Khái quát lịch sử hình thành tỉnh Vĩnh Long

Một phần của tài liệu Địa danh tỉnh vĩnh long qua góc nhìn văn hóa dân gian (Trang 54 - 58)

CHƯƠNG 2. CHỦ THỂ VÀ QUÁ TRÌNH GIAO LƯU VĂN HÓA CHI PHỐI NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH ĐỊA DANH TỈNH VĨNH LONG

2.1. Khái quát lịch sử hình thành tỉnh Vĩnh Long

2.1.1. NB là vùng đất trẻ so với các khu vực khác trong cả nước. Tuy nhiên, qua các cuộc khai quật từ năm 1944 do nhà khảo cổ học người Pháp tên là Louis Malleret tiến hành tại cánh đồng Óc Eo, tỉnh An Giang cho thấy, đây là vùng đất được hình thành từ rất lâu đời gắn với vương quốc cổ Phù Nam, có niên đại từ những năm đầu Công Nguyên. Kể từ khi kết quả của cuộc khảo cổ đầu tiên được công bố trên tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ (phát hiện hai chiếc huy chương bằng vàng của Roma có khắc chữ Antoninus (138 - 161) và M. Aurelius (161 - 180), vài chiếc nhẫn mặt ngọc khắc chữ Brahmi, chiếc gương đồng thời Hán có niên đại vào thế kỷ thứ II), nước ta đã tổ chức hàng loạt cuộc khai quật góp phần khẳng định chủ nhân của vương quốc Phù Nam là người Malayo Polynesian. Đây là vương quốc được hình thành thống nhất từ các tiểu quốc đương thời với phạm vi cai trị vô cùng rộng lớn.

Trong bộ sách Tấn thư của Trung Quốc thuật lại, “Nước Phù Nam ở phía Nam quận Nhật Nam, trong vịnh lớn, phía Tây của biển, cách Nhật Nam có đến 7.000 lý, cách Lâm Ấp ở phía Tây – Nam đến hơn 3.000 lý… Nước rộng hơn 3.000 lý, đất trũng ẩm thấp, nhưng bằng phẳng rộng rãi” [128; tr.26]. Thực tế, địa giới của Phù Nam tương ứng cả vùng Trung, Nam Lào, NB và một phần Trung Bộ của nước ta. Kinh đô vương quốc Phù Nam ở Vyadhapura (Tây Bắc Châu Đốc ngày nay).

2.1.2. Qua những di chỉ khảo cổ nằm rải rác dọc theo khu vực sông Tiền và sông Hậu, các khu vực như Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang... được phát hiện đã khẳng định Phù Nam là một vương quốc lớn mạnh, dấu tích này được lưu lại khá rõ qua các cuộc khai quật khảo cổ học. Ví như vào năm 1998 - 1999, Viện khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long tiến hành khai quật với quy mô lớn tại các khu vực ấp Ruột Ngựa, ấp Bình Phụng - xã Trung Hiệp và ấp Bình Thành - xã Trung Hiếu (H.VL, tỉnh Vĩnh Long), kết quả đã phát hiện một di chỉ còn nguyên vẹn các tầng văn hóa tại di chỉ cư trú kênh Ruột Ngựa (Hiện nay, di chỉ này được các nhà khảo cổ đặt tên là di chỉ Thành Mới, đây là cơ sở hình thành nên các địa danh cầu Thành Mới, xóm Thành Mới thuộc H.VL, tỉnh Vĩnh Long). Các cuộc khai quật ở những di chỉ cư trú khác như: di chỉ Gò Tháp thuộc ấp Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; di chỉ Gò Thành, ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang... Các phát hiện trên là những minh chứng xác

48

định khu vực TNB, trong đó có tỉnh Vĩnh Long được xem là nơi quần cư chủ yếu của người Phù Nam.

