1.2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NSNN VÀ QUẢN LÝ THU NSNN
1.2.2. Quản lý thu ngân sách nhà nước
Có thể hiểu thu NSNN là quá trình Nhà nước sử dụng quyền lực công để tập trung một bộ phận của cải xã hội hình thành nên quỹ NSNN phục vụ cho việc chi dùng của Nhà nước. Thu NSNN ở xã hội nào cũng gắn liền với quyền lực chính trị, các chức năng nhiệm vụ của Nhà nước. Do vậy thu NSNN mang tính bắt buộc cưỡng chế. Nhà nước là đại diện của nhân dân, chủ sở hữu toàn bộ tài sản quốc gia, tài nguyên đất nước, các cơ sở kinh tế...
Thành quả hoạt động của các nguồn lực được tập trung vào quỹ NSNN dưới các hình thức khác nhau, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm và nhu cầu tài chính của Nhà nước.
Thu NSNN gắn chặt với hoạt động của toàn bộ nền kinh tế và sự vận động của các phạm trù giá trị như giá cả, thu nhập, lãi suất... Trong đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là nhân tố quyết định sự vận động của các phạm trù giá trị vừa tác động đến sự tăng giảm mức thu, vừa đặt ra yêu cầu điều tiết của NSNN đối với nền kinh tế.
Về mặt bản chất, thu NSNN là hệ thống những quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và xã hội phát sinh trong quá trình Nhà nước huy động các nguồn tài chính để hình thành nên quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của mình. Thu NSNN chỉ bao gồm những khoản tiền Nhà nước huy động vào ngân sách mà không bị ràng buộc bởi trách nhiệm hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp. Luật NSNN sửa đổi năm 2002 của Việt Nam, tại Điều 1 định nghĩa: “Thu ngân sách nhà nước bao gồm các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí; các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước; các
11
khoản đóng góp của các tổ chức và cá nhân; các khoản viện trợ; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật”
1.2.2.2. Quản lý về thu ngân sách nhà nước
Quản lý thu NSNN là quá trình Nhà nước vận dụng các quy luật khách quan để hoạch định các chính sách, chế độ; sử dụng hệ thống các phương pháp tác động đến hoạt động thu NSNN nhằm phục vụ việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý của Nhà nước.
* Hệ thống bộ máy quản lý thu NSNN ở Việt Nam
Hệ thống bộ máy quản lý thu NSNN trong toàn bộ quốc gia bao gồm từ Quốc hội, Chính Phủ, các cấp chính quyền, các cơ quan thu. Mỗi cấp quản lý có chức năng , nhiệm vụ riêng và được pháp luật quy định như sau:
Quốc hội: là cơ quan quyền lực và là cơ quan cao nhất trong bộ máy quản lý thu NSNN với chức năng chủ yếu là ban hành các luật quy định nguyên tắc, chế độ thu NSNN như quy định tại Điều 3 và Điều 15 của Luật NSNN 2002: Quốc hội quyết định dự toán thu NSNN; phân bổ ngân sách Trung ương; phê chuẩn quyết toán NSNN; giám sát việc thực hiện NSNN và các chính sách tài chính - tiền tệ cũng như pháp luật về tài chính có liên quan tới NSNN và thu NSNN.
Chính phủ : là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của Việt Nam. Theo Luật NSNN, tại Điều 20 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính Phủ trong việc quản lý NSNN nói chung và thu NSNN nói riêng như:
ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách; lập dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW; quyết định nhiệm vụ thu cho các bộ, ngành Trung Ương; quyết định nhiệm vụ thu và mức bổ sung NSTW cho từng địa phương; căn cứ vào nghị quyết của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội để giao tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu cho từng địa phương; thống nhất quản lý NSNN, trong đó có quản lý thu NSNN; tổ chức điều hành NSNN; kiểm tra nghị quyết của HĐND tỉnh về dự toán và quyết toán NSNN.
12
Bộ Tài Chính : là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về tài chính. Bộ có các chức năng chủ yếu như: xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật trình Chính Phủ; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách ( quyết định, thông tư); thống nhất quản lý và chỉ đạo công tác thu thuế, phí và thu khác của NSNN; quản lý quỹ NSNN và các quỹ khác; tổ chức và cấp phát các khoản kinh phí thuộc NSNN; thực hiện kiểm tra, thanh tra về tài chính - ngân sách và nhiều chức năng khác.
Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố: căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài chính trình Uỷ Ban Nhân Dân(UBND) cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ thu chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh; quy định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách tỉnh với ngân sách của từng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngân sách từng xã, thị trấn.
Kho bạc Nhà nước: Kho bạc Nhà nước là một tổ chức nằm trong hệ thống các cơ quan quản lý tài chính Nhà nước. Quản lý quỹ ngân sách nhà nước là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng của Kho bạc Nhà nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, Kho bạc trực tiếp tập trung phản ánh đầy đủ kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước và phân chia các khoản thu vào ngân sách các cấp; tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách nhà nước các khoản tiền do các tổ chức và cá nhân nộp tại hệ thống Kho bạc Nhà nước; thực hiện hạch toán số thu ngân sách nhà nước cho các cấp ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, luật đã quy định tương đối rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, chính quyền Nhà nước trong lĩnh vực quản lý thu ngân sách nhà nước.
Trích nguồn: Giáo trình Ngân sách Nhà nước - trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội của tác giả Lê Văn Hưng và Lê Hùng Sơn.
13