CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU TRONG THƠ XUÂN DIỆU
3.2. Những đặc trưng nổi bật về nghệ thuật xây dựng biểu tượng trong thơ Xuân Diệu
3.2.2. Thủ pháp tạo nên độ vang của biểu tượng
“Thanh điệu là sự nâng cao hoặc hạ thấp giọng nói trong một âm tiết có tác dụng cấu tạo và khu biệt vỏ âm thanh của từ hoặc hình vị” [6,109]. Không phải ngôn ngữ nào cũng có thanh điệu. Tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ giàu thanh điệu, với 6 thanh: huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng và thanh ngang. Trong sáng tác văn chương, nhất là đối với thơ, thanh điệu làm nên tính nhạc, mang lại hiệu quả cao về cảm xúc và nhận thức. Thơ xưa, vì qui định nghiêm ngặt về luật thơ nên tính nhạc khó nhận thấy hoặc bị hạn chế. Đến thơ ca hiện đại, tính nhạc thể hiện qua thanh điệu được chú trọng. Bởi các nhà thơ hiện đại coi trọng cảm xúc cá nhân, coi trọng những rung động của con người trước cuộc đời. Đó là tiếng lòng, do hơi thở, nhịp tình cảm đem lại. Trong Những thế giới nghệ thuật thơ, Trần Đình Sử cho rằng nhạc trong văn học lãng mạn "là tiếng người, ngữ điệu người, giọng điệu người". Xuân Diệu cũng là một nhà thơ lãng mạn. Và chính Xuân Diệu cũng tự nhận mình chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng. Có thể nói thơ Xuân Diệu vừa lãng mạn (phần nhiều) vừa tượng trưng (mới chớm). Vì vậy việc sắp đặt thanh điệu trong thơ Xuân Diệu là không giống các nhà thơ khác cùng thời. Đặc biệt là khi xây dựng một loạt các biểu tượng nghệ thuật trong thơ mình, chắc hẳn Xuân Diệu đã lựa chọn và sắp đặt thanh điệu để tạo thêm độ vang cho biểu tượng.
Trong phần lớn thơ Xuân Diệu, các thanh bằng trắc được sử dụng với tỉ lệ thanh bằng tương đối nhiều hơn thanh trắc. Bởi thanh bằng góp phần làm mềm đi lời thơ và giúp âm thanh thơ dễ lan tỏa. Tâm hồn thơ Xuân Diệu là tâm hồn “nồng”. Khao khát bày tỏ là khao khát thường trực. Xuân Diệu dùng thanh bằng nhiều hơn thanh trắc chính là để việc “phơi trải” ấy được dễ dàng hơn. Thanh điệu ở thơ Xuân Diệu là phụ thuộc vào tiếng lòng yêu đời, say mê tình ái, yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt. Chính vì yêu cuộc sống, ham sống, ám ảnh bởi sự chảy trôi của thời gian nên khi có lúc câu thơ nhiều thanh trắc như một sự vội vàng, cuống quýt của tác giả.
Thanh trắc còn được dùng khi xây dựng biểu tượng trăng. Khi ấy, trăng như là biểu tượng của cô đơn của con người trước vũ trụ. Câu thơ có nhiều thanh trắc gợi nên một không gian vắng lặng chỉ có vầng trăng “trắng phau” đến lạnh lẽo buốt giá.
Trăng thu thường thấy trắng phau Ấy màu của tuyết ấy màu của băng
(Bụi mưa mờ cũ)
Và đó còn là tâm trạng sầu đau trước sự tàn phai của cái đẹp bởi thời gian:
Bông hoa rứt cánh, rơi không tiếng;
Chẳng hái mà hoa cũng hết dần.
