Khái niệm gia đình và đặc trưng của gia đình Việt Nam

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về gia đình ở Việt Nam hiện nay (Trang 28 - 42)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ GIA ĐÌNH,

2.1.1. Khái niệm gia đình và đặc trưng của gia đình Việt Nam

Gia đình là một hiện tượng xã hội đặc biệt, xuất hiện, tồn tại và phát triển một cách khách quan cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Lịch sử phát triển của gia đình là một quá trình lâu dài, đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau với những biến đổi sâu sắc về quy mô, cách thức tổ chức, tính chất phức tạp, sự phong phú, đa dạng của các mối quan hệ về gia đình và cơ chế điều chỉnh các mối quan hệ về gia đình.

Theo Ph.Ănghen, lịch sử phát triển của gia đình đã trải qua 4 giai đoạn cơ bản: Gia đình huyết tộc, gia đình pu-na-lu-an, gia đình đối ngẫu và gia đình một vợ một chồng.

- Gia đình huyết tộc là giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển các hình thái hôn nhân và gia đình, trong đó quan hệ hôn nhân được xây dựng theo thế hệ, mỗi thế hệ tạo thành những nhóm hôn nhân nhất định. Ở hình thái gia đình huyết tộc, các anh chị em đồng thời là vợ, là chồng của nhau, nhưng những người có quan hệ dòng máu trực hệ, giữa cha mẹ và các con bị cấm không được có quan hệ hộ nhân.

- Gia đình Pu-na-lu-an là giai đoạn thứ hai, có sự tiến bộ hơn so với gia đình huyết tộc. Trong hình thái gia đình này, quan hệ tính giao tiếp tục bị hạn chế, thu hẹp: cấm thế hệ cha mẹ kết hôn với thế hệ các con và cấm anh em trai kết hôn với các chị em gái trong cùng một gia đình.

- Gia đình đối ngẫu là giai đoạn phát triển tiếp theo của gia đình. Đây là giai đoạn mà phạm vi những người có quan hệ hôn nhân ngày càng bị thu hẹp nhiều hơn: việc cấm những người cùng huyết tộc kết hôn với nhau ngày càng trở nên phổ biến và hình thức quần hôn không còn tồn tại nữa. Gia đình đối ngẫu được đặc

trưng bằng cách thức kết hôn theo từng cặp, nhưng chế độ đa thê, người đàn ông có nhiều vợ vẫn còn phổ biến.

- Gia đình cá thể (gia đình một vợ một chồng) là giai đoạn thứ tư, được nảy sinh từ gia đình đối ngẫu, là một trong những dấu hiệu cho biết thời văn minh đã bắt đầu. Gia đình ấy dựa trên sự thống trị của đàn ông, với chủ đích rõ ràng là con cái phải có cha đẻ xác thực và những đứa con ấy sau này sẽ nhận được tài sản của cha, với tư cách người thừa kế đương nhiên. Trong gia đình một vợ một chồng, quan hệ vợ chồng đã chặt chẽ hơn rất nhiều, hai bên không thể tùy ý bỏ nhau được nữa.

Gia đình một vợ một chồng cũng có quá trình phát triển từ thấp đến cao và luôn chịu sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Cùng với sự phát triển của văn minh, dân chủ và tiến bộ xã hội, quan hệ gia đình có sự biến đổi về chất, mà biểu hiện rõ nét nhất và trước hết là ở sự biến đổi trong quan niệm về sự bình đẳng giữa nam và nữ, giữa đàn ông và đàn bà, giữa vợ và chồng;

về tình yêu và hôn nhân. Hôn nhân trở thành tiêu điểm, là biểu tượng của tình yêu và văn hóa gia đình, là điểm khởi đầu quan trọng và có thiêng liêng không những đối với đời sống vợ chồng, mà còn được gia đình, cộng đồng, nhà nước thừa nhận và đề cao như một giá trị của con người, gia đình và xã hội.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong lĩnh vực pháp luật về gia đình, những mối quan hệ về hôn nhân là một trong những nhóm quan hệ pháp luật quan trọng, có những đặc điểm riêng và có tính độc lập tương đối, được tượng điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về hôn nhân trong hệ thống các quy định pháp luật về gia đình và hình thành chế định hôn nhân trong pháp luật hôn nhân và gia đình. Xét theo quan điểm hệ thống, thì hôn nhân là một yếu tố để hình thành nên gia đình trong xã hội hiện đại và các mối quan hệ về hôn nhân là một bộ phận hợp thành của hệ thống các quan hệ gia đình. Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân chỉ là một nhóm trong số rất nhiều nhóm quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về gia đình.

