Tổng quan tình hình nghiên cứu

Một phần của tài liệu Địa danh tỉnh vĩnh long qua góc nhìn văn hóa dân gian (Trang 21 - 33)

1.2.1. Khái quát lịch sử nghiên cứu địa danh và văn hóa qua địa danh 1.2.1.1. Việc ghi nhớ và đặt tên địa danh xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống. Nhưng có lẽ, khởi đầu cho việc nghiên cứu địa danh, chúng ta phải kể đến Ban Cố, người đời Đông Hán, Trung Quốc (250 - 220 trước Công Nguyên). Trong tác phẩm Hán thư – một loại sách tương tự như sách địa lý lịch sử ở nước ta, Ban Cố đã liệt kê khoảng trên dưới 4000 địa danh cùng với những chú thích về địa lý, sinh hoạt của người dân sở tại. Tương tự, thời Bắc Ngụy (515 - 526), Lệ Đạo Nguyên trong bộ Thủy Kinh chú cũng đã ghi lại hơn 2300 địa danh lúc bấy giờ… [Dẫn theo 69; tr.20].

1.2.1.2. Ở Việt Nam, địa danh được ghi lại cũng vào thời điểm nói trên nhưng căn cứ từ các dữ kiện tạo thành hai quan điểm trong giới học thuật như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, địa danh nước ta được nhắc đến khởi đầu từ các sử gia Trung Quốc và phần lớn chúng được quan tâm dưới cái nhìn của kẻ cai trị và xâm lược. Các học giả dẫn luận, để phục vụ cho mưu đồ đen tối ấy, vào những năm TCN, sử gia Tiền Hán thư đã quan tâm ghi chép lại địa giới của quận Giao Chỉ (Bắc Việt Nam). Tiếp theo đó, các sử gia Hậu Hán thư, Tấn thư, Thủy Khâm, Thông điển, Thái Bình hoàn vũ ký… cũng lần lượt biên chép lại địa danh cổ ở Việt Nam. Giả thuyết này được số đông các nhà nghiên cứu đồng ý như Đặng Xuân Bảng (trong Sử học bị khảo, ông đã dùng các bộ sử của Trung Quốc để nghiên cứu địa danh nước ta);

15

Sử gia Đào Duy Anh; Nguyễn Văn Âu… và hầu hết các nhà ngôn ngữ học sau này như Khổng Thị Kim Liên1; Trần Thị Phương Hằng2…

Quan điểm thứ hai cho rằng, địa danh Việt Nam được nghiên cứu sớm từ chính người Việt của chúng ta. Đó là Dương Phù, người Nam Hải (thuộc quận Giao Chỉ), ông đã bỏ tâm huyết để ghi chép lại địa danh trong quyển Dị vật chí. Tuy vậy, quyển sách này hiện nay đã mất và chỉ được lưu lại trong kho tàng thư tịch Trung Quốc.

Quan điểm này được các nhà nghiên cứu trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam, nhà nghiên cứu Tạ Ngọc Liễn… tán thành.

Nhìn chung, hai quan điểm trên đều xác nhận địa danh Việt Nam được ghi chép, sưu tập vào giai đoạn đầu công nguyên và hiện chúng chỉ còn lưu giữ trong các thư tịch cổ Trung Quốc. Điều đó, khiến nhiều học giả chỉ chấp nhận các kết luận nghiên cứu về sau dựa vào thư tịch cổ còn lại của Việt Nam.

Khảo sát số lượng sách địa lý lịch sử bằng tài liệu Hán Nôm cho thấy, sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết năm 1759 đã thống kê tại thời điểm đó ta có được 116 bộ sách trong thiên Nghệ văn chí. Đến năm 1819, Lịch triều Hiến Chương loại chí của Phan Huy Chú ra đời, trong thiên Văn tịch chí ông đã liệt kê được 207 bộ sách Hán Nôm. Tác phẩm Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp giới thiệu 429 bộ sách, trong đó có 116 bộ sử và 37 bộ sách địa lý.

