CHƯƠNG 3: THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
3.1. TỔNG QUAN VỀ NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM –
3.1.1. Quá trình hình thành và phát triển
Vietcombank Vũng Tàu kế thừa nhiệm vụ của Phòng Ngoại hối Vũng Tàu (được thành lập vào tháng 08/1977) trực thuộc Ngân hàng Nhà Nước Tỉnh Đồng Nai với số lượng cán bộ chỉ gồm 12 người. Đến năm 1979, Phòng Ngoại hối Vũng Tàu trở thành Phòng Thanh toán quốc tế trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (cũ), khi Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô được thành lập và hoạt động trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Xô cũ (nay là Liên bang Nga) vào tháng 06/1981.
Trước tình hình phát triển mạnh của công tác thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam, công việc của Phòng Thanh toán quốc tế ngày càng nhiều, nghiệp vụ thanh toán đối ngoại ngày càng mở rộng đã dẫn đến sự ra đời của Vietcombank Vũng Tàu vào ngày 06/11/1982 với số lượng cán bộ ban đầu chỉ là 30 người. Từ chỗ chỉ thanh toán quốc tế liên quan đến dầu khí, đến nay Chi nhánh đã là một ngân hàng lớn mạnh của Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với nhiều dịch vụ đa dạng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2014, tổng số nhân viên của Vietcombank Vũng Tàu là 178 người, trong đó số nhân viên nữ là 120 người, chiếm 67,41% nguồn lao động, nhân viên nam có 58 người, chiếm 32,59% nguồn lao động. Trong hai năm vừa qua, Vietcombank Vũng Tàu luôn được vinh danh trong các đợt thi đua khen thưởng của hệ thống như năm 2013 với danh hiệu “Chi nhánh có hiệu quả kinh doanh tốt nhất hệ thống” khi lợi nhuận sau thuế đạt 313,9 tỷ VNĐ, như vậy, bình quân mỗi cán bộ công nhân viên của chi nhánh đã mang lại khoảng 1,72 tỷ đồng lợi nhuận cho Vietcombank Vũng Tàu, xếp hàng đầu hệ thống Vietcombank; năm 2014 với danh hiệu “Top 20 chi nhánh có hiệu quả kinh doanh tốt nhất hệ thống”.
Trên địa bàn tỉnh hiện tại, Vietcombank Vũng Tàu có 1 trụ sở chính, 4 phòng giao dịch và 1 quỹ tiết kiệm
3.1.2. Cơ cấu tổ chức
Vietcombank Vũng Tàu gồm 1 Giám đốc, 2 Phó Giám đốc và 11 phòng chức năng với nhiệm vụ chính như sau:
- Ban Giám đốc: chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của Chi nhánh; xây dựng chương trình hành động cụ thể để hoàn thành kế hoạch do Tổng Giám đốc đề ra.
- Phòng Kế toán tài vụ: thực hiện thu chi tài chính, thực hiện công tác kế toán phân tích và kế toán tổng hợp; lập bảng cân đối kế toán hàng tháng, quý, năm….
- Phòng Vi tính: theo dõi về công nghệ thông tin, quản lý các chương trình phục vụ cho việc tác nghiệp, hoạt động.
- Phòng Kinh doanh dịch vụ: thực hiện mở và quản lý tài khoản tiền gửi cá nhân, doanh nghiệp, các loại thẻ….
- Phòng Ngân quỹ: thực hiện các công việc liên quan đến nghiệp vụ ngân quỹ như giao dịch thu chi tiền mặt VND và ngoại tệ, điều chuyển tiếp quỹ ATM,….
- Phòng Khách hàng Thể nhân: quản lý hệ thống kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân, như cho vay cá nhân, hộ gia đình….
- Phòng Vốn và Kinh doanh ngoại tệ: quản trị nguồn vốn VND và ngoại tệ; kinh doanh, mua bán ngoại tệ; theo dõi, công bố lãi suất cho vay, huy động vốn.
- Phòng Khách hàng: quản lý hệ thống kênh phân phối dịch vụ cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp.
- Phòng Quản lý nợ: theo dõi quản lý các hợp đồng cho vay; phối hợp với nghiệp vụ để đôn đốc thu hồi vốn cho vay; trích lập dự phòng rủi ro theo quy định phát luật.
- Phòng Thanh toán quốc tế: thực hiện nghiệp vụ thanh toán thông qua phương thức L/C và chuyển tiền - T/T….
- Phòng Hành chính nhân sự: thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, quản lý hành
chính, tổ chức cán bộ, công tác nội bộ, quản lý, theo dõi tài sản của Chi nhánh.
- Bộ phận Kiểm tra nội bộ: kiểm tra việc chấp hành chủ trương, chế độ, quy định của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank TW… đối với hoạt động của Chi nhánh.
3.1.3. Các sản phẩm dịch vụ chủ yếu của Vietcombank Vũng Tàu
- Tài khoản: với các hình thức tài khoản đa dạng như tài khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn.
