Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu

Một phần của tài liệu biểu tượng nghệ thuật trong thơ xuân diệu (Trang 41 - 52)

CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU TRONG THƠ XUÂN DIỆU

2.1. Biểu tượng Mùa xuân

2.1.2. Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu

Nói đến mùa xuân trong thơ thì không thể không nhắc đến Xuân Diệu. Phải nói rằng ít ai say mê, dành tình cảm nồng nhiệt cho mùa xuân như Xuân Diệu. Xuân Diệu đã sống vội vàng, cuống quýt, say đắm với mùa xuân. Và vì vậy, mùa xuân trong thơ Xuân Diệu không đơn thuần chỉ là một mùa trong năm để thi sĩ bộc lộ tâm trạng mà đã được nhà thơ dụng công xây dựng thành biểu tượng nghệ thuật để chuyên chở những quan niệm nhân sinh của mình.

Đi vào khảo sát các tập thơ của Xuân Diệu, người viết phát hiện ra biểu tượng mùa xuân được xuất hiện với tần số cao cùng nhiều cách gọi khác nhau như: mùa xuân, xuân, gió xuân, tết, tháng giêng, nguyên đán, giao thừa,... Nhưng trong giới hạn của luận văn, chúng tôi chỉ xin đi sâu vào phân tích đặc điểm biểu tượng mùa xuân/ xuân với sự xuất hiện khoảng 174 lần.

Trong Từ điển Tiếng Việtcủa Hoàng Phê, Mùa xuân có các nghĩa như sau:

Thứ nhất: Mùa xuân là mùa chuyển tiếp từ đông sang hạ, thời tiết ấm dần lên, thường được coi là mở đầu của năm.

Thứ hai: Mùa xuân là năm, dùng để tính thời gian đã trôi qua hay tuổi con người.

Thứ ba: Mùa xuân là thuộc về tuổi trẻ, coi là tươi đẹp, tràn đầy sức sống.

Thứ tư: Mùa xuân là thuộc về tình yêu trai gái, coi là đẹp đẽ.

2.1.2.1. Mùa xuân – Mùa tình

Trong thơ Xuân Diệu, mùa xuân trước hết là mùa tình. Xuân Diệu có một quan niệm đặc biệt, mùa xuân đối với ông trước hết là mùa tình. Mùa xuân vốn là mùa của sự sống, mùa của sự sinh sôi nảy nở. Trước hình ảnh thiên nhiên vào mùa xuân xinh đẹp, có ai mà cưỡng lại được:

Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời Sao buổi đầu xuân êm ái thế!

Cánh hồng kết những nụ cười tươi

(Nụ cười xuân) Và một thiên đường trần thế đang bày sẵn ra trước mắt thi nhân:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật Này đây hoa của đồng nội xanh rì Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si Và này đây ánh sáng chớp hàng mi Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

(Vội vàng)

Mùa xuân không còn là khoảng thời gian chuyển giao giữa đông và hạ nữa mà mùa xuân chính là một bữa tiệc trên trần gian, là một thiên đường trên mặt đất, là một khu vườn tình ái mời gọi mọi người. Mùa xuân với tác giả như một người tình, và vườn xuân trở thành vườn tình ái với những gì ngọt ngào, tươi thắm nhất: tuần tháng mật, hoa đồng nội, lá cành tơ, khúc yến anh, cặp môi gần,... Chỉ có một tình yêu chan chứa với cuộc sống với thiên nhiên thì Xuân Diệu mới có thể viết nên những dòng thơ cháy bỏng lửa tình như vậy. Có lẽ, trước Xuân Diệu, trong thơ ca Việt Nam, chẳng có ai mang đến cách so sánh đầy gợi cảm như “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Nói mùa xuân là một cặp môi gần thì quả là chỉ có Xuân Diệu, bởi với ông mùa xuân là mùa tình ái.

Đối với Xuân Diệu, mùa xuân của đất trời của vạn vật không nằm bó buộc trong mùa xuân của vòng tuần hoàn mà:

Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé, Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa.

Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa, Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng.