Cụ thể, theo Lê Quý Đôn trong Nghệ văn chí, vào đời vua Lý Anh Tông, ấn phẩm đầu tiên về địa danh là Nam Bắc phiên giới địa đồ (1172) nay đã mất. Tiếp theo đó, bộ sách thứ hai xuất hiện vào đời Trần với tựa đề là An Nam chí lược do Lê Tắc biên soạn (1333). Mặc dù tác phẩm đã cung cấp nhiều tư liệu về đời sống cung đình, các nhân vật lịch sử cùng những tư liệu về địa danh nước ta nhưng An Nam chí lược vẫn không được xem là vốn di sản văn hóa của dân tộc. Bởi, tác phẩm được viết trong khoảng thời gian Lê Tắc trốn sang Trung Quốc. Cho nên, thực tế An Nam chí lược vẫn còn nhưng bị xem như đã mất. Chính vì lý do này mà khi tiếp xúc với các nghiên cứu bình luận về sách địa lý lịch sử, chúng ta nhận thấy đa số các học giả đều công nhận bộ sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi là bộ địa chí đầu tiên nghiên cứu về địa danh toàn vẹn nhất ở nước ta, có giá trị cao về mặt phương pháp tiếp cận địa lý học lịch sử.

Sau Dư địa chí, ta có thể kể các tác phẩm như Thiên hạ bản đồ; Hồng Đức bản đồ (1490), Ô châu cận lục của Dương Văn An (1553); Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776)… Đến thời nhà Nguyễn, với chiến lược mở rộng bờ cõi cai trị về phía Nam, triều đình đã chú trọng đến việc biên soạn các bộ sách lịch sử của quốc gia, cụ thể là họ đã thành lập Quốc sử quán – cơ quan biên soạn lịch sử chính thống của nhà

1 Trong đề tài luận văn thạc sỹ Nghiên cứu địa danh huyện Bình Liêu và thị xã Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh.

2 Trong đề tài luận văn thạc sỹ Nghiên cứu địa danh thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

16

nước. Vì thế, địa danh được đề cập đến khá nhiều trong các bộ địa chí như: Hoàng Việt nhất thống địa dư chí của Lê Quang Định (1806); Lịch triều Hiến Chương loại chí của Phan Huy Chú (1819); Các trấn, tổng xã danh bị lãm (1820)3; Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1820); Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú (1833); Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng (1883); Đại Việt dư địa chí toàn biên, Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu (1882); Đại Nam quốc cương giới vực biên của Hoàng Hữu Xứng (1886)…

Đến năm 1858, nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, việc nghiên cứu địa danh phần lớn cũng nằm trong giai đoạn thực dân phương Tây chủ trương ghi chép phong tục tập quán và tên gọi các vùng đất nhằm phục vụ mưu đồ cai trị. Các tác phẩm viết về địa danh ra đời đầu tiên trong giai đoạn này đa số là của người Pháp, tiêu biểu như: Quelques mots sur la Cochinchine của tác giả L.De Coincy viết năm 1866 (tác phẩm đã đề cập đến các địa danh Nam Bộ như Đồng Nai, Sài Gòn, Chợ Lớn, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho…); Monographie de la province de Vinh Long (1904);

Monographie de la province de Bienhoa (1924) của M. Robert. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tìm thấy một số tác phẩm khác trong luận văn: Première étude sur les sources annamites de l’histoire d’Annam của Cadière & Pillot (1904) và luận văn Bibliographie Annamite của Gaspardone (1934)... Song song đó, trong giai đoạn này, các học giả Việt Nam cũng có một số tác phẩm ghi chép về địa danh như Petit cours de géographie de la Basse – Cochinchine của Trương Vĩnh Ký4 (1875);

Nomenclature des communes du Tokin của Ngô Vĩ Liên (1928)5.

Bước sang thế kỷ XX, các sách địa chí không còn là lĩnh vực thống lĩnh nghiên cứu về địa danh. Mặc dù thể loại sách địa chí trong giai đoạn 1954 - 1975 phát triển rầm rộ ở miền Nam và đã cho ra đời ngành địa chí văn hóa và địa chí VHDG vào năm 1985. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, việc nghiên cứu về địa danh chuyên sâu phải kể đến các nghiên cứu dưới góc độ ngôn ngữ học.