- Thẻ: bên cạnh các loại thẻ ghi nợ như Vietcombank Connect 24, Vietcombank Connect 24 Visa và Vietcombank Mastercard, Vietcombank Vũng Tàu chấp nhận thanh toán cả 6 loại thẻ ngân hàng thông dụng trên thế giới mang thương hiệu Visa, Master Card, JCB, American Express, Diners Club và China Union Pay.
- Tiết kiệm và đầu tư: chi nhánh thu hút nguồn tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư và doanh nghiệp bằng nhiều chương trình hấp dẫn.
- Cho vay: chi nhánh cung cấp dịch vụ cho vay cá nhân và doanh nghiệp với nhiều hình thức phong phú.
- Ngân hàng điện tử: với nhiều hình thức như: ngân hàng trực tuyến VCB - iBanking, ngân hàng qua tin nhắn điện thoại VCB – SMS Banking, nạp tiền điện thoại qua di động VCB - eTopup, ngân hàng điện tử 24/7 VCB – Phone Banking.
- Bảo lãnh: chi nhánh cung cấp dịch vụ bảo lãnh đa dạng với nhiều hình thức như: bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng,….
- Dịch vụ thanh toán: chuyển và nhận tiền trong nước và nước ngoài; thanh toán xuất nhập khẩu;
- Dịch vụ séc: séc trong nước và séc nước ngoài;
- Kinh doanh ngoại tệ: mua bán ngoại tệ với nhiều hình thức như Spot, Forward,... và thực hiện giao dịch giấy tờ có giá trên thị trường tiền tệ.
- Và các dịch vụ khác….
3.1.4. Kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank Vũng Tàu
Bảng 3.1: Kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank Vũng Tàu Đơn vị tính: tỷ VND
Chỉ tiêu 2012 2013 2014 2013/2012 2014/2013
Tổng nguồn vốn huy động (quy ra
VND), trong đó 7.188,00 6.782,72 8.583,78 94,36% 126,55%
- Huy động từ dân cư 3.408,00 3.791,89 4.853,11 111,26% 127,99%
- Huy động từ TCKT 3.780,00 2.990,83 3.730,67 79,12% 124,74%
Dư nợ cho vay, trong đó: 2.336,71 2.125,99 2.235,92 90,98% 105,17%
- Tín dụng DN 2.002,61 1.742,91 1.788,66 87,03% 102,62%
- Tín dụng thể nhân 334,10 383,08 447,26 114,66% 116,75%
Thu nhập 644,98 964,51 677,38 149,54% 70,23%
Chi phí 403,66 651,32 443,18 161,35% 68,04%
Lợi nhuận 241,32 313,19 234,20 129,78% 74,78%
Nguồn:Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank Vũng Tàu
Trong 3 năm (từ 2012 đến 2014), tổng nguồn vốn huy động quy về VND tại Vietcombank Vũng Tàu có sự biến động rõ rệt: năm 2013 sụt giảm so với năm 2012, nhưng đến năm 2014 lại có sự gia tăng. Dù nguồn vốn huy động VND tại chi nhánh (ở khu vực cá nhân lẫn khách hàng doanh nghiệp khác) vẫn có sự gia tăng, nhưng đà sụt giảm quá lớn của nguồn vốn USD vào năm 2013 (tập trung ở các xí nghiệp của Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro) là nguyên nhân chính khiến cho tổng nguồn vốn huy động quy về VND lại giảm đi khoảng 6% (năm 2013 so với năm 2012). Tại chi nhánh, các doanh nghiệp dầu khí là đối tượng khách hàng lớn, cung cấp cho Vietcombank Vũng Tàu nguồn ngoại tệ dồi dào, nhưng từ năm 2008, với việc chính thức đi vào hoạt động của Ngân hàng TMCP Đại Dương - Oceanbank (một đơn vị liên kết của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), các doanh nghiệp này đã phải dần dần chuyển một phần giao dịch qua Oceanbank dưới áp lực
của tập đoàn. Chính điều này đã gây ra sự sụt giảm mạnh về nguồn vốn USD tại chi nhánh qua các năm. Tuy nhiên đến năm 2014, do những bất ổn trên thị trường ngân hàng, đặc biệt là ở Ngân hàng TMCP Đại Dương, đã khiến cho các xí nghiệp này đều đồng loạt gửi tiền vào chi nhánh, tạo ra sự gia tăng mạnh về nguồn vốn huy động quy ra VND.
Dư nợ tín dụng tại chi nhánh cũng có sự biến động qua các năm. Tại khối tín dụng bán buôn: dư nợ năm 2013 sụt giảm so với năm 2012 nhưng đến năm 2014 lại có sự gia tăng nhẹ; chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tín dụng bán buôn là các khoản cho vay trong các lĩnh vực như: khoan và dịch vụ khoan, vận tải, dầu khí, thép,… nhìn chung là các hoạt động liên quan đến lĩnh vực dịch vụ khai thác dầu khí. Tại khối tín dụng bán lẻ: dư nợ có sự gia tăng đều đặn qua các năm do chính sách tăng cường hợp tác với các hãng xe, các chủ đầu tư dự án bất động sản….
