Miêu tả nhân vật qua ngoại hình

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 65 - 68)

Chương 3. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG VĂN XUÔI HOÀNG THẾ SINH

3.1. Xây dựng nhân vật

3.1.1. Miêu tả nhân vật qua ngoại hình

Ngoại hình là một trong những phương diện cơ bản để khắc họa nhân vật.

Qua việc miêu tả nhân vật, nhà văn có thể khơi gợi cho người đọc những liên tưởng chính xác về một con người, tồn tại giữa cuộc đời. Đối với người viết, việc miêu tả ngoại hình nhân vật không chỉ đơn thuần là vẽ lên trước mắt người đọc một con người xơ cứng, đơn giản mà dựng lên chân dung một con người chân thực, sinh động, hấp dẫn, đồng thời nhân vật đó cũng phải thể hiện được quan niệm nghệ thuật của tác giả.

Đây có thể nói là một biện pháp nghệ thuật được các nhà văn viết về miền núi sử dụng khá nhiều nhằm làm nổi bật tính cách nhân vật trong tác phẩm của mình. Ma Văn Kháng là nhà văn bậc thầy trong miêu tả ngoại hình nhân vật, thường chỉ bằng vài nét phác họa ông đã để lại những chân dung sắc sảo, ấn tượng, độc đáo như nhân vật Kun trong truyện ngắn Vệ sĩ của quan châu, Seo Ly trong Seo Ly, Kẻ khuấy động tình trường... Đoàn Hữu Nam cũng là cây bút rất chú ý tới việc miêu tả ngoại hình nhân vật. Các nhân vật của ông phần lớn đều để lại ấn tượng trong lòng người đọc, chẳng hạn Lù Tà một đứa trẻ khác thường, dị dạng về ngoại hình như Lù Tà ( Trên đỉnh đèo giông bão); cũng có thể là những cô bé ngây thơ, trong sáng...

Cao Duy Sơn cũng sở trường trong khắc họa diện mạo, tính cách nhân vật.

Nhân vật Dình (Hoa bay cuối trời) được ông khắc họa với hai đặc điểm nổi bật về ngoại hình là đôi mắt và nụ cười. Qua hai chi tiết ấy tác giả đã lột tả thành công tâm hồn, các cung bậc tình cảm khác nhau của nhân vật.

Hlinh Niê cũng quan tâm tới việc miêu tả nhân vật từ những biểu hiện ngoại hình. Vẻ đẹp của người con gái Ê Đê được miêu tả từ góc độ của một vẻ đẹp phồn thực qua nhân vật H’Ny (Thung lũng Yang Hruê) là một ví dụ trong số các chân dung nhân vật của bà.

Khi xây dựng nhân vật, Hoàng Thế Sinh đã khắc họa chân dung, ngoại hình. Bởi lẽ, ngay từ diện mạo, nhân vật đã phần nào gây được sự chú ý, ám ảnh trong lòng người đọc. Trong sáng tác của ông, các nhân vật được miêu tả chi tiết, cụ thể về ngoại hình thường là các nhân vật nữ. Mỗi nhân vật được khắc họa với một vẻ đẹp khác nhau nhưng vẫn mang đậm đặc trưng của người phụ nữ vùng cao. Và vẻ đẹp của họ đều được miêu tả qua lời nhận xét của nhân vật khác, rất khách quan. Thông qua việc miêu tả ngoại hình nhân vật, tác giả phần nào cho ta thấy được tính cách và cuộc đời của nhân vật sẽ ra sao.

Mỷ Châu (Thuốc phiện và lửa) được tác giả miêu tả “xinh đẹp như tiên nữ trong cổ tích. Mỷ Châu cao dỏng. Nước da nâu. Gương mặt trái xoan tươi sáng.

Mũi thẳng. Môi trái đào hơi dày và ướt. Mắt đen thẳm, hút hồn. Ngực chúm trái mác coọc” [46, tr 60].

Vẻ đẹp của nhân vật được miêu tả một cách tinh tế qua trang phục cổ truyền của người dân tộc Mông. Trang phục của nhân vật thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ đồng thời tôn lên nét đẹp, sự quyến rũ cho người sử dụng nó. Mỷ Châu xinh đẹp bởi sự kín đáo và ý tứ từ bàn tay khéo léo quấn chiếc lăng (thắt lưng) quanh eo, quấn khử lau (xà cạp quấn chân) nuột nà theo bắp chân tròn, và thả dài tấm xế (vải che trước váy).

Khi miêu tả vẻ đẹp của các nhân vật nữ, nhà văn đã sử dụng bút pháp ước lệ, tượng trưng của truyện cổ dân gian và của văn học trung đại Việt Nam để phác họa nên chân dung nhân vật đầy sức cuốn hút. Mỷ Châu hiển hiện một vẻ đẹp rất riêng nơi núi rừng hoang dã. “Cô bước đi uyển chuyển mềm mại như ngọn gió thổi qua rừng cây trúc. Giọng nói của cô trong như tiếng suối Mây chảy mùa thu. Người trong bản còn bảo, cô đẹp đến nỗi khi lên nương thì cây cỏ ngả xuống nâng bước chân. Cô ra vườn thì bướm bay theo từng đàn. Cô lội xuống suối thì cá bơi lượn quanh chân. Cô vào rừng thì hoa rừng nở thơm ngát và chim sơn ca thi nhau hót cho cô nghe” [46, tr 90].

