CHƯƠNG 2: NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU TRONG THƠ XUÂN DIỆU
3.2. Những đặc trưng nổi bật về nghệ thuật xây dựng biểu tượng trong thơ Xuân Diệu
3.2.3. Thủ pháp tạo nên độ nén của biểu tượng
Xuân Diệu đã mang đến cho biểu tượng thơ mình những nét nghĩa mới mẻ bằng thủ pháp lạ hóa. Lạ hóa ở đây được hiểu là cách sử dụng từ ngữ mới mẻ, tạo nhiều sức gợi. Nó thể hiện ở cách dùng từ mới lạ, tạo nhiều ấn tượng về ý nghĩa.
Ngôn ngữ trong thơ mới là ngôn ngữ của cái đẹp, của sự biểu cảm và giàu sức ám gợi. Trong hành trình đi tìm cái đẹp của tiếng Việt, những nhà thơ mới nói chung và Xuân Diệu nói riêng luôn tạo cho ngôn ngữ thơ mình những thông tin mới, những nét nghĩa mới.
Xuân Diệu lại là nhà thơ yêu cái đẹp đến cuồng nhiệt. Điều đó thể hiện trong qua trình sáng tác của nhà thơ. Ông luôn miệt mài sáng tạo và lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc để có những con chữ đẹp. Đôi lúc người ta cho rằng đó là cách nói “rất Tây”, rằng Xuân Diệu
“lai căn”, làm mất đi bản sắc dân tộc. Nhưng trên thực tế, đó vẫn là cách nói quen thuộc của tiếng nói dân tộc nhưng đã được khoác một sắc thái mới mẻ.
Khi xây dựng biểu tượng nghệ thuật, chính thủ pháp lạ hóa này đã mang đến độ nén cho biểu tượng thơ Xuân Diệu. Đó là hoa – biểu tượng của cái đẹp dễ phôi pha trước dòng chảy miệt mài không dứt của thời gian:
Hơn một loài hoa đã rụng cành Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
(Đây mùa thu tới)
Cách nói “hơn một”, “sắc đỏ rũa màu xanh” là cách nói đầy mới mẻ và không kém phần hấp dẫn. Xuân Diệu vốn chịu ảnh hưởng nhiều từ văn học phương Tây. Điều đó cũng là một trong những yếu tố giúp Xuân Diệu làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc.
Đôi lúc việc sử dụng những động từ mạnh cũng là một cách tạo sức hút ấn tượng cho lời thơ:
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng)
Trăng – biểu tượng của thiên nhiên tuyệt mĩ. Trăng vốn là bạn muôn đời của thơ ca nhạc họa. Nhưng chỉ có Xuân Diệu mới thấy:
Trăng, vú mộng muôn đời thi sĩ Trăng, hoa vàng lay lắt cạnh bờ mây Trăng, đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí
… Trăng nguồn sương làm ướt cả Gió hây Trăng võng rượu khiến Đêm mờ chếnh choáng
(Ca tụng)
Với Xuân Diệu, trăng là “vú mộng, hoa vàng, đĩa ngọc, nguồn sương, võng rượu…”. Cách ví von so sánh đầy ấn tượng, vừa quen vừa lạ. Người xưa thường ngắm trăng để ngẫm nghĩ, trầm tư về cuộc đời. Trăng với họ là mơ, là thơ. Nhưng cách nói “vú mộng” có lẽ chỉ có Xuân Diệu mới nghĩ ra được. Trăng không chỉ gợi về vẻ đẹp thiên nhiên vĩnh cửu. Trăng trong thơ Xuân Diệu vừa thơ mộng, vừa gợi cảm, vừa quý phái. Trăng còn là thứ men rượu làm say “chếnh choáng”lòng người.
Và cũng chỉ có Xuân Diệu nhìn trăng mới thấy “Khí trời quanh tôi làm bằng tơ / Khí trời quanh tôi làm bằng thơ”(Nhị hồ).Ánh sáng trăng giăng mắc, vướng víu khắp mọi nẻo.
Ánh sáng trăng chiếu rọi khắp không gian bàng bạc một màu óng ả như tơ. Có lẽ chính lối nói mới lạ này đã mang đến cho trăng một vẻ đẹp khác hẳn vẻ đẹp mà bao nhiêu năm nó được thơ ca thể hiện. Cũng miêu tả về trăng, cũng dùng thủ pháp lạ hóa, nhưng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử lại mang một diện mạo khác:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu Đợi gió đông về để lả lơi
(Bẽn lẽn)
Thường thì người ta thấy trăng treo, trăng lấp ló, trăng nằm chênh chếch, … chứ chưa ai nói “trăng nằm sóng soãi”. Quả thật đây là một sáng tạo của Hàn Mặc Tử. Với từ
“sóng soãi”, trăng trong thơ Hàn nghiêng về cảm xúc trần tục, xác thịt. Nó khác hoàn toàn với ánh trăng thơ mộng như trong thơ Xuân Diệu.
