Ý thức cá nhân và số phận con người

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 41 - 49)

Chương 2. CON NGƯỜI VÀ HIỆN THỰC MIỀN NÚI TRONG VĂN XUÔI HOÀNG THẾ SINH

2.2. Ý thức cá nhân và số phận con người

Trong sự vận động của nền văn học nước nhà, con người trước hết được đề cập ở phương diện cái tôi sau đó đến cái ta, và lại từ cái ta trở về với cái tôi. Giai đoạn 1930 – 1945, trong chế độ thuộc địa với sự ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây, cái tôi được đề cao với con người cá nhân đòi quyền sống, quyền tự do. Nhưng đến những năm 1945 – 1975 thì cái tôi lại rơi vào quên lãng để nhường chỗ cho sự phát triển của dòng văn học cách mạng. Trong hoàn cảnh đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, văn học lúc này tồn tại gắn liền với cái ta chung của cộng đồng, ý thức cá nhân bị xếp ở phía sau. Văn xuôi miền núi cũng mang những đặc điểm chung ấy.

Trước Cách mạng tháng Tám, con người cá nhân đã từng xuất hiện trong các tác phẩm viết về miền núi của Lan Khai, Thế Lữ… với nội dung chính là sự đấu tranh để giữ trọn tình yêu. Sau 1975, bước vào thời kì chiến tranh máu lửa, mất mát, gian khổ, con người chủ yếu được nhìn nhận ở phương diện xã hội - lịch sử. Đó là những con người gắn bó với cộng đồng, hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng. Tác phẩm viết về dân tộc và miền núi của Nguyên Ngọc và nhiều nhà văn khác với hình tượng nhân vật mang tính sử thi đã cho thấy rõ điều đó.

Sang đầu thập kỉ 80, ý thức cá nhân được thức tỉnh trở lại mạnh mẽ và đa dạng hơn bao giờ hết, cùng với đó là tinh thần dân chủ và cảm hứng nhân bản.

Hàng loạt tác phẩm ra đời đã lên tiếng khẳng định quyền sống, quyền tự do và hạnh phúc cá nhân, tôn trọng cá tính, khát vọng riêng tư và nhu cầu chính đáng của cá nhân, đề cao tính người trong con người. Có thể kể tên các tác giả tiêu biểu của văn xuôi miền núi viết về ý thức cá nhân như Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp…và gần đây có Cao Duy Sơn, Bùi Thị Như Lan, Hà Lý… Tập truyện Tiếng chim kỷ giàng của Bùi Thị Như Lan đã khắc hoạ những mảnh đời phụ nữ bị trói buộc bởi lương tâm và trách nhiệm, họ thiệt thòi về mọi mặt và luôn phải chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng của mình vì người khác nhưng trong bề sâu tâm hồn họ luôn bùng cháy mãnh liệt những khao khát hạnh phúc đời thường.

Tác phẩm của Hoàng Thế Sinh cũng không nằm ngoài quy luật vận động của nền văn học nước nhà khi miêu tả con người cá nhân. Ngoài những vấn đề mang tính xã hội, tác phẩm của ông còn đi vào một khía cạnh khác, đó là cuộc sống đời tư của con người. Việc khai thác vấn đề số phận cá nhân đã làm giàu thêm chất văn xuôi, chất tiểu thuyết cho các sáng tác và nêu cao tinh thần nhân văn, nhân đạo. Đây cũng là xu thế chung của văn học thời kì đổi mới.

Chủ nghĩa nhân văn là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp, là

“lòng yêu thương, ưu ái đối với con người và thân phận của nó” [16]. Nhân văn có thể hiểu là sự đề cao con người, lấy số phận cá nhân làm trung tâm miêu tả.

Nội dung nhân văn trong sáng tác của Hoàng Thế Sinh được thể hiện ở khía cạnh đề cao ý thức cá nhân và quan tâm đến số phận cá nhân với quyền làm người, quyền được tự do, hạnh phúc.

Đề cao ý thức cá nhân, sáng tác của Hoàng Thế Sinh thắp lên ngọn lửa của khát vọng được tự chủ về tình yêu và hôn nhân, được làm chủ chính cuộc sống của mình. Nhà văn đã để cho nhân vật của mình tự đi tìm hạnh phúc bằng những

hành động mạnh mẽ, quyết liệt, dù vấp phải khó khăn nhưng họ vẫn kiên trì thực hiện cho bằng được.