So với thế giới, ngành địa danh học ở Việt Nam đã đi sau khá xa, bởi “Đến giữa thế kỉ XX, giai đoạn hình thành của địa danh học thế giới coi như chấm dứt để chuyển sang giai đoạn phát triển thì địa danh học Việt Nam mới dần hình thành” [69, tr.22]. Mặc dù vậy, ngành địa danh học Việt Nam cũng có những thuận lợi riêng. Các học giả nước ta có điều kiện hơn trong việc tiếp xúc với những thành tựu nghiên cứu về địa danh trên thế giới như tác phẩm Nguồn gốc và sự phát triển địa danh viết năm 1926 của A.Dauzat (người Pháp); Các khuynh hướng nghiên cứu địa danh của N.I.Nikonov (1964); E.M.Murrzaev với Những khuynh hướng nghiên cứu địa danh

3 Bản dịch Tiếng Việt: Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX – thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra.

4 Bản dịch tiếng Việt: Tiểu giáo trình địa lý xứ Nam Kỳ.

5 Bản dịch tiếng Việt: Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ.

17

học (1964); George Stewart với Địa danh trên toàn cầu (1975); Superanskaja với Địa danh học là gì? (1985); Robert Renick với tác phẩm Làm thế nào để nghiên cứu địa danh? (2005)… Qua quá trình tiếp cận với hệ thống lý luận về địa danh học thế giới, các nhà nghiên cứu đã vận dụng và phát triển lý luận phù hợp với tình hình nghiên cứu địa danh ở Việt Nam.

Chúng ta có thể điểm qua một vài công trình đi tiên phong trong lĩnh vực này như: Mối quan hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông của Hoàng Thị Châu (1964); Thử bàn về địa danh Việt Nam của Trần Thanh Tâm (1976)... Và có thể nói, lần đầu tiên, công trình nghiên cứu địa danh được thể hiện đầy đủ nhất phải kể đến luận án tiến sỹ Những đặc điểm chính của địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh của Lê Trung Hoa (1990) (in thành sách Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh (1991); Luận án tiến sỹ Những đặc điểm chính của địa danh Hải Phòng của Nguyễn Kiên Trường (1996)… Trong giai đoạn phát triển, ngôn ngữ học cũng bắt đầu cho ra đời các tác phẩm được tập hợp dưới dạng từ điển địa danh như: Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng do Ngô Đăng Lợi chủ biên (1998); Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh do Lê Trung Hoa chủ biên (2003)6...

Mặc dù đã có những bước phát triển đáng kể nhưng cơ sở lý luận nghiên cứu địa danh chỉ thực sự bắt đầu được xác lập khi công trình Những nguyên tắc cơ bản trong việc nghiên cứu địa danh (1989) Các phương pháp cơ bản trong việc nghiên cứu địa danh (2002) của Lê Trung Hoa ra đời. Cho đến năm 2006, tác phẩm Địa danh học Việt Nam của ông được xuất bản đã chính thức đặt nền móng cho cơ sở lý luận địa danh học ở Việt Nam. Với “quyển cẩm nang” này, người nghiên cứu về địa danh sẽ được cung cấp các nguyên tắc, phương pháp, nguồn tư liệu và cả những kinh nghiệm để khảo sát địa danh…

Trong quá trình nghiên cứu, địa danh học được phân thành các chuyên ngành:

Địa danh địa lý, Địa danh lịch sử và Địa danh văn hóa. Có thể kể đến các nghiên cứu dưới góc độ ngôn ngữ văn hóa như luận án tiến sỹ của Từ Thu Mai Nghiên cứu địa danh Quảng Trị (2004). Trong chương bốn, tác giả đã nghiên cứu các đặc trưng văn hóa thể hiện qua thành tố ngôn ngữ địa danh; Các phương diện văn hóa trong địa danh Quảng Trị. Với cách phân chia này, luận án đã tiếp cận địa danh qua góc nhìn ngôn ngữ - văn hóa. Tương tự cách tiếp cận của Từ Thu Mai, công trình Từ điển địa danh văn hóa lịch sử Việt Nam của Nguyễn Như Ý (2011) đã phân loại địa danh theo các thành tố văn hóa. Chúng bao gồm: các di tích lịch sử (đền, đình, chùa, lăng, miếu, phủ, quán, đài tưởng niệm…); những địa danh gắn với di chỉ khảo cổ; địa danh là các làng nghề truyền thống… Bên cạnh đó, nhiều luận văn thạc sỹ ngôn ngữ học về sau

6 Công trình tái bản mang tên Từ điển Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2008. In thành quyển Sổ tay tên đường ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2013.

