CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU TRONG THƠ XUÂN DIỆU
2.2.2. Hoa trong thơ Xuân Diệu
Đi vào khảo sát các tập thơ của Xuân Diệu, chúng tôi nhận thấy hoa là một biểu tượng xuất hiện với tần số rất cao. Khoảng 400 lần dưới nhiều góc độ: hoa trong mối quan hệ với các bộ phận của cây, hoa trong mối quan hệ với chim, bướm; hoa trong quá trình sinh trưởng và phát triển của chính nó, hoa trong các loài hoa,… Dù trong mối quan hệ nào, biểu tượng hoa cũng bộc lộ sự phong phú về ý nghĩa của nó. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đi sâu vào tìm hiểu đặc điểm ý nghĩa của biểu tượng hoa nói chung trong thơ Xuân Diệu.
2.2.2.1. Hoa – Thiên nhiên tươi đẹp
Xuân Diệu là một người khao khát được sống, ham sống, sống vội vàng cuống quýt, sống mãnh liệt. Là một con người đa tình với cuộc đời, say mê tuổi trẻ, đắm duối với tình yêu và đặc biệt, Xuân Diệu luôn yêu chuộng cái đẹp. Thơ ông là một thế giới tự nhiên đầy hoa cỏ, tươi sáng, đầy màu sắc:
Tóc liễu buông xanh quá mĩ miều, Bên màu hoa mới thắm như kêu;
Nỗi gì âu yếm qua không khí,
Như thoảng đưa mùi hương mến yêu…
(Nụ cười xuân) Hay là
Gió thơm phơi phất bay vô ý
Đem đụng cành mai sát nhánh đào.
(Nụ cười xuân)
Một sự vô ý mà hữu tình. Nhà thơ hòa mình với thiên nhiên là điều dễ hiểu. Còn thiên nhiên thì sao? Trước một thi sĩ đa tình, thiên nhiên trở nên tình tứ hơn. Làn “gió thơm” vô tình gắn kết mai với đào như chính thiên nhiên vô tình se mối lương duyên giữa tác giả và cuộc đời.
Tiếp thu văn hóa phương Tây từ rất sớm, Xuân Diệu đã chịu ảnh hưởng nhiều từ thơ ca phương Tây mà chủ yếu là thơ ca Pháp. Tuy vậy, trong quá trình sáng tác, Xuân Diệu đã tiếp thu có chọn lọc và luôn kết hợp với thơ ca truyền thống của dân tộc, nên đọc những dòng thơ của Xuân Diệu ta vừa ngạc nhiên, ngỡ ngàng vì xa lạ vừa thấy thân quen, gần gũi:
Hơn một loài hoa đã rụng cành Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
(Đây mùa thu tới)
Trước Cách mạng tháng Tám, phải nói rằng thơ ca Xuân Diệu chưa gắn nhiều với thời cuộc nhưng thơ Xuân Diệu lúc nào cũng ca ngợi sự sống, ca ngợi cái đẹp. Thơ ông là cả một mùa hoa khoe sắc, góp nhặt hương thơm cho đời. Ông sống thực với lòng mình, không vụ lợi, hướng lòng mình vào thiên nhiên, đất trời. Xuân Diệu đã làm bừng dậy vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng cho loài người. Trần gian có hoa thơm, cỏ lạ mới thật sự là một thiên đường trên mặt đất. Thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu có khi là cả một vườn hoa với đủ các loài hoa khoe sắc:
Hoa cúc dường như thôi ẩn dật, Hoa hồng có vẻ bận soi gương.
Vàng tươi, thược dược cánh hơi xòa;
Ửng rạng, phù dung nghiêng mặt hoa;
Nhánh vút làm cho lan chớm ngợp, Lòng trinh giữ lại nửa bông trà.
(Lạc quan)
Hoa trong thơ Xuân Diệu rất phong phú, đa dạng. Đó có thể là loại hoa quý phái, sang trọng như hoa hồng, phù dung, lan, đào, mai … cũng có những loài hoa giản dị, đằm thắm như cúc, thược dược, bông trà, hoa phượng, hoa lựu, … đến những loài hoa quê mùa, mộc mạc như sen, hoa mua, hoa dại, hoa mắc cỡ, hoa lý, hoa sim, hoa lau, … Hoa trong thơ Xuân Diệu là những loài hoa có thật ngoài đời, nhưng đôi khi đó cũng là thứ hoa chỉ có trong sự tưởng tượng của tác giả.
