Chương 3 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT
3.2.3. Đánh giá kết quả và hạn chế trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về gia đình
3.2.3.1. Những kết quả đạt được
- Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về gia đình được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/2007/CT-TTg ngày 03/5/2007 về việc triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới, theo đó Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức thực hiện thông tin, giáo dục Luật Bình đẳng giới phù hợp từng đối tượng.
Chỉ thị số 16/2008/ CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2008 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về triển khai thi hành Luật PCBLGĐ, trong đó quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật; biên soạn tài liệu tập huấn và tổ chức, hướng dẫn tập huấn cho cán bộ của các Bộ, ngành và những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
Công tác PBGDPL về bình đẳng giới và PCBLGĐ những năm qua được triển khai thường xuyên, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp, các địa phương thông tin, tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới; ra số Đặc san chuyên đề (tháng 10/2007) giới thiệu Luật Bình đẳng giới cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cả nước…; tổ chức Tuyên truyền miệng (như hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các lớp tập huấn, bồi dưỡng…), thông qua báo chí, phát thanh truyền hình (các chuyên trang, chuyên mục: “Tạp chí phụ nữ”, “Người xây tổ ấm”, “Tâm sự”, “Giải đáp pháp luật”, “Trả lời thư bạn xem truyền hình”…), tủ sách pháp luật ở cơ sở (hiện có 11.263 tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn); tài liệu, sổ tay, sách hướng dẫn, đề cương tuyên truyền, hỏi đáp pháp luật về Hôn nhân gia đình, vì sự tiến bộ của phụ nữ…; sách song ngữ, băng đĩa; tổ chức các hội thi mang tính sân khấu hóa nhằm tuyên truyền pháp luật về Hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, đả phá thói quen “thích đẻ con trai”, “trọng nam khinh nữ”... trong các tầng lớp cán bộ, nhân dân.
Để phát huy vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và Thường trực UBQGVSTBCPN Việt Nam, gần đây Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành (Thông tin và truyền thông, Văn hóa thể thao và Du lịch, Y tế, Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…) và các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn “Lồng ghép giới trong Lao động- Việc làm”, tọa đàm về quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình và lao động- việc làm, hội thảo CEDAW, tập huấn kiến thức pháp luật về
bình đẳng giới và kỹ năng công tác cho lực lượng làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, ngành, địa phương; gắn PBGDPL về bình đẳng giới với phòng, chống bạo lực gia đình; thành lập và duy trì các cuộc họp mạng lưới cán bộ, chuyên gia về giới hàng quý…
Theo Báo cáo Điều tra thực trạng bạo lực gia đình, đề xuất giải pháp có tính đột phá nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình trong năm 2012 và giai đoạn 2012 - 2016 của Viện Gia đình và Giới: thông tin về PLPCBLGĐ được tiếp nhận qua các hình thức truyền thông trực tiếp (cán bộ tuyên truyền) và các hình thức truyền thông ở cơ sở. Ngoài ra, các chương trình phổ biến của Đài Truyền hình Việt Nam là nguồn thông tin quan trọng về PCBLGĐ. Kết quả phân tích trình bày ở bảng 1 dưới đây cho thấy có một số hình thức truyền thông được khoảng từ 40% trở lên số người có tiếp nhận. Đó là: Họp thôn/ấp/tổ dân phố và các đoàn thể ở địa bàn dân cư (74,5%); Truyền hình VTV1 (65,1%); Loa truyền thanh xã, phường, thị trấn (49,2%); Cán bộ địa phương, cộng tác viên DS-KHHGĐ đến từng gia đình (48,6%); Hoạt động tuyên truyền ở địa phương (mít tinh, diễu hành, áp phích, văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ - 47,2%) [186].
Ở các địa phương, hầu hết các hình thức truyền thông đều được sử dụng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Phát tờ gấp, tài liệu, sách nhỏ; tổ chức các buổi giao lưu văn hoá, văn nghệ, toạ đàm, mít tinh, tư vấn; họp tổ dân cư, sinh hoạt đoàn thể; sử dụng báo viết, báo hình, báo nói; băng rôn, khẩu hiệu, xe cổ động... là các hình thức truyền thông pháp luật PCBLGĐ.