(Xuân không mùa)

Mùa đông hay mùa hạ hay mùa thu, tất cả sẽ trở thành mùa xuân trong lòng nhà thơ bởi vì:

Xuân của đất trời nay mới đến, Trong tôi: xuân đã đến lâu rồi.

Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.

(Nguyên đán)

Mùa tình trong thơ Xuân Diệu có thể là tình yêu với thiên nhiên, cảnh sắc. Lúc nào tình yêu ấy cũng đắm say, lúc nào cũng rạo rực và hiện hữu, ngay cả lúc Đi dạo:

Gió chải trong đầu không biết lược, Mây vờn qua mắt chứa xa khơi Của cành trĩu trĩu, lá âm âm

Tôi hiểu chờ riêng với muốn thầm.

Tiếng nhỏ vừa lan trong kẻ biếc, Ấy là vạn vật nức xuân tâm…

(Đi dạo)

Chỉ cần gió chải, mây vờn, cành trĩu, tiếng nhỏ, … là đủ để tác giả “nức xuân tâm”.

Mùa xuân còn là khoảng thời gian khi mặt trời khuất bóng, màn đêm buông xuống, một không gian yên tĩnh. Đó là lúc tác giả lắng lòng mình sau những bộn bề của cuộc sống để mà nghe đất trời giao hòa:

Bóng đêm biếc thở đều hơi gió mát, Chung quanh ta im lặng đã buông rèm.

Gió xa quá, trời xuân êm bát ngát;

(Bóng đêm biếc)

Tình yêu cuộc đời, khát khao giao cảm với cuộc sống khiến cho Xuân Diệu luôn nhạy cảm trước mọi sự vật, hiện tượng đang xảy ra. Yêu đời, yêu cuộc sống đến mức, chỉ một bông hoa nở, chỉ một tiếng chim ca, lộc biếc đâm chồi,…

Mùa xuân về trong tiếng chim ca Trên nước xanh sông, trong liễu rèm

(Thơ tình mùa xuân) Từ trong ruộng đất, đợi chút mùa xuân,

Lại đâm chồi tung tóe một màu xanh.

(Con sáo sang sông) hay chỉ là ít nắng, ít sương,…

Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm, Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu.

Thế là Xuân. Tôi không hỏi chi nhiều, Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.

(Xuân không mùa) nhà thơ cũng cảm thấy xuân đã về trong lòng mình.

Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu là mùa tình. Đó là mùa của tình yêu lứa đôi. Mùa xuân vốn là mùa đầu tiên và là khoảng thời gian đầu tiên của một năm, nên mùa xuân đã được nhà thơ sáng tạo nét nghĩa mới, đó là những rung động cảm xúc của mối tình đầu tiên:

Hoa thứ nhất có một màu trinh bạch

Xuân đầu mùa trong sạch vẻ ban sơ

(Tình thứ nhất)

Mùa xuân đến cho hoa lá đâm chồi nảy lộc, cho con người xích lại gần nhau, cho đôi lứa yêu đương gắn kết tơ hồng:

Em là hoa thắm lá xanh

Anh như đất ủ muốn thành mùa xuân

(Quả trứng và lòng đỏ)

Tình yêu muôn thuở luôn sôi nổi, nồng nhiệt. Người yêu muôn thuở luôn cuốn hút lẫn nhau. Mùa xuân muôn thuở là mùa của tình yêu. Mùa xuân đến, không gian đầy tình ý, vậy thì không thể thiếu vắng người thương. Cho nên:

Mùa xuân đã về, hương đẫm ướt Em đi chưa về, anh ngẩn ngơ…

… Tất cả mùa xuân đẹp lắm rồi Về cho anh gặp với em

(Xuân bên Hồ Tây)

Tất cả mùa xuân đẹp lắm rồi nhưng thật sự mùa xuân có đẹp, có ngọt ngào được đâu khi mà người yêu chưa trở về. Ngưởi yêu bỗng chốc trở thành mùa xuân, tác giả chờ đón người yêu như cây chờ mùa xuân để ra lộc biếc:

Anh như cây cối chờ xuân biếc Hôm sớm trong mong ngọn gió lành

(Thơ bát cú)

Xuân Diệu say đắm mùa xuân và say đắm tình yêu. Với tác giả, yêu và phải yêu, yêu một cách cuồng nhiệt, yêu mãnh liệt, yêu bằng tất cả cảm xúc, giác quan… Mùa xuân là tình nhân. Chính tình nhân đã mang mùa xuân đến:

Là hoa là nụ hay là cành, Là cả mùa xuân em tặng anh

(Vui)

Phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần, Phải mặn nồng cho mãi mãi đem xuân, Đem chim bướm thả trong vườn tình ái.

