Chương 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÂY TRỒNG TỈNH ĐẮK LẮK ĐẾN NĂM 2020
3.2. Các giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk
3.2.1. Xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ Thị trường là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với nền SX hàng hóa. Đây là một giải pháp quan trọng hàng đầu trong nhiệm vụ giải quyết đầu ra cho nông sản. Tình hình phát triển ngành trồng trọt Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung luôn gắn chặt chẽ, thay đổi theo thị trường nông sản trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trong xu thế phát triển hiện nay, việc xây dựng các thương hiệu nông sản, các dạng thành phẩm có chất lượng cao, ổn định cũng là giải pháp không kém phần quan trọng.
Thay đổi cơ cấu loại cây trồng, cơ cấu diện tích là xu thế tất yếu để thích ứng với nhu cầu, nhịp độ phát triển của thị trường và nâng cao hiệu quả SX nông nghiệp. Để nắm bắt được yêu cầu của thị trường thì các doanh nghiệp, Nhà nước phải đóng vai trò định hướng SX, hỗ trợ bà con nông dân trong hoạt động SX cây trồng. Sau đây là một số giải pháp cụ thể về xây dựng thương hiêu nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ:
− Hệ thống tổ chức quản lí và SX kinh doanh, khuyến nông trong chăm sóc, thu hoạch, chế biến, chính sách giá cả, thưởng phạt, công tác kiểm tra, giám sát về mặt kĩ thuật và chất lượng phải được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm, xây dựng lực hấp dẫn cho các thương hiệu, trên thị trường, giữ được chữ tín đối với khách hàng.
− Mở rộng và phát triển thị trường đẩy nhanh việc tiêu thụ hàng hoá. Tìm hiểu thị trường "đầu ra" cho nông phẩm hàng hoá từ nông thôn, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo biến động và nhu cầu của thị trường. Duy trì thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Việc mở rộng thị trường phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường trong nước đi đôi với việc phân tích tìm kiếm thị trường ngoài nước, gắn chặt lưu thông hàng hoá với sản xuất hàng hoá. Đặc biệt coi trọng các loại hình dịch vụ nông nghiệp nông thôn.
− Nhà nước và địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp thu mua nông sản ở các vùng nông nghiệp, nhằm tạo thị trường ổn định, cân bằng lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.
− Nhà nước và địa phương cần có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ, đầu tư và khuyến khích bà con nông dân thử nghiệm các giống mới, thay đổi loại cây trồng, phương thức SX,…
− Địa phương tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cả về số lượng và chất lượng các cơ sở SX chế biến nông sản. Giải pháp này mang tính lâu dài, vừa ổn định đầu ra nông sản, vừa nâng cao chất lượng cũng như giá thành nông sản thông qua chế biến thay thế cho nông sản sơ chế.
3.2.2. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách
Từng bước hoàn thiện các chính sách kinh tế nhằm đảm bảo lợi ích cho người sản xuất, thực sự tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy, khuyến khích phát triển ngành trồng trọt như: chính sách giá cả, thị trường chính sách vốn, chính sách đất đai... Nhằm đảm bảo lợi ích cho ngưòi sản xuất, thực sự tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy SX nông nghiệp phát triển.
Các nhà quản lí, nhà SX kinh doanh xuất nhập khẩu quan tâm giải quyết một cách đồng bộ bằng những kế hoạch triển khai. Đặc biệt về mặt tổ chức, kiểm tra và thực hiện là cơ sở để tạo nên một nền SX nông nghiệp bền vững.
Thực hiện nghiêm túc những chính sách kinh tế Nhà nước ban hành để hỗ trợ, khuyến khích động viên và làm cho các hộ nông dân yên tâm đầu tư thực hiện việc chuyển đổi về cơ cấu cây trồng như chính sách đất đai, chính sách thuế, chính sách vay vốn tín dụng , chính sách hỗ trợ sản xuất cây trồng mới, chính sách đối với vùng cao,...
Tiếp tục hoàn thiện qui hoạch phát triển ngành trồng trọt của tỉnh trong những năm tới theo hướng chuyên môn hoá.