18

cũng phát triển theo cách tiếp cận nói trên. Điều này đã làm gợi mở hướng nghiên cứu mới về văn hóa ở Việt Nam: nghiên cứu văn hóa qua địa danh.

Hướng nghiên cứu này đã thật sự xuất hiện trong các công trình nghiên cứu địa danh của ngành văn hóa học từ khoảng những năm 2000 đến nay. Chúng hầu hết đều là những bản luận văn thạc sỹ. Trong công trình của mình, các tác giả vận dụng cơ sở lý thuyết văn hóa để lý giải địa danh, bước đầu đóng góp về cơ sở lý luận trong nghiên cứu văn hóa qua ngôn ngữ. Người khởi xướng cho các nghiên cứu dưới góc độ văn hóa qua địa danh phải kể đến Lê Trung Hoa. Ông đã hướng dẫn các đề tài như Văn hóa qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai, Võ Nữ Hạnh Trang (2006); Khía cạnh văn hóa của địa danh ở tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Thị Ngọc Bích (2008); Văn hóa qua địa danh tỉnh Khánh Hòa của Huỳnh Lê Thị Xuân Phương (2009)…; Sau này, Trần Trí Dõi cũng đã hướng dẫn các luận văn như: Địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc dưới góc nhìn văn hóa của Cao Thị Nhật Diễm (2012)…

Các lý thuyết về địa văn hóa, lịch sử văn hóa, loại hình văn hóa… đã được các luận văn nói trên tiếp cận. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa đi vào chiều sâu gắn địa danh ở nhiều góc nhìn, cách tiếp cận vẫn chịu sự ảnh hưởng của các trường phái lý thuyết nghiên cứu về ngôn ngữ học… Điều đó có nghĩa là các công trình về địa danh dưới góc nhìn văn hóa chưa được nghiên cứu một cách toàn diện về mặt lý luận, vấn đề giải mã văn hóa qua địa danh chưa thật đầy đủ, hệ thống, đòi hỏi phải có những công trình nghiên cứu văn hóa chuyên sâu hơn.

Nhận xét:

Điểm qua lịch sử nghiên cứu địa danh học Việt Nam cho thấy, khởi thủy, chúng được quan tâm ghi chép từ những bộ sách địa lý lịch sử hay còn gọi là sách địa chí đề cập đến địa giới, sông núi, phong tục, đặc sản của quốc gia hoặc địa phương. Nội dung của sách địa chí phản ánh khá nhiều đặc điểm văn hóa của vùng miền nên có thể nói, sách dư địa chí là nguồn tư liệu cơ bản và quý hiếm cho các nghiên cứu về địa danh. Qua quá trình phát triển đến năm 1985, thể loại địa chí được thể hiện chuyên sâu hơn trong các nghiên cứu về địa chí văn hóa và địa chí VHDG. Tuy nhiên, để nghiên cứu địa danh dưới góc độ văn hóa thì phải kể đến các công trình xuất phát từ ngành ngôn ngữ học. Trong quá trình vận động và phát triển của khoa học về địa danh, nhìn chung, các công trình nghiên cứu văn hóa qua địa danh còn chưa hoàn thiện về mặt phương pháp và lý luận, việc giải mã văn hóa qua địa danh vẫn chưa xác định rõ đối tượng nghiên cứu, các công trình chịu ảnh hưởng khá đậm nét trường phái lý thuyết về ngôn ngữ học.

Có thể kết luận rằng, các nghiên cứu lý luận về địa danh dưới góc nhìn văn hóa là một lĩnh vực mới, chỉ bắt đầu manh nha trong giai đoạn hiện nay.