Do tính chất đặc biệt của mình, từ khi xuất hiện đến nay, gia đình luôn là đối tượng nghiên cứu của rất nhiều bộ môn khoa học khác nhau, trong đó có triết học, xã hội học, văn hóa học và luật học. Tùy thuộc vào mục đích và nội dung nghiên cứu cụ thể, mỗi bộ môn khoa học có cách tiếp cận riêng và sử dụng các phương

pháp, công cụ nghiên cứu phù hợp để phân tích, giải thích về gia đình và những vấn đề cụ thể của gia đình hoặc có liên quan đến gia đình.

Theo đó, khái niệm gia đình cũng có cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau.

Có quan điểm cho rằng, gia đình “là một nhóm người, có quan hệ bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nghĩa dưỡng, có đặc trưng giới tính qua quan hệ hôn nhân, cùng chung sống, có ngân sách chung” [184, tr.27-31]. Theo Từ điển triết học thì “Gia đình là một hình thức có tính chất lịch sử của tổ chức đời sống chung của loài người, giữa nam giới và nữ giới...” [119, tr.354]. Theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học thì: “Gia đình là tập hợp những người cùng chung sống, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng, có quyền, nghĩa vụ tương ứng với nhau” [51, tr.146]. Trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 đưa ra khái niệm như sau: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này” [128, Khoản 2 Điều 3].

Theo chúng tôi, cần quan niệm gia đình là một phạm trù có tính lịch sử, là một khái niệm phức hợp bao gồm các yếu tố sinh học, tâm lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và nhân văn; gia đình là một thiết chế đặc biệt, bao gồm một cộng đồng người có quan hệ mật thiết với nhau, có quan hệ mật thiết với nhau bởi hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng; có sự gắn kết với nhau trên cơ sở đạo đức và niềm tin; có các quyền, nghĩa vụ tương ứng về nhân thân và tài sản.

Theo đó: Gia đình được hiểumột thiết chế xã hội đặc thù, bao gồm một cộng đồng người có quan hệ mật thiết với nhau bởi hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, có sự gắn kết với nhau để cùng chung sống, quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở của đạo đức, niềm tin và thực hiện các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và về tài sản, nhằm thỏa mãn những ước muốn, lợi ích về vật chất và tinh thần của mỗi cá nhân và của cả gia đình.

Theo định nghĩa này, khái niệm gia đình có nội hàm rộng, phản ánh những nội dung cơ bản bao gồm:

Thứ nhất, gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt, một đơn vị (tế bào) xã hội, một hình thức tổ chức quan trọng nhất của sinh hoạt cá nhân.

Thứ hai, gia đình là những người gắn bó với nhau bởi:

- Hôn nhân (vợ chồng): Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn, trong đó sự kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

- Mối quan hệ huyết thống: Phạm vi của mối quan hệ này khá rộng tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể để xác định, trong một gia đình có nhiều (hai, ba hoặc bốn) thế hệ cùng sinh sống.

- Mối quan hệ nuôi dưỡng: Ngoài quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống còn có những người có quan hệ nuôi dưỡng như: con nuôi, bố mẹ nuôi…

Thứ ba, các thành viên trong gia đình có sự gắn kết với nhau để cùng chung sống, quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở của đạo đức và niềm tin. Đây là một trong những dấu hiệu hết sức đặc sắc của gia đình, có ý nghĩa và có tác động lớn tới các yếu tố khác, đòi hỏi khi xây dựng và thực thi pháp luật về gia đình cần phải được chú trọng.

