Quy luật nhân quả

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 58 - 64)

Chương 2. CON NGƯỜI VÀ HIỆN THỰC MIỀN NÚI TRONG VĂN XUÔI HOÀNG THẾ SINH

2.3. Mối quan hệ con người - tự nhiên

2.3.3. Quy luật nhân quả

Như trên đã nói, con người và thiên nhiên hòa trộn vào nhau khó có thể tách rời. Bên cạnh mối quan hệ khăng khít đó, giữa hai thực thể còn tồn tại một mối quan hệ đã có từ xa xưa trong lịch sử của loài người, đó là mối quan hệ nhân quả.

Thực tế cuộc sống cho thấy rằng nếu như con người chúng ta biết cách tác động đến tự nhiên theo đúng quy luật của chúng sẽ làm cho chúng ngày càng phong phú, đa dạng hơn, và cũng chính con người được hưởng lợi từ đó nhiều hơn. Nhưng ngược lại, nếu con người tác động tới thiên nhiên không theo quy luật mà làm mất đi sự cân bằng vốn có thì thảm họa mà con người sẽ phải gánh chịu đó là trở thành kẻ thù của thiên nhiên.

Hiện nay, tình trạng con người không tôn trọng các quy luật của tự nhiên khiến cho hệ sinh thái bị mất cân bằng nghiêm trọng, và con người đang đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn do chính hành động của mình gây ra. Vì vậy, qua các sáng tác của mình, nhà văn Hoàng Thế Sinh như muốn kêu gọi mọi người không nên sử dụng, chinh phục, cải tạo thiên nhiên theo chiều hướng phục vụ lợi ích trước mắt của mình mà cần phải nhìn vào tương lai, cần phải sống nương theo nó, tôn trọng nó, phải tạo ra mối quan hệ cân bằng hai chiều giữa con người với tự nhiên nếu không con người sẽ phải trả giá do việc làm của chính bản thân.

Trong văn xuôi miền núi đương đại, có rất ít nhà văn viết về quy luật nhân quả của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Các nhà văn đề cập đến quy luật này chỉ có thể kể đến Nguyễn Huy Thiệp, La Quán Miên, Hà Thị Cẩm Anh... Và Hoàng Thế Sinh cũng là một trong số ít ỏi.

Mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được thể hiện qua hai mặt rất rõ ràng của quy luật nhân quả, đó là: báo oán và báo ân.

Ở phương diện thứ nhất – báo oán, có thể dễ dàng nhận thấy có xuất hiện môtip sự báo thù của tự nhiên. Đó là khi con người không tôn trọng, tàn phá, xâm hại tự nhiên để phục vụ cho mục đích cá nhân.

Các nhà văn khi viết về vấn đề này thường xây dựng những nhân vật coi việc phá rừng lấy gỗ, săn bắt động vật hoang dã như là một công việc có nhiều lợi nhuận, và họ đã bị các loài động vật trong giới tự nhiên trả thù. Mức độ trả thù khác nhau, có người bị mất mạng hoặc mang thương tật đến suốt đời, có người chỉ dừng lại ở mức bị hù doạ về tinh thần. Đặc biệt trong hầu hết các tác phẩm viết về sự quả báo, các nhà văn thường lồng vào đó sắc thái huyền bí của thiên nhiên như một thế giới siêu hình mà con người không nắm bắt được.

Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện rất đậm nét quan niệm nhân quả trong các sáng tác viết về miền núi của ông. Truyện ngắn Muối của rừng kể về nhân vật Diểu được con trai tặng cho khẩu súng mới hai nòng đã vào rừng để tìm bắn khỉ.

Trong quá trình truy đuổi gia đình nhà khỉ, ông Diểu đã gặp rất nhiều điều không may mắn vừa ngẫu nhiên vừa có tính chất ma quái khiến ông mất sạch cả quần áo, súng ống. Và cuối cùng ông thất bại, không săn được con khỉ nào đem về, trần truồng lén lút một mình tìm đường về nhà dưới trời mưa. Ở các truyện Con thú lớn nhất Sói trả thù trong Những ngọn gió Hua Tát những kẻ đi săn không biết điểm dừng đã phải trả giá bằng mạng sống của người thân và chính mình một cách bi thảm.

