CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU TRONG THƠ XUÂN DIỆU
3.2. Những đặc trưng nổi bật về nghệ thuật xây dựng biểu tượng trong thơ Xuân Diệu
3.2.1. Thủ pháp tạo nên sắc thái của biểu tượng
Để tạo nên giá trị của biểu tượng nghệ thuật trong thơ mình, Xuân Diệu đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật. Trong đó, nhà thơ chú ý đặc tả sắc thái của những biểu tượng nghệ thuật. Có nhiều cách thức tạo độ đậm độ nhạt, lung linh cho biểu tượng. Trong thơ Xuân Diệu, chúng tôi nhận thấy mức độ sử dụng các động từ, tính từ, từ láy là rất cao.
Những động từ, tính từ, từ láy được nhà thơ sắp xếp vị trí phù hợp bên cạnh biểu tượng nghệ thuật đã tạo nên bộ mặt đa dạng và sinh động của biểu tượng.
Động từ
Trong thơ ca Việt Nam nói chung và phong trào Thơ mới nói riêng, Xuân Diệu là một hồn thơ luôn “thức nhọn giác quan” để sống, khám phá và tận hưởng cuộc sống. Thơ Xuân Diệu luôn là dòng chảy ào ạt của lòng ham sống, khao khát gắn bó với cuộc đời và con người. Thơ Xuân Diệu là tình yêu nồng nhiệt của nhà thơ dành cho trần gian. Với lòng yêu đời mãnh liệt ấy, chỉ có những động từ mạnh, nhanh, gấp mới có thể diễn tả hết nỗi lòng của Xuân Diệu. Xuân Diệu đã sử dụng rất nhiều lần và rất đạt các động từ thể hiện cảm xúc của mình. Việc sử dụng động từ trong thơ Xuân Diệu không phải là một việc làm đơn giản, nhất thời. Động từ trong thơ Xuân Diệu xuất hiện một cách có chủ ý và chúng tạo thành một hệ thống. Chúng được nhà thơ dụng công lựa chọn, sắp đặt sao cho chúng biểu đạt chính xác nhất, đầy đủ nhất ý nghĩa của các biểu tượng nghệ thuật cạnh nó. Nhờ có các động từ này mà giá trị của biểu tượng nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu được tăng lên.
Giữa trăm nghìn câu thơ, ta vẫn nhận ra phong cách Xuân Diệu:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
… Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,
… Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng)
Để nói về thành công đặc sắc của việc sử dụng động từ “cắn” trong câu thơ này, chúng tôi xin dẫn lời của nhà thơ Thanh Thảo trong bài Với Xuân Diệu, kì diệu nhất là đời:
“Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! là một câu thơ mang thương hiệu Xuân Diệu. Có lẽ trong rất nhiều động từ thể hiện cái cảm giác vồ vập, siết chặt, níu giữ hay sợ hãi một cái gì trôi tuột, thì động từ “cắn” mà Xuân Diệu dùng cho câu thơ này là mạnh mẽ và chính xác nhất. Xuân Diệu chỉ chơi một chữ “cắn” thế là xong béng tất cả những cảm giác, những cảm xúc, những cảm thấy về những gì tuyệt ngon, tuyệt đẹp, tuyệt khoái cảm mà mùa xuân mang lại cho con người”[67]. Với động từ “cắn” Xuân Diệu đã biến mùa xuân, mùa
của thiên nhiên thành một thực thể hữu hình, có thể sờ, chạm. Và rồi mùa xuân bỗng trở nên sống động, có hồn hơn:
Ta ôm bó cánh tay ta làm rắn
Làm dây da quấn quýt cả mình xuân
Đã nhiều lần Xuân Diệu sử dụng động từ “ôm” để thể hiện sự nồng nhiệt của mình với mùa xuân. “Ôm” để chiếm lấy và “ôm bó” để giữ lại, níu chặt không cho cử động, di chuyển, rời xa. Động từ “quấn quýt” gợi hình ảnh mùa xuân như tình nhân mà nhà thơ khao khát gần gũi với niềm say mê nồng nàn. So với cách dùng động từ trong thơ Nguyễn Bính thì ta sẽ thấy sự khác hẳn về phong cách hai tác giả.