Thứ tư, các thành viên trong gia đình có các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản; việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản, nhằm thỏa mãn những ước muốn, lợi ích về vật chất và tinh thần của mỗi cá nhân và của cả gia đình.

Từ đây, khái niệm thành viên trong gia đình có phạm vi rất rộng. Các thành viên trong một gia đình bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

Với phạm vi thành viên gia đình đó, các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng như giữa gia đình với nhà nước và xã hội cũng hết sức phức

tạp, phong phú và đa dạng. Nói cách khác, đối tượng điều chỉnh của pháp luật về gia đình cũng rất rộng, phức tạp, phong phú, đa dạng, tinh tế và nhạy cảm.

Xét về qui mô, gia đình có thể phân loại thành:

Gia đình hai thế hệ (hay Gia đình hạt nhân): là Gia đình bao gồm cha mẹ và con.

Gia đình ba hoặc bốn thế hệ (hay Gia đình truyền thống): là Gia đình bao gồm ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt.. còn được gọi là tam, tứ đại đồng đường.

Dưới khía cạnh xã hội học và về quy mô các thế hệ trong gia đình, cũng có thể phân chia Gia đình thành hai loại: Gia đình lớn (gia đình ba thế hệ hoặc Gia đình mở rộng) thường được coi là gia đình truyền thống liên quan tới dạng Gia đình trong quá khứ và Gia đình nhỏ (gia đình hai thế hệ hoặc gia đình hạt nhân) là nhóm người thể hiện mối quan hệ của chồng và vợ với các con, hay cũng là mối quan hệ của một người vợ hoặc một người chồng với các con.

Trong xã hội hiện nay, về quy mô và loại hình gia đình đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Hiện nay, số gia đình có từ ba đến bốn người chiếm tỷ lệ đa số. Nhìn chung, gia đình ở thành thị có số người ít hơn gia đình nông thôn, gia đình ở miền đồng bằng ít người hơn gia đình ở miền núi, gia đình trẻ có số người ít hơn gia đình tuổi cao. Trong thông điệp nhân năm quốc tế gia đình 1994, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh rằng: Trên thực tế đặc điểm của các thể chế gia đình hiện nay là tính đa dạng của nó. Gia đình là một thể chế có tính toàn cầu, thể chế đó lại có hình thái khác nhau và thực hiện các chức năng của nó một cách khác nhau. Do đó, không thể có một quan niệm duy nhất về gia đình và không thể đưa ra một định nghĩa có thể áp dụng cho toàn cầu.

2.1.1.2. Mt s đặc đim ca gia đình Vit Nam hin nay

Gia đình ở Việt Nam trải qua các giai đoạn phát triển tùy thuộc vào nền văn minh của loài người và ở mỗi giai đoạn khác nhau, gia đình có đặc trưng khác nhau.

Trong nền văn minh nông nghiệp, gia đình là đơn vị tổ chức sản xuất tự chủ nhưng gia đình lại là giường cột của xã hội. Ở giai đoạn này, hôn nhân nam nữ do cha mẹ áp đặt, lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích gia đình, gia tộc. Vai trò người con trai rất được coi trọng, nhất là người con trai trưởng có quyền hành và quyền

lợi. Gia đình sống nhiều thế hệ với chế độ đa thê. Việc ly dị gặp nhiều khó khăn.

Quy mô gia đình giai đoạn này thường lớn hầu hết là những Gia đình tam đại đồng đường và tứ đại đồng đường.

Trong nền văn minh công nghiệp, gia đình không còn là đơn vị sản xuất tự chủ mà gồm những người làm thuê, những người chủ xã hội, các nhà quản lý, kinh doanh, các viên chức làm công ăn lương... Hôn nhân gia đình trở thành sự tự do lựa chọn của nam nữ, không còn là sự áp đặt của cha mẹ, họ hàng. Vì vậy, lợi ích cá nhân, hạnh phúc cá nhân ngày càng được chú trọng. Cơ cấu gia đình hai thế hệ là phổ biến. Quy mô gia đình nhỏ đi rất nhiều.

Trong nền văn minh hậu công nghiệp, gánh nặng công việc gia đình được giảm nhẹ, con người (đặc biệt là phụ nữ) được giải phóng bớt các khâu lao động chân tay, mệt nhọc, năng suất thấp. Họ sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, học tập, giải trí, vui chơi với gia đình.