Hoài Thanh từng cho rằng, Xuân Diệu làm thơ tựa hồ như người Tây đang tập nói tiếng Việt. Tuy nhiên cách nói tưởng như ngây ngô ấy đã làm nên vẻ đẹp rất riêng của biểu tượng thơ Xuân Diệu. Ai cũng biết rằng, trí nhớ của con người đều có giới hạn. Những gì bình thường, nhàn nhạt dễ bị lãng quên. Với thơ ca cũng vậy. Muốn khắc sâu, gây ấn tượng, tạo nên sức hút ám ảnh thì thơ ấy phải có gì đó khác thường, mới mẻ hoặc về nội dung hoặc về hình thức. Xuân Diệu đã tạo ấn tượng cho biểu tượng nghệ thuật để nhằm khắc sâu vào tâm trí người đọc khi khám phá thơ mình.
Nén, gợi
Khác với Huy Cận, Xuân Diệu là nhà thơ của nỗi khao khát tỏ bày. Thơ Xuân Diệu là thơ phô diễn cảm xúc. Những gì đẹp, gây ấn tượng cho mình, nhà thơ đều ghi lấy, ca ngợi. Những rung động tinh vi nào xảy ra trong tâm hồn mình cũng được nhà thơ phơi trải qua thơ. Ngôn ngữ thơ Xuân Diệu là ngôn ngữ ít nén. Bởi nhu cầu giao cảm mãnh liệt của
nhà thơ với cuộc đời. Lúc nào Xuân Diệu cũng vồn vã, rộn ràng với nhu cầu được nói, được giao tiếp. Với Xuân Diệu, yêu là phải nói, nói trăm bận đến ngàn lần vẫn chưa là đủ:
Phải nói yêu trăm bận đến ngàn lần;
Phải mặn nồng cho mãi mãi đem xuân.
(Phải nói)
Trong tình yêu, nhu cầu bày tỏ lại càng mãnh liệt. Với Xuân Diệu, chết là hết nên
“hãy tặng tình lúc sống”. Cuộc đời phải có mùa xuân mới có ý nghĩa. Tuổi trẻ phải gắn với tình yêu. Thì sự tỏ bày phải nhu cầu cần thiết của tình ái.
Xuân Diệu quan niệm sống phải “toàn tâm, toàn trí, toàn hồn” nên lúc nào nhà thơ cũng luôn mở rộng lòng mình để nghe, để thấy, để cảm nhận. Cho nên Hỏi nhiều cũng là hợp lý:
Ai làm cách trở đôi ta
Vì anh vụng ngượng hay là vì em?
Trăng còn đợi gió chưa lên
Hay là trăng đã tròn trên mái rồi?
(Hỏi)
Biểu tượng trăng – tình yêu đôi lứa trở nên sống động hơn với lời ướm hỏi tinh tế.
Mượn chuyện trăng chờ gió để nói đến sự chờ đợi nhau trong tình yêu. Niềm khao khát được biết, được hiểu ấy cũng xuất phát từ nỗi say đắm với tình yêu với cuộc đời của Xuân Diệu.Vì say đắm tình yêu nên lúc nào tác giả cũng muốn đi đến tận cùng mọi cảm xúc, muốn hiểu hết những tâm tư của người yêu.
Mặc dù thơ Xuân Diệu ít nén. Mọi suy nghĩ đều được nhà thơ phô ra trên lời thơ.
Nhưng điều đó không có nghĩa là thơ ông không giàu sức ám gợi. Những cảm xúc Xuân Diệu bày tỏ trong thơ ông cũng đều là những cảm xúc mà bất cứ ai cũng phải trải qua. Xuân Diệu yêu mùa xuân, khao khát tình ái, mơ trăng với một con tim nồng nhiệt, hay cả nỗi sợ tàn phai, … đều mong muốn sẻ chia với mọi người. Khi nhà thơ đau buồn trước sự tàn úa của hoa, nuối tiếc trước mùa xuân qua đi, hay khao khát được đi đến “vô biên” của tình yêu thì cũng là lúc nhà thơ khiến cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều về cuộc sống. Xuân Diệu còn chứa đựng một lối sống đầy giá trị nhân văn. Một cách sống đúng nghĩa, lối sống tích cực.
Phải sống sao để không sống hoài, sống phí, sống hờ hững. Phải sống sao để trọn vẹn từng phút giây của cuộc đời. Vì không nơi nào tươi đẹp hạnh phúc bằng trần gian. Vì không điều
gì quí giá bằng tuổi trẻ và tình yêu. Đó là những thông điệp mà nhà thơ gợi ra trong suy nghĩ của độc giả yêu thơ ông.