CHƯƠNG 3. ĐỊA DANH TỈNH VĨNH LONG HÌNH THÀNH VÀ BIẾN ĐỔI
3.2. Địa danh phản ánh thời gian văn hóa tỉnh Vĩnh Long
Như đã trình bày trong phần 2.1, qua các cuộc khai quật về khảo cổ học cho ta thấy, vùng đất Vĩnh Long nói riêng và NB nói chung trước đây vốn thuộc vương quốc Phù Nam. Trải qua quá trình lịch sử, các vùng đất thuộc vương quốc Phù Nam trước kia là NB ngày nay đã trở thành hoang hóa từ thế kỷ thứ IX cho đến khi chính quyền người Việt chính thức phát động công cuộc khai phá đất đai vào thế kỷ XVII.
3.2.1. Địa danh tỉnh Vĩnh Long phản ánh lớp văn hóa thời khẩn hoang Xét về niên đại, lịch sử hình thành các đơn vị hành chính tỉnh Vĩnh Long được xác định vào năm 1732. So với các tỉnh thành khác trong khu vực, đây là vùng đất được chính quyền khai khẩn khá muộn nhưng người dân Vĩnh Long vẫn không thoát khỏi cảnh đối đầu với thiên nhiên hoang dã, nhất là hiểm họa từ các loài thú dữ ăn thịt người như hổ và cá sấu:
“Đến đây xứ sở lạ lùng
Dưới sông cá lội, trên giồng cọp um”
“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn
Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma”;
v.v...
Hoàn cảnh sống của cư dân cho ta thấy, khi giao thông trên đường thủy, người dân sợ cá sấu nhấn chìm và ăn thịt. Khi giao thông trên đường bộ, cọp có thể vồ họ
92
bất cứ lúc nào49. Sau gần một thế kỷ đối đầu với thiên nhiên, các tộc người tỉnh Vĩnh Long đã tạo nên những khu vườn ruộng xanh tốt, cư dân tập trung khá đông đúc. Gia Định thành thông chí ghi chép lại tình hình trấn Vĩnh Thanh đến năm Gia Long thứ 12 (1813) với cảnh “ruộng béo vườn tốt”. Những tưởng người dân đã thoát khỏi nạn thú dữ nhưng mãi cho đến năm 1820, Gia Định thành thông chí lại khẳng định tỉnh Vĩnh Long cũng còn “nhiều cá sấu, cọp dữ” [45; tr.151]. Mặc dù cư dân ở đây “đã quen không sợ hãi”, “trẻ con đàn bà có thể cầm cái liềm cắt cỏ, cái hái cắt lúa mà bắt con cọp được” [45; tr.151] nhưng đó cũng là một trong những nỗi lo lớn của người dân thời khẩn hoang. Vì vậy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn truyền lại truyện tích về địa danh Ông Phò như trường hợp Ông Phò ở Cù Lao Mây, xã Lục Sĩ Thành, H.TO. Vì tiêu diệt cọp, ông bị chúng vả vào mặt, nơi dấu tay của cọp đã hằn lên một vết thương không chữa trị được… Hay các câu chuyện có motif bà mụ đỡ đẻ cho cọp cũng là một dạng truyện giải thích nguồn gốc địa danh gắn với cọp (tương truyền, cọp chồng bắt bà mụ đi đỡ đẻ cho cọp vợ, để trả ơn, từ đó, cọp không đến quấy rối dân làng nữa, hình thành nên xóm An Toàn, ngã ba An Nhơn – H.VL nói lên niềm ước mong của nhân dân làm bạn với cọp để được yên ổn trước hiểm họa của loài thú dữ này). Cọp trong các câu truyện kể thường có sức mạnh thần kỳ, chúng là bước đệm xuất hiện tín ngưỡng thờ Ông Hổ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Riêng đối với cá sấu, Gia Định thành thông chí mô tả, Trấn Vĩnh Thanh “trong sông Tiên Thủy có cá sấu to 5 ôm, dài 6 trượng, thường đón thuyền đi qua, quật ngã người cầm chèo, hoặc làm ụp thuyền để bắt người mà ăn” [45; tr.151]… Điều đó chứng minh rằng, việc đối phó với các loài thú dữ là một vấn đề mang tính thường trực đối với cư dân Vĩnh Long thời khẩn hoang. Ký ức chiến đấu với cọp và cá sấu lâu dần in đậm dấu ấn trong lòng người dân. Mặc dù người dân tỉnh Vĩnh Long có tài thiện nghệ khống chế được cọp và cá sấu nhưng hễ nơi này họ thành công thì nơi khác lại có tin người dân bị cọp vồ, sấu diệt, hoặc khi họ đã tiêu diệt con này nhưng hôm khác do bất cẩn, người dân lại thí mạng cho hổ dữ, cá sấu hung hăng khác.