3.2.3. Đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật – cơ sở hạ tầng, tăng cường áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ
Cần đầu tư kinh phí thích đáng cho việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ cho SX, xem đây là khâu đột phá quan trọng nhất để thức đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng và nông nghiệp Đắk Lắk. Trước hết cần tập trung vào công nghệ sinh học, chương trình giống cây trồng, công nghệ chế biến, bảo quản nhằm tăng hiệu quả SX.
Nhà nước cần phải có kế hoạch bổ sung thêm nguồn vốn và đầu tư có hiệu quả vào phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng đặc biệt chú trọng tới công tác xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho SX nông nghiệp và chế biến nông sản bao gồm:
− Tăng cường cơ sở vật chất kĩ thuật để xây dựng và thực hiện qui trình thâm canh có hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương.
− Phát triển hệ thống giao thông bao gồm cả hệ thống giao thông nông thôn và giao thông nội đồng đáp ứng yêu cầu phát triển của cơ giới hoá và vận chuyển hàng hoá.
− Thuỷ lợi: trên cơ sở qui hoạch, phát triển và hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi đồng bộ. Nâng cao diện tích chủ động tưới tiêu theo yêu cầu phát triển của các loại cây trồng, trước hết là đối với những vùng có trình độ chuyên môn hoá cao. Đi liền với thủy lợi phải thực hiện tốt dự báo khí tượng, thuỷ văn.
− Đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật và công nghệ tiên tiến, trang bị hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất, chế biến sản phẩm, làm tốt các khâu vận chuyển, bảo quản chế biến, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản trên thị trường.
− Cần phải xây dựng đủ sân phơi hoặc các phương tiện bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Thực hiện đồng bộ các biện pháp kĩ thuật thâm canh chú ý biện pháp thủy lợi, giống, phân bón, đảm bảo về mặt số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tiết kiệm và có chế độ nước tưới hợp lí, tránh lãng phí.
− Cần phải có kế hoạch đầu tư để thay thế các thiết bị chế biến, sấy, phân loại lạc hậu bằng những thiết bị mới mang những tính năng tốt hơn tại các trung tâm chế biến, phân loại, đóng bao bì. Cần có công trình xử lí nước thải tốt để tránh làm ô nhiễm môi trường. Các kho tàng bảo quản sản phẩm phải đảm bảo các thông số kĩ thuật cần thiết, đặc biệt là chế độ nhiệt và ẩm độ để tránh nấm mốc cây độc hại gây xuống cấp sản phẩm trong quá trình bảo quản.
− Thường xuyên xuất bản các sách kĩ thuật như: kĩ thuật canh tác và chế biến cà phê, kĩ thuật trồng và chăm sóc tiêu, kĩ thuật nuôi trồng nấm... nhằm cung cấp cho người sản xuất những kĩ thuật trồng trọt cơ bản.
3.2.4. Sử dụng hiệu quả điều kiện tự nhiên
Từng bước chuyển đổi cơ cấu SX cây trồng hợp lí với điều kiện tự nhiên, đặc biệt là phù hợp với tài nguyên đất và khả năng cung cấp nguồn nước.
Hoàn thiện về cơ cấu SX, chọn những cây chủ lực có lợi thế so sánh cao để phát triển tập chung qui mô lớn. Song cũng cần kết hợp phát triển tổng hợp các cây trồng khác để lợi dụng hiệu quả các điều kiện về tự nhiên và kinh tế của tỉnh.
Giảm diện tích cà phê, chỉ giữ lại qui mô diện tích hợp lí dựa theo những công trình điều tra nghiên cứu và qui hoạch dành quỹ đất cho cây cà phê dưới 170.000 ha. Dựa trên phương pháp chồng ghép bản đồ, hệ thống thông tin địa
lí (GIS) để giữ lại diện tích cà phê ở những địa bàn được xác định là rất thích hợp về đất đai, khí hậu, nguồn nước tưới.
Tiến hành nhân rộng các mô hình xen canh cây trồng trong các vườn cây lâu năm. Ví dụ: Trồng bơ trái vụ xen canh cà phê có nhiều lợi ích như chắn gió, che bóng cho cà phê, năng suất cũng cao hơn. Giá bán thường cao gấp từ 3-7 lần so với chính vụ, góp phần nâng cao đời sống nông thôn.
