Trăng trong thơ Xuân Diệu

Một phần của tài liệu biểu tượng nghệ thuật trong thơ xuân diệu (Trang 83 - 98)

CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU TRONG THƠ XUÂN DIỆU

2.4.2. Trăng trong thơ Xuân Diệu

Sau khi tìm hiểu và khảo sát các tập thơ của Xuân Diệu, cả giai đoạn sáng tác trước và sau 1945, chúng tôi phát hiện được hình ảnh trăng/ vầng trăng được sử dụng lặp lại nhiều, khoảng 209 lần.

Ngoài những dòng thơ ghi lại những trạng thái khác nhau của trăng nằm rải rác trong các tác phẩm thuộc các tập thơ, Xuân Diệu còn có hẳn một số bài thơ viết riêng về trăng với một cảm xúc thẩm mĩ đặc biệt. Đó là Trăng, Ca tụng, Buồn trăng, Nguyệt Cầm, …ở giai đoạn trước 1945. Sau 1945, Xuân Diệu có viết Đã tới mặt trăng, Lưng trăng, Trăng sáng, Đêm trăng Đường láng, Xônata dưới trăng, Trăng Tây Nguyên.

Cũng giống như biểu tượng nghệ thuật khác trong thơ Xuân Diệu, biểu tượng trăng góp phần thể hiện quan điểm nghệ thuật, phong cách sáng tác cũng như quan niệm nhân sinh của tác giả.

2.4.2.1. Trăng – Thiên nhiên và nghệ thuật

Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp Mây gió trăng hoa, tuyết núi sông

(Cảm tưởng khi đọc thiên gia thi – Hồ Chí Minh)

Người xưa thường coi thiên nhiên là nơi trở về để thanh lọc, tu dưỡng tâm tánh hoặc lấy đó làm nơi thể hiện tâm trạng “ưu thời mẫn thế” của mình. Thiên nhiên: người ta học ở núi chí cao, học ở nước tâm thuận, học ở mai cốt cách, học ở tuyết tinh thần… Cũng giống với các nhà thơ xưa, trăng trong thơ Xuân Diệu trước hết là thiên nhiên tươi đẹp mà tạo hóa ban tặng cho con người. Những hình ảnh về một đêm trăng sáng trong khu vườn xinh đẹp được ghi lại: “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá / Ánh sáng tuôn đầy các lối đi / Tôi với người yêu qua nhè nhẹ / Im lìm không dám nói năng chi” (Trăng). Thời gian như bị lãng quên. Chỉ còn đôi lứa yêu nhau cùng sánh vai dưới ánh trăng vàng. Thiên nhiên đã giúp cho khu vườn tình tự của đôi lứa yêu nhau trở nên xinh đẹp, thơ mộng hơn. Họ im lặng, không lên tiếng cả có lẽ sợ “đường trăng tiếng dậy vang” và sợ “làm sai nhịp trăng đang”. Vừa có thiên nhiên rực rỡ vừa có người trong mộng.

Trong một không gian lãng mạn, đầy xúc cảm, con người luôn khao khát được tỏ bày tình yêu:

Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm, Sao lại trách người thơ tình lơi lả?

(Cảm xúc)

Một thiên nhiên xinh đẹp, một không gian quấn quýt tình tự luôn là nguồn thơ dạt dào cho “người thơ tình”. Đặc biệt đối với một người luôn say đắm cảnh trời như Xuân Diệu thì vẻ đẹp của trăng lại càng đáng được nhà thơ quan tâm và thưởng ngoạn. Trăng luôn mang đến cho thi sĩ những không gian kì ảo và diễm lệ:

Trăng vừa đủ sáng để gây mơ, Gió nhịp theo đêm, không vội vàng Khí trời quanh tôi làm bằng tơ.

Khí trời quanh tôi làm bằng thơ.

(Nhị hồ)

Hình ảnh “trăng vừa đủ sáng để gây mơ” gợi một cảm xúc nhẹ nhàng, êm đềm. Mà ở đó ánh vàng của trăng hòa vào khí trời ban đêm khiến khung cảnh chung quanh như là tơ, là thơ. Trăng là mơ, là tơ, là thơ. Chắc hẳn, Xuân Diệu đã vương vấn “tơ lòng” chính mình với thiên nhiên.