(Ý thu)
Xuân Diệu là nhà thơ của phong trào Thơ mới. Thơ Xuân Diệu được tạo nên từ những thủ pháp nghệ thuật của thơ hiện đại. Tuy vậy, dấu ấn của nghệ thuật thơ ca trung đại vẫn còn lưu lại giữa những trang thơ Xuân Diệu. Đó là những bài thơ làm theo thể thất ngôn. Xét về tính nhạc trong thơ, thì thơ Đường thất ngôn bị ràng buộc về niêm luật nên sự sắp xếp thanh điệu cũng phải tuân thủ theo qui luật “nhị – tứ – lục phân minh” của Đường thi. Trong thơ Xuân Diệu ta cũng bắt gặp sự phối hài thanh điệu theo thơ Đường thất ngôn như thế. Tiêu biểu là khi xây dựng biểu tượng trăng như là biểu tượng của vẻ đẹp trong thiên nhiên và nghệ thuật:
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
(Nguyệt Cầm)
Các từ thứ 2, 4, 6 trong mỗi câu đều có sự hài hòa giữa bằng trắc. Câu thứ nhất là nhập (T), dây (B), nguyệt (T) thì câu thứ 2 là thương (B), nhớ (T), trăng (B). Cứ như vậy, luân chuyển khắp cả bài thơ tạo nên tính nhạc cho lời thơ. Và những sự hài hòa thanh điệu ấy cũng mang đến một độ vang nhất định cho biểu tượng trăng mà Xuân Diệu dụng công xây dựng. Thanh bằng, trắc trong các từ thứ 2, 4, 6 suốt các câu thơ gợi một nhạc điệu trầm, chậm. Vì vậy cái lạnh trong tiếng đàn lan tỏa cảm giác lạnh: lạnh đàn, lạnh trăng và lạnh cả lòng người “linh lung bóng sáng bỗng rùng mình”. Rồi cả một nỗi niềm thương nhớ như bủa vây, giăng mắc khắp mọi nơi khiến cho không gian thêm buồn, ảo não. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà nghiên cứu nhận xét Nguyệt Cầm là tuyệt đỉnh của nỗi buồn cô đơn trong thơ Xuân Diệu.
Trong thơ ca dân tộc, nói đến thơ giàu tính nhạc thì thơ lục bát là thể thơ vừa giàu tính nhạc vừa mang lại giọng điệu tâm tình ngọt ngào cho lời thơ. Xuân Diệu không những đã tận dụng mà còn góp phần sáng tạo cho thể thơ lục bát ấy thêm phần sinh động. Với những cách nói mới mẻ của một trí thức Tây học thể thơ của dân tộc bỗng nhiên có thêm một sắc màu mới:
Một năm thêm mấy tháng rồi, Thu đi, đông lại, bồi hồi sắp xuân
… Trăng còn đợi gió chưa lên, Hay là trăng đã tròn trên mái rồi?
(Hỏi)
Nếu đem ra so sánh thì có lẽ, ta cũng khó nhận ra đâu là thơ Xuân Diệu đâu là ca dao. Xuân Diệu làm mới cho ca dao truyền thống dân tộc? Hay chính ca dao lục bát đã mang đến giá trị thẩm mĩ cho biểu tượng thơ Xuân Diệu? Có lẽ cả hai chăng? Xuân Diệu dùng tháng, năm để nói đến thời gian chờ đợi luôn dài. Dùng mùa thu, đông để nói đến mùa xuân. Dùng ánh trăng tròn để nói đến tình yêu đôi lứa. Cách nói vòng vo mà tế nhị quá quen thuộc trong ca dao dân ca. Cùng với sự hài hòa mà thể thơ lục bát đem đến, thơ Xuân Diệu mang dáng dấp như lời hát ướm hỏi chuyện tình yêu của nam nữ yêu nhau trong ca dao xưa.
