Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ GIA ĐÌNH,
2.4.3. Một số bài học có giá trị tham khảo đối với Việt Nam
Một là: Đề cao vị thế của gia đình trong xã hội và khẳng định nguyên tắc điều chỉnh pháp luật về gia đình nói chung và các nguyên tắc về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình trong Hiến pháp.
Để thể hiện tầm quan trọng gia đình và vấn đề bảo đảm bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, phần lớn pháp luật của các quốc gia đều quy định nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Đó là nền tảng để cụ thể hoá thành pháp luật và chính sách của quốc gia về gia đình trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Hai là: Tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực của pháp luật quốc tế về gia đình trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về gia đình. Đối với Việt Nam hiện nay cần đặc biệt chú trọng tuân thủ các chuẩn mực về bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ trên cơ sở Hiến chương của Liên Hiệp quốc (LHQ), Tuyên ngôn về nhân quyền của LHQ, CEDAW…
Ba là: Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới phải quy định rõ ràng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, làm cơ sở cho các chủ thể có liên quan xác định xem mình có thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản hay không, từ đó chủ động, tự giác tuân thủ pháp luật phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới.
Bốn là: Quy định rõ ràng các nguyên tắc bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Đây là những tư tưởng chỉ đạo trong toàn bộ hành vi của các chủ thể pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới.
Năm là: Bảo đảm “lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật” (CEDAW và kinh nghiệm từ Thụy Điển, Đan Mạch, Hàn Quốc, Lào, Canada…).
Sáu là: Quy định nhiều biện pháp khác nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ như: tạo điều kiện cho vợ, chồng nghỉ khi sinh con và chăm
sóc con nhỏ được hưởng nguyên lương; hỗ trợ cán bộ nữ đi đào tạo mang theo con nhỏ; hỗ trợ phụ nữ nông thôn sinh con; nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động không phân biệt nam, nữ; quy định tỷ lệ nam, nữ trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử… Quy định về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, xây dựng nhà tạm lánh cho nạn nhân, cách ly người gây ra bạo lực gia đình…
Bảy là: Thành lập hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội giám sát, tham gia công tác gia đình.
Tiểu kết chương 2
Pháp luật về gia đình là hệ thống các nguyên tắc, quy phạm pháp luật chứa đựng trong các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo hình thức, trình tự, thủ tục nhất định và các tập quán tốt đẹp được nhà nước thừa nhận, thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, không trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình và các điều cấm của Hiến pháp và pháp luật, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội về gia đình, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.
Pháp luật về gia đình ở Việt Nam là hệ thống các nguyên tắc, quy phạm chứa đựng trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh đó còn được thể hiện trong các tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Đó là các nguyên tắc, quy phạm thể hiện sâu sắc những giá trị truyền thống, giá trị xã hội đương đại tiến bộ và nền tảng đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Pháp luật về gia đình của Việt Nam cũng mang tính hội nhập, phát triển phù hợp với xu hướng phát triển của pháp luật quốc tế, hướng tới những mục tiêu chung về gia đình của nhân loại trên thế giới.
Nội dung điều chỉnh của pháp luật về gia đình tương đối rộng, bao gồm các quy phạm điều chỉnh quan hệ phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước về gia đình; về bình đẳng giới trong gia đình; về phòng, chống bạo lực gia đình; về trách nhiệm của gia đình trong ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; dịch vụ gia đình; về phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
Việc nghiên cứu, chỉ ra các tiêu chí hoàn thiện pháp luật về gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng để đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp hoàn thiện pháp luật về gia đình ở Việt Nam. Trong đó, tính toàn diện; tính đồng bộ, nhất quán; tính phù hợp; tính khả thi là những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thiện về nội dung của hệ thống pháp luật về gia đình. Đồng thời, việc xem xét hình thức của văn bản thông qua trình độ, kỹ thuật xây dựng văn bản pháp luật về gia đình cũng là một yêu cầu thiết yếu để hoàn thiện pháp luật về gia đình.
Qua nghiên cứu pháp luật về gia đình của một số nước, luận án rút ra một số bài học có giá trị tham khảo đối với Việt Nam hiện nay: Đề cao vị thế của gia đình trong xã hội và khẳng định nguyên tắc điều chỉnh pháp luật về gia đình; Tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực của pháp luật quốc tế về gia đình; Pháp luật về gia đình phải quy định rõ ràng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, làm cơ sở cho các chủ thể có liên quan thực hiện pháp luật; Quy định rõ ràng các nguyên tắc bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ; Bảo đảm “lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật”; Quy định rõ biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ; Quy định việc thành lập hệ thống cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về gia đình; tổ chức giám sát công tác gia đình.
Chương 3