Hình thức được coi áp dụng phổ biến và hiệu quả là tập huấn, truyền thanh và lồng ghép nội dung tuyên truyền qua các cuộc họp tổ dân phố, sinh hoạt đoàn thể. Đây là những hoạt động thu hút được số lượng lớn người tham gia. Bên cạnh đó, hình thức truyền thông bằng tờ rơi, tài liệu cũng được tiếp nhận phổ biến vì người dân lúc nào cũng có thể tiếp cận được thông tin về pháp luật PCBLGĐ và kiến thức, kỹ năng về PCBLGĐ.
Ở một số địa phương đã áp dụng lồng ghép nội dung chính sách kinh tế với tuyên truyền pháp luật về PCBLGĐ. Đối với những gia đình có đối tượng là người
gây BLGĐ thì việc mời họ lên xã, phường là điều nhạy cảm nên chính quyền và các tổ chức xã hội ở địa phương đã tập hợp dân cư lên nghe chính sách về đất đai, tư vấn vay vốn sản xuất, tiêu dùng, đồng thời lồng ghép tuyên truyền pháp luật PCBLGĐ một cách khá hiệu quả.
Đặc biệt, một biện pháp truyền thông được ưu thích nhất là tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn mang tính tương tác, có trò chơi. Hình thức này vừa tạo sự thoải mái, cởi mở vừa để lại ấn tượng cho người tham dự thông qua việc đóng vai, hoá thân vào những nạn nhân hoặc người gây BLGĐ.
Ngoài ra, có một số địa phương, nhân Ngày gia đình Việt Nam (28/6) đã tổ chức giao lưu giữa nhóm gia đình tiêu biểu với nhóm gia đình có nguy cơ BLGĐ để trao đổi kinh nghiệm làm ăn, xây dựng gia đình và xử lý các tình huống nảy sinh trong quan hệ gia đình.
Nhờ có các hoạt động truyền thông mà BLGĐ giảm đi đáng kể và được kiểm soát chặt chẽ hơn. Thực tế cho thấy, có nhiều hình thức truyền thông đã được áp dụng nhưng hiệu quả tuỳ thuộc vào từng đối tượng tiếp nhận truyền thông. Đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (chẳng hạn như hai tỉnh Hậu Giang và Yên Bái) thì hai hình thức truyền thông có hiệu quả nhất là: 1/Truyền thông trực tiếp dưới các hình thức nói chuyện, tập huấn, phổ biến pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ, tranh ảnh, tờ rơi, pa nô áp phích, khẩu hiệu hoặc sân khấu hoá bằng các vở kịch ngắn, vui lên án BLGĐ, các cuộc thi tìm hiểu về Luật PCBLGĐ, lồng ghép PCBLGĐ vào dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...; 2/ Tuyên truyền vận động thông qua các kênh truyền hình của trung ương và địa phương. Truyền hình trung ương chủ yếu là các kênh VTV1, VTV2, VTV3, còn các kênh truyền hình khác phải trả tiền thì người dân không xem đến (Xem bảng 1).
- Việc tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình được tăng cường.
Theo Báo cáo Điều tra thực trạng bạo lực gia đình, đề xuất giải pháp có tính đột phá nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình trong năm 2012 và giai đoạn 2012 - 2016 của Viện Gia đình và Giới, các địa phương đã thành lập các tổ chức trực tiếp thực hiện công tác PCBLGĐ. Cụ thể là: 34 tỉnh/ thành phố đã thành lập Ban chỉ
đạo cấp tỉnh về PCBLGĐ (có 16 tỉnh/ thành phố chưa có và 12 tỉnh/thành phố chưa báo cáo). Có 47 tỉnh/ thành phố có Ban Chỉ đạo cấp huyện về PCBLGĐ và mỗi tỉnh trung bình có 9 Ban chỉ đạo cấp huyện về PCBLGĐ (6 tỉnh/thành phố chưa có Ban chỉ đạo cấp huyện, 11 tỉnh/ thành phố chưa thu thập được thông tin).