Lục bát trong ca dao luôn mang đến âm hưởng tâm tình như những lời ca tiếng hát của người lao động ngày xưa, của những trai gái hát giao duyên với nhau. Với luật bằng trắc hài hòa của câu 6, câu 8 trong thể lục bát, người đọc như được tiếp xúc với những điệu hát ngọt ngào, đầy tình cảm. Không phải chỉ riêng Xuân Diệu mới nhận ra được thế mạnh về tạo nên tính nhạc của thể lục bát. Trong bài Ngậm ngùi Huy Cận cũng đã phát huy tính nhạc cho thơ mình bằng thể thơ lục bát quen thuộc. Một ví dụ khác là thể thơ lục bát mang lại nhạc điệu trữ tình cho thơ Tố Hữu. Với giọng điệu tâm tình ngọt ngào từ sự hài hòa bằng trắc, Tố Hữu đã miêu tả sống động vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc:
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung (Việt Bắc)
Không chỉ kế thừa mà Xuân Diệu còn sáng tạo. Để mang đến độ vang cho biểu tượng trong thơ mình, Xuân Diệu đã tạo ra những câu thơ rất nhiều thanh bằng hoặc toàn thanh bằng:
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng hồn lên chơi vơi (Nhị hồ)
Đây là hai câu thơ miêu tả trạng thái của nhà thơ khi nghe điệu Mạnh Lệ Quân. Hai câu thơ toàn thanh bằng mang đến một cảm giác chơi vơi mơ màng lắng chìm theo điệu nhạc. Một cảm giác êm êm, du dương, dìu dịu của cõi lòng. Một sự hòa hợp giữa nhà thơ và nghệ thuật.
Một nhà thơ mới khác như Bích Khê cũng có nhiều câu, nhiều bài thơ làm toàn thanh bằng:
Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm Trăng đan qua cành muôn tơ êm Mây nhung pha màu thu lên trời Sương lam phơi màu thu muôn nơi…
(Tì bà)
Cũng cùng một thủ pháp mang đến độ vang cho thơ, cho biểu tượng, nhưng mỗi nhà thơ lại có một phong cách riêng. Bích Khê là nhà thơ tượng trưng. Thơ Bích Khê là thơ tượng trưng. Việc Bích Khê sử dụng nhiều thanh bằng trong thơ cũng nhằm mục đích mang lại tính nhạc cho thơ mình. Và trong lời thơ của Bích Khê ta nghe có điều gì đó nhạt nhòa, không rõ. Trạng thái ấy cứ kéo dài, dai dẳng, không dứt khiến cho thơ Bích Khê như thiên về bí ẩn, không dễ dàng mà thấu hết. Trăng tơ, mây nhung… trong thơ Bích Khê như đưa người đọc vào mơ hồ, bất định của thế giới xa lạ.
Xuân Diệu cũng viết những câu thơ toàn thanh bằng như thế trong thơ của mình.
Nhưng những câu thơ ấy rất ít. Và thỉnh thoảng chen vào giữa một bài thơ mới có hai câu toàn thanh bằng. Giữa những câu thơ phối thanh bình thường là những câu thơ bất thường.
Đó là một dụng ý nghệ thuật. Xuân Diệu yêu đời, yêu người với một khát khao gắn bó mãnh liệt. Xuân Diệu sống vội, sống gấp. Xuân Diệu luôn nồng nhiệt, thậm chí ồn ào như một nhà nghiên cứu từng nhận xét. Vì vậy mà ta có thể ví những câu thơ toàn thanh bằng ấy như một nốt trầm giữa một bản đàn Xuân Diệu đầy những cung âm rộn rã, náo nhiệt. Đó là những lúc bất chợt, giữa ồn ào, nhà thơ lắng lòng lại. Hoàn toàn tĩnh lặng để lắng nghe tiếng lòng để rồi thêm hốt hoảng trước bước đi vùn vụt của thời gian mà thêm yêu đời hơn. Hay ta có thể ví khoảnh khắc Xuân Diệu nhận ra “Sương nương theo trăng ngừng lưng trời / Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”chính là lúc tâm hồn thăng hoa cùng cuộc sống và nghệ thuật.
Vần điệu
Thơ lãng mạn là thơ của tiếng lòng con người. Thơ Xuân Diệu vốn dĩ đã có sẵn nhạc.
