Trái tim trong thơ Xuân Diệu

Một phần của tài liệu biểu tượng nghệ thuật trong thơ xuân diệu (Trang 67 - 81)

CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU TRONG THƠ XUÂN DIỆU

2.3. Biểu tượng trái tim

2.3.2. Trái tim trong thơ Xuân Diệu

Đi vào khảo sát các tập thơ của Xuân Diệu, chúng tôi nhận thấy, trái tim/ tim xuất hiện khoảng 122 lần trong toàn bộ các sáng tác từ trước, sau cách mạng tháng Tám cho đến những năm cuối đời. Trái tim xuất hiện, mặc dù không nhiều lần như biểu tượng hoa, nhưng có thể nói, đó là một trong những biểu tượng tiêu biểu góp phần làm nên giá trị thơ Xuân Diệu. Một Xuân Diệu ham sống, khao khát tình yêu. Một Xuân Diệu luôn hoài nghi, cô đơn.

Và cả một Xuân Diệu nặng tình với non sông đất nước.

2.3.2.1. Trái tim - Lòng ham sống

Xuân Diệu là người ham sống, khao khát gắn bó với cuộc đời. Điều này không còn mới. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của nhiều nhà phê bình chuyên nghiệp và cả không chuyên về lòng ham sống ấy. Trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh đã viết: “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”. Xuân Diệu có một trái tim giàu cảm xúc. Trái tim đó luôn muốn tỏ bày tình yêu của mình với đời. Trong thơ Xuân Diệu, biểu tượng trái tim được xây dựng dựa trên nền tảng của một tấm lòng trần thế, của một tình yêu cuộc sống. Hãy nghe nhà thơ nói về trái tim mình:

Tay ấp ngực dò xem triều máu lệ, Nghìn trái tim mang trong một trái tim

(Cảm xúc)

Đó là lời bộc bạch của chính nhà thơ về quan niệm sáng tác của mình lúc mới bước vào làng thơ. Vai trò của người thi sĩ là cảm nhận cuộc sống với mọi sắc thái và chuyển tải tất cả chúng vào thơ ca của mình bằng tất cả tâm huyết. Mọi rung động tinh vi của trần gian đều phải được nhà văn ghi nhận bằng cả trái tim mình, bằng tất cả lòng chân thành của một người nghệ sĩ. “Nghìn trái tim mang trong một trái tim” là cách nói chính xác và đầy đủ nhất về nhiệm vụ thiêng liêng mà cuộc sống giao phó cho nhà thơ. Và Xuân Diệu đã thực

hiện nhiệm vụ ấy một cách tự nguyện. Hơn cả thế. Cuộc sống khi đi vào trong thơ Xuân Diệu dường như sống động hơn, xinh tươi hơn, đáng yêu hơn. Bởi cuộc sống được nhìn qua

“cặp mắt xanh non”đầy háo hức của tác giả.

Có lẽ khi Xuân Diệu tự ví mình “Tôi chỉ là một cây kim bé nhó / Mà vạn vật là muôn đá nam châm;” Xuân Diệu đã biết mình vốn là người đa tình. Đa tình với cuộc đời. Cuộc đời biến chuyển, Xuân Diệu cũng rạo rực ngay:

Rồi khi khúc nhạc đã ngừng im Hãy vẫn ngừng nghe hơi trái tim Còn cứ run hoài như chiếc lá Sau khi trận gió đã im lìm.

(Huyền Diệu)

Lắng nghe tiếng nhạc, tác giả như bị chìm say, bị tiếng nhạc dìu vào thế giới Du Dương. Chỉ có tiếng nhạc mà tác giả đã nhìn thấy hoa, ngửi cả mùi hương. Với Xuân Diệu, đó là hoa, là hương của nhạc, cũng là hoa là hương của đời. Nhà thơ đang lắng nghe bằng cả con tim. Nhạc đã hết từ lâu mà Xuân Diệu vẫn còn lặng người để lắng nghe con tim thổn thức. Con tim cứ “run rẩy”như thể luôn sẵn sàng đón nhận mọi lời mời gọi của cuộc đời.

Trái tim của người nghệ sĩ đa tình luôn như thế. Tất cả mọi thứ trong cuộc đời này đều

Huyền Diệu”.

