Một xã hội miền núi còn nhiều bất công, tiêu cực

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 33 - 41)

Chương 2. CON NGƯỜI VÀ HIỆN THỰC MIỀN NÚI TRONG VĂN XUÔI HOÀNG THẾ SINH

2.1. Một xã hội miền núi còn nhiều bất công, tiêu cực

Mỗi nhà văn thông qua thế giới nghệ thuật trong các tác phẩm của mình đều muốn gửi gắm một quan niệm nghệ thuật nhất định về hiện thực đời sống.

Các nhà văn viết về dân tộc và miền núi qua tác phẩm gửi gắm những thông điệp về hiện thực sống động của miền núi. Hoàng Thế Sinh cũng vậy.

Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, đề tài sáng tác của các nhà văn đã mở rộng hơn. Văn xuôi viết về đề tài dân tộc và miền núi từng bước bắt nhịp vào đời sống của đất nước, tập trung ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, cổ vũ, động viên cái mới. Bên cạnh đó cũng có cả thái độ phê phán cái xấu, cái lạc hậu, cái ác.

Giữa lúc trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nổi lên nhiều vấn đề đáng quan tâm, trong hai ngày 11 và 12/11/2014, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức hội thảo “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”. Hội thảo đi sâu tập trung vào vấn đề: Văn học nghệ thuật có cứu rỗi được sự xuống cấp của đạo đức xã hội hay ngay chính bản thân cái đẹp của văn học nghệ thuật cũng đang bị hủy hoại khủng khiếp, chức năng giải trí có thực sự đang lấn át các chức năng khác?

Trong tham luận “Mấy ý kiến về văn học nghệ thuật với việc xây dựng con người”, GS Hoàng Chương cho rằng: “Các di sản văn hóa của cha ông không những vẫn rất thời sự mà còn có giá trị thiết thực trong việc cảnh báo cái xấu, đấu tranh chống sự suy thoái cũng như hướng con người vươn tới những chuẩn mực chân - thiện – mĩ”. Còn với nhà văn Vũ Hạnh thì “đạo đức trong văn học là

một câu chuyện đã quá xưa cũ của thời phong kiến nhưng lại quá mới trong thời hiện tại”. Nhà thơ Hồ Bá Thâm thì trăn trở: “Văn học không thể cập nhật theo kiểu thời sự, nhưng cũng không thể không lên tiếng kịp thời, góp phần đặc biệt vào lĩnh vực phê phán hành động xấu, ác bá, thấp hèn trong tình hình hiện nay và nâng đỡ, vun trồng, cải thiện cái tốt, cái cao cả từ chiều sâu cảm xúc, có tác động mạnh mẽ đến trái tim, lương tâm đạo đức con người”.

Văn học nghệ thuật luôn được kì vọng sẽ góp phần tác động để xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, thực tế đời sống văn học nghệ thuật những năm qua cho thấy những giá trị tốt đẹp, những mặt tích cực của xã hội rất ít được đề cập đến. Trong khi đó lại có không ít những văn nghệ sĩ chưa thật sự dám dấn thân, đấu tranh thẳng thắn mà ngược lại có biểu hiện né tránh hoặc đề cập mờ nhạt, chưa phân tích rõ nguyên nhân cũng như giải pháp cho các vấn đề đạo đức xã hội bức xúc trong đời sống.

Đã có không ít các nhà văn đề cập đến những bất công, tiêu cực ở miền núi như Vi Hồng, Cao Duy Sơn, La Quán Miên... Qua việc khảo sát các tác phẩm của Hoàng Thế Sinh, có thể khẳng định ông là một trong số các nhà văn cũng viết về những bất công tiêu cực, về cái xấu cái ác của một bộ phận cán bộ lãnh đạo thoái hóa, biến chất.

Để lý giải cho thực trạng đói nghèo của người dân vùng cao, Hoàng Thế Sinh đã công khai vạch trần những cái xấu, cái ác, những bất công, ngang trái bắt nguồn từ sự sa đọa cùng hành vi đen tối của một bộ phận cán bộ lãnh đạo trong thời kì bao cấp và tiền đổi mới. Cùng với đó là những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường trên địa bàn miền núi.

Trong sáng tác của Hoàng Thế Sinh, đó là những kẻ bất tài, thiếu nhân cách nhưng biết lợi dụng, luồn lách, giỏi nịnh bợ, lại có “ô dù to” để dựa dẫm nên thăng tiến nhanh chóng. Tam trong Xứ mưa điển hình cho loại người cơ hội này.