(Phải nói)

Với Xuân Diệu thì “Tình không tuổi, và Xuân không ngày tháng(Xuân không mùa).

2.1.2.2. Mùa xuân – Tuổi trẻ

Tươi trẻ, căng tràn sức sống, luôn rạo rực, cháy bỏng là những nét nổi bật trong hồn thơ Xuân Diệu. Chính vì vậy, mùa xuân trong thơ ông còn là biểu tượng của tuổi trẻ, tuổi thanh xuân.

Thanh niên ơi, ngươi đang ở cùng ta

Ở trong máu thắm vì xuân trộn ánh Ôi Thanh Niên! ngươi mang hết xuân thì, Hình ngực nở, nụ cười tươi, màu tóc láng.

(Thanh niên)

Xuân Diệu quan niệm thời gian là một đi không trở lại. Con người rồi cũng trải qua sinh – lão – bệnh – tử, không một ai có thể tránh khỏi. Dù có yêu quí mùa xuân đến đâu thì mùa xuân cũng qua đi và mang theo thời tuổi trẻ của con người để lại sự già nua và nỗi buồn tẻ. Không có tuổi trẻ thì cũng chẳng có mùa xuân:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

(Vội vàng) Hay là

Cảm ơn tuổi trẻ bay về lại Cho tôi lại thấy mặt ngày xuân

(Hiểu)

Mùa xuân còn được dùng để chỉ năm, tuổi trong thơ Xuân Diệu:

Xuân mười tám, tuổi trẻ nguyện hi sinh, Cho trẻ muôn đời dòng nước biếc.

Tuổi xuân em mới quá trăng tròn.

(Nguyễn Thị Non)

Tuổi xuân như đóa trăng rằm

(Chị Dung) Hây hây mười chín xuân hồng

Ước ao hạnh phúc mơ mòng lứa đôi

(Đánh lên đầu giặc Mĩ)

Mùa xuân được Xuân Diệu xây dựng thành biểu tượng của sức trẻ, sự bất tử của tuổi trẻ yêu nước trong cuộc kháng chiến chống giặc bảo vệ Tổ quốc:

Những cánh chim xuân vỗ khắp trời Miền Nam một lứa trẻ băng khơi!

Anh theo ông trước, như ba má, Chỉ một con đường cứu nước thôi.

(Anh lính trẻ mới vào quân giải phóng)

Đất nước có chiến tranh, nhiều thế hệ thanh niên phải lên đường cứu nước. Họ đã hi sinh tuổi trẻ, hi sinh tình yêu, thậm chí là hi sinh cuộc sống của mình để mang về mùa xuân tự do, mùa xuân thống nhất cho nhân dân, cho dân tộc. Đối với họ, lý tưởng của cuộc sống này chỉ có “một con đường cứu nước thôi”. Trước những hi sinh không thể nào so sánh được của những anh hùng ấy, tác giả chỉ có thể nghiêng mình trân trọng. Ông gọi họ là những cánh chim mùa xuân trên bầu trời bao la mang tin tin thắng trận về góp nên mùa xuân đất nước.

Hỡi người thợ điện thắm thiết đời xuân, Anh hô vang Hồ chủ tịch ba lần,

Anh giật xé miếng vải đen trước mắt.

Sống là sáng, anh chết còn sáng quắc!

