CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.3. Hành trình sáng tác và nh ững đóng góp về thơ của Xuân Diệu trong nền thơ ca dân t ộc
1.3.1. Hành trình sáng tác của Xuân Diệu
Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh năm 1916, quê cha ở Hà Tĩnh, quê mẹ ở Bình Định. Sinh ra và lớn lên ở quê ngoại, những ngọn sóng biển ngàn năm vỗ vào bãi biển Qui Nhơn cùng những ngọn gió nồm tươi mát đã trở thành những nguồn khích lệ cho sự nảy nở một tâm hồn yêu đời dạt dào trong thơ của Xuân Diệu.
Cha ông tên là Ngô Xuân Thọ, một tú tài kép Hán học, vào làm thầy dạy học ở Bình Định rồi kết duyên cùng Nguyễn Thị Hiệp. Xuân Diệu ra đời, mang trong mình dòng máu của hai miền quê tươi thắm: Hà Tĩnh cần cù chịu khó và Bình Định nồng nàn tình cảm:
Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang, Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát.
Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát,
Bình Định lúa xanh ôm bóng Tháp Chàm.
(Cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong)
Cả hai miền quê đã bồi dưỡng, nuôi lớn tâm hồn thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu đã kế thừa từ người cha giỏi Hán học của mình một vốn phong phú thơ ca dân tộc. Điệu hát câu hò dân gian xứ Nghệ đã ăn sâu vào lời ăn tiếng nói. Ngoài việc học chữ Nho, ông còn được học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp với cha. Chính điều đó đã hình thành nên hồn thơ vừa đậm chất Á Đông vừa chịu ảnh hưởng sâu bởi văn hóa phương Tây trong thơ ca Xuân Diệu. Từ thuở còn đi học ở Qui Nhơn, Xuân Diệu đã tập làm thơ và lúc bấy giờ ông rất mến phục Tản Đà. Và Xuân Diệu đã bén duyên với con đường thơ ca như thế.
Từ năm 1935 đến 1937, Xuân Diệu học tú tài ở Hà Nội, Huế rồi kết nghĩa tâm giao với Huy Cận. Năm 1938, ông viết và cho ra đời tập Thơ Thơ, ghi dấu tên tuổi của mình trong phong trào Thơ mới. Xuân Diệu trở thành thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn từ 1938 đến 1940. Bên cạnh việc làm thơ, Xuân Diệu còn tham gia viết báo cho tờ Ngày nay
và Tiên phong. Không giống như Huy Cận, ngay từ lúc bước vào làng thơ đã có được một vị trí tốt đẹp, khi gia nhập văn đàn cho đến nhiều năm sau đó Xuân Diệu vẫn không ngớt lời khen chê. Và cho đến những sáng tác thuộc giai đoạn sau 1945, thơ ca Xuân Diệu vẫn nhận lấy nhiều bình phẩm trái ngược mặc cho những nỗ lực hết mình của nhà thơ. Năm 1939, Xuân Diệu tiếp tục cho ra đời tập truyện Phấn thông vàng. Vừa làm thơ vừa đi dạy trường tư, cuộc sống của Xuân Diệu vẫn rất khốn khó. Chính vì vậy năm 1940 ông thi Tham tá Nha Thương Chính và vào làm việc ở Mỹ Tho, Tiền Giang được bốn năm rồi trở về Hà Nội sống cùng Huy Cận. Thời gian này ông vừa tích lũy cho mình vốn kiến thức về con người và văn hóa Nam Bộ vừa tiếp tục sáng tác thơ văn. Năm 1945, ông tiếp tục cống hiến cho phong trào Thơ mới nói riêng và văn học dân tộc nói chung những thi phẩm xuất sắc của mình: tập thơ văn xuôi Trường cavà tập thơ Gửi hương cho gió. Từ Thơ Thơđến Gửi hương cho gió, Xuân Diệu đã đi trọn con đường đổi mới thơ ca đang diễn ra lúc bấy giờ. Gửi hương cho gió như một sự khẳng định chắc chắn tài năng Xuân Diệu về mảng thơ tình. Ông được giới nghiên cứu văn học và độc giả yêu thơ xem là “Ông hoàng của thơ tình”. Trong thơ ông, người ta bắt gặp một tâm hồn say đắm cuộc sống, khao khát gắn bó với cuộc đời và con người. Niềm say mê tình yêu, say mê mùa xuân và nỗi ám ảnh thời gian trong thơ Xuân Diệu trước 1945 đã thể hiện phần nào con người và phong cách thi sĩ Xuân Diệu. Lòng yêu đời, lòng ham sống đã được Xuân Diệu bày tỏ trong từng trang thơ của mình. Xuân Diệu ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi cuộc đời trần thế, ca ngợi vẻ đẹp của mùa Xuân trong nỗi ám ảnh về sự chảy trôi thời gian, sự tàn phai của tuổi trẻ và sự hữu hạn của đời người.