Được thăng chức lên Phó hiệu trưởng vì hắn “có người nhà làm cán bộ có vai vế ở Sở giáo dục, ở tổ chức chính quyền tỉnh và hắn cũng lắm mánh lới” [44, tr

274]. Ngay sau khi được đề bạt, Tam lập tức đưa những người thân cận, anh em, họ hàng vào giữ các vị trí chủ chốt trong trường một cách trắng trợn và liều lĩnh.

Lợi dụng ông quyền hiệu trưởng Tào nhu nhược và ham chức, Tam vừa nhử vừa dọa vừa lôi kéo ông ta tham dự vào những mưu mô của hắn. Không những thế, Tam còn lợi dụng chức vụ của mình ép các giáo viên phải làm sai quy định như nâng điểm, sửa học bạ... để chạy theo thành tích. Hắn còn lợi dụng việc Nhà nước đầu tư cho xây dựng thư viện, trường lớp mới để đút túi cho riêng mình không ít lợi lộc. Không chỉ dừng lại ở đó, Tam còn rất tinh vi, xảo quyệt khi bị Bảo Châu tố cáo lên cấp trên về những hành vi sai trái. Một mặt hắn nịnh bợ cấp trên, nói mình bị vu oan, mặt khác hắn châm chọc, cạnh khoé, phê bình người đã tố cáo hắn là muốn gây mất đoàn kết trong trường, thậm chí hắn còn ngang nhiên gạt tên Bảo Châu ra khỏi danh sách xét kết nạp Đảng vì mối tư thù này trong khi anh hoàn toàn xứng đáng.

Một số cán bộ khác được tác giả miêu tả là những kẻ quan liêu, xa dân, chỉ đứng từ xa mà chỉ đạo, ngoài mặt thì là lo cho cuộc sống của nhân dân nhưng thực chất bên trong lại là hút máu tủy của dân.

Ấy là những kế hoạch “cải tạo” rừng nguyên sinh, rừng già để trồng cây bồ đề, cây keo, cây bạch đàn... của ông Lương Chí Tích – Phó trưởng ty Lâm nghiệp (Luật của rừng), và ông Vũ Như Vũ (Chuyện quanh núi Chúa). Những lý lẽ mà các lãnh đạo đưa ra dường như rất khoa học, hợp lý, xuôi tai người dân:

“Cây bồ đề dùng để sản xuất giấy, vải nilon, làm cột chống lò, làm ván nhân tạo, có giá trị cao lắm, cao hơn nhiều những thứ cây khác. Mà cây bồ đề cứ dăm bảy năm lại khai thác, cho thu hoạch bán nhiều tiền, xong lại trồng mới, vẫn có rừng xanh tươi quanh năm. Chứ những cánh rừng bây giờ cả trăm năm cũng chỉ để um tùm, chẳng cho dân tiền, sao làm giàu được” [45,tr 421].

Các lãnh đạo nắm rất vững tâm lý của dân khiến cho người dân nghe xong kế hoạch thì vui mừng và đặt nhiều hi vọng vào một sự đổi đời trong tương lai.

Nhưng dân đâu biết được rằng, phía sau cái vỏ ngoài tâm huyết ấy, các cán bộ

lãnh đạo huyện đã cấu kết với cán bộ xã khai thác gỗ quý hiếm để phục vụ lợi ích riêng và đem bán lấy tiền: “...hàng mấy chục khối gỗ pơmu, chò chỉ, sến, táu gọi là cung cấp cho các công trình xây dựng cơ bản quan trọng, nhưng số gỗ ấy hầu hết đều đem về nhà riêng các sếp để làm khung cửa, ốp trần, ốp tường, ốp cầu thang, đóng giường, đóng sập... Gỗ còn được các sếp làm quà đem biếu tặng các sếp to ở Trung ương nữa” [45,tr 409]. Và cứ thế, họ khai thác rừng một cách có “khoa học”, cẩn trọng chứ không thể gọi là phá rừng được.

Trong truyện ngắn Người nông dân nhỏ bé, cái xấu cái ác được thực hiện một cách trắng trợn. “Đã có nhiều tác giả viết về các vấn đề ở nông thôn gần đây, nhưng viết trực diện, viết như nói “bộp vào mặt” lớp cán bộ cơ sở tham nhũng thì dường như đây là truyện đầu tiên” [18]. Người nông dân có cái tên Phùng Đinh Sắc do xông vào ủy ban xã chỉ mặt mấy ông lãnh đạo bảo họ là lũ sâu mọt, hại dân, hại nước đã để cho bọn người xấu phá rừng mà đã bị dân quân bắt giam, vu cho tội gây rối trật tự địa phương, xúc phạm và hành hung người thi hành công vụ. Không những anh bị giam, không được cho ăn uống, họ còn đánh anh tới mức gãy xương sườn. Sau vụ đó, anh viết đơn kiện lên huyện nhưng ngay hôm ấy anh bị hai ông công an huyện bắt vào buồng tạm giam thay nhau đấm đá anh đến gãy cả răng, vỡ đầu, gãy tay. Họ dọa anh không được đi kiện nữa. Không những thế, sau đó mấy ông ở xã còn đến tịch thu sổ đỏ giao đất giao rừng của nhà anh để trừng trị nếu anh còn tiếp tục đi kiện.