Và ta nhận thấy, các nhân vật được Hoàng Thế Sinh miêu tả ở phương diện này đều là các nhân vật nữ. Kiểu nhân vật này đã có từ văn học trung đại với cô Kiều trong Truyện Kiều, người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc... Đến văn học hiện đại thì có các tác giả như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng... Hoàng Thế Sinh cũng tiếp nối viết về số phận những người phụ nữ nhưng với một hơi thở và sức sống mới. Đó là những người phụ nữ vùng cao trong thời kì đổi mới đang dần có ý thức về thân phận của mình.

Noọng Sim (Rừng thiêng) là con gái của một thầy lang chữa bệnh giỏi và có uy tín đối với dân bản. Cũng giống như cha mình, Sim không mấy tin vào những chuyện ma quỷ. Vậy nên khi bị Liêng “rắn” tung tin đồn cô chính là ma- cà-rồng cô cũng không mấy để ý. Sim thích Đam từ ngày Đam đi bộ đội. Ở nhà, Liêng cũng rất thích Sim, muốn lấy Sim làm vợ. Bỏ mặc nỗi sợ từ những lời đồn đại rằng Đam là con của khỉ vàng núi Đán Khao, vượt qua những lời dọa dẫm, những trò ma mãnh, những mưu mô, quỷ kế của Liêng, cuối cùng Đam và Sim đã được sống hạnh phúc bên nhau.

Nhuần trong truyện ngắn Hoa cỏ may cũng vậy. Nhuần có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn, bố theo người đàn bà khác, mẹ thì đi bước nữa, Nhuần ở với dì Thắm. Dì của Nhuần “không chồng, càng già càng khó tính, ích kỉ, cũng không muốn Nhuần có chồng” [45, tr 16]. Vì thế nên đã có mấy đám đến hỏi, dù Nhuần cũng ưa họ nhưng dì Thắm lại từ chối. Đã có lần Nhuần định liều bỏ đi nhưng vì thương dì già yếu nên không đành lòng. Từ lần gặp lại Đam ở bến đò, hai người đã nảy sinh tình cảm với nhau. Họ đã cùng nhau mơ ước về một gia đình hạnh phúc trong tương lai. Nhưng rồi chuyện đến tai dì Thắm, dì nói rằng Đam bị ma làm cho nên gần bốn mươi tuổi vẫn không lấy được vợ. Rồi dì cấm không cho Nhuần đi chợ nữa. Tuy nhiên, tình yêu và nỗi nhớ của Nhuần hướng đến Đam luôn thường trực trong tâm trí cô. Không cưỡng nổi lòng mình được

nữa, vào một buổi chiều bên triền sông tím ngát hoa cỏ may, Nhuần đã trốn dì để đến với Đam.

Khát vọng tình yêu, khát vọng được tự do lựa chọn người mình yêu, tự quyết định hạnh phúc của mình trong các sáng tác của Hoàng Thế Sinh là hoàn toàn chính đáng. Họ hành động theo những gì mà con tim họ mách bảo. Họ đấu tranh với những thị phi, đơm đặt về người mình yêu, sự cấm đoán từ phía gia đình để hi vọng vào tương lai mà chính mình đã lựa chọn.

So với Noọng Sim và Nhuần, ý thức cá nhân, khát vọng về tình yêu và hôn nhân tự do được miêu tả mạnh mẽ, quyết liệt và táo bạo hơn cả qua nhân vật Mỷ Châu (Thuốc phiện và lửa).

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang học dở trung cấp nông lâm nghiệp tỉnh, Mỷ Châu phải bỏ học giữa chừng do cha cô nghiện thuốc phiện nặng đã nhận lời gả bán cô theo phong tục của người Mông. Số tiền ấy đã tiêu hết và gia đình cô không có khả năng trả nợ cho người ta. Mỷ Châu rất khổ tâm, “Sao cái lý của người Mông tệ thế, khổ thế, bắt con gái phải lấy người mình không yêu, lấy người không yêu thì thà không lấy chồng còn hơn, không lấy chồng cứ đứng một mình như cây vầu, đã làm sao” [46, tr 97].