Mỗi tỉnh/thành phố có 96 Ban Chỉ đạo cấp xã về PCBLGĐ (tính trong 53 tỉnh/thành cung cấp thông tin); chỉ duy nhất tỉnh Yên Bái chưa cho Ban Chỉ đạo cấp xã về PCBLGĐ; 10 tỉnh/thành chưa thu thập thông tin.
Về việc thành lập nhóm PCBLGĐ: Tính trung bình, mỗi tỉnh/thành có 229 nhóm PCBLGĐ (tính trong 57 tỉnh/thành cung cấp thông tin); 7 tỉnh/thành chưa thu thập được thông tin.
Thành lập Tổ tư vấn về gia đình và PCBLGĐ: Tính trung bình, mỗi tỉnh/thành phố có 455 tổ tư vấn (tính trong 38 tỉnh/thành cung cấp thông tin); 10 tỉnh/thành chưa có tổ tư vấn; 16 tỉnh/thành chưa thu thập được thông tin.
Thành lập CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững: Tính trung bình, mỗi tỉnh/thành có 213 CLB (tính trong 51 tỉnh/thành cung cấp thông tin); Riêng Cao Bằng không có CLB nào; 12 tỉnh/thành chưa thu thập được thông tin.
Ngoài các loại tổ chức nêu trên, nhiều tỉnh/thành còn thành lập đường dây nóng, thành lập Tổ Hoà giải ở cơ sở, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, thành lập Ngôi nhà bình yên; Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tiến hành hoạt động trợ giúp pháp lý, xây dựng Tủ sách pháp lý... [186].
- Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về gia đình được chú trọng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ra quyết định và tổ chức thực hiện chương trình giám sát hàng quý và hàng năm, trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể giao cho Hội đồng Dân tộc và Ủy ban hữu quan của Quốc hội thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chương trình giám sát của mình. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng xem xét, thảo luận các báo cáo và kiến nghị trong hoạt động giám sát, yếu cầu các cá nhân, tổ chức và có quan nhà nước hữu quan thực hiện những kiến nghị mà Ủy ban thường vụ Quốc hội xét thấy cần thiết. Ủy ban thường vụ Quốc
hội đã đảm bảo vấn đề bình đẳng giới được lồng ghép trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Về hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội: Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội đã thu thập thông tin, nghe báo cáo của các Bộ, ngành, của các địa phương, cơ sở cho tới tổ chức các đoàn giám sát, khảo sát ở địa phương, cơ sở.
Đặc biệt, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội đã nghiên cứu, nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri. Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội cũng đã phân tích, đánh giá và nêu các kiến nghị với các có quan có thẩm quyền, các cơ quan bị giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Các kiến nghị thường là khuyến khích phát huy các thành tựu và khắc phục các khiếm khuyết, tồn tại trong việc thực hiện bình đẳng giới và PCBLGĐ, đồng thời nghiên cứu để xây dựng trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh hoặc ban hành mới những nội dung liên quan đến bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và PCBLGĐ.
Riêng Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã thể hiện vai trò chủ đạo của mình giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và PCBLGĐ. Ủy ban này đã chủ động và phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác giám sát thi hành các quy định về bình đẳng giới và PCBLGĐ. Hoạt động giám sát và phối hợp giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội được tiến hành dưới rất nhiều hình thức để thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích thông tin và đưa ra các đánh giá trong việc thực hiện bình đẳng giới và PCBLGĐ. Từ đầu năm 2009, Ủy ban đã tiến hành nghe có quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về PCBLGĐ - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và một số Bộ, ngành báo cáo về việc thực hiện bình đẳng giới và PCBLGĐ. Thông qua hoạt động này, Ủy ban đã tác động, thúc đẩy các Bộ, ngành quan tâm tới việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời Ủy ban về các vấn đề xã hộ có thêm thông tin để tổng hợp và phân tích hoạt động bình đẳng giới và PCBLGĐ và từ đó đưa ra các nhận xét, đánh giá và kiến
nghị các biện pháp khắc phục các khiếm khuyết trong quá trình tổ chức thực hiện bình đẳng giới và PCBLGĐ.