Như vậy, cư dân trên vùng đất Vĩnh Long vẫn chưa thể thay đổi được hoàn cảnh một cách triệt để, từ tâm lý căm ghét cọp, cá sấu… họ đã thần thánh hóa và tôn thờ chúng với niềm tin “kính nhi viễn chi”. Đây cũng là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ Ông Hổ, tín ngưỡng thờ Cá Sấu… cầu mong cho cuộc sống người dân trên vùng đất mới được yên bình. Điều này là một trong những luận cứ lý giải các giai thoại viết về loài cọp khi người dân thể hiện thái độ tôn kính gọi cọp bằng “Ông Ba Mươi, Ông Hổ, Ông Chằn, Ông Thầy, Hương Cả, Hai Cọp, Bạch Hổ tướng quân…” hoặc
49Theo “lời kể của ông Lê Văn Nhành ở H.VL, hồi ông lớn lên khoảng mười đến mười hai tuổi ở đây còn cọp dữ, rắn độc thường xuyên xuất hiện... mỗi khi ra làm đồng phải có đông người mới dám đi” [17; tr.530].
93
gọi cá sấu bằng danh từ “Ông Rồng”… Hiện nay, chúng tôi nhận thấy tín ngưỡng thờ Ông Hổ phổ biến hơn tín ngưỡng thờ Ông Rồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Trong các am, đình, miếu… Ông Hổ được người dân thờ hoặc khắc trên các bức bình phong tiêu biểu như: am Ông Hổ, đình Bình Ninh (thị trấn Trà Ôn, H.TO, xây dựng cách nay 120 năm); miếu Ông Hổ ở Đình Phú Mỹ (xã Đồng Phú, H.LH); miếu Ông Hổ ở Đình Lộc Hòa (xã Lộc Hoà, H.LH)… Chính vì vậy, sự ảnh hưởng của Ông Hổ đi vào các địa danh cũng phổ biến hơn Ông Rồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, tiêu biểu như: tắt Ông Phò (H.BM), rạch Ông Hổ (còn có tên là rạch Giồng Xoài) (H.LH), bưng Ông Hổ, xóm Ông Hổ (H.VL); cầu Rạch Sấu, rạch Sấu, sông Rạch Sấu50 (H.TB)...
Ngoài các loài hổ và cá sấu, lúc bấy giờ tỉnh Vĩnh Long còn có nạn voi rừng…
hoành hành. Có lẽ vì thế mà địa danh tỉnh Vĩnh Long hiện còn lưu giữ một số địa điểm như đìa Tượng (H.VL); khu vực Rừng Dơi (H.LH), rạch Rừng, cống Rạch Rừng (H.VL), sông Rạch Rừng (H.MT), rừng Nước Đục (H.TB)… phản ánh một thời tỉnh Vĩnh Long có rừng.
Bên cạnh các loài thú dữ được phản ánh trong giai đoạn khẩn hoang, ta còn thấy những người có công mở đất cũng được đi vào địa danh. Xuất phát từ hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, cư dân khẩn hoang phải bỏ biết bao công sức mới khai khẩn được đất đai. Vì vậy, đối với người dân đương thời, hễ ai có công khai hoang thì họ đều ghi nhớ, tiêu biểu, ta có các địa danh gắn với những người có công lập làng lập ấp lúc bấy giờ như: Bà Cò - rạch Bà Cò (H.LH); Ông Phủ - kinh Ông Phủ (H.BT)…
3.2.2. Địa danh tỉnh Vĩnh Long phản ánh lớp văn hóa phong kiến dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn
3.2.2.1. Địa danh tỉnh Vĩnh Long phản ánh các đơn vị hành chính đương thời
Dưới thời các chúa Nguyễn, tỉnh Vĩnh Long được gọi là Long Hồ dinh, đến năm 1779, đổi tên là dinh Hoằng Trấn bao gồm một châu Định Viễn và ba tổng Bình An, Bình Dương, Tân An. Đến năm 1780 - 1785 đổi tên là dinh Vĩnh Trấn. Vào năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, bắt đầu triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử kéo dài cho đến năm 1945. Ông cho thiết lập lại bộ máy hành chính để dễ bề cai trị. Năm 1803, vua Gia Long cho đổi dinh Vĩnh Trấn thành Hoằng Trấn.
Năm 1804 đổi thành Vĩnh Trấn. Đến năm 1806, vua Gia Long đổi Vĩnh Trấn thành trấn Vĩnh Thanh, là một trong năm trấn của thành Gia Định51; dưới trấn Vĩnh Thanh là cấp phủ (phủ Định Viễn), huyện (Vĩnh Bình, Vĩnh An, Tân An) và hai đạo Kiên Giang, Long Xuyên; Dưới cấp huyện có tổng, dưới cấp tổng là thôn (ví như vào năm
50 Hiện nơi đây hình thành khu du lịch lấy tên là Khu du lịch Rạch Sấu.
51 Thành Gia Định gồm: trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên.
94
1820, địa danh tỉnh Vĩnh Long cấp thôn đều gắn với từ thôn phía sau như: Bình An thôn, An Thành thôn, Bình Lương thôn, Tân Hiệp Phú An nhị thôn, Phước Định thôn… [39; tr. 82]). Cách tổ chức này vẫn duy trì mãi đến triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị.
Đến giai đoạn thuộc Pháp, các đơn vị hành chính dinh - trấn – châu - tổng nói trên bị thực dân bãi bỏ, địa danh cấp thôn cũng hoàn toàn bị biến mất do có sự can thiệp của thực dân Pháp trong việc tổ chức bộ máy hành chính cấp làng xã ở Việt Nam. Ngày nay, các đơn vị hành chính xưa gắn với tên gọi địa danh tỉnh Vĩnh Long chỉ còn được lưu giữ lại qua các địa danh: rạch Dinh, vàm rạch Dinh (H.LH) gợi nhớ về một vùng văn hóa vốn đã từng là “thủ phủ của vùng đất phía Nam sông Tiền mà còn là đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn” [7; tr. 41]; địa danh cù lao Năm Thôn (H.VL) hình thành trong giai đoạn tỉnh Vĩnh Long là trấn Vĩnh Thanh, dưới triều vua Gia Long. Cù Lao Năm Thôn vốn là tên gọi của năm thôn trên đất cù lao xưa bao gồm: Bình Thạnh thôn, Phú Thái thôn, Phúc Khánh thôn, Thái Bình thôn, Thanh Lương thôn.
3.2.2.2. Địa danh tỉnh Vĩnh Long giải mã được cơ cấu bộ máy quan lại thời Nguyễn
Vào thế kỷ XVI, Nguyễn Hoàng là một quan chức của Nhà Lê – Trịnh vào Đàng Trong lập nghiệp. Đến những năm 1672, các chúa Nguyễn đã thoát khỏi sự ràng buộc dưới triều Lê và bắt đầu thiết lập một hệ thống nhà nước khá độc lập. Tuy nhiên, về cơ bản, việc tổ chức bộ máy cai trị tại thời điểm này còn khá đơn giản. Đến năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, ông bắt đầu đổi Tam Ty (tổ chức bộ máy trước đó) bao gồm Tướng Thần Lại Ty, Ty Lệnh Sử và Xá Sai thành Lục Bộ.
Trên lục bộ, chúa Nguyễn đặt Tứ trụ đại thần gồm Tả Nội, Hữu Nội, Tả Ngoại, Hữu Ngoại. Ở cấp xã, chúa Nguyễn cho đặt chức Tướng Thần và Xã Trưởng và một tổ chức thu thuế gọi là Bản đường quan. Tuy vậy, hệ thống tổ chức chính quyền nhà Nguyễn vẫn còn “mang tính chất phong kiến quan liêu rối rắm nặng nề. Chức danh, chức phận không thống nhất, hệ thống phạm vi dinh (như tỉnh sau này) cũng khác nhau. Mỗi dinh có tính chất khác nhau theo quyền quản lý” [143; tr.15].
Sau khi vua Gia Long lên ngôi, đi liền với việc thiết lập các đơn vị hành chính, ông đã tổ chức lại bộ máy cai trị đương thời. Tuy nhiên, phải đến thời vua Minh Mạng, bộ máy hành chính triều Nguyễn mới được kiện toàn và hầu như không có sự thay đổi nhiều ở các triều vua sau. Về cơ bản, nhà Nguyễn chia làm hai cấp quản lý trung ương và địa phương. Trong đó, các cơ quan điều hành thực sự bộ máy nhà nước bao gồm: Lục Bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công); Đô Sát Viện; Lục Tự…
Nhìn chung, trải qua các triều đại phong kiến, mối quan hệ của nhân dân đối với triều đình là mối quan hệ của kẻ bề tôi đối với bậc quân quyền. Vì vậy, xét trong địa
95
danh tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi nhận thấy các chức quan cấp trung ương đi vào địa danh rất ít có lẽ đó cũng là hệ quả của tâm lý trên, chỉ có chức Tổng trấn qua địa danh cầu Quan Tổng Trấn – H.BT (trong giai đoạn tỉnh Vĩnh Long được phân thành dinh trấn), chức Lãnh Binh52 (tương đương với chức Đề đốc thời chúa Nguyễn Phúc Khoát) qua địa danh ấp Ông Lãnh, kênh Ông Lãnh (H.TO); chức Thống chế Điều bát qua địa danh đường Thống Chế Điều Bát (H.TO) được nhân dân ghi nhớ. Theo chúng tôi, sở dĩ các cấp bậc này đi vào địa danh là do có sự ảnh hưởng của chế độ quân quản dưới triều vua Gia Long kéo dài hai mươi năm nhằm tăng cường ổn định tình hình đất nước trong những năm đầu nhà Nguyễn cai trị. Hơn nữa, đây là những ông quan kinh lý ở nhiều địa phương và có công mở rộng các vùng đất, giúp dân khẩn hoang, nhân dân biết ơn họ. Hiện nay ở H.TO còn có lăng thờ Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, ông vốn là người Khmer, tên thật là Lục Tồn, giữ chức vụ Thống suất đạo binh dưới triều vua Gia Long quản lý hai phủ Trà Vinh và Mang Thít vào năm 1802. Ông có công trong việc giúp nhân dân ở khu vực Cầu Kè, Trà Ôn, Mang Thít… lập làng ấp và tham gia vào việc đôn đốc nhân dân đào kinh Vĩnh Tế… Để tưởng nhớ công đức của Thống chế Điều bát, nơi vùng đất an táng ông và phu nhân được nhân dân đặt tên là Giồng Thanh Bạch – H.TO (tương truyền vợ ông vốn là con quan trấn thủ miệt An Giang cũng tên là Thanh Bạch). Song song với việc phản ánh các chức danh nhà Nguyễn, hiện nay, tên tuổi các vị vua quan triều Nguyễn từng trấn thủ ở vùng Vĩnh Long xưa cũng đã đi vào các con đường trên địa bàn tỉnh như đường Gia Long (vua Gia Long – Nguyễn Ánh), đường Phan Thanh Giản (Kinh lược sứ trấn giữ ba tỉnh miền Tây NK trong giai đoạn thuộc Pháp), đường Lê Văn Duyệt (vị quan giữ chức Tổng trấn thành Gia Định vào các năm 1813 - 1816, 1820 - 1832).
Đối với nhân dân, những con người mà họ gắn bó nhiều hơn có lẽ là các vị quan trong bộ máy tổ chức hành chính ở nông thôn. Đương thời, đây là bộ máy vừa mang tính cai trị của nhà nước nhưng cũng phản ánh tính chất cộng đồng làng xã rất đậm nét. Chính vì vậy, ở cấp độ địa phương, sự phản ánh cơ cấu bộ máy hành chính là một trong những thành tố văn hóa được nhân dân thể hiện rõ qua các địa danh. Tiêu biểu, thành tố Cai xuất hiện khá nhiều trong địa danh tỉnh Vĩnh Long như: cống Cai Vàng, rạch Cai Ngươn (H.BM), bến đò ngang Cai Quá, cầu Cai Quá, cầu Cai Qườn, hương lộ Ông Cai (Cai Giỏi), rạch Cai Qườn, sông Cai Qườn, sông Cai Quá (H.TB)… Căn cứ vào tên riêng của các ông có các âm cổ “Qườn” “Ngươn”, chúng tôi xác định đây là chức danh Cai trại đối với những người tên Qườn, Ngươn… sống dưới triều Nguyễn. Các ông vốn là người cai quản làng - nơi mới được khai thác và định cư. Do tính chất gần gũi với nhân dân trong quá trình lập làng lập ấp nên tên các
52 Dưới thời trấn Vĩnh Thanh, Ngô Văn Tấn (1786-1857) giữ chức lãnh binh, ông có công trong việc mộ dân khai hoang, lập ấp, xây dựng đình Tân Giai…
96
ông được đi vào địa danh. Song song đó, các chức danh như Chánh tổng, Chánh bái, Trùm… lần lượt cũng được phản ánh qua các địa danh rạch Chánh Hỷ, kênh Chánh Hỷ (H.TO) vốn là con rạch phản ánh người Chánh tổng (người đứng đầu một tổng) hoặc chức Chánh bái (người có trách nhiệm cúng bái ở địa phương) hay chức Hương chánh (là người giúp việc trong Hội đồng Kỳ mục dưới triều Nguyễn) tên là Hỉ [82;
tr.153]; Địa danh rạch Trùm Yên (H.BM), rạch Trùm Định (H.MT) phản ánh người tên Yên, Định đảm nhận chức Trùm tương đương với “người đứng đầu một làng, một phe giáp, một phường hội thời phong kiến”53 [61; tr.72]. Dưới người đứng đầu trong làng là Trùm cả, người dân tỉnh Vĩnh Long còn lấy chức danh Trùm chủ (có nghĩa là chức vụ lớn thứ hai sau Trùm cả trong Hội đồng kỳ mục) để gọi tên một số con rạch ở H.VL là cầu Chủ Kiểng, cầu Chủ Khanh, rạch Chủ Khanh (H.BM)…
Như đã đề cập ở chương hai, sau khi vua Gia Long lên ngôi, để củng cố và phát triển đất nước, ông còn quan tâm đến đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.
Trong đó, vua Gia Long đặc biệt chú ý đến việc xây dựng các cơ sở thờ tự và hệ tư tưởng Nho giáo theo quan hệ vua – thần. Ngoài việc thờ các vị thần đất, thần lúa, thần mây, thần mưa… nhà vua còn chủ trương “Những người thi pháp lệnh cho dân thì nên thờ, chết vì siêng việc thì nên thờ, khó nhọc để yên nước thì nên thờ, chống được nạn lớn thì nên thờ, ngăn được họa lớn thì nên thờ” [135; tr.568]. Từ năm 1842, trên vùng đất mới tỉnh Vĩnh Long, nhiều đền, miếu, đình thờ thần Thành hoàng là nhân thần ở NB phát triển. Các vị thần Thành Hoàng đa dạng hơn, bao gồm cả những người là tiền hiền, hậu hiền, kế hiền có công với làng nước. Trong đó, kế hiền là người thuộc dòng dõi tiền hiền hoặc hậu hiền. Những người nắm giữ ba chức danh này có trách nhiệm đứng ra vận động dân làng góp công, của để làm đường, đào kênh, xây cầu, xây đình… Chức danh này cũng được nhân dân tỉnh Vĩnh Long lưu giữ qua địa danh kênh Ông Kế (H.BT), cầu Ông Kế, cầu Kinh Ông Kế, kinh Ông Kế, rạch Ông Kế (H.TB).
Đi liền với việc khởi xướng và đề ra thiết chế quản lý văn hóa đình làng nói trên, trải qua các triều đại phong kiến, triều đình nhà Nguyễn còn tiến hành ban sắc phong Thành Hoàng bổn cảnh cho các ngôi đình ở các xã, thôn, nhất là vào năm 1852, triều đình Tự Đức đã cấp sắc thần cho tất cả các ngôi đình ở NB. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện nay, các ngôi đình còn lưu giữ sắc phong như đình An Thành (thành lập năm 1754, nhận sắc phong năm 1852), đình Bình Lương (xây dựng năm 1754, nhận sắc phong năm 1852), đình Bình Long, đình Phước Định (xây dựng năm 1852, nhận sắc phong năm 1852)… Như vậy, trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, các ngôi đình có một vị trí rất quan trọng. Nhiều ngôi đình có từ rất lâu đời, nhiều tên gọi
53 Trùm có nhiều loại: “trùm cả (đứng đầu hội đồng kỳ mục), trùm nghị (cố vấn hội đồng kỳ mục), trùm chủ (chịu trách nhiệm luật lệ, phân xử các vụ kiện), trùm thu (thu thuế), trùm việc (các việc tạp dịch)”.