Thôn đoài ngồi nhớ thôn đông
Một người chín nhớ mười mong một người (Tương tư)
Trong thơ Nguyễn Bính, đó chỉ là sự tương tư, nhớ mong nhẹ nhàng trong tình ái. Trái hẳn với cách thể hiện vồ vập, cuồng nhiệt của Xuân Diệu. Vì vậy mà biểu tượng thơ Xuân Diệu mang sắc thái đặc trưng của riêng ông.
Thường, người ta nói lá rụng, hoa rụng… là những sự vật có hình dáng cụ thể.Vậy mà Xuân Diệu viết:
Sắc tàn, hương nhạt, mùa xuân rụng!
(Xuân rụng)
Động từ “rụng” được đặt sau biểu tượng mùa xuân khiến cho câu thơ gợi liên tưởng bất ngờ. Mùa xuân giống như một đóa hoa của tạo hóa ban tặng cho con người. Khi mùa xuân qua đi cũng giống như đóa hoa đang tươi thắm bỗng chốc héo tàn, nhạt cả hương sắc.
Bên cạnh đó, động từ “rụng” còn gợi về cảm giác tê tái, đau đớn của nhà thơ trước sự phai nhạt nhanh chóng của mùa xuân, trước sự trôi chảy mau lẹ của thời gian.
Thơ Xuân Diệu là thơ của một tâm hồn nhạy cảm. Xuân Diệu nhạy cảm với cuộc đời, với tình yêu, với thời gian. Ý thức về sự hữu hạn của con người nên thơ ông tràn đầy những trăn trở, tiếc nuối về những phút ngắn ngủi, về ‘‘tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại’’. Ông sợ hãi trước những đổi thay của người đời “Sự thật hôm nay không thật đến ngày mai / Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn”. Điều đó làm Xuân Diệu hốt hoảng, vội vàng, giục giã.
Nhưng càng tìm kiếm lại càng vô vọng bởi hơn ai hết Xuân Diệu hiểu rằng con người vốn nhỏ bé giờ lại càng cô đơn, bất lực trước thời gian:
Giờ tàn như những cánh hoa rơi
(Giờ tàn) Sắc hè bông phượng rớt từng đôi
(Nhớ mông lung) Và giữa vườn im, hoa run sợ hãi Bao nỗi phôi pha, khô héo, rụng rời.
(Tiếng gió)
“Run” trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê chỉ: “trạng thái rung động nhẹ chân tay hoặc cơ thể do hàng loạt co giật khẽ của các cơ, gây ra bởi một nguyên nhân sinh lí hay tâm lý”. Điều này có nghĩa “run” là động từ chỉ trạng thái, ý thức của con người (động vật).
Nay Xuân Diệu dùng để nói về “hoa run sợ hãi” trước “bao nỗi phôi pha, khô héo, rụng rời”. Hoa run sợ trước những giờ khắc sắp tàn phai hương sắc của nó. Hay đó chính là nỗi hoảng sợ, thảng thốt của nhà thơ trước sự bào mòn của thời gian lên cuộc sống. Động từ
“run” đã mang đến cái thần cho biểu tượng hoa.
Trước cách mạng tháng Tám 1945, biểu tượng hoa trong thơ Xuân Diệu chủ yếu là hoa rơi, hoa rụng, hoa tàn, hoa muôn cánh rã, hoa rơi không tiếng, hoa nở để mà tàn, … Hoa được Xuân Diệu xây dựng thành biểu tượng nghệ thuật đi kèm với các động từ nở, rơi, tàn, úa, rụng, … Kiếp hoa “sớm nở tối tàn”. Kiếp người cũng như kiếp hoa. Các động từ miêu tả trạng thái “hoa tàn” rất đa dạng tạo nên sắc thái phong phú cho biểu tượng nghệ thuật hoa.