Trong phong trào Thơ mới, Hàn Mặc Tử cũng viết về trăng, nhiều hơn cả Xuân Diệu.

Nhưng đa phần ánh trăng trong thơ Hàn dường như là một trăng kì dị, lạ thường. Hiếm lắm ta mới bắt gặp một ánh trăng như thế này:

Ta bay lên! Ta bay lên.

Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm Ta ở cõi cao nhìn trở xuống

Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm (Lên chơi trăng)

Thơ Xuân Diệu là thơ ca lãng mạn. Thường, thơ ca lãng mạn rất coi trọng thiên nhiên. Thiên nhiên là nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ. Thiên nhiên là nơi ấp ủ những cảm xúc trữ tình. Trong đó, sự vĩnh cửu và vẻ đẹp kì ảo của trăng cũng là một đối tượng để nghệ thuật hướng tới. Trăng trong thơ Xuân Diệu là biểu tượng của thiên nhiên gắn liền với nghệ thuật. Xuân Diệu có hẳn một bài thơ tả trăng như là biểu tượng cho nguồn cảm hứng bất tận muôn đời của người nghệ sĩ:

Trăng, vú mộng đã muôn đời thi sĩ

… Trăng, hoa vàng lay lắt cạnh bờ mây;

Trăng, đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí;

… Trăng, nguồn sương làm ướt cả Gió hây,

Trăng, võng rượu khiến Đêm mờ chếnh choáng,

… Trăng thánh thót, họa đàn tơ lấp loáng,

Trăng nghiêng nghiêng, tư tưởng chuyện ưu phiền…

(Ca tụng)

Tác giả miêu tả trăng bằng những hình ảnh xinh đẹp như: vú mộng, hoa vàng, đĩa ngọc, nguồn sương, võng rượu, … Tác giả ví trăng là nguồn mộng ước, là hoa, là ngọc ngà,

… Trăng là men rượu, trăng là đàn nhạc, trăng là tình duyên. Các từ láy tượng hình như lay lắt, chếnh choáng, thánh thót, lấp loáng, nghiêng nghiêng, … gợi nên vẻ đẹp sống động của trăng. Riêng từ láy “nghiêng nghiêng” gợi cảm giác đặc biệt. Nó làm ta nhớ về dáng nằm

nghiêng nghiêng” của con sông Đuống trong thơ Hoàng Cầm:

Sông Đuống trôi đi Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì (Bên kia sông Đuống)

Dáng nằm “nghiêng nghiêng” đã biến con sông thành một sinh thể có hồn, có cảm xúc. Từ láy “nghiêng nghiêng” trong câu thơ “Trăng nghiêng nghiêng, tư tưởng chuyện ưu phiền” của Xuân Diệu đã khiến cho hình ảnh trăng trở nên đặc sắc hơn. Nó khiến ta liên tưởng vầng trăng từ trên bầu trời cao vợi đã thấu hiểu tấm chân tình của người nghệ sĩ mà xuống trần để làm bạn cùng nhà thơ, cùng với nhà thơ trăn trở chuyện đời, chuyện người.

Trăng không còn là một đối tượng để nhìn ngắm ngoài tầm với, mà đã trở thành nguồn thơ, là bạn tâm giao của tác giả. Như chính Xuân Diệu từng bộc bạch:

Chỉ là trăng, nhưng tôi thấy thần tiên Như tuyệt diệu bởi hồn tôi xanh quá.

(Chỉ ở lòng ta)

Xuân Diệu còn có nhiều câu thơ rất hay khi miêu tả trăng như biểu tượng nghệ thuật độc đáo. Ở đây có sự giao hòa giữa thiên nhiên và nghệ thuật:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần

(Nguyệt Cầm)

Xuân Diệu có hai câu thơ “thần tình” viết về một trạng thái của tâm hồn con người:

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời Tương tư nâng lòng lên chơi vơi…

(Nhị hồ)

Đã có nhiều tác giả bình luận về hai câu thơ rất tài này của Xuân Diệu. Chúng tôi đều có đồng quan điểm với các tác giả khác khi nói về vẻ đẹp của hai câu thơ trên. Riêng ở đây chúng tôi chỉ muốn nói về khía cạnh biểu tượng. Hai câu thơ miêu tả sự tác động của điệu nhạc Mạnh Lệ Quân lên tâm hồn nhà thơ. Câu toàn vần bằng gợi lên cảm giác lửng lơ, … một cảm xúc mà ngôn từ hằng ngày khó có thể diễn tả được. Đó là tình yêu trước nghệ thuật. Không gian dường như biến mất chỉ còn lại tác giả với sự thăng hoa của tâm hồn.

