - 1200m.

Địa hình cao nguyên: chiếm phần lớn diện tích (53% diện tích tự nhiên), tương đối bằng phẳng, có độ cao trung bình 450m, cao ở giữa và thấp dần về hai phía, gồm 2 cao nguyên:

Cao nguyên Buôn Ma Thuột: là cao nguyên rộng lớn, khá bằng phẳng nằm ở trung tâm tỉnh, thấp dần từ bắc xuống nam, độ cao trung bình 450-500m, diện tích khoảng 371km2 (chiếm 28,4% diện tích toàn tỉnh), chủ yếu là đất đỏ bazan màu mỡ.

Cao nguyên M'Đrắk (cao nguyên Khánh Dương): nằm ở phía đông, tiếp giáp với tỉnh Khánh Hoà. Độ cao trung bình 400 - 500m, độ dốc từ 30 - 250, phần lớn từ 80 - 150. Địa hình gồ ghề, có các dãy núi cao ở phía đông và nam, khu vực trung tâm có địa hình như lòng chảo. Chủ yếu là đất xám feralit với các thảm rừng thường xanh ở núi cao, trảng cỏ ở núi thấp và đồi thoải.

Địa hình bán bình nguyên: bao gồm những bình nguyên ở phía bắc và phía nam TP. BMT, độ cao bình quân 200 – 300m.

Bán bình nguyên Ea Sup: là vùng đất rộng lớn nằm ở phía tây tỉnh, tiếp giáp với các cao nguyên. Bề mặt bị bóc mòn, có địa hình khá bằng phẳng, đồi lượn sóng nhẹ, độ cao trung bình 180m, có một vài dãy núi nhô lên như Yok Đôn, Chư M'Lanh... Phần lớn đất đai của bán bình nguyên này là đất xám, tầng mỏng và đặc trưng thực vật là rừng khộp rụng lá vào mùa khô.

Địa hình vùng trũng Krông Pắk - Lắk: nằm ở phía đông nam tỉnh, giữa cao nguyên Buôn Ma Thuột và dãy núi cao Chư Yang Sin, có độ cao trung bình 400 – 500m. Đây là thung lũng của lưu vực sông Srêpôk hình thành các vùng bằng, trũng chạy theo các con sông Krông Pắk, Krông Ana tạo nên cánh đồng Lắk - Krông Ana rộng khoảng 20.000 ha.

Địa hình Đắk Lắk tương đối đa dạng có sự phân bậc góp phần hình thành tập đoàn cây trồng với nhiều loại cây nhiệt đới, cận nhiệt. Bên cạnh đó, địa hình chủ yếu là cao nguyên rộng lớn, dốc thoải là điều kiện để phát triển các vùng chuyên canh, trang trại qui mô lớn.

2.1.2.2. Khí hậu

Đắk Lắk thuộc kiểu khí hậu gió mùa cận xích đạo, vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang đặc điểm khí hậu cao nguyên mát dịu. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 240C, tổng nhiệt độ năm đạt từ 8.0000C đến 9.0000C. Lượng ánh sáng dồi dào với cường độ tương đối ổn định. Tổng số giờ nắng trung bình năm từ 2.200 – 2.600 giờ/năm.

Lượng mưa trung bình nhiều năm biến đổi từ 1.450mm đến 2.400mm. Số ngày mưa của tỉnh cũng khá lớn từ 100 đến 150 ngày/năm. Độ ẩm tương đối cao, trung bình từ 70% đến 90%.

Khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt:

- Mùa mưa bắt đầu từ đầu tháng V đến tháng X, XI hàng năm dưới ảnh hưởng của gió mùa tây nam. Lượng mưa mùa này chiếm 80 – 90% lượng mưa cả năm, các tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng VII, VIII, IX.

- Mùa khô từ tháng XI đến tháng IV năm sau, độ ẩm giảm, lượng mưa chỉ chiếm từ 7 – 20% tổng lượng mưa năm. Gió tín phong đông bắc thổi mạnh từ cấp 4 đến cấp 6, lượng bốc hơi lớn gây ra khô hạn nghiêm trọng. Vì vậy, việc giữ và cung cấp nước trong mùa khô có vai trò đặc biệt quan trọng.

Với đặc điểm khí hậu như trên đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, qui định loại cây chính của Đắk Lắk là những loại cây lâu năm chịu hạn tốt, ưa nhiệt như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, các loại cây ăn trái. Tuy nhiên, mùa khô khá sâu sắc, lượng mưa chỉ chiếm 10 – 15% dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Bên cạnh đó, với những biến động thời tiết những năm gần đây đã gây nhiều khó khăn cho SX nông sản của tỉnh.

2.1.2.3. Thủy văn

Nguồn nước mặt: Hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh có mật độ tương đối dày, trung bình khoảng 0,8km/km2. Với lượng mưa bình quân hàng năm lớn, nên tổng lượng nước của Đắk Lắk cũng khá cao khoảng 38,8 tỉ m3nước.