Xuân Diệu từng xem cuộc đời của mình chỉ có một mục đích duy nhất là phụng sự tình yêu. Trong đó, tình yêu cuộc sống là thiêng liêng nhất. Có lẽ chẳng bao giờ đủ với một trái tim to lớn “mang nghìn trái tim”. Cho nên, lúc nào nhà thơ Xuân Diệu cũng thấy thiếu, thấy trống vắng. Càng thiếu, càng trống vắng thì càng tìm kiếm, đòi hỏi. Tất cả những gì diễn ra trước mắt nhà thơ đều không bỏ qua. Sợ sự chảy trôi của thời gian, sợ sự phôi pha của cái đẹp, sợ sự hữu hạn của đời người, nên cứ nắm lấy, thu lại, giữ chặt trong lòng mình:

Giơ tay muốn ôm cả trái đất, Ghì trước trái tim, ghì trước ngực,

(Bài thơ tuổi nhỏ)

“Ghì” trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên được giải thích như sau:

Ghì (động từ): dùng sức giữ thật chặt, làm cho không thể di động được”[40,380]. Ở đây Xuân Diệu muốn giữ thật chặt trái đất trước trái tim mình như một hành động muốn níu giữ thế giới. Về hành động này, nhà thơ Phạm Huy Thông cũng từng viết:

Muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng

Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi!

Cùng là một hành động “ghì” nhưng ở Xuân Diệu là sự ước muốn níu giữ cuộc đời trần thế, còn ở Phạm Huy Thông dường như là sự khao khát vượt lên trên những điều bình thường của trần thế để vươn tới sự vĩnh hằng.

Thông thường, khi yêu quý điều gì đó chúng ta hay giữ trong lòng, giữ trong tim. Bởi trái tim chính là nơi quý báu của con người. Đó là trung tâm của sự sống, là đích đến của tình yêu và là ngọn nguồn của cảm xúc. Vì sao đấng sáng tạo lại dùng một trong những chiếc xương sườn ở lồng ngực của chàng Adam để tạo nên nàng Eva? Phải chăng vì nơi ấy gần trái tim nhất. Nó là nơi an toàn để cất giấu, gìn giữ và nâng niu những điều tốt đẹp nhất.

Đó cũng là nơi tình yêu bắt đầu.

Trong Lời thơ vào tập Gửi hương, Xuân Diệu đã nói rằng:

Tiếng hát tôi chẳng làm ai tươi nở, Nhưng sách này, tôi để cả trái tim;

Có thể lời “tôi” nói chẳng ai nghe, tiếng thơ “tôi” chẳng làm ai hạnh phúc. Nhưng đó là cả trái tim của “tôi”. Cuộc sống, linh hồn, tình yêu, … tất cả “tôi” đều gửi trong những vần thơ ấy. Hẳn là Xuân Diệu muốn nói vậy khi viết hai dòng thơ trên. Nếu đó có là sự thật thì với tất cả tấm chân tình của mình, nhà thơ muốn người đời “Giở cho khéo, kẻo lòng tôi động vỡ; / Hồn người tình mỏng lắm, xếp cho êm!” Tuy nhiên, có vẻ, mong ước của Xuân Diệu không trở thành hiện thực. Bởi cho đến ngày nay, hơn nửa thế kỉ trôi qua mà những vần thơ của ông vẫn làm say đắm người đọc, mang đến biết bao nguồn vui cho tuổi trẻ. Bao thế hệ độc giả không những không làm “động vỡ” lòng tác giả mà còn trân trọng, yêu quí những bông hoa thơ nở ra từ trái tim mang tên Xuân Diệu.

Xuân Diệu luôn mong muốn sống được gắn bó mãi mãi với cuộc đời. Nhưng ông biết rằng vũ trụ là vô cùng vô tận, còn con người thì hữu hạn. Đó là quy luật của tạo hóa, không thể thay đổi. Nhưng Xuân Diệu vẫn muốn níu kéo thời gian, muốn giữ mãi “nụ cười tươi, màu tóc láng”. Và cách Xuân Diệu dùng để thay đổi tạo hóa đó là phải sống thật vội vàng, chạy đua với thời gian, sống trọn từng giây từng phút. Sự nỗ lực ấy của Xuân Diệu thể hiện qua:

Kẻ đựng trái tim trìu máu đất, Hay tay chín móng bám vào đời.