Trong năm 2013 dù dư nợ của chi nhánh sụt giảm so với năm 2012 nhưng nguồn thu từ các loại phí dịch vụ cộng với lợi nhuận từ nguồn tiền gửi khu vực cá nhân dồi dào là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận của chi nhánh gia tăng. Trong năm 2014 tuy dư nợ của chi nhánh đang gia tăng, tuy nhiên do việc siết chặt hoạt động cho vay lại trong nội bộ Vietcombank cũng làm sụt giảm nguồn thu nhập, dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh so với năm 2013.
Dù có những biến động trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank Vũng Tàu nhưng nhìn tổng thể thì các dịch vụ ngân hàng mà chi nhánh cung cấp cho khách hàng là rất tốt, vẫn mang lại nguồn lợi nhuận cao cho chi nhánh. Tại địa bàn Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Vietcombank thật sự là một ngân hàng hoạt động có hiệu quả khi các hoạt động kinh doanh đều có lợi nhuận tốt so với các ngân hàng khác, cả trong hệ thống và ngoài hệ thống. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh tại Vietcombank Vũng Tàu đang dần xuất hiện những thiếu sót cần phải thay đổi, nếu không sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động kinh doanh tại chi nhánh. Thông qua mô hình SWOT, các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của Vietcombank được nhận định như sau:
Điểm mạnh Điểm yếu 1. Có uy tín và hình ảnh trên địa bàn nên thu
hút được khách hàng.
2. Đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, nhiệt tình chăm sóc khách hàng, có trách nhiệm với công việc được giao.
3. Chất lượng dịch vụ tốt.
4. Có được một lượng khách hàng luôn trung thành, ổn định.
1. Mạng lưới phân bổ các phòng giao dịch còn khá mỏng, còn một số địa bàn chưa tiếp cận. Văn phòng trụ sở, phòng giao dịch cũ, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và sự chuyên nghiệp đối với khách hàng.
2. Nhân viên chưa chủ động tìm kiếm khách hàng mới và bán chéo sản phẩm. Đội ngũ nhân viên phân bổ cho công tác này còn hạn chế.
3. Hoạt động kinh doanh còn phụ thuộc vào một số khách hàng lớn, rủi ro tăng.
Cơ hội Thách thức
1. Nền kinh tế trên địa bàn phát triển, thu hút nguồn nhân lực từ khắp nơi đổ về, là thị trường tiềm năng để mở rộng và phát triến sản phẩm.
2. Ngân hàng đang chuyển đổi toàn diện, nên các sản phẩm mới, thương hiệu, dịch vụ đều được chuẩn hóa hiện đại, nâng cao tính cạnh tranh trên địa bàn.
3. Nhu cầu sử dụng sản phẩm ngân hàng của các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn ngày càng tăng.
1. Sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh và nội bộ Vietcombank ngày càng gia tăng và gay gắt.
2. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các đối thủ không ngừng gia tăng, cải tiến hiện đại do đó áp lực cải tiến của đơn vị ngày càng tăng.
3. Nhu cầu của khách hàng ngày càng cao nên các cán bộ nhân viên bán hàng, tư vấn cần không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân.
3.1.5. Kế hoạch phát triển năm 2015
Bám sát phương châm hoạt động của hệ thống Vietcombank năm 2015 là “tăng tốc – hiệu quả - bền vững” và quan điểm chỉ đạo điều hành “quyết liệt – kết nối – trách nhiệm”; trên cơ sở thực tế môi trường kinh doanh tại địa bàn, chi nhánh quyết tâm phát huy mọi lợi thế, tập trung mọi nguồn lực, lấy tăng trưởng làm mục tiêu, chất lượng và hiệu quả làm trọng tâm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh chính của năm 2015 gồm: tăng trưởng huy động vốn (14%), tăng dư nợ tín dụng
(39%, trong đó nợ xấu chiếm 1,35% tổng dư nợ), tăng doanh số thanh toán xuất nhập khẩu và tài trọ thương mại (16%), tăng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro (2%).
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chi nhánh đề ra các giải pháp sau:
- Công tác nguồn vốn: tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn giá thấp, tạo lợi thế cạnh tranh nhằm khai thác tối đa nguồn vốn; điều chỉnh lãi suất linh hoạt, cạnh tranh trên địa bàn.
- Công tác khách hàng: chú trọng đẩy mạnh (đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong năm 2015); giữ ổn định và từng bước gia tăng thị phần khách hàng truyền thống; chú trọng phát triển khách hàng mới (là những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có khả năng chịu rủi ro,…).
- Công tác tín dụng: đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trên cơ sở an toàn, hiệu quả, không hạ chuẩn tín dụng; tập trung tăng trưởng tín dụng ở khối khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, ở những lĩnh vực có triển vọng tốt; tập trung mọi biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý dự phòng rủi ro.
- Công tác khác: đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và thẻ bám sát theo chỉ đạo của Vietcombank Trung ương; nỗ lực giữ vững và gia tăng thị phần của hoạt động thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ trên địa bàn; tích cực, chủ động bán chéo sản phẩm.
- Tiếp tục quan tâm công tác quản trị nguồn nhân lực tại chi nhánh trên cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ - công nhân viên tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ công nhân viên;
làm tốt công tác an sinh xã hội,….