Năm 1944, Xuân Diệu cùng với Huy Cận đã tham gia phong trào Việt Minh bí mật.
Đến năm 1945, khi cách mạng tháng Tám thành công, xã hội và con người Việt Nam có sự biến đổi lớn lao. Thơ ca Xuân Diệu cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước 1945, Xuân Diệu ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân, của tình yêu lứa đôi thì sau 1945, ông ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi cách mạng với một niềm hân hoan sung sướng. Xuân Diệu như là một thi sĩ đã tìm thấy đường đi tới tương lai. Dưới ánh sáng cách mạng, thơ Xuân Diệu không còn là những trang thơ chứa đầy nỗi cô đơn, lẻ loi, bơ vơ, mà trái lại, thơ ông là những trang hùng văn về khí thế chiến đấu của quần chúng nhân nhân, là sự hi sinh anh hùng của thế hệ thanh niên yêu Tổ quốc… Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu không còn ẩn chứa nỗi tàn phai, chia lìa. Và mùa thu trong thơ Xuân Diệu không còn mang nỗi buồn kín đáo. Mùa trong thơ Xuân Diệu sau 1945 chỉ có một. Đó là mùa vui, mùa xuân dân tộc. Xuân Diệu cho xuất bản anh hùng ca Ngọn quốc kỳ ca ngợi lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc và cho ra đời tráng khúc
Hội nghị non sông mở màn cho phần sáng tác thơ giai đoạn sau 1945. Lúc bấy giờ, Xuân Diệu trở thành đại biểu Quốc hội khóa 1 và là đại biểu các nhà báo Việt Nam đi thăm hữu nghị nước Pháp, làm ủy viên ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam kháng chiến… Sau 1949, Xuân Diệu tiếp tục viết về đất nước, về cải cách ruộng đất, về quần chúng nhân dân
“tay lấm chân bùn” và tiếp tục nói chuyện thơ trong quần chúng. Những chuyến đi ngắn ngày, dài ngày ấy đã mang về nhiều điều hữu ích cho Xuân Diệu. Gần gũi, sống chung với đồng bào, với quần chúng cần lao, Xuân Diệu càng thấy con đường ông lựa chọn là đúng đắn. Và ông càng thấm thía ý nghĩa của cuộc sống vốn đã từng yêu say đắm. Lòng ham sống ở giai đoạn trước tiếp tục chảy tràn trong thơ ca Xuân Diệu sau cách mạng như một mạch ngầm thống nhất trong tư tưởng và con người nhà thơ. Lúc này nổi lên vụ Nhân văn – Giai phẩm, việc Xuân Diệu sống và sáng tác theo lí tưởng cộng sản, theo ngọn cờ của Đảng trở thành đối tượng bình phẩm, chê bai và thậm chí là xuyên tạc. Đáp lại, Xuân Diệu đã viết một loại bài ứng chiến nhằm khẳng định lập trường bản thân. Những bài này, Xuân Diệu in thành tập Những bước đường tư tưởng của tôi (1958).
Từ sau 1958, Xuân Diệu vẫn tiếp tục mày mò sáng tác và nghiên cứu, viết phê bình về các nhà thơ lớn của dân tộc. Đất nước bị chia cắt, Xuân Diệu bước vào một cuộc chiến mới. Đề tài của thơ ca Xuân Diệu là cuộc đấu tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước. Tập Mũi Cà Maura đời (1962).
Bên cạnh đó, Xuân Diệu luôn tìm tòi, học hỏi cái mới thông qua việc đọc và dịch các tác phẩm văn học thế giới. Mặc cho cuộc đời chảy trôi. Mặc cho người đời khen chê. Cũng như Nguyễn Công Trứ từng nói “Được mất dương dương người thái thượng / Khen chê phơi phới ngọn đông phong”, Xuân Diệu vẫn sống, vẫn đi và vẫn viết. Và nỗi ám ảnh thời gian trong thơ Xuân Diệu bây giờ là những năm tháng sống trọn vẹn với thơ văn với cuộc đời. Còn một sức lực, còn chút tài trí Xuân Diệu đều đem ra phơi trải trên những trang thơ, trang văn của mình. Cho dù viết về đề tài nào, có lẽ Xuân Diệu vẫn xứng với biệt danh mà độc giả yêu thơ dành tặng cho ông ở mảng thơ viết tình yêu đôi lứa. Trước hay sau cách mạng tháng Tám, lúc còn trẻ hay khi đã nhiều tuổi, Xuân Diệu vẫn dành một niềm ưu ái mãnh liệt cho thơ tình. Đến những năm tháng cuối của cuộc đời, Xuân Diệu vẫn cặm cụi, miệt mài trong lao động nghệ thuật. Những tập thơ sau ngày đất nước thống nhất là minh chứng cho điều đó.