(Nguyễn Văn Trôi)

Đời xuân”là mùa xuân bất tử của tuổi trẻ anh hùng, của tuổi xuân bất tử. Và những chú bé con mắt tròn mắt dẹt khi nhìn thấy cỗ pháo của bộ đội, mai này sẽ là những con người anh hùng sẵn sàng đứng lên chống giặc cứu nước:

Những chú em chạy theo bộ đội Mắt sáng, sờ cỗ pháo hoan hô Lứa xuân ấy là quân hậu bị

Nhất định chôn giặc Mĩ xuống mồ

(Em nhỏ Hương Khê) 2.1.2.3. Mùa xuân – Hòa bình, độc lập và chủ nghĩa xã hội

Là người luôn muốn gắn bó với cuộc đời, luôn thiết tha yêu cuộc sống, thế nhưng trước cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu luôn cảm thấy lạc lõng, sầu muộn. Tác giả cảm

thấy mình giống như “con nai bị chiều đánh lưới,/ Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối.”

Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu trước cách mạng rất đẹp, rất tươi vui thậm chí là rộn rã tưng bừng, nhưng đâu đó ta vẫn bắt gặp nỗi buồn của một thế hệ chưa tìm được lối đi. Từ khi có ánh sáng của Đảng, của cách mạng soi rọi vào trang thơ, dẫn đường cho tác giả thoát ra khỏi bóng tối thời đại, thì mùa xuân trong thơ của ông hòa vào mùa xuân của đất nước, mùa xuân dân tộc. Từ đó biểu tượng mùa xuân được thêm nét nghĩa mới, làm cho chính nó trở nên tròn vẹn và đầy đủ giá trị.

Dựa trên nét nghĩa gốc của mùa xuân là sự sinh sôi nảy nở của vạn vật, mang đến mầm sống cho cuộc đời, Xuân Diệu đã xây dựng thêm nét nghĩa mới cho biểu tượng mùa xuân của thơ mình. Đó được xem là sự sáng tạo độc đáo của Xuân Diệu khi dùng mùa xuân như là biểu tượng của hòa bình, của độc lập và chủ nghĩa xã hội.

Trong tráng ca Ngọn quốc kỳ, tác giả viết:

Phố Kinh đô nhiều bữa ngó thê lương Lạc hồn nước, cảnh như người: chán ngán Bỗng chót cây xanh, một vầng chói sáng Như đem xuân lại, như kéo mai về

Cách mạng tháng Tám thành công, ánh sáng của Đảng như mùa xuân rực rỡ, chói lòa xóa tan sự thê lương của kinh đô ngàn năm văn hiến, mang lại niềm vui cho những con người vô tội đã bao phen sống tủi nhục, nô lệ vì mất nước. Những con người đã từng chán ngán, đau khổ vì “lạc hồn nước” nay được tự do, độc lập. Ngọn quốc kỳ như ngọn gió của mùa xuân thổi bay bụi nô lệ, thổi tan những sầu thương. Và mùa thu tháng Tám lúc ấy đã trở thành mùa xuân, mùa vui, mùa của độc lập, tự do:

Thu Việt Nam có nghĩa một mùa xuân

(Nhớ mùa thu tháng Tám)

Bỗng non sông lên một tiếng reo hò Bươm bướm trắng nở mùa xuân đất nước

(Hội nghị non sông)

Mùa xuân đất nước” là mùa vui hòa bình, vui độc lập. Tương lai tươi sáng mà Đảng mang đến chính là mùa xuân đẹp nhất. Để ca ngợi điều ấy, chỉ một vài dòng thơ là không đủ, Xuân Diệu đã viết cả một bài thơ để bày tỏ niềm vui, niềm phấn khởi của một công dân mừng mùa xuân mới của đất nước, của dân tộc:

Xuân tháng Tám đặc nghìn xuân bất tận Xuân trời đất…

Xuân muôn năm…

Xuân đất trời …

(Xuân Việt Nam)

Một đất nước ngập tràn mùa xuân. Đâu đâu cũng thấy mùa xuân, đâu đâu cũng thấy tiếng reo hò, tiếng hát mừng vui. Xuân như nước triều lên, ngập tràn, dày đặc, bất tận… Đọc bài thơ này, chúng ta có thể hiểu được cảm xúc của nhà thơ đã hòa vào cảm xúc của nhân dân, đã sung sướng vô cùng khi nhân dân được tự do, khi đất nước được độc lập. Từ đây, đất nước sẽ sang một kỉ nguyên mới, và mang về những mùa xuân mới.

