Biểu tượng Trái tim

Một phần của tài liệu biểu tượng nghệ thuật trong thơ xuân diệu (Trang 134 - 138)

CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU TRONG THƠ XUÂN DIỆU

3.3. Sự giao hòa Đông và Tây trong biểu tượng thơ Xuân Diệu

3.3.4. Biểu tượng Trái tim

Trong thơ ca phương Đông hầu như trái tim ít xuất hiện như là một biểu tượng của tình yêu lứa đôi. Phương Tây thì ngược lại. Giáo sư Galdino Pranzarone thuộc trường đại học Salem, Mỹ, đưa ra giả thuyết rằng biểu tượng trái tim có thể mô phỏng đường cong trên vòng 3 hay vòng 1 của nữ thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp. Và có thể các nghệ sĩ thời phục hưng yêu thích văn học và lịch sử cổ điển đã bị tác động bởi sở thích của người Hy Lạp. Cho nên biểu tượng trái tim dành cho tình yêu phổ biến hơn vào thế kỉ XV ở châu Âu khi xuất hiện trong các quân bài. Tuy nhiên có một số nhà nghiên cứu tuyên bố rằng biểu tượng trái tim tình yêu có từ thời tiền sử và được nhìn thấy đầu tiên trong các bức họa thời kì đồ đá ở Tây Ban Nha [92].

Nói chung, trong thơ ca dân tộc nói riêng và thơ ca phương Đông nói chung, mặc dù không nói đến trái tim nhưng cũng có nhắc đến chữ tâm (lòng) . Tuy nhiên, chữ tâm thường bao hàm những tình cảm chung chung: tình đất nước, lòng trung hiếu, tình cảm gia đình.

Trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, tâm có nghĩa: mặt tình cảm, ý chí của con người nói chung.Có lẽ những lễ giáo phong kiến khắt khe đã hạn chế con người bộc lộ tình cảm cá nhân, nhất là tình yêu đôi lứa. Cho nên trong thơ ca trung đại Việt Nam, tình

yêu quê hương đất nước, nỗi niềm của các nhà nho trước thời cuộc là cảm xúc chủ đạo. Đến giai đoạn 1930 – 1945, xuất phát từ thực tế xã hội có nhiều thay đổi, quan niệm về con người cá nhân, tình yêu đôi lứa cũng thay đổi. Sự giao lưu văn hóa mở rộng. Thơ ca phương Tây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thơ ca Việt Nam. Là một trí thức Tây học được đào tạo bài bản nên sự ảnh hưởng thơ Tây đến thơ Xuân Diệu là điều dễ hiểu. Chỉ riêng trong phong trào Thơ mới, tình yêu lứa đôi đã có đủ sắc thái, cung bậc. Là nhà thơ lãng mạn, Xuân Diệu viết nhiều về thơ tình và được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu luôn nồng nhiệt, vồ vập cháy bỏng. Tình yêu đúng nghĩa luôn là sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác. Những ham muốn ái ân trong tình yêu đều được nhà thơ tỏ bày thành lời thơ. Ấy vậy nên Xuân Diệu đã nhận biết bao lời khen chê. Người khen khen nhiều. Người chê cũng không ít. Nhưng cả một thế hệ độc giả trẻ thời ấy hiếm ai mà không đọc và không yêu thơ Xuân Diệu. Thơ tình Xuân Diệu là lời nói thay cho những tâm tư, những con tim yêu của họ. Cho nên việc xây dựng biểu tượng trái tim – tình yêu lứa đôi đã tạo ra sự khác biệt cho thơ Xuân Diệu.

Khi người ta yêu nhau thì chẳng cần lời nói, chỉ cần đôi trái tim hiểu nhau. Phút giây gần gũi là những giờ phút thần tiên, êm ái. Đến cả trái tim cũng ngừng lại để cảm nhận niềm hạnh phúc của tình yêu.