Bản thân Xuân Diệu vẫn rất ý thức về mối tương quan giữa hai giai đoạn sáng tác của mình. Ông thường nói trong các bài viết tiểu luận về thơ. Và có lúc, Xuân Diệu đã phát
ngôn trực tiếp: “Tôi muốn nói rằng tôi là cũ và tôi là hiện đại, và cả hai phương pháp sáng tác, hai “hồn thơ”, hai giai đoạn lịch sử của nước tôi hòa lẫn trong tôi … Tôi không chút nào từ bỏ các sáng tác về trước mình … Tôi tìm thấy một hạnh phúc giàu có hơn, trọn vẹn hơn, sáng tạo hơn khi ở với cha tôi là Nhân dân và mẹ tôi là Tổ quốc” [45,12].
Người xưa có câu “Nhân vô thập toàn”. Không ai là hoàn hảo cả. Trong văn chương càng như thế. Người làm nghệ thuật cũng có sở trường, sở đoản. Cùng một đề tài, cùng một đối tượng nhưng người kia viết rất xuất sắc nhưng người khác lại viết vô cùng bình thường.
Thiết nghĩ, với những cống hiến lớn lao mà Xuân Diệu mang đến cho thơ ca hiện đại của dân tộc, cũng đủ chứng minh tài năng, làm nên tên tuổi một nhà thơ Xuân Diệu.
1.3.2. Những đóng góp về thơ của Xuân Diệu trong nền thơ ca dân tộc
Ngoài những sáng tác chưa được in thì Xuân Diệu đã đóng góp cho kho tàng thơ ca dân tộc những tác phẩm chính (thơ) sau:
• Thơ Thơ (1938)
• Gửi hương cho gió (1945)
• Ngọn quốc kỳ
• Hội nghị non sông
• Dưới sao vàng (1949)
• Sáng (1953)
• Mẹ con (1954)
• Ngôi sao (1954)
• Riêng chung (1960)
• Mũi Cà Mau - Cầm Tay (1962)
• Một khối hồng (1964)
• Hai đợt sóng (1967)
• Tôi giàu đôi mắt (1970)
• Hồn tôi đôi cánh (1976)
• Thanh ca (1982)
Ngoài sáng tác thơ, Xuân Diệu còn viết truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, khảo luận, phê bình, dịch thơ,… Năm 1983, Xuân Diệu được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1985, ông được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất. Ngày 18 tháng 12 năm 1985,
Xuân Diệu từ trần, kết thúc con đường thơ ca đầy giá trị của mình. Và như một sự ghi dấu của thơ ca dân tộc trước những cống hiến của Xuân Diệu, Xuân Diệu được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1) năm 1996.
Tiểu kết chương 1
Biểu tượng là một phần quan trọng của cuộc sống con người. Biểu tượng thể hiện đời sống tinh thần, văn hóa, văn minh của dân tộc, nhân loại. Con người khám phá biểu tượng là đi tìm lại chính mình.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử từng nói với Quách Tấn rằng: “Nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ Điên […] Không nên để cho người đời thấy những bí ẩn của lòng mình” [80]. Biểu tượng có sức mạnh phô bày tất cả những gì nằm sâu trong những ngõ ngách của tâm hồn con người. Dù muốn dù không khi nhà thơ làm thơ tức là đang tự nói về những ám ảnh và những khao khát của lòng mình. Biểu tượng có hai mặt cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Bao giờ cái được biểu đạt cũng tràn ra, vượt ra khỏi cái biểu đạt. Nó luôn vận động biến đổi nhưng cũng ổn định ở một mức nào đó. Chính điều này làm nên sức sống của biểu tượng nói chung, biểu tượng nghệ thuật nói riêng. Để tạo nên một biểu tượng nghệ thuật đúng nghĩa, nó đòi hỏi một sự sáng tạo nghiêm túc.
“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương rồi. Sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện” (Đời thừa – Nam Cao). Nghệ thuật đòi hỏi sự chân thật nhưng không cứng nhắc, khuôn sáo. Nghệ thuật yêu cầu tái hiện thế giới khách quan theo cảm xúc của chủ quan người nghệ sĩ sao cho chân thành và sinh động nhất. Tất cả những rung động, những cung bậc tình cảm của con người nghệ thuật đều phải mô tả được. Không chỉ mô tả mà còn làm cho nó có sinh khí, sống động như thật. Văn chương nói chung, thơ ca nói riêng, là người ghi chép lịch sử văn minh của loài người một cách trung thành nhất. Biểu tượng chính là một người giúp việc không biết nói dối.
Nhà thơ dù có đưa ra nhiều lý giải hay phát biểu nhiều quan điểm, nhưng chỉ có thơ ca mới là tiếng nói chân thành nhất. Trường hợp Xuân Diệu cũng như thế. Và việc đi vào khám phá biểu tượng nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu sẽ góp một phần để giúp chúng tôi cái nhìn tổng thể về những giá trị thơ Xuân Diệu.