Dân tộc Việt Nam trải qua hơn ngàn năm bị phương Bắc đô hộ, hơn tám mươi năm khổ cực dưới sự cai trị của thực dân pháp. Nếm trải biết bao cay đắng, hi sinh biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu. Giờ đây dân tộc Việt Nam mới có được độc lập, tự do, mới có được quyền sống, quyền hạnh phúc. Hiểu được điều này thì sẽ thêm quý trọng giây phút nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và thêm quý trọng mùa xuân mà Đảng mang lại:

Một trăm năm mới đem được xuân về

Mùa xuân này quý giá biết bao nhiêu cho nên “dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [37,41]. Xuân Diệu hiểu rõ điều này:

Giữ xuân nay, muôn chiến sĩ say mê Lấy máu tủy đổ ra đời bát ngát

Ngừng tay lại, thấy sắc xuân còn nhạt Rót máu thêm, cho đến lúc toàn hồng!

(Xuân Việt Nam)

Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu sau cách mạng tháng Tám không còn giới hạn trong cảm xúc của cá nhân mà đã mở rộng, hòa vào thời đại. Đó là mùa xuân của nhân loại, màu xuân của chủ nghĩa xã hội. Cuộc sống mới mở ra, bao cuộc đời thay đổi, đất nước ngày một tươi đẹp hơn, và mùa xuân có ở khắp nơi:

Hôm nay nắng đẹp trời ưa

Sang xuân hoa cải gió đưa rập rờn

(Một mảnh đất) Gió xuân – lá lúa như reo múa

Như ngón tay dài của đất thanh

… Thấy xuân thêm sức muồn bừng lên

… Gió xuân thổi tới tận miền Nam

(Lá lúa xuân)

Đất nước hết chiến tranh, giang sơn nối liền một dãy, nhân dân được ấm no, hạnh phúc và đang hăng hái xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. Niềm vui ấy cũng được tác giả ghi nhận:

Chào mùa xuân năm nay Tôi mừng trời, mừng đất Lũng Cú tới Cà Mau

Một vườn hoa Thống Nhất!

Như những người yêu dấu Xa lâu được trùng phùng Hoa cũng hòa hơi thở

Thành bát ngát hương xuân…

(Mừng hoa) 2.1.2.4. Mùa xuân – Sự ám ảnh về thời gian

Sinh thời, Xuân Diệu đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng bè bạn và độc giả yêu thơ.

Nhưng ấn tượng nhất với mọi người là lòng yêu đời và ham sống của tác giả. Sớm ảnh hưởng văn hóa phương Tây, Xuân Diệu nhìn đời, nhìn cuộc sống như cái gì đó dễ trôi chảy, mình không nắm bắt ngay thì sẽ tan biến. Thấy từng biểu hiện nhỏ bé nào của cuộc sống ông cũng góp nhặt, chắt chiu, ấp ủ trong những trang thơ của mình. Điều đó được thể hiện rõ hơn khi ông xây dựng mùa xuân như là biểu tượng của sự chảy trôi thời gian.

Trong thực tế, mùa xuân không tồn tại mãi mãi dù cho mùa xuân có đi theo vòng tuần hoàn của tạo hóa xuân – hạ – thu – đông. Thời gian theo mùa xuân đi biệt. Không phải đến Xuân Diệu mới cảm nhận được điều đó. Chẳng phải Trần Nhân Tông cảm nhận mùa xuân đến để rồi rút ra triết lí về sự tồn tại ngắn ngủi của đời người đó sao. Thời gian bất tuần hoàn, thời gian một đi không trở lại đã từng được người xưa nhận thức rõ. Thế nhưng thời gian chỉ thật sự trở thành nỗi ám ảnh với riêng Xuân Diệu. Xuân Diệu say đắm cảnh trời, sống nhiệt thành với mùa xuân bao nhiêu thì càng vội vàng, cuống quýt, muốn níu kéo thời gian, tiếc nuối mùa xuân bấy nhiêu.

Vừa mới cảm thấy sung sướng, say mê bên bữa tiệc trần gian, tác giả bỗng vội vàng:

Một phần của tài liệu biểu tượng nghệ thuật trong thơ xuân diệu (Trang 41 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)