Đó là những đóa hoa đồng nội mang trong mình vẻ đẹp của nàng xuân đang độ tươi thắm:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật Này đây hoa của đồng nội xanh rì Này đây lá của cành tơ phơ phất Của yến anh này đây khúc tình si
(Vội vàng)
Mùa xuân sẽ chẳng có hương thơm quyến rũ, sẽ chẳng có màu sắc rực rỡ nếu thiếu những bông hoa. Bữa tiệc trần gian sẽ nhạt tẻ nếu vắng những đóa hoa. Hoa là một phần của cuộc sống, của mùa xuân, của cái đẹp. Thiên nhiên trong mắt Xuân Diệu lúc nào cũng như ngày hội hoa:
Này là bông cúc với bông mai, Với lại bông lan lá nhọn dài, Với lại bông hồng da mởn mởn, Này thêm bông lý với bông lài Thêm đóa tường vi chấm lệ trinh.
Nhành thì gai sắc, lá thì xinh.
Thơm sao thanh thoát hoa sen trắng!
Hoa cải hoa dưa vàng thái bình.
(Hoa)
Tình yêu thiên nhiên là điểm xuất phát của tình yêu quê hương đất nước. Sau cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu đi nhiều nơi và mỗi nơi thường để lại dấu ấn trong lòng ông.
Hoa mơ nở trắng núi rừng khiến tác giả ngỡ ngàng:
Mà vẫn bàng hoàng như nửa mộng Mơ hay là thực, hỡi hoa mơ?
Mơ trong thung lũng, mơ trên núi Hoa bạch như sương một áng mờ…
(Thăm cảnh chùa Hương)
Cả một thung lũng đầy hoa mơ khiến thi nhân tưởng như mình đang rơi vào cõi mộng. Hoa mơ trắng tinh khôi, trinh bạch ngút ngàn tầm mắt mở ra một không gian xinh tươi để tác giả phải thốt lên:
Ôi núi Hương Sơn…
Ôi thuyền Bến Đục …
Đã ngàn năm trước, muôn năm nữa, Kiêu hãnh Non Sông đẹp với tình.
(Thăm cảnh chùa Hương)
Nếu hoa mơ biểu tượng cho vẻ đẹp của vùng núi rừng thì hoa trứng cá, hoa điệp vàng, bông trang, … lại gợi nhớ về vùng đất miền Tây Nam Bộ trù phú:
Những cây trứng cá hoa sao trắng
…Cây bằng lăng trắng hoa đang nở Làm nhớ bằng lăng nước - tím hoa.
… Điệp đỏ vừa qua lại điệp vàng Nhà ai trước cửa nở bông trang
… Mắt còn bỡ ngỡ chưa thu hết
Biếc Hậu Giang liền xanh An Giang…
(Cần Thơ xe chạy tới Long Xuyên)
Nếu như trước cách mạng tháng Tám, thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu là những nàng xuân rực rỡ với những bông hoa kiêu sa, đài các, thì sau cách mạng tháng Tám thiên nhiên là những vùng quê, những làng mạc, những cánh đồng. Nơi đó, không có hoa hồng, hoa lan, tường vi, … mà chỉ có dâm bụt, hoa cau, hoa lau, hoa cà, hoa bắp,… Nhưng vẫn khiến tác giả rạo rực lòng:
Vừa tới cao nguyên rạo rực lòng Lại say hoa bắp nắng vàng ong.