(Hư vô) Cả trái tim đựng tràn trề nhựa đất

(Một buổi chiều)

Trái tim trong thơ Xuân Diệu dường như là vô cùng. Bởi lúc nào ông cũng muốn thu gom tất cả, nhặt nhạnh mọi thứ, ôm cả trái đất, đựng cả máu đất, nhựa đất… Cảm giác mà biểu tượng trái tim trong hai câu thơ này gợi cho chúng ta là một sự tràn đầy, lan tỏa khắp và tràn ra khỏi bến bờ của trái tim Xuân Diệu. Đây chính là một nét mới của biểu tượng trong thơ Xuân Diệu. Trái tim là biểu tượng cho một tình yêu cuộc sống mãnh liệt với một nhu cầu bày tỏ cũng mãnh liệt không kém. Đó là biểu tượng của một lòng ham sống không giới hạn.

Và Xuân Diệu chủ trương:

Sống toàn tim! toàn trí! sống toàn hồn!

Sống toàn thân! và thức nhọn giác quan, (Thanh niên)

Lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn, lúc nào cũng khao khát, vậy mà trái tim ấy lại là một trái tim hào phóng:

Trái tim tôi: một cái túi tràn trề Hột lúa hột mè hột bông hột cải.

Lòng tôi chứa, mà hồn tôi thì vãi

(Tôi muốn đi thăm khắp cả miền Nam) Trước hay sau cách mạng, trái tim trong thơ Xuân Diệu vẫn là biểu tượng cho lòng ham sống, sự khao khát sống. Có điều, ở những tác phẩm sáng tác trong giai đoạn sau cách mạng tháng Tám, trái tim là biểu tượng cho lòng ham sống theo một phương diện khác, rộng hơn, và đầy đủ ý nghĩa hơn. Lòng ham sống trong thơ sau cách mạng tháng Tám của Xuân Diệu cũng chính là tấm lòng nặng tình với non sông đất nước. (phần này sẽ được làm cụ thể ở phần sau)

2.3.2.2. Trái tim - Say đắm tình yêu

Bên cạnh là biểu tượng cho lòng ham sống mãnh liệt, trái tim trong thơ Xuân Diệu còn là biểu tượng cho sự say đắm tình yêu. Xuân Diệu là một con người sống để yêu, yêu để sống và chết cũng sẽ yêu. Không phải ngẫu nhiên mà ông được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”. Một nhà thơ khác từng đổ lỗi cho tình yêu:

Ai bảo em là giai nhân, Cho đời anh đau khổ.

Ai bảo em ngồi bên cửa sổ, Cho vướng víu nợ thi nhân.

Xuân Diệu không đổ lỗi cho ai, có chăng, là do chính ông là thi sĩ đa tình. Tình yêu lứa đôi là nguồn sống, là mạch máu chảy trong trái tim nhà thơ:

Ai có biết mùa xuân lên nặng lắm

Trên cành hồng và trong những trái tim?

(Mời yêu)

Một cành hồng khoe sắc, một làn gió đưa gọi mùa xuân đến. Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu là mùa tình. Mùa của tình nhân. Mùa của những đôi lứa yêu nhau. Nhà thơ băn khoăn, rạo rực trước mùa xuân khi mà con tim đang khao khát yêu và được yêu. Nhưng ngay lúc đang sung sướng giữa mùa xuân rực rỡ, Xuân Diệu chợt nhớ rằng mùa xuân sắp tàn, con người không trẻ mãi. Cho nên:

Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi, Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi.

(Giục giã)

“Trái tim nhỏ” là tình nhân, hay là chính bản thân tác giả thì lời thúc giục cũng không dư thừa. Con người không trẻ mãi thì tình yêu rồi cũng theo tuổi trẻ mà đi mất. Nỗi ám ảnh về thời gian một đi không trở lại khiến nhà thơ luôn mong muốn yêu thật nồng nhiệt, yêu mãnh liệt. Chỉ khi chìm đắm với tình yêu thì thời gian mới như ngừng lại:

Không cần nói. Trái tim dường mở hé, Hoa muôn năm nghe nở tiếng thần tiên Trái tim ngừng trong một lúc vô biên:

Thời gian hết; đất trời không có nữa…

(Kỷ niệm)

Nhưng rồi, sự thật, dù có phũ phàng, vẫn là sự thật. Thời gian là dòng chảy liên tục từ quá khứ đến tương lai. Xuân Diệu rất sợ sự tàn phai. Nhất là sự tàn phai trong tình ái.