Có thể nói, gia đình Việt Nam trong quá trình phát triển đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng đồng thời của nền văn minh, của văn hóa phương Đông, văn hóa khu vực Đông Nam Á cùng với nhiều tôn giáo vốn đã tồn tại lâu đời như Đạo phật, Thiên chúa giáo, đạo Hồi...

Gia đình ở Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu với một loạt thử thách lớn khi chuyển từ mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Để tồn tại và phát triển, mỗi gia đình phải tìm cách thích ứng với những điều kiện mới, từng thành viên trong gia đình phải tự điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình. Thực tế cho thấy, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cùng với những trào lưu tiến bộ về khoa học công nghệ có phần không tương xứng với sự phát triển văn hóa, xã hội đã làm đổ vỡ, mờ nhạt một số giá trị tinh thần, đạo đức ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Gia đình Việt Nam có các đặc trưng cơ bản: Gia đình phải sống chung một mái nhà; Trong một gia đình phải có giới tính (nam, nữ); Quan hệ trong gia đình phải là quan hệ ruột thịt, huyết thống nghĩa là có quan hệ tái sản xuất con người;

Các thành viên trong gia đình phải gắn bó với nhau về đặc điểm tâm sinh lý; Gia

đình phải có ngân sách chung. Do đó gia đình phải là một nhóm xã hội ít nhất có từ 02 người trở lên.

Gia đình Việt Nam truyền thống có những đặc trưng khác với gia đình của các dân tộc khác trên thế giới. Đó là sản phẩm của nền văn minh lúa nước và tồn tại ở địa bàn nông thôn. Gia đình truyền thống được coi là đại gia đình mà các thành viên liên kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống. Trong gia đình này có thể cùng chung sống từ 3 thế hệ trở lên: ông bà - cha mẹ - con cái mà người ta quen gọi là "tam, tứ, ngũ đại đồng đường". Kiểu gia đình này khá phổ biến và tập trung nhiều nhất ở nông thôn Bắc Bộ.

Gia đình truyền thống thường biểu hiện các mặt sau đây:

- Gia đình không chỉ là đơn vị cuối cùng của xã hội mà còn là mẫu hình để tổ chức xã hội và nhà nước.

- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta được nâng lên thành đạo hiếu - đạo tổ tiên và gia đình cũng là nơi quan trọng nhất để duy trì đạo đức trung hiếu, được coi là giá trị nền tảng của xã hội truyền thống.

- Người đứng đầu gia đình (gia trưởng) chịu trách nhiệm trước về mọi hành vi của những người trong nhà.

- Gia đình là đơn vị kiểm soát cá nhân; từng cá nhân trong một gia đình bị ràng buộc và kiểm soát bằng luân lý, phong tục, lễ nghi và pháp luật.

- Về hôn nhân và quan hệ vợ chồng: Cha mẹ quyết định, con cái nghe theo;

người chồng phải giữ nghĩa với vợ, người vợ phải thủ tiết với chồng.

- Nước xét xử theo pháp luật thì nhà - gia đình thực hiện nhiệm vụ của nó, thực sự trở thành nơi sàng lọc và răn dạy các thành viên về đạo lý, quốc pháp.

- Gia đình là một thiết chế gia trưởng. Trong một gia đình cha ra cha, con ra con, anh ra anh, em ra em, chồng ra chồng và vợ ra vợ. Các mối quan hệ này được điều chỉnh bằng luân lý tam cương, ngũ thường và nó được cụ thể hoá thành gia quy.

Nền kinh tế tiểu nông là cơ sở phát sinh và tồn tại của loại hình gia đình truyền thống. Về mặt tâm lý, người Việt Nam luôn có xu hướng quần tụ con cái xung quanh mình. Vì thế, các đại gia đình cùng sống dưới một mái nhà hoặc vài nhà cạnh nhau cũng là hình thức tổ chức gia đình phổ biến ở đô thị.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về gia đình ở Việt Nam hiện nay (Trang 28 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)