Thiên nhiên luôn là thước đo của nghệ thuật, thước đo tình yêu cuộc sống của người nghệ sĩ. Mục đích của con người hay của người nghệ sĩ nói riêng là chiếm lĩnh cái đẹp.

Thiên nhiên thể hiện vẻ đẹp trong từng trang thơ cũng là gián tiếp thể hiện vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ. Vì thơ là người phát ngôn trung thành và chân thật của người nghệ sĩ về cuộc sống, về đất nước. Khi mà quần chúng vùng dậy làm cách mạng, thì nhà thơ đều một lòng theo cách mạng. Từ đó Xuân Diệu càng gắn bó sâu nặng hơn với quần chúng nhân dân. Phần thơ sau 1945 đã nói lên tình cảm chân thành đó của nhà thơ.

Trăng trong thơ giai đoạn sau 1945 của Xuân Diệu vẫn được xây dựng như biểu tượng của thiên nhiên và nghệ thuật. Nhưng ở giai đoạn này, thiên nhiên và nghệ thuật qua biểu tượng trăng không giống như giai đoạn trước đó. Có lúc ta tưởng như bắt gặp một Xuân Diệu mới. Bình dị mà gần gũi thân thuộc biết bao. Và, ánh trăng, nó không còn xa vời hay huyền ảo nữa:

Biết là trăng giữa cỏ Rải những cộng rơm vàng.

Biết là trăng trên trời Đang rắc hoa liền cánh.

(Trăng sáng)

Thiên nhiên trở nên gần gũi, thân thuộc với nhân dân, với thời đại. Thiên nhiên vừa là người bạn đồng hành, soi sáng bước đường hành quân cứu nước:

Cũng có tuần trăng mới ánh trăng trong

Yêu với căm hai đợt sóng ào ào Vỗ bên lòng, dội mãi tới trăng sao

(Những đêm hành quân) 2.4.2.2. Trăng – Nỗi buồn và Thời gian

Nỗi buồn dường như là một cảm xúc ám ảnh của các nhà thơ mới. Đó là nỗi buồn thế hệ khi mà các văn nghệ sĩ không tìm được lối ra trong cuộc đời cũ. Nó muôn hình vạn trạng và lần lượt thể hiện qua thơ Huy Cận: “Sóng gợn tràng gian buồn điệp điệp”. Qua thơ Bích Khê: “Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng”. Riêng mình, Xuân Diệu tìm đến thiên nhiên cụ thể là trăng để nói về nỗi buồn, nỗi bơ vơ và cả sự bất lực của một lớp người nhỏ bé tự tách mình ra khỏi nhân dân.

Xuân Diệu có nhiều bài viết riêng về vầng trăng, cái đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên.

Và thông thường kết thúc của một bài thơ về trăng là một cảm giác buồn lan tỏa, xâm chiếm tâm hồn nhà thơ và cả người đọc. Bài thơ Trăng mở đầu là một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nhưng lại kết thúc với một nỗi buồn, một cảm xúc bâng khuâng khó nói:

Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ

Nỗi buồn, nỗi bơ vơ ấy dường như được tác giả cảm nhận bằng giác quan, nhìn thấy được bằng mắt thường “trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá”. Nỗi buồn trở thành thứ có thể đong đếm. Tâm hồn Xuân Diệu luôn tràn đầy cảm xúc, luôn “thức nhọn giác quan” nên những rung động ấy thường xuất hiện trong thơ ông là điều dễ hiểu.

Trong bài Buồn trăng, buồn là cảm xúc chủ đạo, chi phối toàn bài thơ.