Có thể nói, các cán bộ xã ở đây thật trắng trợn, coi thường kỉ cương pháp luật. Bằng cách miêu tả trực diện, tác giả khiến cho người đọc cũng phải phẫn uất thay cho người nông dân kia. Truyện ngắn như một tiếng kêu bênh vực người lương thiện và đòi hỏi sự công bằng.

Đỉnh cao của sự bất công, tiêu cực trong các tác phẩm của Hoàng Thế Sinh có lẽ rõ nét nhất trong tiểu thuyết Bụi hồ. Cũng là những con người nhỏ bé bị cấp trên áp bức, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần cũng bị tổn thương.

Bên cạnh đó ta còn thấy một thực trạng đáng buồn là những người thực thi pháp

luật, thực thi sự công bằng lại không thực hiện hết chức trách của mình khiến cho cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn.

Vân là một cô gái xinh đẹp nết na, được nhiều người quý mến, và đặc biệt cô rất say mê nghiên cứu khoa học. Nhưng cuộc đời và cả sự nghiệp của cô đã bị tên giám đốc Sắc gieo tai họa khiến cho cô đau đớn, chịu sự ám ảnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Không một ai lên tiếng bênh vực cô, họ khuyên cô nên an phận “đừng có chống mấy ông có chức có quyền rồi ra lại như tò vò mắc mạng nhện, gỡ chẳng ra được đâu”. Cô đã phải một mình sống ở đảo hoang Mõm Sói mênh mông trời nước, cô đơn, tủi nhục. Cho đến khi cô đã tìm được hạnh phúc cho mình thì một lần nữa tay giám đốc ấy lại xuất hiện, hắn định cướp không thành quả nghiên cứu, lai ghép giống chanh đào của cô. Nhưng may mắn điều đó đã không thực hiện được.

Còn Hoàng, vốn là một anh bộ đội đặc công, vì có nhân cách và lòng tự trọng mà đã truy lùng Si Ngoác – kẻ đã hại chết vợ anh - mà đã mở đầu cho tấn bi kịch cuộc đời. Anh bị kết án với tội danh bức tử người khác, phải chịu bảy năm tù giam. Sắp đến ngày được tự do, anh đã đánh tên quản ngục vì bị hắn xúc phạm, gọi anh là “đồ súc vật”. Sau đó trốn tù, không ra đầu thú, anh lang thang, sống chui lủi, phiêu bạt khắp nơi. Bị dồn vào chân tường, anh gia nhập vào thế giới “bụi hồ”, sống ngoài vòng pháp luật.

Trong tiểu thuyết ta bắt gặp một chi tiết tuy nhỏ nhưng lại để lại ấn tượng ám ảnh trong lòng người đọc. Đó là một lần Hoàng về thăm mộ mẹ, đang ngồi trên canô thì có một đứa trẻ bị rơi xuống hồ. Trên chuyến canô đó có cả Thành

“búa tạ”, kẻ đã truy đuổi anh mấy năm liền mà chưa bắt được. Với phản xạ của người từng trải sông nước, Hoàng không nghĩ ngợi gì mà lập tức lao xuống hồ cứu được đứa bé. Nhưng đó cũng chính là lúc Hoàng bị phát hiện và bị bắt giam.

Tại nhà giam, một cuộc đối thoại giữa Hoàng với tay công an tên Thành đã diễn ra. Thành tự hào về bản thân, rằng anh ta “là một con người với đúng nghĩa của nó, con người chân chính, con người sống có lý tưởng cao đẹp, dám hy sinh đến

giọt máu cuối cùng cho nền an ninh đất nước” [44 ,tr 134]. Tuy nhiên khi được hỏi, nếu trên chuyến canô đó không có Hoàng thì anh ta có dám nhảy xuống cứu đứa bé không, anh ta ỡm ờ nói rằng “Thì tao cứu đứa bé”, “mà cũng có thể không”, với lập luận rằng “Đứa bé rơi xuống hồ đâu phải là chuyện an ninh quốc gia. Một nó chết chìm chẳng ảnh hưởng gì tới cả thế hệ của nó hết. Người có lý tưởng là người biết hy sinh phần bé nhỏ, không quan trọng để lo đại sự” [44 ,tr 135].