Một mùa bắp mới xưa chưa thấy Làm má non sông cũng ửng hồng…
(Hương bắp ở Tuyên Đức)
Mỗi hàng rào bông bụt của miền Nam ta
… Tôi ở giữa trâm bầu, đi trong bóng nhãn, Hương cau hương mận cứ quấn ngang đầu…
… Sang xuân hoa cải lại nở vàng tươi Gió thổi chập chờn bướm mơn không khí…
Ơi cái đất miền Nam đất mầm đất nhụy
(Tôi muốn đi thăm khắp cả miền Nam) Có loài hoa nhắc nhớ tác giả về những kỉ niệm:
Hoa dại không tên khuất một cành Mùi rừng trổi đắng giữa đồng xanh Người qua sững bước bên hương núi Nhớ thuở non sâu thắm thiết tình
(Hương chiến khu)
Cũng có loài hoa gắn với cuộc sống đồng quê, mùa màng trở đi trở lại trong thơ Xuân Diệu như là biểu tượng của nơi chôn nhau cắt rốn, như là biểu tượng của tuổi thơ trong sáng:
Chạy bắt hoa gạo đỏ
… Hoa gạo của quê tôi Là mặt trời đọng tóe
(Các em nhỏ với hoa gạo) 2.2.2.2. Hoa – Tình yêu lứa đôi
Xuân Diệu từng được mệnh danh là nhà thơ của tình yêu, dù ở giai đoạn trước hay sao cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu vẫn dành riêng một mảnh đất thơ cho những sáng tác về tình yêu lứa đôi. Người tình luôn là nàng thơ kiều diễm, là nguồn cảm hứng trong các tác phẩm của nhà thơ. Không còn gì đẹp hơn khi ví tình nhân của mình là bông hoa đang thắm sắc:
Em là hoa thắm lá xanh
(Quả trứng và lòng đỏ) Hoa đẹp là hoa nhìn với mắt em…
(Hoa đẹp là hoa nhìn với mắt em) Hoa cau, hoa cam, … như là biểu tượng gợi về bóng dáng của người yêu thương:
Em là chùm hoa cam
(Sao em lại như thế) Áo em thoang thoảng hoa cau
Áo em say đắm một màu trầm hương (Áo em)
Ví người yêu là hoa là cách nói quen thuộc của thơ tình. Ở đây ta thấy Xuân Diệu ví người yêu như hoa cam, hoa cau, … những bông hoa bình dị, dân dã. Người yêu của thi sĩ cũng vì thế mà dịu dàng, mộc mạc. Nhiều lúc với những thứ quá đỗi quen thuộc người ta thấy sự tồn tại của nó như là một điều tất yếu và dễ lãng quên. Nhưng rồi có đôi lúc bất chợt nhìn thấy hoa cam, hoa cau nở thoang thoảng lại thấy thân thương biết bao nhiêu. Tình yêu chân thành nảy sinh từ những điều đơn giản như thế lại có sức sống bền bỉ.
Yêu nhau, ai cũng muốn tặng cho nhau những đóa hoa tươi thắm nhất, xinh đẹp nhất.
Nhưng Xuân Diệu lại muốn được người yêu tặng hoa cải cúc. Đó là hoa cải cúc giản dị, chân thành biểu tượng cho vẻ đẹp của tình yêu tự nhiên, giản dị mà chân thành:
Em về nhớ tặng anh Mấy cành hoa cải cúc
… Giống lòng em như đúc…
(Hoa cải cúc)
Đã phải lòng nhau, đã yêu thương và gắn bó thì khi xa cách, chỉ một tác động nhỏ bé cũng đã thấy nhớ nhau da diết. Người yêu xa cách nhưng nỗi nhớ thương thì không xa bao giờ:
Hoa lau phơ phất nhớ ai
… Ngàn lau thương nhớ ai hay
Đối với Xuân Diệu, nhà thơ tình yêu, người yêu trong mắt ông bao giờ cũng như là hương là hoa. Người yêu bao giờ cũng đẹp một cách diễm ảo. Mỗi bước người thương đi đều có hoa, có hương đi cùng:
Mỗi bước em vào rải cánh hoa
… Mãi mãi em là ngọc với hương (Em về)
Khi đã yêu thương, người ta luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Thậm chí người ta sẵn sàng hi sinh vì người ấy. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu tuy rất mãnh liệt nhưng không hô hào theo kiểu “đao to búa lớn”. Chỉ là những hành động,
suy nghĩ đơn giản nhỏ nhặt thôi cũng thể hiện một tình yêu nồng nàn. Khi vô tình ngắm một đóa hoa thơm, nhà thơ cũng nghĩ đến việc mang tặng cho người yêu thương:
Hái một đóa hoa cười chúm chím
… Để tặng em mà em có hay?