Đối với biểu tượng Trăng, hay biểu tượng Trái tim cũng vậy. Xuân Diệu vẫn cố tình sắp đặt hệ thống động từ bên cạnh để bổ sung và làm tăng thêm sắc thái ý nghĩa cho biểu tượng:
Ghì trước trái tim, ghì trước ngực, (Bài thơ tuổi nhỏ)
Hành động “ghì” là hành động thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt, dai dẳng của nhà thơ khi muốn níu giữ cuộc sống, níu giữ thiên đường trên mặt đất. Nó xuất phát từ trái tim luôn rộng mở để đón lấy ngọn gió cuộc đời, đón lấy những rung động của tình yêu thiên thiên, yêu loài người:
Nghìn trái tim mang trong một trái tim (Cảm xúc)
Không cần nói trái tim dường mở hé (Kỉ niệm)
Đó là con tim khao khát yêu đương, khao khát tình ái:
Trái tim ta chuyện thầm thì cùng nhau (Anh về Ấm Thượng) Trái tim anh nói bồi hồi
Mà tim em cũng trao lời vấn vương (Kỉ niệm)
Trong thơ sáng tác ở giai đoạn trước 1945, trái tim trong thơ Xuân Diệu ngoài việc là biểu tượng cho lòng ham sống, trái tim con là biểu tượng của nỗi buồn cô đơn chưa tìm lấy lối đi lí tưởng. Để diễn tả tâm trạng rối bời, bế tắc của cái tôi cá nhân lúc bấy giờ, Xuân Diệu đã khắc họa trái tim với các động từ miêu tả trạng thái: đau, ngừng, than thở, lưu lạc,
…
Hạnh phúc ngừng giữa đôi trái tim đau (Biệt li êm ái)
Trái tim chiều than thở giữa lau cao (Tình mai sau)
Ý thức được tâm trạng ấy, sau này khi đã đi theo ánh sáng của cách mạng, theo đường lối của Đảng, có đôi lúc cảm giác bơ vơ, lạc lõng khi xưa lại trở về. Nhưng đó chỉ là nhất thời.
Sau 1945 Xuân Diệu đã làm mới cho biểu tượng trái tim trong thơ mình. Hình ảnh trái tim trở nên mạnh mẽ khi kết hợp với các động từ mạnh như quăng, hiến, xé vỡ, …Đó là biểu tượng cho lòng căm thù, ý chí của những con người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược:
Trái tim quăng như lựu đạn ném chi (Trận trường kì) Và là biểu tượng của tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt:
Ta yêu mình đến nỗi trái tim ta xé vỡ…
(Lời thề)
Trái tim chúng ta hiến máu cho cả cuộc đời (Nhân dân đáng yêu)
Động từ trong thơ Xuân Diệu rất đa dạng, lớp lang và có giá trị nghệ thuật. Nó mang lại sắc thái phong phú cho các biểu tượng nghệ thuật trong thơ ông. Trên đây, chúng tôi chỉ đưa ra một vài ví dụ tiêu biểu về cách dùng động từ trong việc xây dựng biểu tượng nghệ
thuật thơ Xuân Diệu. Nhờ những động từ này mà các biểu tượng nghệ thuật trở nên sống động, gợi cảm và giàu ý nghĩa.
Tính từ
Cũng giống như động từ, những tính từ trong thơ Xuân Diệu cũng được lựa chọn, sắp xếp thành một hệ thống có chọn lọc nhằm tăng giá trị, sắc thái ý nghĩa cho các biểu tượng.
Tính từ trong thơ Xuân Diệu có thể là tính từ chỉ màu sắc, trạng thái, tính chất của sự vật, hiện tượng. Nó thường giữ vai trò làm vị ngữ hoặc làm định ngữ bổ nghĩa cho biểu tượng.