Người phụ nữ vùng cao bị trói buộc bởi thần quyền, bởi những tập tục cố hữu đã ăn sâu trong tâm hồn họ. Và từ đó, nếp sống cam chịu, nhẫn nhục từ bao đời như trở thành một nét chân dung của người phụ nữ vùng cao. Nó tạo ra tâm lý tự ti, tự trói buộc chính người phụ nữ dù cho thời đại đã đổi thay.

Lia bạn của Mỷ Châu là mẫu người phụ nữ như vậy. Dù đang học dở lớp bảy nhưng cô phải nghỉ học để ở nhà lấy chồng theo ý của cha mẹ với suy nghĩ

“con chim có tổ, rồi cũng tìm được hạnh phúc cho mình thôi” [46, tr 18].

Khác với Lia Mỷ Châu không cam chịu. Đã có lúc cô oán trách cha mẹ rồi yếu đuối cho rằng cái “chử nhềnh kềnh” (số phận) của cô nó phải như thế.

Nhưng rồi khát vọng về một cuộc sống mới đã thôi thúc cô không được nản chí.

Trong các sáng tác của mình, Hoàng Thế Sinh nghiêng về việc để cho các nhân vật phát ngôn và hành động hơn là suy nghĩ. Chính vì vậy, Mỷ Châu không ngần ngại nói ra cái khát khao có được tình yêu, hạnh phúc và cô đã sẵn sàng đối mặt với bao khó khăn bằng những việc làm cụ thể của mình khiến cho mọi người xung quanh hiểu và làm theo. Cô không chống lại phong tục lâu đời của dân tộc, mà cô chỉ góp phần đẩy lùi những cái xấu, những cái lạc hậu không còn phù hợp với thời đại mới.

Hành động đầu tiên của cô bị gia đình và rất nhiều dân bản cho là trái với cái lí của người Mông đó là nhận A Riêng làm con nuôi khi chưa có chồng.

Hành động thứ hai là dù đã bị gả bán nhưng cô luôn nghĩ rằng sẽ cố gắng làm rẫy, chăn dê chăn lợn để lấy tiền trả cho người ta. Động lực thôi thúc cô chính là tình yêu mà cô dành cho Nủ Phy. Tuy nhiên tình yêu đẹp này không được kết thúc có hậu.

Cũng như bao phụ nữ Mông khác, cuộc đời Mỷ Châu thật bất hạnh. Nhưng cuối cùng, hạnh phúc đã mỉm cười với cô, cô đang từng bước thoát ra khỏi tục lệ khắc nghiệt bao đời ràng buộc con gái Mông, cô khao khát một tình yêu tự do, trong trắng, và giờ đây cái tổ ấm hạnh phúc muộn màng ấy đang đến gần. Ý thức cá nhân về hạnh phúc của Mỷ Châu ngày càng mạnh mẽ, dù sao cô cũng cần một gia đình ấm áp nhưng quan trọng hơn cả là cô muốn “phải tự quyết định lấy tương lai hạnh phúc của mình” [46, tr 473]

Có thể thấy, tác giả miêu tả rất tỉ mỉ, kĩ lưỡng từng diễn biến nhỏ trong tâm lý nhân vật. Điều này chứng tỏ sự thấu hiểu, sự cảm thông của tác giả đối với những số phận phụ nữ bất hạnh. Đồng thời qua đó là những trăn trở, những thông điệp về tình yêu của chính tác giả muốn chuyển đến người đọc.

Bên cạnh việc đề cao sự thức tỉnh ý thức cá nhân, sáng tác của Hoàng Thế Sinh còn thắp lên ngọn lửa sống mãnh liệt của những số phận cá nhân nhỏ bé bị rẻ rúng đến thảm hại. Họ khát khao tìm lại quyền làm người, quyền tự do và hạnh phúc. Tư tưởng này được thể hiện rõ nét nhất qua tiểu thuyết Bụi hồ. “Từ

câu chuyện tình trên đảo hoang với sự gắn kết của hai mảnh đời xiêu bạt, dập vỡ do bị cuộc đời bất công nghiệt ngã xô đẩy, làm cháy lên mãnh liệt khát vọng tìm lại quyền làm người, quyền tự do và hạnh phúc” (Bụi hồ) [44, tr 148].