Đối với một người công an nhiệm vụ của họ là bảo vệ sự bình yên của dân mà lại có thể phát ngôn như Thành là không thể chấp nhận được. Nói như anh ta thì anh ta có quyền đứng trên người khác, coi những người dân thường không ra gì, thậm chí mạng sống của người dân cũng bị cho là “bé nhỏ”, là “không quan trọng”.

Ngoài đời lắm bất công, công lý bị chà đạp. Những tưởng nhà tù sẽ là nơi cuối cùng, khắc nghiệt nhất nhằm cưỡng chế kẻ tội lỗi thực hành công lý, nhưng không ngờ, chính nơi được gọi là cán cân pháp luật, thực thi công bằng lại chính là nơi đẻ ra những thứ bất công khác và công lý lại tiếp tục bị chà đạp.

Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân đang sôi nổi đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước để xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Một trong những vấn đề được nói đến nhiều nhất là nạn tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên, cùng sự độc đoán trong lãnh đạo dẫn đến mất dân chủ trong xã hội. Điều thứ hai, đó là sự vô trách nhiệm, cẩu thả trong công việc dẫn đến việc xử lý, kết án oan sai gây ra sự bất bình trong dư luận. Hoàng Thế Sinh ngay trong những trang viết của mình đã phơi bày mặt trái xã hội một cách trực diện như một hồi chuông cảnh báo đối với các cấp lãnh đạo theo cách riêng của nhà văn.

Từ việc phơi bày thực trạng bất công, tiêu cực trong xã hội miền núi với tinh thần tố cáo, phê phán mạnh mẽ, sâu sắc, các tác phẩm của Hoàng Thế Sinh dựng lên hình tượng những con người nhỏ bé, yếu thế bị chà đạp nhưng khí

phách, nghĩa hiệp, dũng cảm ra đi tìm công lý. Ta thấy rằng, các nhân vật trong truyện của Hoàng Thế Sinh tuy là những người “thấp cổ bé họng” trong xã hội nhưng họ lại có một phẩm chất đặc biệt, đó là không chịu thỏa hiệp, lùi bước trước những cái xấu, cái ác, cái bất công, ngang trái ở đời, và chiến đấu đến cùng để chống lại chúng. Phẩm chất này ít gặp hay có thể nói là không được thể hiện rõ nét trong văn xuôi viết về các vùng miền khác. Có nét đặc biệt này có lẽ là do điều kiện sống và hoàn cảnh lịch sử - xã hội ở miền núi. Nơi đâu mà cuộc sống càng khắc nghiệt, dữ dội, càng cơ cực, càng bị các thế lực đen tối đè nén, áp bức thì con người lại càng tôi luyện và bộc lộ mạnh mẽ sức sống của mình đúng với quy luật “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Chính vì vậy, mặc dù họ cô đơn, yếu thế, thậm chí thất bại, nhưng chưa bao giờ họ nản chí, đầu hàng trước khó khăn. Mà ngược lại, họ bất chấp tất cả để giành lấy hạnh phúc cho mình, giữ lấy phẩm giá của mình.

Mặc dù bị cuộc đời vùi dập, nhưng những con người bé nhỏ trong tác phẩm của Hoàng Thế Sinh vẫn quyết tâm bám trụ vào mảnh đất đời người để sống. Họ phải sống, hơn nữa họ tự nhủ phải sống cho đáng sống, sống tốt cho những người đã chà đạp, hãm hại họ thấy rằng tuy họ yếu thế nhưng nhất định sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước cái xấu, cái ác. Đó là tư thế của những con người như Bảo Châu (Xứ mưa), Đam (Rừng thiêng), người nông dân tên Sắc (Người nông dân nhỏ bé)…

Trong truyện Người nông dân nhỏ bé, anh nông dân bị đe doạ, đánh đập, nhốt giam, bị tịch thu đất đai, gia sản, đời sống khánh kiệt, vợ con cũng phải chịu vạ khốn khổ khốn nạn theo, nhưng anh vẫn quyết tâm không chùn bước.

Hơn trăm lần đi kiện, càng bị đánh đập, đe doạ anh càng đi kiện, quyết tâm đòi được công lý mới thôi. Hành động của anh khiến chúng ta khâm phục, nó không chỉ thể hiện nỗi bất bình lên đến tột cùng mà còn một ý nghĩa sâu xa hơn, anh đấu tranh với một tư thế làm người, một người ngay thẳng, không chịu khuất phục trước cường quyền.

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 33 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)