Ủy ban về các vấn đề xã hội không chỉ nghe các Bộ, ngành báo cáo, giải trình mà còn tổ chức nhiều đoàn giám sát, khảo sát ở địa phương, cơ sở đối với việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới và PCBLGĐ. Các hoạt động này đã có tác động tích cực thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giới và PCBLGĐ ở địa phương, cơ sở. Những kinh nghiệm hay, những khiếm khuyết, tồn tại được đưa ra trao đổi, thảo luận làm cho tinh thần của các quy định về bình đẳng giới và PCBLGĐ được quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn, các biện pháp được tổ chức thực hiện ở địa phương, cơ sở mang tính thực tiễn hơn.
Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tham gia với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát, đánh giá thực hiện Luật Bình đẳng giới phục vụ thẩm tra báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội hàng năm; chỉ đạo các cấp Hội tiến hành giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội (liên quan đến đời sống phụ nữ ở 62 huyện nghèo của cả nước), về việc làm, cho vay hộ nghèo, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội… Những kiến nghị, đề xuất sau giám sát đã được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Công tác tư vấn pháp luật, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, hòa giải ở cơ sở được các cấp Hội và hội viên phụ nữ duy trì thường xuyên, từng bước có chuyển biến. Trong năm 2008-2009, các cấp Hội đã tiếp nhận 60.780 đơn thư về hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai, chế độ chính sách cho phụ nữ, sau khi phân loại, đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các cấp Hội phát hiện 135.588 vụ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền của phụ nữ, đã thông báo đến cơ quan chức năng. Trong số đó, có 105.000 vụ đã được xem xét giải quyết [64].
3.2.3.2. Một số hạn chế trong thực hiện pháp luật về gia đình
Thứ nhất: Công tác tổng kết báo cáo đánh giá của Chính phủ, Bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương về công tác quản lý nhà nước về gia đình, về công tác gia đình chưa được coi trọng đúng mức.
Trong các báo cáo của Ngành văn hóa, thể thao và du lịch, công tác gia đình được đặt mục riêng trong lĩnh vực văn hóa. Trong khi đó pháp luật đã quy định về
chế độ báo cáo, thu thập dữ liệu về gia đình đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 của Chính phủ: “Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thứ hai: Việc thực hiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới còn nhiều bất cập.
Phân công lao động trong gia đình ở nhiều vùng miền trên cả nước còn mang tính chất phân biệt theo giới rõ rệt. Công việc gia đình vẫn tập trung vào vai người phụ nữ là chủ yếu. Tính chất bảo thủ của sự phân công lao động truyền thống theo giới ở các mức độ khác nhau vẫn còn được bảo lưu trong một bộ phận gia đình Việt Nam đã làm hạn chế các cơ hội học hành của trẻ em gái, cản trở phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội và có địa vị, thu nhập bình đẳng như nam giới. Các kết quả thống kê cho thấy, trung bình thời gian làm việc một ngày của phụ nữ là 13 giờ, trong khi của nam giới là khoảng 9 giờ. Sự chênh lệch này chủ yếu do phụ nữ còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái ngoài vai trò sản xuất và công tác như nam giới. Tỉ lệ người vợ và người chồng nấu cơm tương ứng là 79,9% và 3,3%, việc giặt giũ, tỉ lệ tương ứng là 77,3% và 2,8%.
Đáng chú ý là ở những việc này, số người cho biết cả hai vợ chồng làm ngang nhau là rất thấp, tương ứng là 1,7%, 4,3% và 6,4%. Trong khi đó, đối với việc chăm sóc người ốm và chăm sóc con cái, tỉ lệ vợ chồng làm ngang nhau là cao hơn, tương ứng là 33,3% và 38,2% [187]. Ở một số vùng theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ không chỉ gánh vác hầu hết mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái, mà đồng thời còn là lao động chính trong gia đình. Đây thực sự là gánh nặng quá tải, gây ảnh hưởng xấu tới tình trạng sức khoẻ của phụ nữ.
Trong gia đình, phụ nữ tham gia vào việc ra quyết định thấp hơn nam giới:
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung phụ nữ ít được quyền quyết định