Đây là tác phẩm đi sâu vào thế giới tâm hồn nhân vật, tạo cho người đọc những khoảng yên lặng để suy nghĩ và đồng cảm. Trong Bụi hồ, Hoàng là người liều lĩnh, hay nghi ngờ nhưng cũng lại là người rất ham sống, ham yêu, đặc biệt là lòng tự trọng rất cao. Anh luôn trăn trở làm sao để có được một đời sống thân thiện với đồng loại. Cả tác phẩm là một quá trình săn đuổi, một phía truy đuổi – một bên trốn chạy, căng thẳng, đau đớn, khốn khổ, tủi nhục. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả là một ngọn lửa rực sáng về nhân cách.

Hoàng và Vân (Bụi hồ) là hai con người có số phận bất hạnh. Một người thì phải sống cuộc sống trốn chui trốn lủi, một người thì cô đơn yếu thế bị đuổi ra đảo hoang. Hai người gặp nhau, sẻ chia và cảm thông với nhau bằng tình yêu, tình người. Tình yêu của Hoàng và Vân đã bao lần đứt nối: có đau đớn, có yêu thương, có cả những đắng cay, uất hận, tất cả cũng chỉ vì để giữ nhân cách, nhân phẩm. Hoàng đã khẳng định một cách chắc chắn rằng: “Nhưng ngày mai, bên cạnh tình yêu, anh còn có danh dự của một người đàn ông. Có thể chúng ta phải chịu nhiều đau đớn, tủi nhục nữa, nhưng chúng ta sẽ thức tỉnh được một điều gì đấy về lương tâm, giá trị con người. Còn sống trên đời này, anh không cho phép bất cứ ai sỉ nhục chúng ta” [44, tr 156]

Có thể nói, mâu thuẫn và xung đột của các nhân vật ở đây chủ yếu là sự xung đột giữa các nhân cách, giữa cái cao cả và cái thấp hèn. Và bao trùm lên toàn bộ số phận các nhân vật trong tác phẩm là cảm hứng hướng thiện.

“Sống như thế nào?” là câu hỏi muôn thuở, day dứt không nguôi của Hoàng. Những tưởng cuộc đời Hoàng khi đã trốn vào động Thủy Tiên, trên các hoang đảo “như chiếc lá quăng vào gió bụi, đâu ngờ lại được xới lên, bắt phải đổi khác” [44, tr 160]. Hoàng day dứt, trăn trở, đớn đau và mâu thuẫn trong chính suy nghĩ của mình vì chưa tìm ra được phương hướng cho bản thân.

“Cuộc đời là cái quái gì vậy mà xưa kia Hoàng được gọi bằng “đồng chí”, nay là tên tù, tên bụi hồ? Thật là một trời một vực khi con người đã bị đặt vào những khái niệm khác nhau. Đã là tên tù, tên bụi hồ, có nghĩa là mất quyền tự do, có nghĩa là ai cũng có quyền khinh bỉ và chà đạp. Nhân cách ư? Tự do ư? Tại sao con người ta lại không có nhân cách, mất tự do? Trời ơi! Hoàng kêu lên đau đớn” [44 ,tr 175]

Cùng viết về Yên Bái, nếu như Hoàng Hạc trong tác phẩm của mình đề cập đến việc đưa khoa học kĩ thuật vào đời sống đã tạo ra bước chuyển trong tư tưởng, tình cảm của đồng bào các dân tộc trong cuộc di dân khỏi lòng hồ Thác Bà để xây dựng cuộc sống mới thì ngược lại, Hoàng Thế Sinh đã tái hiện một cách chân thực thực trạng nghèo đói, túng quẫn của người nông dân và một bộ phận công chức Nhà nước, thân phận bọt bèo, vô nghĩa của người giáo viên cùng sự hoang mang, đổ vỡ niềm tin của giới trí thức.