Ngay cả người bạn thân của cô là Lia cũng phải thốt lên rằng cô xinh đẹp nhất vùng rừng núi này, nhưng cũng chính người bạn thân này lại lo sợ cho sự xinh đẹp ấy: “Lại đau khổ thôi! Biết ngày nào nó thành con mồi cho Ma Rừng?

Kinh sợ cho sự xinh đẹp của con gái Mông” [46, tr 25].

Sim (Rừng thiêng) cũng được miêu tả bằng bút pháp nghệ thuật này. “Sim mặc chiếc váy đen, áo xanh cổ tròn để lộ hai cái vú đội lên nhu nhú như hai cái măng vầu, cổ cao ba ngấn trắng ngần, cái mũi thẳng, đôi mắt đen thẳm vẻ buồn, miệng tươi như hoa đào, mái tóc đen mượt chảy dài qua eo như dòng suối chảy qua thác” [44, tr 454]. Đến mụ Tèn là phụ nữ còn phải “mềm lòng, run rẩy trước sắc đẹp của Sim” huống hồ là bọn đàn ông con trai. Nhưng cũng chính mụ Tèn lại là người linh cảm vẻ đẹp ấy cứ như một điều gì đó chẳng lành vì “Sim xinh đẹp thế nhưng đôi mắt nom cứ buồn buồn thế nào ấy”.

Hai cô gái đẹp như hai bông hoa rừng này dường như rất ứng với câu “hồng nhan đa truân”, tình yêu – cuộc sống của họ gặp phải bao gian nan, trắc trở vốn đã được dự báo từ trước qua những nét chân dung được miêu tả.

Với các nhân vật nam chính diện, Cao Duy Sơn ít miêu tả ngoại hình. Thầy Hạc (Ngôi nhà xưa bên suối), Bường (Mùa én gọi bầy) đều không được khắc họa về ngoại hình. Hoàng Thế Sinh cũng vậy. Ví dụ như Đam (Rừng thiêng) chỉ được miêu tả qua một câu ngắn gọn trong cuộc nói chuyện của mụ Tèn với Sim:

“Hơi nhiều tuổi một tí, nhưng rất đàn ông, đàn ông từng trải mới hay. Mà cậu ta cũng đẹp trai ra phết, nhỉ?” [44, tr 487].

Khi miêu tả nhân vật, các tác giả viết về miền núi thường dùng thủ pháp so sánh, tương phản theo lối “vật hóa” để khắc họa các nhân vật phản diện, nhằm hạ thấp đối tượng, biến họ trở thành những con người tầm thường, dung tục, bản năng như loài cầm thú. Chẳng hạn như nhân vật Khàng (Dưới chân núi Nục Vèn – Cao Duy Sơn): “đứng như con gấu, mắt vằn đỏ như mắt con hổ đói hau háu nhìn vào cái gáy nõn chuối rừng...”

Đối với các nhân vật phản diện trong tác phẩm của mình, Hoàng Thế Sinh rất chú trọng khắc họa ngoại hình bằng những chi tiết nhỏ nhưng đắt giá để từ đó phản ánh bản chất xấu xa, không lương thiện của chúng. Đó là nhân vật Liêng (Rừng thiêng), ngay từ những miêu tả ban đầu đã để lại ấn tượng không đẹp với người đọc. Anh ta “chẳng đi bộ đội ngày nào thế mà lúc nào cũng mặc quần áo Tô Châu bộ đội, đội mũ cối bộ đội, đi dép rọ Trung Quốc, đã khoác khẩu súng CKC lại còn cầm theo khẩu súng kíp nữa... Cái mặt lúc nào cũng vênh lên”. Cái bản chất con người sống không ngay thẳng, xảo trá được khắc họa qua một chi tiết nhỏ, đó là đôi mắt của hắn “mắt cứ cùm cụp như giấu giếm điều gì, vẻ rất gian xảo” [44, tr 658].

Nhân vật Tam (Thuốc phiện và lửa) cũng vậy. “Mắt nhiều lòng trắng lừ đừ như chuột phải khói nhưng thỉnh thoảng lại nháng lên ánh bạc lạnh toát. Thỉnh thoảng, tự nhiên Tam ngửa mặt, nhìn ra ngoài trời, nhe răng cười, cười không thành tiếng, hai cánh mũi phập phồng như đang ngửi thấy cái mùi gì lạ lạ hay hay” [46, tr 702]. Tất cả những chi tiết ấy góp phần tô đậm thêm cái bản chất tham lam, lọc lõi, dạn dày kinh nghiệm buôn thuốc phiện của Tam.

Có thể khẳng định miêu tả ngoại hình với một vẻ riêng độc đáo, đầy sức hấp dẫn là một thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu trong xây dựng nhân vật của văn xuôi Hoàng Thế Sinh.

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)