Hoặc các tình từ này chỉ miêu tả sự việc, hiện tượng như chính nó. Hoặc các tính từ góp phần làm thay đổi, mang lại sắc màu mới, ý nghĩa mới, bộ mặt mới cho biểu tượng nghệ thuật. Chẳng hạn như:
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già (Vội vàng)
Mùa xuân trong câu thơ này được miêu tả với hai trạng thái đối lập nhau “non ><
già”. Mùa xuân đi từ “non” đến “già”. Mùa xuân không có tuổi nhưng trong thơ Xuân Diệu mùa xuân có “non” nên cũng có “già”. Mùa xuân đến là lúc mùa xuân còn tươi mới, rực rỡ, non tơ. Và lúc ấy cũng có nghĩa rằng mùa xuân cũng sẽ nhanh chóng tàn phai. Hai tính từ trái nghĩa “non, già” giúp gợi nên sự hao mòn của vạn vật trước sự khắc nghiệt của thời gian. “Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già” gợi ta nhớ đến câu ca dao: “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già / Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”. Phải chăng Xuân Diệu đã tiếp thu và phát triển ý thơ ấy từ ca dao của dân tộc . Có lẽ vì vậy mà biểu tượng mùa xuân có thêm sắc thái mới. Mùa xuân đầu còn được ví như tình yêu đầu tiên đầy ngây thơ, trong trắng:
Xuân đầu mùa trong sạch vẻ ban sơ (Tình thứ nhất)
Xây dựng biểu tượng trăng trong thơ mình, Xuân Diệu thường dùng các tính từ như:
xa, rộng, đẹp, ngà, lạnh, ... Các tính từ này thường gợi về biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên vĩnh cửu, về ước mơ và khát vọng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, những tính từ chỉ khoảng cách như xa, rộng, chỉ cảm giác như lạnh … còn giúp khơi nguồn một nỗi cô đơn, lẻ loi của con người giữa vũ trụ bao la, vĩnh hằng.
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá (Trăng)
Người là trăng, hỡi trăng đẹp bình yên
Hỡi trăng đẹp, ngươi là trăng náo nức;
… Trăng của xa xôi, trăng của hão huyền (Ca tụng)
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da
… Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt (Lời kỹ nữ)
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
(Nguyệt Cầm)
Những tính từ chỉ trạng thái cảm xúc như thương, nhớgóp phần cho biểu tượng trăng gợi về một nỗi buồn lan tỏa, một nỗi cô đơn mơ hồ của thiên thiên đang xâm chiếm lấy hồn con người. Trăng vừa là chủ thể vừa là khách thể của nỗi buồn. Như lời Nguyễn Khánh Thư trong bài viết Nguyệt Cầm – Một nốt nhạc buồn của Xuân Diệu: “Tạo vật đã được "nội cảm hoá", nhà thơ biến cái vô hình trở nên hữu hình. Trăng […] trở thành sinh thể sống bằng rung cảm và tâm tình của nhà thơ. Từ buồn, thương và nhớ ấy, cảm giác lạnh buốt tê cứ chợt xâm chiếm cảm quan người đọc”[46].
Có lúc Xuân Diệu miêu tả trăng với một sắc màu rất đặc biệt:
Trăng thu thường thấy trắng phau (Bụi mưa mờ cũ)
Vầng trăng mùa thu với gam màu “trắng phau”thường tạo cảm giác trống trải, vắng vẻ và hơn cả là một nỗi buồn cô đơn. Màu “trắng” là gam màu lạnh. Tác giả dùng “trắng phau” tức là trắng gấp nhiều lần. Trắng không một chút pha lẫn. Vầng trăng mùa thu với màu “trắng phau” còn giúp người đọc liên tưởng đến hình ảnh thời gian trôi qua nhanh đến mức lôi kéo bào mòn tất cả những gì chung quanh vầng trăng và làm hao mòn cả “bóng vàng”. Tính từ chỉ màu sắc trong thơ Xuân Diệu rất đa dạng. Nó có thể là những gam màu thực, gam màu hư. Cũng có thể là gam màu của cảm xúc, của tâm tưởng hay của tự nhiên, của hiện thực. Nó góp phần tạo nên thế giới biểu tượng đa sắc trong thơ ông.
Đôi lúc tính từ được Xuân Diệu sử dụng còn góp phần thể hiện thủ pháp giao hòa giữa các giác quan:
Lá hơi úa và mùi hoa hơi đắng (Tặng thơ)
“Mùi hoa”, tức là đang nói về khứu giác, nhưng “mùi hoa hơi đắng” thì đã chuyển sang vị giác. Đây không đơn giản là sự chuyển đổi các giác quan mà xa hơn là sự giao hòa, tương tác các giác quan (phép tương giao của chủ nghĩa tượng trưng).