Bảo Châu trong tiểu thuyết Xứ mưa của Hoàng Thế Sinh đã cống hiến tuổi trẻ của mình cho chiến trường đầy bom đạn ác liệt để cả dân tộc trong đó có gia đình anh được sống trong hòa bình, hạnh phúc, ấm no. May mắn trở về sau chiến tranh, trở thành một thầy giáo dạy văn, nhưng hiện thực cuộc sống không diễn ra theo như ước muốn của con người. Gia đình Bảo Châu vẫn gặp vô vàn khó khăn, tới mức khi hai vợ chồng đã được sum họp và được phân cho một ngôi nhà trong khu tập thể, Như đã dặn Bảo Châu rằng: “phải khai với tổ trưởng công đoàn là có nghiện thuốc lá, nghiện nặng” [44, tr 57]. Cô giải thích rằng những ai nghiện thì sẽ được phát bìa A, được mua mỗi tháng một tút thuốc lá, và nếu Bảo Châu không hút hết thì cô sẽ đem bán bớt để có thêm đồng mốt đồng hai.

Trong tác phẩm của mình, Hoàng Thế Sinh còn day dứt trước tình trạng giá trị con người bị rẻ rúng đến thảm hại trong thời bao cấp đói nghèo. Bảo Châu trong một giờ lên lớp khi liên hệ “Dáng đứng Việt Nam” với sự hi sinh của đồng đội đã bị Tam coi thường, xúc phạm rằng “bạn ông là cái đinh rỉ gì”. Không

những vậy, trong thời kì bao cấp phải xếp hàng mua thực phẩm, các giáo viên bình thường còn bị những tên vô học đi buôn cả chỗ đứng coi thường, bọn chúng tranh chỗ xếp hàng bằng những cục đất để bán lại cho người khác. Lương giáo viên không đủ để chi tiêu buộc họ phải tự vận động, xoay xở kiếm sống để rồi quên đi, thờ ơ với những chuyện đấu tranh cho sự công bằng. Vì cuộc sống mà họ phải nghiêng mình trước những phụ huynh học sinh có quyền, có tiền. Vì vậy mà lỡ có giáo viên cứng nhắc như Bảo Châu dám lập biên bản để con trai của một ông giám đốc (khai giảng năm học, hai mươi tháng mười một, tết Nguyên đán đều tặng hoa, tặng tiền cho nhà trường, dịp nghỉ hè lại cho trường mượn ô tô để đi nghỉ mát) bị hỏng thi tốt nghiệp đã làm cho cả trường phải bàn tán, người ủng hộ kẻ chê bai. Có thể nói đây là cái thời mà những người thầy người cô sống không ra sống, sống cầm hơi với đồng lương chết đói, ăn rau ăn cháo qua ngày. “Ông thầy nói toàn những lời hay lẽ phải, dạy toàn những điều cao sang, tất tật đều hướng về tương lai tươi sáng, trong khi cái dạ dày gào thét vì đói, vì thiếu chất! Ông thầy đĩnh đạc, đường hoàng, cao đạo là thế, vung tay lớn tiếng trên bục giảng trước ngàn người, mhưng cứ nem nép, nơm nớp, thấp thỏm khi đứng xếp hàng mua gạo hẩm, xếp hàng mua mắm tôm, xếp hàng mua mạt cưa, xếp hàng... xếp hàng... Cứ gọi là phờ người. Đúng là thời buổi lên ngôi của dạ dày, nên đứng trước các cô, các bác dù làm nhân viên bán hàng gạo, thực phẩm bách hóa, các thầy đều phải thưa bẩm ngọt ngào mới mong không về tay không” [44, tr 282]. Những con chữ “đinh rỉ - cục đất - con người” cứ lặp đi lặp lại như “những nhát búa đinh” bổ vào đầu nhân vật đã tạo nên một sự ám ảnh trong lòng người đọc về giá trị của một bộ phận trí thức lúc bấy giờ.

Tác giả còn đề cập đến cuộc đổi tiền năm 1985 làm cho bao con người

“chao đảo, kinh hoàng ngơ ngác”. Những người có nhiều tiền để dành thì lo lắng, phẫn uất; những người không có tiền để đổi thì phấp phỏng chờ đợi một cuộc đổi đời và một tương lai mới. Tuy nhiên, sau một thời gian, cuộc sống vẫn diễn ra như cũ, vẫn cứ nghèo nàn, khó nhọc thậm chí còn có phần bức bối hơn.

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 41 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)