Trên cơ sở phân vùng cần chú ý tiến hành qui hoạch để hình thành những vùng sản xuất chuyên môn hoá có qui mô hàng hoá lớn, nhất là những cây công nghiệp chủ yếu kể cả CCNHN và CCNLN.
Có cơ cấu giống phù hợp, đặc biệt là cà phê: Cà phê vối đã là một thế mạnh của Đắk Lắk. Cần tăng thêm diện tích cà phê chè ở những vùng có điều kiện sinh thái thích hợp. Không nên loại trừ cây cà phê mít trồng được ở những nơi đất xấu hơn, đất dốc, thiếu nước để làm hai chức năng: cây che phủ và cây kinh tế. Cà phê mít dùng để trộn với các giống cà phê khác để ly cà phê có được sự hài hoà giữa các vị đắng, chát, chua trong một tách cà phê.
3.2.5. Giải pháp về tổ chức sản xuất và quản lí
Từng nước hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất ngành trồng trọt bao gồm: doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã, hộ gia đình và trang trại, liên kết chặt chẽ các hình thức tổ chức sản xuất để đẩy nhanh quá trình sản xuất hàng hoá trong ngành trồng trọt.
Áp dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế - kĩ thuật thâm canh ngành trồng trọt. Đẩy mạnh thâm canh SX, thâm canh ngay từ đầu, thâm canh liên tục và toàn diện vừa để tăng khối lượng sản phẩm, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.
Có kế hoạch và chỉ đạo việc chuyển đổỉ cơ cấu cây trồng đối với những diện tích không thích hợp sang những cây trồng khác phù hợp và hiệu quả
kinh tế, xã hội, môi trường. Cần phân tích và tổng kết các mô hình đã chuyển đổi hoặc trồng xen để chọn ra những cây trồng phù hợp hay không phù hợp.
Trên cơ sở lợi thế so sánh từng vùng, tiến hành qui hoạch, phát triển một cách hợp lí các vùng sản xuất cây trồng tập trung có qui mô lớn nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Xây dựng cơ cấu SX cây trồng hợp lí xuất phát từ nhu cầu thị trường, song lại phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế của từng vùng, từng địa phương nhằm sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng của vùng và địa phương.
Tìm mọi giải pháp để không ngừng hạ giá thành trong quá trình SX để nâng cao hiệu quả, xây dựng chính sách giá cả trong thu mua sản phẩm.
3.2.6. Đẩy mạnh công tác khuyến nông
Ở Đắk Lắk trong những năm qua công tác khuyến nông đã có vị trí hết sức quan trọng trong quá trình phát triển ngành trồng trọt. Do đó, để thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện công tác khuyến nông để chuyển giao công nghệ mới cho người SX, nhất là việc đưa các tiến bộ khoa học kĩ thuật đến hộ nông dân, tăng cường năng lực cho các hộ nông dân. Những năm tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này, xây dựng các mô hình khuyến nông, lựa chọn các giống cây trồng mới có năng suất cao và chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật, mô hình trình diễn kĩ thuật trong chương trình đề tài, dự án đã đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng đến với bà con nông dân, đồng thời cũng là cơ sở để kiểm tra các kết quả nghiên cứu.
Tiểu kết chương 3
Định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk dến năm 2020 đã dựa trên các căn cứ chủ yếu sau: Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn cả nước, Tây Nguyên và Đắk Lắk; Qui hoạch sử dụng đất tỉnh Đắk Lắk;
Thực trạng và hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng giai đoạn 1995 – 2012.
Dựa vào những căn cứ trên, luận văn đưa ra một số đề xuất, định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk.
Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Những giải pháp trên vừa có ý nghĩa thực tiễn trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng tỉnh Đắk Lắk hiệu quả. Không những góp phần nâng cao giá trị kinh tế, mà còn từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, cải thiện các vấn đề xã hội và đảm bảo vấn đề môi trường sinh thái.
PHẦN 3. KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