Thương ai không biết đứng buồn trăng Huy hoàng trăng rộng, nguy nga gió

Sao vàng lẻ một, trăng riêng chiếc;

Đêm ngọc tê ngời men với tơ…

Ở đây, chúng tôi đồng ý với nhận xét của Hà Minh Đức: Xuân Diệu càng miêu tả không gian càng ớn lạnh, một không gian như rợn ngợp, không bắt gặp những hình ảnh gần gũi, ấm áp. Và cái ớn lạnh lên đến đỉnh cao với câu:

Trăng ngà lặng lẽ buông như tuyết Trong suốt không gian, tĩnh mịch đời

Cổ nhân có câu:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Trăng là biểu tượng thiên nhiên tươi đẹp. Nhưng khi con người có tâm trạng, trăng cũng buồn và chứa nỗi u sầu:

Tiếng trúc từ đâu than tịch mịch!

Hồn nào ai bỏ giữa trăng không?

(Bài thứ năm) Đôi khi, vầng trăng thơ mộng trở nên lạnh lẽo vì một tâm sự nào đó:

Trăng thu thường thấy trắng phau, Ấy màu của tuyết ấy màu của băng.

Lạnh thay! là cảnh cô Hằng

Lạnh trong cung lạnh, trong trăng lạnh lùng.

(Bụi mưa mờ cũ)

Nỗi buồn ấy còn được Xuân Diệu gửi gắm trong lời van vỉ, thiết tha của người kỹ nữ:

Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo.

Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.

… Trăng ngà lạnh buốt.

(Lời kỹ nữ)

Ánh trăng trở thành một nỗi ảm đạm thê lương. Nhìn trăng người kỹ nữ trong thơ Xuân Diệu không hề thấy đẹp, thấy lãng mạn. Ngược lại, nàng nhìn trăng với một nỗi sợ hãi đến thảng thốt “Em sợ lắm”. Lời thơ chứa cả một nỗi niềm xót xa, gợi cảm giác nhói buốt trong tim người đọc.

Xuân Diệu từng viết rằng: “Xuân, người ta vì ấm mà cần tình. Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà rất cần đôi, cho nên không gian đầy những lời nhớ nhung, những linh hồn cô đơn thả ra những tiếng thở dài để gọi nhau và lòng tôi nghe tất cả du dương của thứ vô tuyến điện ấy”. Cho nên vầng trăng mùa thu cũng gợi một nỗi buồn “ngẩn ngơ” trong lòng con người và cảnh vật:

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…

(Đây mùa thu tới)

Ngày xưa Lý Bạch từng nhìn trăng mà nghĩ đến thời gian, nghĩ về đời người hữu hạn:

Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân

(Dịch: Người nay nào thấy trăng xưa chiếu Trăng này từng chiếu cõi người xưa)

(Lý Bạch – Đăng Lan dịch)

Ngày nay, trăng còn là biểu tượng của sự chảy trôi thời gian, của sự tàn phai, trong thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám 1945. Đây là một ví dụ:

Trăng thu gió hè, Đổi bờ thay đê,

Nước, thuyền xuống biển:

Thuyền không trở về…

(Thời gian) Hay:

Sao em không nghe Bao lời van vỉ Của nguyệt đêm hè Bao lời ủy mị Của thời tươi xanh.

(Tiếng không lời)

Hình như, vì thời gian trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp với nhà thơ, nên ở biểu tượng nghệ thuật nào trong thơ Xuân Diệu, ta cũng bắt gặp nhịp trôi gấp gáp của thời gian.

Nhìn vào đâu, tác giả cũng thấy bước đi của thời gian in hằn lên. Vầng trăng, thứ thiên nhiên có thể xem là vĩnh cữu. Vậy mà, trong thơ Xuân Diệu, trăng cũng bị thời gian làm cho hao mòn:

Bụi mưa mờ cũ gương trăng

Sông Ngân giòng bạc cũng hao bóng vàng (Bụi mưa mờ cũ)

Chính vì ý thức thời gian, nuối tiếc thời gian ở hiện tại nên Xuân Diệu muốn trở về quá khứ để Mơ xưa. Và vầng trăng được khắc họa theo thời gian:

Ai có nhớ những thời hương phảng phất, Hạc theo trăng, tiên còn lẫn với người;

Trăng vàng xinh không bỏ giữa đêm khuya, (Mơ xưa)

Nhưng rồi có lẽ, Mơ xưa cũng không làm tác giả cảm thấy yên lòng, không làm tác giả thỏa mãn, nên đành quay về với thực tại. Lúc tác giả chợt thấy:

Gió theo trăng từ biển thổi qua non Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn

(Lời kỹ nữ)

Vẫn là một nỗi ám ảnh về thời gian xen lẫn với nỗi buồn giữa một không gian trăng đầy rợn ngợp. Có lẽ chỉ có những không gian trăng bao la mới chất chứa hết những sầu muộn của những kiếp người đơn côi, bơ vơ như Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám 1945.