Đó là nhạc điệu của tình yêu cuộc sống đến cháy bỏng. Lời thơ Xuân Diệu là lời hát của con tim nồng nàn cảm xúc yêu thương. Chính tình cảm ấy đã là một thủ pháp làm nên tính nhạc trong thơ ông. Ngoài ra, để tạo cho thơ tính nhạc Xuân Diệu còn chú ý đến vần điệu và nhịp điệu. Ở đây chúng tôi xin nói về vần điệu trong thơ Xuân Diệu. Cách hiệp vần trong thơ Xuân Diệu cũng tạo nên tính nhạc cho thơ, và từ đó mang lại độ vang cho biểu tượng nghệ thuật. Khi xây dựng biểu tượng trăng:
Trăng vừa đủ sáng để gây mơ
…Khí trời quanh tôi làm bằng tơ Khí trời quanh tôi làm bằng thơ
(Nhị hồ)
Vần điệu chính là cách thức lặp lại khuôn âm giống nhau hoặc gần giống nhau giữa các từ trong một câu thơ hay giữa các câu thơ với nhau. Ở đây Xuân Diệu tạo nên nhịp điệu lan tỏa cho lời thơ bằng cách hiệp vần “ơ” cho các từ cuối các câu thơ. Vần “ơ” là vần mở, gợi cảm giác lan tỏa, dịu nhẹ, vấn vít nhau. Trăng chiếu ánh sáng vàng như rải một dải tơ mềm bao bọc lấy không gian khiến cho nhà thơ cảm giác như tơ, như mơ và như thơ. Một không khí êm như tơ vây bủa vừa thơ và cũng vừa gợi sự quạnh vắng.
Nhà thơ Tố Hữu cũng hơn một lần dùng cách hiệp vần để tạo nhịp điệu cho thơ mình: Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan / Đường bạch dương sương trắng nắng tràn (Em ơi … Ba Lan …) Vần “an” được lặp lại tạo nên một sự tan chảy, lan tỏa của lời thơ.
Đây thêm một ví dụ về cách hiệp vần trong thơ Xuân Diệu:
Bao nhiêu đằm thắm tôi thấy dọc đường Trái tim tôi chứa cả thành một đại dương Thành một bông hường cánh trùm Nam Bắc (Đi theo miền Nam từ Hà Nội vào tới Vĩnh Linh)
Vần trong thơ Xuân Diệu có thể là vần lưng hay vần chân. Trong câu thơ trên, bằng cách lặp lại vầng “ương”, Xuân Diệu như muốn miêu tả trái tim như biểu tượng của một
“đại dương” tình yêu - tình quê hương đất nước. Hiệp vần “ương” đã tạo tăng thêm sắc thái cho “trái tim”. Bên cạnh đó, vần “ương” còn mang lại âm điệu du dương cho lời thơ.
Như lời nhận xét của Lê Tiến Dũng trong Những cách tân nghệ thuật thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932 – 1945 thì thơ Xuân Diệu là thơ giàu nhạc điệu bởi câu thơ nào nhà thơ cũng sử dụng vần. Ở đây chúng tôi còn nhận thấy không chỉ ở giai đoạn sáng tác trước mà cả giai đoạn sau 1945, thơ Xuân Diệu vẫn giàu nhạc điệu.
Xuân Diệu là nhà thơ của tình ái. Dù lúc còn trẻ hay lúc đã nhiều tuổi, thơ Xuân Diệu vẫn là những lời ca đầy hân hoan của những con tim yêu nhau. Đây là biểu tượng của tình yêu trong thơ Xuân Diệu sau 1945, vẫn rộn ràng, náo nức:
Đường tình đã nở hoa xoan Lao xao gió gợn, hân hoan lá chờ Trên cao ngan ngát hương đưa Em ơi, tim tím mơ mờ chùm hoa…
(Chớm sang vị hè)
Hiệp vần trong các từ hoa xoan – hân hoan – chùm hoa gợi về âm thanh vui tươi rộn ràng như tiếng cười vui của tình yêu đã “chớm” nở. Các từ láy lao xao, tim tím, mơ mờ(một dạng lặp vần) cũng góp vào bản nhạc “hân hoan” ái tình ấy. Biểu tượng hoa – ái tình cũng vì vậy mà thêm giá trị.