Hay đôi lúc, những tính từ chỉ màu sắc được sử dụng như một công cụ đắc lực làm tăng sự ám gợi cho biểu tượng. Ví như:
Héo tim xanh cho quá độ tài tình
(Lời thơ vào tập gửi hương) Trái tim dũng mãnh, đập hộ cho cả thế gian
(Sự sống chẳng bao giờ chán nản)
“Tim xanh” là biểu tượng của trái tim trẻ trung, của tấm lòng nồng nhiệt, khao khát cống hiến cho thơ, cho cuộc đời. Trong thơ Xuân Diệu, màu xanh là màu của lòng nhiệt thành, của tấm chân tình. Trong thơ Xuân Quỳnh, sắc màu ấy lại mang một ý nghĩa khác.
Đó là màu của “chồi biếc”, của “trời biếc lúc nguyên sơ”hay đó là màu của niềm tin:
Và niềm tin cũng là ở đó Tôi chẳng tìm mà đã có từ lâu Như trời xanh sẵn có ở trên đầu
(Chúng tôi)
Hai phong cách khác nhau nên dụng ý sử dụng tính từ chỉ màu sắc cũng khác nhau.
Nhưng có lẽ, cả hai, Xuân Diệu và Xuân Quỳnh đều gặp gỡ nhau ở một khía cạnh. Đó là tình yêu cuộc sống thắm thiết.
Và, có khi, những tính từ bên cạnh biểu tượng giúp gợi về khí thế hào hùng, âm vang của những năm tháng chống giặc cứu nước:
Đỏ rừng rực máu trong tim chảy
(Người thợ rèn nghe chuyện miền Nam) Ngăn sao máu đỏ vọt từ tim ta
(Đánh lên đầu Mỹ) Từ láy
Từ láy là một lớp từ quan trọng trong tiếng Việt. Xung quanh vấn đề từ láy vẫn còn rất nhiều quan điểm trái ngược nhau. Nhưng ở đây, chúng tôi thống nhất với quan điểm của tác giả Đỗ Hữu Châu: từ láy được cấu tạo theo phương thức hòa phối ngữ âm, có từ 2, 3, 4 tiếng, giữa các tiếng trong một từ có quan hệ về ngữ âm, có tác dụng tạo nghĩa và tạo sắc thái cho từ. Theo Đỗ Hữu Châu: “Láy là một phương thức cấu tạo từ đặc sắc của tiếng
Việt. Mỗi từ láy là một nốt nhạc về âm thanh, chứa đựng trong một “bức tranh” cụ thể của giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác và kèm theo những ấn tượng về sự cảm thụ chủ quan của những cách đánh giá, những thái độ của người nói trước sự vật, hiện tượng, đủ sức thông qua các giác quan hướng ngoại và hướng nội của người nghe, người đọc, mà tác động mạnh mẽ đến họ. Cho nên các từ láy là những công cụ tạo hình rất đắc lực của nghệ thuật văn học, nhất là thơ ca”. [5,34]
Như vậy, với công cụ là từ láy, vốn là một lớp từ độc đáo có tính gợi hình, gợi cảm rất cao, Xuân Diệu đã xây dựng các biểu tượng nghệ thuật của mình thêm đa sắc, đa diện.
Mỗi một từ láy là một sự ẩn chứa khả năng cảm nhận thế giới khách quan và bộc lộ cảm xúc chủ quan của nhà thơ.
Mùa xuân là mùa của sự tươi đẹp với cuộc đời và với con người. Mùa xuân được các thi nhân cảm nhận khác nhau, mỗi người mỗi hình mỗi vẻ. Nhà thơ Thanh Hải có “Mùa xuân nho nhỏ”, Anh Thơ có “Chiều xuân” trong khung cảnh không âm thanh, im ắng của xóm làng dưới màn mưa bụi bay:
Mưa bụi đổ êm êm trên bến vắng Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng, Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Và trong thơ Hàn Mặc Tử cũng dùng từ láy để miêu tả Mùa xuân chín đầy âm thanh của sự quyến luyến, bâng khuâng giữa người và cảnh:
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi Hổn hển như lời của nước mây Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc Nghe ra ý nhị và thơ ngây
Mùa xuân cũng đến với thơ Xuân Diệu như một biểu tượng của sự sống, tình yêu:
Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui
…Sao buổi đầu xuân êm ái thế
…Cây vàng rung nắng, lá xôn xao Gió thơm phơi phất bay vô ý
…Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều (Nụ cười xuân)