Tuy nhiên, cũng qua các kết quả khảo cổ, tiêu biểu là L.Malleret, nền văn hóa Phù Nam có sự đứt gãy đột ngột khi đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ (từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VI): “Cuộc khai quật của chúng tôi đã phát lộ những thảm cát đứt đoạn chứa những tàn tích của nghề kim hoàn, như những nồi nấu còn dính vẩy vàng, đá thử, thoi vàng, đồ trang sức làm dở… những mảnh vụn của xưởng thợ bị sụp đổ… cho thấy như có một sự tàn phá đột ngột, thô bạo, hoàn toàn không phải một sự suy thoái từ từ” [128; tr.105]. Lý giải về nguyên nhân trên, nhiều nhà sử học hiện nay cho rằng, Phù Nam bị tiểu quốc Chân Lạp xâm lược vào thế kỷ thứ VII.

Đồng thời, một số nhà khoa học cũng đề cập đến vấn đề “nhiều năm, người ta đinh ninh rằng Chân Lạp là Khmer, Cămbốt, nên địa bàn Chân Lạp là nước Campuchia hiện nay. Không hẳn đúng” [128; tr.177].

Theo kết quả nghiên cứu của G. Coedès và P.Dupont xác định vị trí ban đầu của Chân Lạp nằm ở phía Bắc thác Khôn, phía Bắc dãy Dangrek thuộc Paksê – Nam Lào ngày nay “Lý do là ở đây có một tấm bia chữ Phạn khá cổ, nhiều phế tích kiến trúc giống như Khmer, nhưng cả tấm bia và phế tích kiến trúc đều thuộc thời kỳ muộn, chẳng liên quan gì đến nước Chân Lạp cổ xưa” [128; tr.177]. Theo các nhà khoa học khảo cổ, thoạt tiên không có tộc người Khmer riêng ngay từ đầu. Họ thuộc tộc người Môn Cổ ở hạ lưu Sê Mun, về sau, tộc người này chia ra thành các nhánh nhỏ. Khi bộ lạc Môn Cổ đánh thắng Phù Nam, họ bắt đầu được thư tịch cổ Trung Quốc gọi tên là Chenla – tức Chân Lạp. Tuy nhiên, Chân Lạp chiếm đất chưa bao lâu thì người Java đến thôn tính lại vùng đất Phù Nam. Mãi cho đến thế kỷ thứ IX, Chân Lạp tiếp tục chiếm lại Java. Đây chính là đặc điểm mở mang bờ cõi của các vương quốc xưa kéo dài cho đến giai đoạn cận đại. Song song với sự thay đổi về mặt chính trị, vùng đất vốn thuộc vương quốc Phù Nam xưa còn phải trải qua các cuộc biến động về địa chất, một số nơi chìm dần trong biển nước, trở thành vùng trũng lầy lội, hoang vu, trong đó có vùng đất NB ngày nay.

2.1.3. Theo các nguồn sử liệu, cho đến thế kỷ XVI sau Công Nguyên, do phải đối phó với sự can thiệp của Xiêm nên người Chân Lạp hầu như không quan tâm đến mảnh đất còn ngập nước trong đó có một số nơi thuộc vùng NB ngày nay. Trong bối cảnh đó, người Việt từ vùng Thuận Quảng (nay là vùng đất từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Định) đã di dân lẻ tẻ vào phía Nam, nơi đầu tiên họ đặt chân đến sinh sống, lập làng ấp là ở vùng đất Mọi Xoài (tức Bà Rịa – Vũng Tàu). Vào năm 1618, vua Chey Chetta II lên ngôi, để chống lại sự can thiệp của Xiêm, ông đã dựa vào thế lực Đàng

49

Trong của chúa Nguyễn. Năm 1620, ông xin cưới công nương Ngọc Vạn20 - một trong bốn người con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Với mối nhân duyên này cộng với việc hỗ trợ Chân Lạp đánh quân Xiêm vào năm 1623 (như thường xuyên viện trợ quân đội, vũ khí…), chúa Nguyễn đã cử sứ giả xin vua Chey Chetta II lập trạm thu thuế ở Prey Nokor (tức Sài Gòn ngày nay) và yêu cầu cho cư dân Việt được tự do làm ăn, khai khẩn trên vùng đất NB. Đến năm 1628, vua Chey Chetta II mất, triều đình Chân Lạp lúc bấy giờ chia thành hai phái, một phái thân Việt và một phái thân Xiêm (Thái Lan). Bằng thế lực của mình, chúa Nguyễn đã hỗ trợ và đưa hoàng thân Việt lên ngôi, tạo được mối liên kết cho người Việt tiếp tục vào khai khẩn vùng đất phương Nam vốn còn hoang vu, chưa người đặt chân đến.