19

1.2.2. Tình hình nghiên cứu địa danh tỉnh Vĩnh Long dưới góc nhìn văn hóa dân gian

1.2.2.1. Điểm qua mục 1.2.1 cho thấy, do hướng nghiên cứu về văn hóa qua địa danh còn khá mới mẻ, vì thế, các công trình nghiên cứu văn hóa qua địa danh tỉnh Vĩnh Long cũng rất hiếm hoi. Việc điểm qua tình hình nghiên cứu của vấn đề này cần phải được tiếp cận bởi các công trình nghiên cứu của chuyên ngành gần như địa lý, lịch sử và ngôn ngữ học.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về địa danh tỉnh Vĩnh Long chỉ thật sự xuất hiện vào giai đoạn sau này - thời các vua nhà Nguyễn. Trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX, so với các tỉnh ở miền Bắc, NB hầu như chưa có các nghiên cứu về địa danh một cách hệ thống như tác phẩm Các trấn, tổng xã danh bị lãm viết năm 1820. Bởi vào năm 1776, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã xác nhận làng xã NB chưa được hình thành ổn định, chúng vẫn còn trong tình trạng hoang hóa: “Ở Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào, toàn là rừng rậm hàng mấy ngàn dặm” [44; tr.442].

Vì vậy, trong giai đoạn đầu khẩn hoang, vùng đất Vĩnh Long cũng chưa có những ghi chép mang tính hệ thống về địa danh. Trong các bộ sách lịch sử địa lý, chúng chỉ được ghi lại khá tản mác nhưng đó cũng là những tư liệu quý giá làm căn cứ sưu tầm các địa danh cổ cùng vốn văn hóa xưa của người dân tỉnh Vĩnh Long.

Nhìn chung, các sách lịch sử địa lý toàn quốc có ghi chép về địa danh tỉnh Vĩnh Long trong lịch sử phải kể đến Hoàng Việt nhất thống dư địa chí7 của Lê Quang Định (1806). Bộ sách gồm 10 quyển mô tả về hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy ở nước ta vào những năm đầu thế kỷ XIX, tỉnh Vĩnh Long thuộc dinh Vĩnh Trấn, được ghi chép trong quyển thứ bảy. Để mô tả kỹ về giao thông dinh Vĩnh Trấn, tác giả đã nêu rất nhiều địa danh đương thời, trong đó có các cửa biển, con sông, kênh, rạch, các ngôi chợ ở tỉnh Vĩnh Long còn tồn tại cho đến ngày nay. Song song đó, tác giả cũng đề cập một cách khái quát về phong tục tập quán, đặc sản của vùng miền “Đến như phong tục của các trấn cũng chỉ chép những gì đang chuộng, thổ sản cũng chỉ là thứ đang ưa, không thể nhất nhất miêu tả tỉ mỉ được” [43; tr.13].

Tác phẩm thứ hai là của tác gia Trịnh Hoài Đức viết năm 1820 với tựa đề Gia Định thành thông chí8. Đây là công trình viết về Gia Định - lúc bấy giờ vốn là vùng đất miền Nam gồm năm trấn: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên

7 Bản dịch tiếng Việt năm 2003 của Phan Đăng.

8 Bản dịch sớm nhất Gia dinh thung chi dịch sang tiếng Pháp của Aubaret, năm 1863, thực dân Pháp đã cho dịch ngay khi bọn chúng đặt chân lên đất Nam Kỳ. Bản dịch thứ hai là của Tu trai Nguyễn Văn Tạo năm 1972.

Bản dịch thứ ba là của Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tĩnh. Hiệu đính và chú thích: Đào Duy Anh. Bản dịch thứ tư của Lý Việt Dũng. Hiệu đính và chú thích: TS. Huỳnh Văn Tới năm 2004. Theo Lý Việt Dũng, các bản dịch trước có những sai sót sau: Dịch nhầm địa danh; Dịch nhầm nhân danh; Dịch nhầm tên sản vật địa phương; Dịch nhầm ngữ nghĩa Hán văn; Chép thiếu hoặc sai nguyên văn; Lỗi morasse.

Một phần của tài liệu Địa danh tỉnh vĩnh long qua góc nhìn văn hóa dân gian (Trang 21 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(321 trang)