(Xuân bên Hồ Tây)
Xuân Diệu quan niệm “tình không tuổi” nên dù ở độ tuổi nào tác giả cũng dành một tình cảm nồng nhiệt nhất, cháy bỏng nhất cho tình yêu. Thi nhân muôn đời luôn đa tình. Bất cứ ai, bất cứ điều gì cũng có thể trở thành nàng thơ, trở thành người trong mộng. Có khi chỉ là một cái nhìn, một vài phút gặp gỡ. Có khi là những năm tháng gắn bó cùng nhau. Cũng có khi đó chỉ là tình yêu từ một phía. Vậy mà tất cả đều được lưu giữ trong trí nhớ. Khi có tác động, những cảm xúc ngày xưa lại ùa về, vẫn mãnh liệt, vẫn nồng nàn. Hoa phượng nở nhắc nhớ thời gian trôi, những năm tháng tươi đẹp đã qua, chỉ còn lại là niềm luyến tiếc:
Mười năm phượng, phượng huy hoàng vẫn phượng, Áo trắng trong ngày tháng phất phơ soi.
Ta cùng mình như cành cây riết quấn, Vương lòng nhau ràng rịt biết bao đời.
Phượng mười năm … hiu hắt gió mười năm…
Yêu mười năm … nhớ muôn thuở … mười năm … (Phượng mười năm)
Xuân Diệu còn có cả một bài thơ chỉ viết về một loài hoa duy nhất. Loài hoa ấy có tên là Hoa Ngọc Trâm. Hoa biểu tượng cho tuổi trẻ, cho tình yêu duy nhất:
Anh tặng cho em hoa ngọc trâm Hoa như ánh sáng ngọc như mầm.
(Hoa ngọc trâm)
“Hoa ngọc trâm (hoa Anh Thảo) có tên tiếng Anh là Primrose (hoa hồng đầu tiên).
Là loài hoa nở vào mùa xuân. Hoa ngọc trâm là biểu tượng sự duyên dáng và sắc đẹp của tuổi trẻ, lứa tuổi giữa trẻ con và thiếu nữ. Hoa ngọc trâm nở muộn (Everning Primrose) chỉ nở khi đêm xuống. Nó không bao giờ hé mở các búp hoa của mình cho đến khi trăng lên.
Hoa hướng về phía trăng bạc. Khi đêm xuống, không gian hoàn toàn yên tĩnh, các cánh hoa phát ra một thứ ánh sáng lân tinh dịu dịu. Nó tượng trưng cho một tình yêu thầm lặng”[80].
Xuân Diệu sáng tác bài thơ này vào tháng 6 năm 1962, tức sau cách mạng tháng Tám. Xuân
Diệu vẫn nồng nhiệt và say đắm với tình yêu dù lúc này tuổi đã gần năm mươi. Bài thơ như là một lời bày tỏ chân thành về mối tình thầm lặng của tác giả với người mình yêu thương.
Xuân Diệu từng nói rằng “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non/… Hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu”. Vậy là Xuân Diệu vẫn trẻ, vẫn say đắm tình yêu như “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, và vẫn gieo vào những trang thơ của mình những bông hoa tình ái đầy hương sắc.
Trước hay sau cách mạng tháng Tám, tấm lòng trần gian của Xuân Diệu vẫn như thế.
Phần thơ tình yêu lứa đôi sau 1945 đã không còn vồ vập, chứa đầy cảm xúc nhục thể nữa mà lúc này tình yêu trong thơ ông đã trở nên “chín” hơn. Ngoài những yếu tố tình cảm ra, tình yêu trong thơ Xuân Diệu còn có sự kết hợp với lý trí và chiều sâu chiêm nghiệm về cuộc đời. Nhưng nói chung, hoa trong thơ Xuân Diệu vẫn là biểu tượng của tình yêu lứa đôi.