Như vậy, đến thế kỷ XVI, vùng Đông NB được xem là vùng đất chính quyền nhà Nguyễn chú trọng khai hoang đầu tiên. TNB lúc bấy giờ là một khu vực còn khá hoang hóa, vùng đất này được chính quyền nhà Nguyễn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc khai phá khi Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch, Phó tướng Hoàng Tiến cùng Cao Lôi Liêm Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình mang hơn ba nghìn quân và trên năm mươi chiến thuyền đến xin chúa Nguyễn cho họ vào sinh sống ở Đàng Trong. Lúc bấy giờ, nhận định được tình thế, chúa Nguyễn đã thuận lòng cho Dương Ngạn Địch vào Mỹ Tho và Trần Thượng Xuyên đến Bàn Lân thuộc xứ Đồng Nai để khai khẩn. Đây vốn là một trong những vùng đất mà vua quan và chúa Nguyễn cho là “đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý”

[135; tr.91]. Song song với giai đoạn này, phía đất Hà Tiên (thời bấy giờ có tên là Péam, Mang Khảm) cũng đồng thời được khai phá. Mạc Cửu – vốn là trung thần của nhà Minh, vào năm 1680, không chịu được sự cai trị của nhà Thanh, ông đã đến Hà Tiên lập nên phố xá trù mật. Do vị thế là một cảng biển nên Hà Tiên đã nhanh chóng thu hút nhiều thương lái trong khu vực đến kinh doanh sinh sống như người Trung Quốc, Cao Miên, Java… xen lẫn với lưu dân người Việt đã đến khai hoang, lập ruộng vườn từ trước.

Đến năm 1698 (Mậu Dần), nhà Nguyễn chính thức lập nền cai trị hành chính ở NB. Chúa Nguyễn đã cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn “mở rộng đất được nghìn dặm, được hơn bốn vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệnh thuế tô dung, làm sổ đinh điền” [135; tr.111].

Vào năm 1731, chúa Nguyễn giúp Chân Lạp đánh đuổi giặc Sá Tốt, vua Nặc Tha Chân Lạp đã nhượng cho chính quyền cai trị Đàng Trong phần đất Mesa (Mỹ

20 Khi trở thành hoàng hậu Chân Lạp bà mang tước hiệu là Sodach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey.

50

Tho) và Longhor (Vĩnh Long). Lúc bấy giờ, hai khu vực này di dân người Việt ở cũng khá đông. Chính vì vậy, việc hợp thức hóa chủ quyền cho chúa Nguyễn Mésa và Longhor cũng không mấy khó khăn. Nhân sự kiện này, chúa Nguyễn cho rằng

“Gia Định địa thế rộng rãi” nên “sai khổn thần21 chia đất đặt châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ” [135; tr.143]. Lỵ sở dinh Long Hồ đặt tại thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng, trấn Định Tường, tục gọi là dinh Cái Bè. Như vậy, dinh Long Hồ trở thành một trong hai trung tâm hành chính lớn nhất bên cạnh trấn Hà Tiên. Năm 1756, địa giới dinh Long Hồ được mở rộng. Vua Chân Lạp là Nặc Nguyên đã dâng hai phần đất Tầm Bôn và Lôi Lạp22 cho chúa Nguyễn để chuộc tội do liên kết với chúa Trịnh Doanh ở Đàng Ngoài đánh phá dinh Long Hồ. Khi vua Nặc Nguyên mất, Nặc Nhuận kế vị xin thần phục chúa Nguyễn bằng cách dâng hai phủ Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Bạc Liêu, Sóc Trăng). Năm 1757, Nặc Tôn được chúa Nguyễn phong Phiên vương đã dâng đất Tầm Phong Long (Châu Đốc, Tân Châu, Sa Đéc) sáp nhập vào Long Hồ dinh. Cũng trong năm này, nghe lời tâu của Nguyễn Cư Trinh và Trương Phước Dư về tình hình biên giới của khu vực, chúa Nguyễn cho dời lỵ sở dinh Long Hồ từ dinh Cái Bè (thuộc tỉnh Tiền Giang) về xứ Tầm Bào (ấp Long An, thôn Long Hồ thuộc huyện Long Hồ, Tp. Vĩnh Long ngày nay). Gia Định thành thông chí nhận định, đây là vùng “có sông lớn vòng ôm, chiếm cứ nơi quan yếu, trấn ấy là phên che vững mạnh của thành Gia Định, khống chế nước Cao Miên, hai sông (Tiền Giang, Hậu Giang) chẹn hiểm, đường thủy lợi thông, ruộng béo vườn tốt” [45;