Diễn tả sự rung động của cá nhân trước những thay đổi của cuộc đời, dường như chỉ có Xuân Diệu mới diễn tả được cái thần của cảnh vật và của lòng người:
Hơn một loài hoa đã rụng cành Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
(Đây mùa thu tới)
“Những luồng run rẩy rung rinh lá” là cách nói vô cùng độc đáo và mới mẻ. Hoa rụng, màu đỏ lấn dần sắc xanh của lá. Đó là sự sợ hãi trước thời gian đến “run rẩy”. Âm “r”
bắt đầu từ “rụng” đến “rũa” rồi kết thúc với “run rẩy rung rinh” gợi về sự gia tăng cảm giác sợ từ thấp đến một mức độ cao hơn hẳn trạng thái bình thường của cảnh vật. Cái run ấy là do tự cảnh vật mà có hay tự nơi con người? Nỗi buồn trước hoa tàn, lá rụng bỗng trở nỗi ám ánh về thời gian đến “run rẩy”. “Hoa tàn” nhờ vậy mà trở thành biểu tượng của sự phôi pha. Như vậy, như các yếu tố khác, vần đã mang đến độ vang nhất định cho biểu tượng nghệ thuật.
Nhịp điệu
Nhịp điệu cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên tính nhạc trong thơ. Ở đây, khi xét nhịp điệu trong thơ Xuân Diệu chúng tôi chủ yếu xét về cách ngắt nhịp và sự trùng điệp mà thôi. Phần lớn thơ Xuân Diệu trước 1945 chủ yếu viết theo thể 7 chữ, 5 chữ
của thơ Đường, thơ 8 chữ và thơ lục bát của dân tộc. Sau 1945, ngoài các thể thơ đó ra, do nhu cầu bộc lộ tràn trề nên thơ Xuân Diệu có những câu thơ dài hơn.
Ở thể thơ 5, 7 chữ, nhịp điệu câu thơ được tạo nên từ cách ngắt nhịp trong thơ Đường:
Anh tặng cho em / hoa ngọc trâm Hoa như ánh sáng/ ngọc như mầm
(Hoa ngọc trâm)
Cách ngắt nhịp 4/3 hoặc 2/2/3 là cách ngắt nhịp quen thuộc trong thơ thất ngôn. Ở đây Xuân Diệu vẫn ngắt nhịp như vậy. Xuân Diệu kế thừa truyền thống. Bên cạnh đó, Xuân Diệu không ngừng sáng tạo cái mới. Sáng tạo trong cách gieo vần và ngắt nhịp đã tạo nên những nét mới cho thơ. Ở thơ Xuân Diệu, vẫn cách ngắt nhịp của thơ cũ nhưng đã tạo nên âm vang mới. Đó là âm vang của tâm hồn, của tấm lòng nhà thơ với tình yêu và cuộc sống.
Xuân Diệu từng nói rằng: thơ hay là lời thơ chín đỏ trong cảm xúc. Cảm xúc là nhạc lòng, nhạc chủ đạo của bài thơ. Cảm xúc thơ Xuân Diệu phong phú. Nhạc thơ trong thơ Xuân Diệu đa dạng: lúc trầm, lúc bổng, lúc du dương… Khi diễn tả niềm vui độc lập, thống nhất nước nhà, niềm vui sướng, phấn khởi như ồ ạt đến trong tim, nhịp điệu trong thơ Xuân Diệu là nhịp ngắn của thể thơ 5 chữ:
Mùa xuân này mới đến Hoa chưa kịp mừng tôi Tôi đã mừng hoa đó,
(Mừng hoa)
Vốn là một con người nặng lòng với cuộc đời với quê hương, nên những gì thuộc về quê hương đều không bao giờ xa lạ với Xuân Diệu. Cả một thời thơ ấu được cha dạy bảo, những âm điệu của ca dao, dân ca, của lời ăn tiếng nói xứ sở đã ăn sâu vào tâm hồn Xuân Diệu. Và giờ đây những âm điệu ấy đã làm nên những vần thơ đậm sắc màu dân tộc.
Tuyệt vời / biếc núi / xanh non
Hoa thêm / tinh mới,/ trăng còn / ngát thơm (Sa Pa)
Nhịp 2/2/2 ở câu 6 và 2/2/2/2 ở câu 8 gợi cảm giác yên bình, tĩnh lặng của một vùng quê. Cách ngắt nhịp chẵn này góp phần tạo nên sức lan tỏa trong biểu tượng hoa và trăng. Ở dây, hoa và trăng gợi về niềm vui hòa bình, niềm vui độc lập của quê hương, đất nước.
Đôi lúc sự lệch chuẩn là một ý đồ nghệ thuật. Xuân Diệu sử dụng thể thơ dân tộc