Trong đó, lượng nước mưa chuyển vào dòng chảy khoảng 17,5 tỉ m³.

Trên địa bàn tỉnh có hai hệ thống sông chính chảy qua là hệ thống sông Srêpôk và một phần của hệ thống sông Ba. Mạng lưới sông suối của Đắk Lắk phân bố tương đối đồng đều. Nhưng do địa hình dốc nên khả năng giữ nước kém, những khe suối dường như không có nước vào mùa khô. Chế độ thủy văn chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa lũ và mùa kiệt.

 Nguồn nước ngầm: Tập trung chủ yếu trong các thành tạo bazan và trầm tích Neogen đệ tứ, tồn tại chủ yếu dưới 2 dạng: nước lỗ hổng và nước khe nứt.

Nước ngầm có trữ lượng lớn thường phân bố ở vùng đất bazan với độ sâu 40 – 90m, riêng cao nguyên Buôn Ma Thuột có trữ lượng khoảng 21.028.000 m³/ngày. Mức độ sử dụng nước ngầm ở Đắk Lắk khá lớn, theo thống kê tổng lượng nước ngầm sử dụng vào mùa khô ở Đắk Lắk khoảng 482.400 m³/ngày, riêng phục vụ cho sinh hoạt khoảng 60.000 m3/ngày.

− Đặc điểm hệ thống sông suối, nước ngầm đã có những ảnh hưởng quan trọng đến phát triển cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk. Chế độ nước có 2 mùa:

mùa lũ và mùa kiệt quy định loại cây chính của tỉnh là những là các loại cây lâu năm chịu hạn tốt, ưa nhiệt.

Khả năng cung cấp nước của Đắk Lắk khá lớn, tạo điều kiện ổn định, mở rộng và nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, mùa khô khá sâu sắc, lượng mưa chỉ chiếm 10 – 15% thêm vào đó mực nước ngầm hạ thấp, dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô, SX chậm trễ, mất giống trên diện rộng, hiệu quả SX thấp.

(Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk)

2.1.2.4. Tài nguyên đất

Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên là 13.125,37 km2. Bao gồm 13 nhóm đất với 84 đơn vị đất đai (Theo hệ thống phân loại đất quốc tế FAO – UNESCO năm 1995).

Biểu đồ 2.1. Cơ cấu các loại đất chính tỉnh Đắk Lắk

(Nguồn: Xử lí từ [24]) Trong các nhóm đất, đáng chú ý là đất xám (579.309ha) và đất đỏ bazan có diện tích lớn, chiếm khoảng 1/4 diện tích tự nhiên (311.340ha). Đây là hai loại đất có độ phì cao và thành phần hóa học rất thích hợp cho phát triển các loại CCNLN và tiền đề quan trọng để Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh chuyên môn hóa cây công nghiệp lớn nhất nước ta hiện nay.

Ngoài ra, sự phân bố các loại đất khá tập trung và đồng nhất đã góp phần hình thành các vùng nông nghiệp, xây dựng và phát triển SX nông nghiệp qui mô lớn với những loại cây chuyên môn hóa phù hợp.

Mặt khác, sự đa dạng về loại đất đã tạo điều kiện để SX nông nghiệp Đắk Lắk tiến hành đa dạng hóa cây trồng, sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu địa phương và cả nước.

Bản đồ 2.3. Bản đồ đất tỉnh Đắk Lắk năm 2012

(Người thực hiện: Nguyễn Thị Thùy Hương) 2.1.2.5. Sinh vật

Đắk Lắk là tỉnh có tài nguyên sinh vật rất đa dạng và phong phú. Nhiều loại động thực vật quý hiếm, có giá trị sinh học và kinh tế cao. Giàu tài

nguyên sinh vật là điều kiện thuận lợi để Đắk Lắk đa dạng hóa giống cây trồng thông qua công nghệ chiết ghép.

Hệ thực vật: Rừng và đất lâm nghiệp có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH. Tính đến 31/12/2012, diện tích đất có rừng của Đắk Lắk là 641.155 ha. Trong đó, rừng tự nhiên: 560.895 ha, rừng trồng: 80.260 ha, độ che phủ đạt 48,84%. Rừng phân bố khá đều, đặc biệt diện tích lớn và có giá trị cao ở những địa phương thuộc hành lang biên giới giáp Campuchia, Gia Lai.

Hệ động vật: Chủ yếu là động vật rừng, với 93 loài thú, 197 loài chim, có nhiều loại quý hiếm, giá trị cao. Phân bố chủ yếu ở các VQG như Yok Đôn, Chư Yang Sin,... và các khu bảo tồn Nam Kar, Ea Sô,...

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh đắk lắk (Trang 41 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)