tr.111]. Như vậy, dinh Long Hồ trở thành dinh có diện tích lớn nhất TNB, bao gồm các vùng đất như: Longhor (Vĩnh Long), Mésa (Mỹ Tho), Tầm Bôn (Gò Công), Lôi Lạp (Long An), Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre), Tầm Phong Long (An Giang, Đồng Tháp).

Năm 1779, dưới thời Nguyễn Ánh, dinh Long Hồ đổi tên thành dinh Hoằng Trấn (lỵ sở đặt tại bãi Bà Lúa) rồi đến năm 1805 đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Năm 1806, cải làm trấn Vĩnh Thanh, thăng châu Định Viễn làm phủ. Dưới triều vua Minh Mạng vào năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt mất, vua xóa Gia Định thành và phân thành sáu tỉnh, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Tiếp theo, vào năm 1867, sáu tỉnh Nam Kỳ (NK) lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp. Chúng bắt tay vào việc cải cách hành chính ở NB bằng việc bãi bỏ sáu tỉnh NK. Tỉnh Vĩnh Long lúc bấy giờ trở thành hạt Vĩnh Long. Năm 1915, hạt Vĩnh Long đổi lại thành tỉnh Vĩnh Long. Từ năm 1951 đến năm 1954, Vĩnh Long tên là tỉnh Vĩnh Trà được thành lập theo Nghị định số 174/NB-51 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ (dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) (hiện nay còn lưu lại địa danh cầu Vĩnh Trà – H.TO). Từ năm 1954

21 Quan phụ trách việc biên khổn.

22 Nay thuộc hai tỉnh Long An và Tiền Giang (Gò Công).

51

đến năm 1975, Vĩnh Trà được gọi lại là tỉnh Vĩnh Long theo Nghị quyết số 245- NQ/TƯ ngày 20 tháng 9 năm 1975 của Bộ chính trị về việc bỏ khu, hợp tỉnh. Giai đoạn từ sau năm 1975, Vĩnh Long sáp nhập với Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long theo Nghị định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

(Trước đây, tp. VLo có các địa danh như bến xe Cửu Long và rất nhiều hiệu danh mang tên Cửu Long). Năm 1992, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10, Cửu Long lại tách ra thành hai tỉnh như cũ là tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long.

Như vậy, tỉnh Vĩnh Long nói riêng, TNB nói chung khởi đầu thuộc Vương quốc Phù Nam, sau đó đến Chân Lạp chiếm lĩnh. Từ thế kỷ XVII - XVIII, vùng đất này được khai hoang trên diện rộng dưới sự điều khiển của các chúa Nguyễn. Nhìn chung, địa giới tỉnh Vĩnh Long trong lịch sử đã nhiều lần thay đổi. Ở những giai đoạn khác nhau, Vĩnh Long bao gồm một số vùng đất hay các tỉnh thành khác. Lịch sử hình thành tỉnh Vĩnh Long cho thấy, để có được Vĩnh Long ngày nay, đó là kết quả của sự chung tay góp sức từ các thành phần dân cư có mặt rất sớm trên vùng đất này, khởi đầu là chính quyền nhà Nguyễn, di dân người Việt, Khmer, Hoa… Họ đã dày công khai hoang, xây dựng vùng đất mới. Họ chính là nhân tố chi phối và quyết định đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Một phần của tài liệu Địa danh tỉnh vĩnh long qua góc nhìn văn hóa dân gian (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(321 trang)