Sau Nguyễn Huy Thiệp, La Quán Miên cũng viết về vấn đề nhân quả trong các truyện ngắn của mình. Trong Hổ báo thù, lão Xía Ki bắt hổ con và rình bắn hổ mẹ, bị oai hổ nạt chết, chết rồi hổ còn bới mộ moi xác... Còn trong tác phẩm Người bắn khỉ, người đàn ông đang nhằm bắn con khỉ đột nhiên bị vấp ngã gẫy nỏ, què chân...

Hoàng Thế Sinh là tác giả hiếm hoi xuất hiện trong văn xuôi miền núi những năm gần đây như một sự nối tiếp các nhà văn trước đó, tác phẩm của ông chứa đựng ngọn lửa của nhiệt huyết đấu tranh cho tư tưởng sống hòa hợp với thiên nhiên. Trong các sáng tác của ông, những kẻ phá hoại, ăn rừng là bọn lâm tặc, là chính quyền địa phương với những quan điểm, chủ trương sai trái, là lũ quan tham từ xã đến huyện, tỉnh cấu kết với bọn buôn lậu để khai thác gỗ quý làm lợi cho cá nhân.

Và rồi tất cả đã bị quả báo. Trước hết là với cuộc sống của người dân, họ phải đối mặt với cơn lũ đá dữ dội suốt cả chục ngày không ngớt (Rừng thiêng).

“Mưa càng ngày càng to, gió thổi ù ù qua các thung lũng như thổi vào hang đá, nghe rợn người... Gió và sấm chớp tung ra mù trời, vò xé, vặn gãy, quật đổ không biết bao nhiêu là cây rừng”[44, tr 689]. “Nước bị ứ dềnh mãi lên, làm ngập hết cả lối đi, ngập hết cả những cánh đồng, những ngôi nhà ven suối” [44, tr 690]. Đó là cơn bão Ricrac đã gây nhiều thiệt hại cho bản làng khắp vùng Tây Bắc, trong đó có bản Xu Phin (Thuốc phiện và lửa).

“Cơn bão chim đầu mùa hạ như một sự cảnh báo về tính đỏng đảnh, vô định và cực kì nguy hiểm của thời tiết” (Thuốc phiện và lửa). “Lúc đầu dân bản tưởng mưa bão, mưa đá, vội chạy tụt vào trong nhà. Mãi bình tĩnh nhìn ra, mọi người hốt hoảng vì không thấy đá mà thấy toàn chim là chim” [46, tr 602]. Bão chim đã giết chết bao nhiêu loài chim quý. Chuyện kì lạ khủng khiếp này chưa từng thấy ở vùng núi Xu Phin, núi Lũng Cung, núi Pú Song Sung. Sự việc khiến cho mọi người lo sợ và phần nào nhận ra rằng “đến lúc trời trừng phạt con người”, “trời đất đổi tính nết rồi” [44, tr 650].

Còn đối với bọn cướp rừng thì hiện tượng quả báo xảy ra rất đúng quy luật.

Trong truyện ngắn Luật của rừng, Lường “lợn lòi” phá rừng lấy gỗ bị ông Đức bắt quả tang. Hắn đã thuê người đốt nhà ông Đức, đánh trộm ông để dằn mặt, đe dọa và làm hại đời con gái của ông. Nhưng cuối cùng hắn đã bị quả báo khi đi rừng gặp gấu và bị gấu cào xé trọng thương.

Trong truyện ngắn Chuyện quanh núi Chúa, tên Sàm – một trùm buôn gỗ lậu với gần mười năm kinh nghiệm, nổi tiếng trong giới đầu nậu gỗ cũng đã bị thần cây chò hiện hình cảnh cáo. Ban đầu là đàn ong đất dày đặc nối nhau cuộn thành dòng như dòng thác đen, lao theo bọn người dám chặt cây thần trong khu rừng Cậu Cóc linh thiêng. Sau đàn ong thì lũ rắn mào đỏ của thần núi Chúa linh thiêng đã kết liễu đời tên Sàm và làm cho ông chủ tịch Dã Miêu tàn phế suốt đời. Qua chi tiết đó nhà văn một lần nữa khẳng định chắc chắn rằng: “Chỉ có cái ác mới sắp đặt cho số phận của kẻ ác như vậy thôi... Bọn ăn rừng vừa mới siết những răng cưa sắc nhọn vào thân cây cổ thụ, mới cưa ngã một cây, liền bị trừng phạt” [45, tr 438].

Phương diện thứ hai của quy luật nhân quả trong mối quan hệ giữa con người - tự nhiên là báo ân. Đó là những con người sống nhân hậu, tôn trọng tự nhiên sẽ luôn được bình an. Hoàng Thế Sinh cũng viết về vấn đề này một cách rõ nét.