Tưởng chừng thời gian ngưng đọng, chỉ có tình yêu tồn tại, thì ngay thời khắc đó, tác giả nhận ra “thời gian hết, đất trời không có nữa”. Tình yêu luôn mang lại đam mê. Và những

người yêu nhau thì luôn cảm thấy khi bên nhau thời gian trôi rất nhanh. Huống chi đối với một người luôn bị thời gian “rượt đuổi” như Xuân Diệu, thời gian càng trở nên quý giá.

Trái tim trong thơ Xuân Diệu dường như là một trái tim luôn đòi hỏi yêu đương, luôn khát khao có được tình yêu tuyệt đích. Bởi thế khi yêu, được yêu mà tác giả vẫn như đang tìm kiếm tình yêu:

Anh là người thuyền chài Trương Chi Trong trái tim mang em đọng lại.

Mang em ngày thắm và đêm biếc Trong trái tim – nhưng vẫn còn tìm.

(Bá Nha, Trương Chi)

Người yêu tồn tại trong trí nhớ, trong suy nghĩ và trong cả trái tim, vậy mà tác giả vẫn nhớ, vẫn mong, vẫn tìm kiếm, vẫn khao khát. Bởi đó là nỗi nhớ mong muôn đời của tình yêu. Và khi thật sự chia xa thì đó quả là một niềm đau khôn tả:

Cứ nhìn nhau rồi lại nhìn nhau

Hạnh phúc ngừng giữa đôi trái tim đau.

(Biệt ly êm ái)

Nói về nỗi đau đớn trong tình yêu bằng biểu tượng trái tim, Thâm Tâm cũng từng viết về câu chuyện tình yêu đầy đau khổ:

Màu máu tigôn đà biến sắc, Tim người yêu cũ phủ màu tang…

Một cánh hoa xưa màu hi vọng, Nay còn dư ảnh trái tim đau.

(Màu máu tigôn)

Thi ca phải ánh thời đại. Thời đại in bóng trong thi ca. Giai đoạn 1930 – 1945, văn học bắt đầu đề cập đến vấn đề con người cá nhân. Như một cách để đánh đổ những bức tường lễ giáo phong kiến xưa cũ, quan niệm mới về tình yêu, về hôn nhân bắt đầu xuất hiện trong thơ ca của một số tác giả. Trong đó có Xuân Diệu. Xuân Diệu không hô hào đòi quyền tự do trong tình yêu. Nhưng đọc và cảm nhận những tác phẩm thơ tình của Xuân Diệu,

người đọc dễ dàng nhận ra một quan niệm yêu đương hoàn toàn mới, mãnh liệt, tự do và không còn rào cản lễ giáo. Xuân Diệu cũng đề cập thẳng vào vấn đề mà bấy lâu nay thơ ca trung đại né tránh, thậm chí bị coi là tà dâm. Đó là tình yêu gắn liền với khát vọng ái ân.

Tình yêu chỉ trọn vẹn khi được thỏa mãn cả về tinh thần và thể xác. Chính vì vậy mà ngay lúc Xuân Diệu vừa bước vào làng thơ cho đến lúc thành danh vẫn có biết bao lời khen chê.

