Quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng trong việc hoàn thiện pháp luật về gia đình

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về gia đình ở Việt Nam hiện nay (Trang 119 - 122)

Chương 4 QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT

4.1.1. Quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng trong việc hoàn thiện pháp luật về gia đình

Pháp luật về gia đình ở Việt Nam là sự thể chế hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về gia đình. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về gia đình phải quán triệt đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về gia đình.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn quan tâm và đề ra những quan điểm chỉ đạo định hướng công tác gia đình. Ngày 21/02/2005 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ thị này đã nêu rõ:

Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội [56].

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định các nhiệm vụ liên quan đến công tác gia đình và bình đẳng giới. Trong đó nhấn mạnh việc đổi mới nhận thức, coi “gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững.

Gia đình có trách nhiệm với các thành viên và với xã hội; Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Xây dựng gia đình phải luôn gắn với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chăm lo xây dựng chính gia đình mình và vận động nhân dân cùng thực hiện”.

Đồng thời, Đảng cũng đã chỉ đạo cụ thể đối với công tác bình đẳng giới và PCBLGĐ: Cần đặc biệt quan tâm xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi truỵ;

tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo hành trong gia đình… Cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống, như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; phát triển các hình thức tổ hoà giải, các câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hoá gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.

Tại Chỉ thị này, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã định hướng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình phải tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, khu phố văn hoá, cụm dân cư văn hoá; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X (4/2006) đề ra định hướng phát triển gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới:

Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [60].

Văn kiện Đại hội IX còn khẳng định cụ thể hơn về vấn đề bình đẳng giới:

Đối với phụ nữ thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em;

tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc [57, tr.126].

Tiếp đó Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã yêu cầu:

Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đoàn kết và xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế [61, tr.223].

Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình:

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách…

Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu

mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau [7].

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương, quan điểm rất sâu sắc và toàn diện về gia đình. Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về gia đình, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng pháp luật cần quán triệt một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời những quan điểm nêu trên nhằm sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về gia đình ở Việt Nam hiện nay (Trang 119 - 122)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)