Không cần nói. Trái tim dường mở hé, Hoa muôn năm nghe nở tiếng thần tiên Trái tim ngừng trong một lúc vô biên

(Kỉ niệm)

Một nét nghĩa khác mà thơ ca phương Tây ảnh hưởng lên biểu tượng trái tim trong thơ Xuân Diệu là trái tim – biểu tượng của nỗi cô đơn. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng sống cuống quýt để tận hưởng cuộc sống. Lời thơ Xuân Diệu lời có của con tim ham sống, nhiệt thành. Chính vì lòng ham sống đến tuyệt đích, luôn muốn yêu đến “vô biên” nên Xuân Diệu không tránh khỏi nỗi buồn cô đơn khi ước mơ không thành hiện thực. Nỗi buồn cô đơn dường như còn là nỗi buồn cô đơn của cả một thế hệ không tìm ra được lối đi:

Muốn rụng rơi, trái tim nặng ưu phiền, - Trái tim giữa một cái kềm bằng sắt.

(Sắt)

Hình ảnh “trái tim giữa một cái kềm bằng sắt” gợi sự giam cầm, bó buộc không sao thoát ra được của con người trong cuộc đời cũ. Trái tim trong thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám luôn là hình ảnh của nỗi đau đời, nỗi bơ vơ, cô đơn lạc loài: trái tim đau, trái tim ghê dáng hững hờ, trái tim nhoi nhói, …

Nhìn chung, các biểu tượng nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu là sự giao hòa giữa thơ ca dân tộc nói riêng, thơ ca phương Đông nói chung với thơ ca phương Tây. Các biểu tượng trong thơ Xuân Diệu dù có mới có Tây đến đâu cũng vẫn là những khung cảnh, sắc trời, chim muông của quê hương Việt Nam. Thiên nhiên xinh đẹp trong thơ Xuân Diệu là thiên nhiên của thị thành Việt Nam những năm 1930. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu vẫn là tình yêu của những thế hệ thanh niên Việt Nam. Nỗi buồn nỗi cô đơn trong thơ Xuân Diệu chắc chắn là sản phẩm của những biến động xã hội Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Dù Xuân Diệu có chịu ảnh hưởng từ văn học phương Tây đến đâu thì mạch nguồn thơ dân tộc vẫn chảy. Bởi “quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi” (Quê hương – Đỗ Trung Quân). Những tinh hoa trong thơ ca phương Tây mà Xuân Diệu học tập được chủ yếu từ thơ lãng mạn và tượng trưng của thơ ca Pháp trở thành bước đệm để Xuân Diệu làm mới ngôn ngữ tiếng Việt. Âu cũng là xuất phát từ tấm chân tình của một con người nặng lòng với quê hương đất nước.

Tiểu kết chương 3

Biểu tượng nghệ thuật tiêu biểu trong thơ Xuân Diệu có mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Chúng đều chiếm giữ một vai trò quan trọng trong việc thể hiện thế giới nghệ thuật của tác giả. Mùa xuân, Hoa, Trăng và Trái tim là những biểu tượng nghệ thuật xuyên suốt đời thơ của Xuân Diệu. Chúng kết hợp với nhau cùng với các biểu tượng khác tạo nên tính thống nhất trong mạch cảm xúc và tư duy thơ Xuân Diệu. Chúng luôn vận động và được làm mới trong thơ ông. Để tạo nên những biểu tượng tiêu biểu độc đáo này, Xuân Diệu đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc trưng. Nhà thơ đã sử dụng một hệ thống động từ, tính từ và từ láy để tạo nên sắc thái đa dạng cho biểu tượng. Bên cạnh đó, việc tăng cường tính nhạc, tạo độ vang, độ nén cũng là những thủ pháp mang lại hiệu quả nghệ thuật cao.

Chúng giúp tăng giá trị cho biểu tượng nghệ thuật. Xuân Diệu là nhà thơ trí thức Tây học lại xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học. Chính vì vậy mà biểu tượng nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu có sự giao hòa giữa Đông và Tây. Tinh hoa của thơ ca dân tộc

bao đời đã thấm sâu vào tâm hồn thơ Xuân Diệu và được thể hiện đầy đủ trong các biểu tượng thơ ông. Thơ ca phương Tây được Xuân Diệu sử dụng như là một công cụ để làm mới, làm phong phú thêm ngôn ngữ dân tộc. Tất cả những nghệ thuật trên đã được Xuân Diệu kết hợp hài hòa và hiệu quả để tạo nên những biểu tượng nghệ thuật độc đáo và đầy sức ám gợi.

Một phần của tài liệu biểu tượng nghệ thuật trong thơ xuân diệu (Trang 134 - 138)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)