Trong tiểu thuyết Thuốc phiện và lửa, một lần đi gặt trên nương, Mỷ Châu đã cứu một con khỉ đen bị trọng thương đang chạy trốn. Sau khi lành vết thương mẹ con nhà khỉ đã quay trở lại với rừng. Mỷ Châu cứ tưởng sẽ không bao giờ gặp lại chúng nữa. Bất ngờ nhất là vào đúng lúc cô gặp nạn thì chúng đã xuất hiện để giúp cô. Bị tên Sung bắt cóc lần thứ hai để ép cô làm vợ hắn, đã ba ngày Mỷ Châu không ăn uống gì và chưa tìm được cách để trốn ra thì bất chợt nghe thấy tiếng hú của con khỉ đen. Biết cánh cửa bị khóa khỉ đen đã phát hiện ra một kẽ hở to bên khung cửa, nó luồn ngay những ngón tay dài vào kẽ hở và nhấc tung cánh cửa. “Mỷ Châu nhào ra. Cô ngã dụi. Khỉ Đen túm áo cô, lắc lắc. Cô hiểu Khỉ Đen muốn dìu cô nên cố hết sức bám tay vào vai Khỉ Đen, thập thõm bước ra khỏi khoảng sân hẹp, rồi lẩn lên rừng” [46, tr 265].

Còn với Đam (Rừng thiêng), việc con hổ thọt bất ngờ cứu thằng Thương con trai anh trong cơn lũ cũng như một sự đền đáp việc Đam đã ngăn thằng Liêng không giết hổ năm xưa. Sự việc này như “một sự kì bí của ứng xử giữa

con người với muôn vật trong môi trường sống” [44, 856]. Đây không phải là chuyện thần thoại, và con người đến lúc này không thể không tin rằng núi rừng cũng có luật của núi rừng, không thể không tin núi rừng linh thiêng và cầm thú không phải là vô tri như nhiều người vẫn quan niệm. Thế mà con người lại đang phá hoại rừng, bội bạc với rừng, con người thật đáng xấu hổ khi giết cả muông thú để ăn thịt.

Không riêng Hoàng Thế Sinh, hiện tượng báo ân của tự nhiên đối với con người cũng được các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, La Quán Miên và Hà Thị Cẩm Anh đề cập, miêu tả khá rõ nét trong tác phẩm của mình. Đặc biệt là Hà Thị Cẩm Anh, với lối kết thúc có hậu quen thuộc, phương diện báo ân trong mối quan hệ nhân quả thường xuất hiện ở phần cuối truyện.

Ở tác phẩm Như gốc gội xù xì, cây gội già nua dị dạng hiện thân như một nhân vật độc đáo vỗ về, an ủi cô gái tật nguyền, và cô đã lặng lẽ yêu thương chăm sóc rừng, lặng lẽ một mình chống lại bọn lâm tặc. Và kết thúc câu chuyện thì nhân vật nữ có lòng yêu thương gắn bó với rừng này đã có được hạnh phúc của mình khi được một anh kĩ sư tốt bụng đem lòng yêu thương.

Có thể nói, tất cả các hiện tượng báo ân báo oán được tác giả miêu tả đều xuất phát từ những quy luật sẵn có của tự nhiên, những quy luật này tồn tại độc lập với những luật lệ được đặt ra bởi xã hội con người. Chính vì vậy, qua các trang viết, nhà văn Hoàng Thế Sinh muốn kêu gọi con người đừng nên áp đặt và cải tạo tự nhiên theo ý muốn chủ quan của mình mà ngược lại, con người nên sống hài hòa và tuân theo các quy luật của tự nhiên.

Qua sáng tác của Hoàng Thế Sinh ta thấy nhà văn đã tập trung khắc họa bức tranh hiện thực sinh động về thiên nhiên vùng núi cao Yên Bái, cùng với đó là cuộc sống nghèo đói, bất công mà con người nơi đây phải gánh chịu. Tuy nhiên, những con người ấy không hề yếu đuối, họ mạnh mẽ và quyết liệt giành lấy quyền tự quyết cho cuộc đời của chính mình. Bên cạnh đó là một mảnh đất

Yên Bái với các giá trị tự nhiên và tinh thần phong phú đang dần từng bước đi lên theo nhịp phát triển chung của đất nước.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 58 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)