2.4.2.3. Trăng – Tình yêu lứa đôi

Trăng cũng là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa. Trăng như người tình mà Xuân Diệu luôn chào đón, mời gọi, đợi mong:

Lòng tôi bốn phía mở cho trăng;

Khách lại mười phương cũng đãi đằng:

Nước ngọt sẵn tuôn, vườn đợi hái, Đường không ngăn cấm, cỏ chờ băng…

(Phơi trải)

Với Xuân Diệu, tình yêu luôn là thứ thi sĩ khao khát nhất. Vì vậy mà lúc nào lòng cũng mở, tim cũng chờ. Các từ ngữ: “sẵn, đợi, không ngăn cấm, chờ” thể hiện nỗi đam mê tình ái của nhà thơ.

Với Hàn Mặc Tử thì: “Mới lớn lên trăng đã thẹn thò, / Thơm như tình ái của ni cô”.

Trăng trong thơ Hàn không còn là trăng nữa mà được mã hóa thành hương tình ái của ni cô.

Có một chút gì đó mờ ảo. Bởi đó dường như là vẻ đẹp của người yêu mà tác giả Hàn Mặc Tử tự tưởng tượng ra. Cũng là viết về vẻ đẹp của người trong mộng, nhưng sao trăng trong thơ Hàn Mặc Tử còn gợi cho ta chút gì đó bất thường, bất an. Đối với Xuân Diệu, trăng gắn với người tình một cách cụ thể hơn. Nụ cười của người tình đẹp tựa ánh trăng rằm:

Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm, Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự.

(Giục giã)

Niềm khao khát tình ái không bao giờ cạn, Xuân Diệu luôn cảm thấy bơ vơ, lạnh lẽo như ánh trăng mùa thu:

Và đêm nay, lòng tôi lạnh lẽo…

Như sáng trăng trên mặt nước thu lờ (Thở than)

Chờ mong, tương tư rồi đau khổ, biểu tượng trăng gần như đã đi hết các cung bậc cảm xúc của tình yêu lứa đôi. Đó là những giờ phút sắp chia ly:

Chúng tôi ngồi, vây phủ bởi trăng thâu Tay trong tay, đầu dựa sát bên đầu.

(Biệt ly êm ái) Trăng giờ chỉ là hình ảnh trong những kỉ niệm tình yêu đã qua:

Thôi hết rồi! Còn chi nữa đâu em!

Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm, (Tương tư chiều) Với những ước mơ tìm kiếm chút yêu thương đã cũ càng:

Dưới ánh trăng cười, tôi kiếm mãi Dấu bàn tay ấy ở trên tay.

(Với bàn tay ấy…)

Sau 1945, Xuân Diệu vẫn tiếp tục sử dụng trăng làm biểu tượng cho tình ái. Có lúc, Xuân Diệu ví ánh trăng rằm như một tình yêu trọn vẹn, vĩnh cửu, trường tồn mãi mãi theo thời gian:

Trời Aragông với trăng rằm Enxa

Đóa trăng rằm: vĩnh viễn hoa ái tình (Aragông và Enxa)

Có lúc, Xuân Diệu thấy trăng giống như gương mặt quen thuộc và đầy yêu thương của người tình. Chỉ có người đang chìm đắm trong yêu thương mới có thể tưởng tượng gương mặt người yêu như ánh trăng vàng,như trăng nguyền:

Chiều hôm anh đọc ánh trăng vàng (Mặt em) Ôi khuôn mặt chỉ toan ôm lấy

Trong tay anh như một trăng nguyền

Một phần của tài liệu biểu tượng nghệ thuật trong thơ xuân diệu (Trang 83 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)