Tấm lòng trần thế, sự say đắm tình yêu của Xuân Diệu không vì vậy mà giảm sút. Trái lại, niềm khát kháo ấy càng nhiều hơn, da diết hơn, mãnh liệt hơn. Mãnh liệt đến mức nó trở thành quan niệm sống, là mục đích cuộc đời của tác giả. Bởi lúc ấy, Xuân Diệu đã thấu rõ hơn bao giờ cái hữu hạn, cái mong manh và phù du đến tàn nhẫn của đời người. Xuân Diệu đã cảm nhận được sự bất lực của con người trước thời gian, trước vũ trụ. Còn gì quan trọng hơn là phải sống cho xứng đáng với những năm tháng còn tồn tại. Và Xuân Diệu đã sống trọn đến từng khoảnh khắc của trái tim mình. Say đắm cuộc đời, say đắm tình yêu: “Phải nói yêu trăm bận đến ngàn lần” “Trong hơi thở chót dâng trời đất / Vẫn cứ si tình đến ngất ngư”. Chẳng phải ta đã thấy một Xuân Diệu yêu nồng nàn, vồ cập, cuồng nhiệt trước cách mạng tháng Tám? Còn sau cách mạng tháng Tám? Xuân Diệu vẫn là chiếm giữ một vị trí quan trọng trong thơ ca dân tộc. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu sau này vẫn mãnh liệt, sâu sắc. Đó là tình yêu lứa đôi gắn liền với tình yêu đất nước: “Những người yêu mến đâu muốn xa nhau / Nhưng vẫn cứ đi, lên đường tiễn biệt… / Nhiệm vụ thiêng liêng nghiêng chụm đôi đầu / Và đôi trái tim tìm nhau, mãnh liệt!” (Tiễn biệt). Cũng là chia xa, cách trở đôi tim, nhưng tình yêu ấy không hề hoài nghi hay đau khổ như xưa. Xa cách trong tình yêu lúc này như là một thử thách lòng chân thành. Thế nên hình ảnh trái tim trong thơ Xuân Diệu còn là biểu tượng cho tình yêu son sắc dù cách trở:

Bóng hình còn giữa trái tim, vọng hoài (Anh nhớ thương em)

Tình yêu trong thơ Xuân Diệu có lúc rất giản đơn. Một lời chân thành, một lần gặp gỡ, một ánh mắt nhìn cũng đủ làm nên “thiên tình sử”. Bởi đó là chuyện của con tim:

Trái tim ta chuyện thầm thì cùng nhau (Anh về Ấm Thượng) Hay

Trái tim anh muốn ngàn đời yêu em (Sa pa)

Trái tim anh nói bồi hồi,

Mà tim em cũng trao lời vấn vương (Kỷ niệm)

Thời gian Xuân Diệu sáng tác những bài thơ tình yêu này với thời gian sáng tác những bài thơ tình đầu tiên lúc còn trong phong trào Thơ mới là một khoảng cách khá xa.

Điều đáng quý là trái tim rực lửa tình của Xuân Diệu vẫn cháy một cách nồng nhiệt. Và thơ tình của Xuân Diệu vẫn luôn tươi trẻ, thiết tha như thuở ban đầu. Có lẽ, những gì Xuân Diệu tỏ bày cũng chưa thể nói hết được tình yêu của tuổi trẻ bây giờ. Nhưng Xuân Diệu đã biết lấy tình yêu của cuộc đời để làm giàu cho tình yêu của trái tim mình.

2.3.2.3. Trái tim - Nỗi cô đơn

Có nhà nghiên cứu cho rằng, trong thơ Xuân Diệu “cái tôi” có sự phân cực. Đó là một khách si tình và là một kẻ thất tình. Giống như trong thơ Xuân Diệu luôn tồn tại hai trạng thái đối lập nhau: vừa say đắm cảnh trời, vừa say đắm tình yêu vừa vội vàng cuống quýt. Biểu tượng trái tim cũng như thế. Nếu ở phần trên chúng tôi đã đi vào làm rõ biểu tượng trái tim ở ý nghĩa biểu trưng cho lòng ham sống và say đắm tình ái, thì ở phần này, chúng tôi sẽ tiếp tục đi vào tìm hiểu biểu tượng trái tim ở khía cạnh biểu tượng cho nỗi cô đơn. Càng ham sống, càng say đắm tình ái, Xuân Diệu càng cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, cô đơn trước cuộc đời. Bởi những khao khát, những ước muốn ấy của nhà thơ chẳng bao giờ được thỏa mãn. Càng khao khát càng rơi vào bế tắc, hụt hẫng:

Gió vừa chạy, vừa rên, vừa tắt thở, Đem trái tim làm uất cả không gian, Gợi bóng hình những thân thê cơ hàn, Với môi tím, với cảnh nghèo vạc mặt.

(Tiếng gió)

Khao khát yêu nhưng không phải lúc nào niềm mong muốn của Xuân Diệu trở thành hiện thực. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu cho đi nhiều hơn nhận, thậm chí là:

Ngậm ngùi tặng trái tim lưu lạc Anh chỉ xin về một chút hương,

Một phần của tài liệu biểu tượng nghệ thuật trong thơ xuân diệu (Trang 67 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)