Hoa trong thơ Xuân Diệu là “hoa tình ái”.
2.2.2.3. Hoa - Sự tàn phai
Đây là một điểm rất đặc biệt trong thơ Xuân Diệu. Hoa trong thơ Xuân Diệu rất phong phú. Có hoa thật ngoài đời và cả hoa chỉ có trong tâm tưởng nhà thơ. Có điều dù là lấy ý tưởng từ thiên nhiên hay từ mộng tưởng, hoa trong thơ Xuân Diệu vẫn chứa một nỗi ám ảnh không cưỡng lại được. Nỗi ám ảnh thời gian trôi. Nỗi ám ảnh về sự tàn phai. Hoa rụng (hoa tàn) là biểu tượng cho nỗi ám ảnh về thời gian một đi không trở lại, về sự ngắn ngủi của tuổi trẻ, về sự hữu hạn của đời người.
Ngay cả trong khung cảnh mùa xuân rực rỡ đầy hương sắc, tác giả cũng không cho chép mình quên đi dòng chảy của thời gian. Các nhà nho ngày xưa thường lấy việc “ngắm hoa nở, chờ trăng lên” làm thú vui tao nhã. Nhưng Xuân Diệu thì khác, ông cho rằng:
Hoa nở để mà tàn
Trăng tròn để mà khuyết
… Hoa thu không nắng cũng phai màu;
(Hoa nở để mà tàn)
Xuân Diệu là một người ham sống, khao khát sống. “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rạt rào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình.
Khi vui vũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết.” (Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh). Niềm vui sống trên cõi đời này của nhà thơ chính là mỗi sáng sớm được thấy bình minh của ngày, thấy ánh sáng rực rỡ, thấy những khung cảnh tươi đẹp của vạn vật. Đối với
Xuân Diệu trời đất chỉ có một mùa duy nhất. Đó là mùa xuân. Lúc nào không gian này đối với Xuân Diệu cũng là mùa xuân tươi thắm: “Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng/ Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng” (Xuân không mùa). Thi sĩ là kẻ yêu bất kể thời gian, bất kể tuổi tác. Nhưng thực tế thì, ngay cả trong lúc yêu, thời gian vẫn là nỗi ám ảnh:
Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới;
Nhưng đôi ngày tình mới đã thành xưa.
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ (Giục giã)
Hoa tàn, hoa rơi trong thơ Xuân Diệu gợi về sự phôi phai, chảy trôi của thời gian.
Không giống với cái nhìn của thi sỹ Hoàng Phủ Ngọc Tường: một bông hoa tàn rụi trong bóng tối, như sự kết thúc lặng lẽ của một mối tình:
Có buổi chiều nào như chiều nay Căn phòng anh bóng tối dâng đầy Anh lặng thầm như là chiếc bóng Hoa tàn một mình em không hay
(Dạ khúc)
Hoa rụng, hoa tàn luôn luôn thường trực trong tâm trí của Xuân Diệu như thể nếu nhà thơ sáng tác thì đó là tác phẩm nói về hoa tàn úa:
Hơn một loài hoa đã rụng cành Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
(Đây mùa thu tới)
Thời gian trôi từng giây, từng phút theo từng sắc lá trong vườn, theo từng đóa hoa trên cành. Cách nói “hơn một” độc đáo, mới lạ và đầy gợi cảm. Hình ảnh màu đỏ đang dần lấn chiếm màu xanh của lá cây gợi về nhịp chảy hối hả của thời gian.
Hay trong Ý thu, nhà thơ viết:
Những chút hồn buồn trong lá rụng Bị nhàu ai tưởng dưới trăm chân.
Bông hoa rứt cánh, rơi không tiếng;
Chẳng hái mà hoa cũng hết dần.
Vũ trụ vẫn chuyển động, thời gian vẫn cứ trôi, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. “Khi mai giậy sớm, trời êm ái/… Nhưng ngày cứ thoát đi từng chút;/… Thong thả chiều vàng thong thả lại…” (Giờ tàn) Mới sớm đó, giờ đã chiều. Thời gian thắm thoát như thoi đưa: