CHƯƠNG 4. NHẬN XÉT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH TỈNH VĨNH
4.1. Quy luật văn hóa dân gian chi phối địa danh tỉnh Vĩnh Long
Nghiên cứu địa danh tỉnh Vĩnh Long dưới góc nhìn VHDG cho phép chúng tôi kết luận rằng:
- Địa danh là nguồn tư liệu về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ: Địa danh phản ánh hiện thực cuộc sống nên chúng là nguồn tư liệu văn hóa, lịch sử cô đọng, súc tích dưới dạng biểu tượng.
- Địa danh là giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc: Chúng được thể hiện ở phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt vật chất của nhân dân...
Vì vậy, việc giữ gìn địa danh chính là giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.
- Địa danh gắn với các giá trị văn hóa chính trị của quốc gia: Địa danh chính là vùng đất, làng mạc, quê hương... Vì vậy, việc giữ tên địa danh là giữ gìn và bảo vệ quê hương, tổ quốc.
Theo Vũ Ngọc Khánh, một thực thể VHDG phải đáp ứng đủ các tính chất sau:
Tính nguyên hợp, tính trôi, phi thời gian, phi không gian, phi cá tính, nhiều tác giả, nhiều dị bản, nhiều chức năng, tính dân gian, tính dân tộc, tính tập thể, tính giai cấp [99; tr.32 - 40]. Qua khảo sát địa danh tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi nhận thấy địa danh chính là hiện tượng VHDG. Vì vậy, từ kết quả nghiên cứu về nguồn gốc hình thành địa danh trong chương 2 và chương 368, chúng tôi rút ra các quy luật VHDG chi phối nguổn gốc, tên gọi địa danh tỉnh Vĩnh Long và khái quát một số quy luật VHDG khác là hệ quả của quá trình lưu truyền địa danh bằng con đường truyền miệng (tương tự như thế cho địa danh TNB) như sau:
4.1.1. Quy luật văn hóa dân gian chi phối cách đặt địa danh
4.1.1.1. Tên gọi địa danh xuất phát từ đời sống văn hóa của địa phương Khi đặt tên cho địa danh, người dân tỉnh Vĩnh Long xuất phát từ đời sống văn hóa ở địa phương. Địa danh thể hiện ngôn ngữ của tộc người, mang tên các loài thực vật, động vật, sinh hoạt văn hóa, vật chất, phong tục tập quán… xung quanh mình.
Đời sống văn hóa của địa phương chính là ngân hàng tên gọi địa danh mà người dân dùng để đặt cho nhiều đối tượng chứ không phải chúng được nhân dân lấy ra từ những quyển sách đã viết sẵn.
Chẳng hạn như qua cách đặt địa danh là nhân danh, người dân xuất phát từ nét văn hóa đặc sắc của vùng nông thôn TNB thường gọi nhau bằng thứ như: anh Hai,
68 Qua phân tích các nhóm địa danh tiêu biểu gắn với các thành tố văn hóa.
122
chị Ba, cô Tư, dượng Năm, chú Sáu, thím Bảy, bác Tám, cậu Chín, mợ Mười… đặc biệt là cậu Út hoặc dì Út… Ví như rạch Sáu Đống – H.BM, cầu Tám Đức – H.LH, rạch Tư Hiếu – H.MT, cống Năm Bành – H.TO… Qua nghiên cứu địa danh tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi nhận thấy ở TNB, người con đầu lòng không được gọi bằng anh/chị cả mà là anh/chị hai. Đây có lẽ là nét văn hóa thể hiện tập quán gắn bó với quê hương của di dân miền Bắc và miền Trung khi vào Nam khẩn hoang trong những năm đầu thế kỷ XVII. Bởi đối với họ, tất cả các người con sinh ra đều gắn bó với làng quê, họ không được bỏ làng quê mà đi, nhất là người đứng đầu dòng tộc – người con trưởng/con cả, nếu phá bỏ luật lệ này có chăng thì ở người anh/chị hai mà thôi.
Ngược lại với phong tục tập quán ở miền Bắc, xét ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng và TNB nói chung, con út lại thường được xem là người nối dõi việc thờ cúng ông bà, dân gian có câu “Giàu út ăn, nghèo út chịu” là thế. Việc đặt tên người con cuối ở miền Nam cũng xuất phát từ nét văn hóa bình dị nhưng không kém phần đặc sắc.
Trong một số gia đình, cha mẹ chỉ có một người con út, tuy nhiên, ở nhiều gia đình, cha mẹ sinh có khi đến hai, ba… người con đặt thứ út. Bởi theo người dân TNB, người con thứ mười một không được xếp theo số đếm nữa mà chuyển qua gọi là út, thật ra đây chính là mong mỏi của các bậc cha mẹ mong việc ngừng sinh nở khi đã có quá đông con. Nguyên do là trước Cách mạng tháng Tám, việc phòng tránh thai chưa được áp dụng phổ biến, mỗi cặp vợ chồng ở nông thôn thường sinh rất nhiều con, có khi đến mười một người (út) rồi mà chẳng ngừng được nên khi đặt tên con thứ mười hai, họ thường đặt là út lớn (để phân biệt với út nhỏ) hoặc út còn, út ráng, út nữa, út hết, út thôi, út ét... Nét văn hóa này cũng đã đi vào địa danh như cầu Út Một, cống Út Thôi, kinh Út Bé – H.MT... Hơn nữa, qua địa danh gọi bằng thứ, chúng ta cũng có thể thấy được tình cảm thân tình của bà con lối xóm gọi nhau thân mật, thậm chí là đặt biệt danh cho nhiều người như cống Tám Đô (ông Tám có vóc người to con gọi là Tám đô, H.LH), cầu Chín Lùn (ông Chín có vóc người thấp bé gọi là Chín lùn – Tp.VLo), cống Mười Hí, cống Tư Nhồng (ông Mười có cặp mắt hí gọi là Mười hí, ông Tư cao hơn người dân gian thường gọi là Tư (cao) nhồng – H.VL), ngã ba ông Bảy Sệ, cầu Mười Điếc (ông Bảy này có cái bụng phệ nên gọi là Bảy Sệ, ông Mười thì bị lãng tai nên gọi là Mười điếc – H.MT), rạch Chín Lù, rạch Dì Hai Ú – H.TB (ông Chín, dì Hai mập (béo) lù nên gọi là Chín Lù, Hai Ú), kênh Tám Nháy – HTB (đây là biệt danh đặt cho ông Tám vốn có vóc người nhỏ bé như con nhái), rạch Sáu Móm, kênh Tám Chớt (Bà Sáu bị móm, Bà Tám nói chuyện “trớt quớt” gọi là Tám chớt)… Đặc biệt, trong cách đặt tên con trong dân gian thường có khuynh hướng đặt những người con đầu bằng Tên (hoặc thứ) + Chị, người con thứ là (Tên hoặc thứ) + Em như trường hợp địa danh kênh Ba Em – H.TB… (chắc chắn trong đời sống hàng ngày sẽ có ông hoặc bà Ba Chị…).
123
4.1.1.2. Tên gọi địa danh đáp ứng nhu cầu dễ nhớ
Như đã nói trên, chúng tôi nhận thấy đặc trưng ngôn ngữ của địa danh thường gắn với hiện thực: “Tính hiện thực được thể hiện bằng cách dựa vào những điều tai nghe mắt thấy để đặt địa danh” [82; tr.14]. Từ hiện thực cuộc sống xung quanh, người dân đã lựa chọn các sự vật hiện tượng, dùng nó làm chất liệu đặt tên cho các địa điểm, công trình, vùng đất. Tuy nhiên, không phải bất kỳ sự vật, hiện tượng nào trong đời sống hàng ngày của nhân dân cũng đi vào địa danh mà khi đặt tên cho chúng, người dân chỉ chú ý đến sự thuận tiện trong việc gọi tên địa danh, miễn sao cho họ dễ nhớ, dễ nhận dạng ra địa điểm, công trình, vùng đất đó. Ngoại trừ trường hợp đặt địa danh do các tộc người di cư với tâm lý hoài cố thường lấy tên vùng đất cũ nơi bản quán của họ đặt cho vùng đất mới, mặc dù việc đặt địa danh cũng xuất phát từ nhu cầu dễ nhớ.
Chính tính chất trên lý giải vì sao nhân dân tỉnh Vĩnh Long vốn căm thù tên Nicolai, tên Bô Kê, tên Trùm Yên… đã đàn áp họ, bắt người dân mua thuốc phiện, bóc lột tô thuế nặng nề, giết hại bao gia đình, hãm hiếp những người tham gia cách mạng. Điển hình là tham biện tỉnh trưởng Salicetti (địa danh khu mả Salisetti – H.VL) với tội ác tày trời, hắn đã cho một số binh sĩ Pháp đàn áp đẫm máu nhân dân ở H.VL bằng cách bắt trẻ con bỏ vào cối giã gạo, lấy chày giã cho đến chết… Hoặc trường hợp tên địa chủ Quản Hòa (địa danh cồn Quản Hòa – H.TO) vốn bị mù mắt nhưng khét tiếng ác độc, bóc lột dân nghèo, khi biết được người dân khai khẩn đất đai đã hoàn thành, hắn dùng tiền mua chuộc bọn quan viên hàng tỉnh để làm bằng khoán, tước đoạt công sức của nhân dân lao động. Bên cạnh đó, tên Quản Hòa còn dùng các thủ đoạn như dùng giạ giả 44,5 lít để thu tô lúa (giạ thật 40 lít). Ngoài ra, hắn còn là một tên háo sắc, lùng sục tất cả các cô gái xinh đẹp trên vùng đất này và tìm mọi cách để hãm hiếp… Tuy nhiên, nhân dân vẫn phản ánh tên chúng vào trong địa danh mang lớp từ lịch sử, bởi lý do rất đơn giản là những tên trên nổi tiếng ác ôn nên khi gọi tên địa điểm đó gắn với chúng thì ai ai cũng đều nhớ đến. Ngoài ra, các công trình xây dựng là hiệu danh như: đình, chùa, miếu, nhà thờ, công ty, xí nghiệp, công viên… nhất là những di tích lịch sử văn hóa đã được nhà nước công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia hiện được khai thác trong hoạt động du lịch… là địa điểm dễ ghi nhớ nên đi vào khá nhiều địa danh. Thậm chí, các nơi chôn cất người mất như địa danh khu Nhị Tỳ - H.TO (do ông Bang Thộ mua lại 20 công đất của ông Ngụy Yên để lập nên nghĩa địa ban đầu dành cho việc chôn cất của một số người Hoa), địa danh khu mộ Ông Hàm Sô – H.TO… cũng được nhân dân nhắc đến.
Song song đó, chúng ta còn có thể kiểm chứng điều này qua các phương thức đặt tên cho địa danh như sau:
124
+ Địa danh phản ánh đặc điểm địa hình, điều kiện đất đai thổ nhưỡng: Sinh sống trong môi trường sông nước, người dân nhận thấy con sông, con rạch, mương, đìa, hóc, khém, bưng, búng, cù lao, lung, vàm, tắt/tắc, láng… quá đỗi thân quen. Nơi có những địa hình sông nước này, nếu họ thấy mọc lên cây gì nhiều nhất thì nơi ấy sẽ mang tên loài thực vật đó cho dễ nhận dạng. Chúng thường là các loại cây ăn trái, các loài cây có vị thuốc hay thậm chí là các loài cỏ dại. Ví như vùng đất có nhiều cây cỏ năn thì nơi đó tên gọi là bưng Năn (H.VL); nhiều cây cỏ bàng thì gọi là rạch Bàng, sông Rạch Bàng (H.VL). Con rạch có cây sơn gọi là rạch Cái Sơn (Tp.VLo), cây tràm (xẻo Tràm - H.TO, đồng Tràm – HVL, sông Hóc Tràm – H.TB…); cây chân rết (rạch Chân Rích - H.BT), hay các loại cây ăn trái (cam – sông Cái Cam, Tp.Vlo; chuối – đìa Chuối, H.LH…)... Ngoài phản ánh đặc điểm các loài thực vật sinh trưởng ở từng vùng đất, nhân dân còn nhận dạng đặc điểm, kích thước của địa hình để đặt tên cho địa danh. Ví như một số hình dáng được mô tả qua địa danh như sau: hình tròn (Cồn Tròn - H.LH), méo (cống Đất Méo - H.LH), dài (cù lao Dài - Tp.VLo) hoặc giống cái hũ (cầu Cổ Hủ -H.BT); giống cái mã tấu (cầu Mã Tấu - H.TB) hoặc con đường chừa ra để đi người dân bèn gọi là đường Chừa hình thành nên địa danh chợ Đường Chừa, xóm Đường Chừa (Tp.VLo)… Hay bưng, đìa… đó có nước thúi, nước đục (vùng Bưng Đìa Thúi - H.VL)… cũng được dân gian phản ánh vào địa danh. Bên cạnh đó, họ còn quan sát vị trí, phương hướng của chúng để đặt tên. Nếu địa hình đó ở trước hoặc sau; ở ngoài hay ở trong như đường Kinh Sau, kênh Ấp Giữa – H.TB… thì dân gian sẽ đặt tên địa danh theo vị trí, phương hướng đó cho dễ thấy, dễ nhớ…
+ Gắn với đặc điểm địa hình, nhất là địa hình sông nước, hàng ngày người dân đi mò cua bắt ốc, tát mương bắt cá… nếu vùng nào hay cái bưng, đìa… nào có nhiều loại cá lóc, cá trê… thì họ sẵn sàng đặt tên loại cá đó cho địa danh (rạch Cái Lóc - H.MT, vàm Rạch Cá Trê - Tp.VLo)... Ngoài việc đồng áng, phần lớn nhân dân còn nuôi các con vật xung quanh nhà như trâu, vịt, chó, gà, heo… khá gần gũi, thân thiết nên tên chúng cũng được phản ánh khá nhiều qua địa danh (bưng Đìa Vịt - H.BM, ngọn Dều Gà, cánh đồng Chó Ngáp - H.TB)…, một số con vật nguy hiểm như rắn…
vốn là mối đe dọa của cư dân sống ở vùng nông thôn đã khiến họ chú ý đặt tên với nhiều sắc thái khác nhau trong địa danh.
+ Song song đó, các hoạt động văn hóa, sản xuất như nghề chài, nghề làm bún, nghề làm nước mắm của vùng đất TNB lắm cá tôm… cũng được phản ánh trong địa danh đường Xóm Bún, đường Xóm Chài (Tp.VLo), cầu Hãng Nước Mắm, rạch Hãng Nước Mắm (H.TO)… Những công trình xây dựng như cầu, bến, bãi, cống, chợ… đều mang những đặc điểm dễ nhận diện được nhân dân góp nhặt để đặt tên cho từng địa điểm, vùng đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, phản ánh các hoạt động sống của cư dân tỉnh Vĩnh Long.
125
+ Bên cạnh việc ghi lại cuộc sống hàng ngày bình dị ở nông thôn, người dân còn phản ánh các sự kiện văn hóa lịch sử vào trong địa danh. Những sự kiện văn hóa lịch sử, bầu không khí xã hội đương thời trên vùng đất họ sinh sống phải tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân khiến họ nhớ đến. Đối với dạng phản ánh này thường được thể hiện qua nhiều địa danh có lớp từ lịch sử ví như địa danh trong giai đoạn khẩn hoang, địa danh ra đời dưới thời Chúa Nguyễn và triều Nguyễn, địa danh thời Pháp thuộc... Thậm chí, rất nhiều sự kiện tuy không mang tính tiêu biểu cũng đi vào địa danh rất tự nhiên bởi chúng đáp ứng nhu cầu dễ nhớ của một số đông người đương thời như địa danh Đục Dông xuất hiện từ những năm 1930 gắn liền với sự kiện nông dân thường trú mưa bão tại vùng đất có nhiều cây vông đồng mọc hoang trên phần đất của địa chủ Tư Đến, H.TO; địa danh bến Đá được hình thành từ năm 1945 do nhân dân đập phá căn nhà của Hương Quảng Hòa tại xã Thiện Mỹ, H.TO, họ chở gạch đá đó bán cho các ghe tàu tại bến sông này...
Có thể thấy rằng, nhiều địa danh ra đời gắn với một đặc điểm nào đó mà nhân dân dễ nhớ, dễ nhận thấy bằng trực giác được xuất phát từ đời sống hàng ngày, ngay cả đối với loại địa danh gắn với nhân danh. Nếu không đi sâu vào nghiên cứu địa danh, chúng ta cũng dễ mắc sai lầm khi nhìn nhận một số địa danh gắn với nhân danh. Chúng tôi khảo sát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, có rất nhiều con kênh, rạch, cống, đập… trước và sau năm 1945 đều lấy nhân danh làm địa danh, tuy nhiên, một số địa danh xuất hiện chỉ đơn giản là do nơi con kênh, rạch, cống, đập chảy qua có nhà của Ông X hoặc Bà Y ở đó mà thôi chứ không phải họ có vai trò gì trong việc lập làng lập ấp… Ví như rạch Năm Sinh, rạch Ông Tuấn (H.BM), kênh Ba Đích, rạch Ba Hồng (H.TO)... đơn giản vì nhân dân nhớ là chúng chảy qua nhà ông Năm Sinh, ông Tuấn, ông Đích, ông Ba Hồng... vốn là người sinh sống ở địa điểm đó.
4.1.1.3. Từ ngữ đặt địa danh chịu sự chi phối từ “lời ăn tiếng nói hàng ngày” của nhân dân
Địa danh chính là quyển từ điển về ngôn ngữ “nôm na, mách qué” của người dân được hình thành qua các giai đoạn lịch sử. Người dân có thể ghi lại lời ăn tiếng nói hàng ngày mộc mạc, chất phác, có sao thì nói vậy, không trau chuốt cầu kỳ nhưng giàu hình ảnh, giàu tính so sánh, cụ thể qua địa danh… Đôi lúc, họ còn sử dụng những từ mang sắc thái ngữ nghĩa khá “mạnh bạo”, ngẫu nhiên, tùy thích…
chúng như thế nào thì họ diễn tả tên gọi địa danh như thế ấy mà không hề nói giảm nói tránh miễn sao họ mô tả đúng tính chất của sự vật, hiện tượng đó… Điều này chúng tôi cũng nhận thấy rất rõ qua các địa danh: cầu Bà Vú, rạch Bà Vú, sông Vàm Bà Vú (H.LH) (theo người dân TNB, do người mẹ nuôi con bằng sữa nên vú ở đây được ví như người mẹ. Vì vậy, Bà vú có thể là gọi mẹ hoặc một người lớn tuổi như mẹ mình hay là người phụ nữ được thuê giữ em bé, cho em bé bú) … Địa danh vùng
126
Bưng Đìa Thúi (H.VL) (người dân thấy cái đìa có nước thúi (thối) thì gọi; địa danh đường Tối Trời (H.VL) (từ tối trời là cách mô tả trận thắng vẻ vang của nhân dân ta, tối trời có nghĩa là hết mức mô tả, địch thua trận không còn thấy đường mà rút lui chạy về…); giồng Cu Hồn (Cô Hồn) (nghĩa là nơi có những vong hồn người đã mất);
vùng Bàn Tay Năm Ngón (có địa hình giống cái bàn tay) (H.TB); đường Mé Sông Chợ (Tp.VLo) (vốn gọi khu vực chợ Cá giáp bến tàu ở Tp.VLo); cầu Kinh Cụt, đường Cầu Kinh Cụt, lộ Quẹo (H.VL) (quẹo vốn là ngã rẽ); đìa Cùi (H.TO) – nơi bà Sanh Cùi (tên khác là Mười Thẹo bị bệnh cùi, lật xuồng chết nơi này); cầu Sập – H.TB đơn giản là vì cầu có một giai đoạn bị gãy sập; cầu Không Tên (H.MT) (vì dân gian không biết đặt tên là gì); địa danh cầu Gió Bay (còn gọi là cầu 3 tháng 2) – H.TB vốn có nguồn gốc từ việc người qua cầu gió thổi mạnh rất khó đi; địa danh sông Kênh Xáng Cạp (là con kênh có sử dụng sà lan để nạo vét)…
Bên cạnh đó, địa danh tỉnh Vĩnh Long cũng thể hiện lời ăn tiếng nói dí dỏm của người nông dân trong đời sống hàng ngày qua các địa danh như cầu Bò (H.TO) (Đây là cây cầu không phải gắn với con vật nuôi ở nông thôn là con bò. Khi thực dân Pháp đến tỉnh Vĩnh Long, chúng bắt dân “lấy gỗ ở đình Tường Thọ. Đồng thời tên xếp đồn… cho người bắt cầu Hàng U. Cầu bắt được bốn cây đà chạy dài ngang sông, chưa kịp lót ván. Trong một trận đi càn ở Trường Thọ, chúng bị ta chặn đánh, hốt hoảng, chúng chạy qua cầu về đồn… Khi đến cầu Hàng U do mang giày, cầu lại chưa hoàn thành, không có tay vịn, nhưng lại sợ ta chạy theo bắn tỉa, nên chúng phải bò qua cầu, có tên bị té ngã xuống sông” [15; tr.300] . Nhân dân thấy sự kiện này thật tức cười nên đặt tên nơi đây là cầu Bò… Địa danh cánh đồng Chó Ngáp (hay còn gọi là cánh đồng Gò Găng, H.TB) có nguồn gốc do cánh đồng này diện tích quá lớn, chó chạy hoài từ sáng tới tối mà vẫn chưa đi qua hết cánh đồng cho đến khi chúng mệt mỏi phải ngáp vì buồn ngủ. Địa danh rạch Bà Già Đôi (H.MT) vốn ra đời từ câu chuyện người phụ nữ có hai chồng sống chung một mái nhà…
Ngoài ra, địa danh mang lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân còn thể hiện qua đặc điểm ngữ âm của địa phương. Như đã trình bày trong chương một, người dân tỉnh Vĩnh Long có đặc điểm ngữ âm thể hiện trên các phương diện thanh điệu, phần vần và phần cuối. Đặc điểm này đã đi vào khá nhiều địa danh tỉnh Vĩnh Long, chúng là nguyên nhân tạo nên nhiều địa danh bị sai chính tả69 (khoảng một trăm bốn mươi bốn địa danh) như: cây trao tráo viết sai thành chao cháo qua địa danh rạch Chao Cháo (H.MT); xã Tàu viết thành xã Tào (H.LH) (ý nghĩa của chúng đã được phân tích kỹ trong chương 3) do có sự biến âm [o] – [u]; rạch Chầu (H.MT) là khu vực trồng rất nhiều Trầu, chữ Chầu – Trầu là một biến âm phổ biến [tr] thành [ch]. Tương
69 Để gọi đúng tên địa danh trong thực tế, chúng tôi đã viết lại nguyên văn trong luận án nhiều tên gọi địa danh vốn bị nhân dân đọc và viết sai chính tả.