Ngôn ngữ đậm chất kí

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 76 - 80)

Chương 3. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG VĂN XUÔI HOÀNG THẾ SINH

3.2.2. Ngôn ngữ đậm chất kí

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “kí là một loại hình văn học trung gian nằm giữa báo chí và văn học, gồm nhiều thể, chủ yếu là văn xuôi tự sự như bút kí, hồi kí, du kí, phóng sự, kí sự, nhật kí... Do tính chất trung gian mà có người liệt kí vào cận văn học” [16, tr 162].

Tác phẩm kí nghiêng về tính báo chí, tính chính luận, biểu thị sự quan tâm mang tính thời sự đến những tình trạng và xu hướng nhất định của sự phát triển xã hội. Bên cạnh đó là những tác phẩm đậm chất tư liệu, hướng vào việc tái hiện chính xác thực tại với những sự kiện có thực, thường kèm theo sự lý giải, đánh giá tùy theo sự nhạy cảm và cách hiểu của tác giả. Dạng thức lấy sự phản ánh chân thực sự kiện, đối tượng đậm đặc chất tư liệu được xem như một thể loại chính luận của báo chí.

Ban đầu gắn bó với nghề dạy học nhưng Hoàng Thế Sinh chuyển sang làm nghề báo từ năm 1992 và ông nguyên là Phó Tổng biên tập báo Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Có lẽ vì vậy mà trong các sáng tác của ông luôn có sự đan xen, hòa trộn giữa kí và truyện (tiểu thuyết và truyện ngắn).

Truyện ngắn và tiểu thuyết Hoàng Thế Sinh có ảnh hưởng từ thể kí ở hai đặc điểm. Một là, kí viết về đời sống thực tại, người thật việc thật, đòi hỏi sự trung thực, chính xác. Người viết kí thường quan tâm, tôn trọng những sự kiện xã hội – lịch sử, vấn đề nóng bỏng đang đặt ra trong đời sống. Kí coi trọng việc thuật lại có ngọn ngành thời gian, địa điểm, hành động và không bao giờ quên miêu tả khung cảnh, gợi không khí. Hai là, nổi bật trong kí là tính chủ quan, chất trữ tình sâu đậm của cái tôi tác giả.

Trong truyện ngắn Chuyện quanh núi Chúa, nhân sự kiện khánh thành con đường từ trung tâm xã Mã Sơn lên bản Tà Lưa, tác giả đã đưa ra rất nhiều số liệu về chiều dài, thời gian thi công, nhân lực, cả vẻ đẹp của con đường cùng với

đó là một tương lai đầy tiềm năng của bản Tà Lưa khi con đường được mở ra.

Hay như trong truyện ngắn Luật của rừng, nhà văn còn đưa vào một bản kế hoạch “cải tạo” rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn để thấy rõ hơn nữa sự quan liêu, xa dân của các cán bộ lãnh đạo chỉ biết vạch kế hoạch trên giấy tờ.

Trong tiểu thuyết Xứ mưa thì đó là việc thuật lại trận đánh mở màn chiến dịch Z với đầy đủ cả thời gian, địa điểm, khung cảnh, không khí của chiến dịch lúc ấy. Một loạt chi tiết chân thực, cụ thể được tác giả thuật lại sinh động với ngôn ngữ đậm chất khoa học quân sự: “Cả trung đoàn 165 do trung đoàn trưởng Nguyễn Chuộng chỉ huy cùng với bộ đội Pa Thét Lào đánh vào điểm cao 1660 trên núi Phu Theng Leng nằm kề ngay Cánh Đồng Chum và đánh vào các trại phỉ, các cứ điểm nằm giữa Cánh Đồng Chum. Sau khi phá tung hai cửa mở, quân ta nã pháo từng chập vào đồn địch. Đạn pháo 130, cối 120, ĐK2, cối 80...

Cuối cùng, quân ta đánh cường tập, tấn công như vũ bão lên đồn. Hai mũi đột phải mở tới ba đợt tấn công, các chiến sỹ hy sinh quá nửa... Đến trưa ngày thứ ba, quân ta và quân Pa Thét Lào làm chủ Cánh Đồng Chum” [44, tr 475]. Với cách miêu tả đậm chất kí như vậy, tác phẩm giúp cho người đọc cảm nhận được sự dữ dội, khó khăn, mất mát, hy sinh, gian khổ trong chiến tranh một cách chân thực như chính mình đang chứng kiến trực tiếp trận đánh ấy, bên cạnh đó là sự tự hào của cả một thế hệ.

Ngôn ngữ của thể kí không chỉ được tác giả tách riêng như một đoạn văn độc lập mà còn lồng vào trong những lời đối thoại, trong suy nghĩ của các nhân vật trong tác phẩm. Đó là cuộc đối thoại giữa Đam và ông Khin (Rừng thiêng) về việc anh và đồng đội bị nhiễm chất độc màu da cam điôxin trong chiến tranh.

“Còn nhớ ngày nào anh cùng đồng đội từng chứng kiến bao lần máy bay C-123 từng tốp hai hoặc ba chiếc được sự yểm trợ của lũ phản lực F4, rải chất hóa học diệt cỏ làm trụi lá cây, giết chết bao nhiêu cánh rừng, đồng cỏ, vườn cây, đồng lúa Quảng Trị, nhưng không hề biết chất hóa học diệt cỏ ấy chính là chất độc da cam/ điôxin, chất mà làm cho đồng bào của anh, đồng đội của anh bị nhiễm độc,

sau này sinh quái thai, đẻ ra những đứa con dị dạng chẳng giống người, đau khổ vô cùng” [44, tr 680].

Cũng trong tiểu thuyết Rừng thiêng, có tới chín trang (từ trang 667 đến trang 675) đậm chất kí khi viết về chất độc da cam. Các trang viết cho thấy âm mưu độc ác của đế quốc Mĩ, nguồn gốc của chất hóa học diệt cỏ, việc Mĩ đã thực hiện kế hoạch của chúng cùng sự nguy hiểm của loại chất độc chết người.

Để cho người đọc thêm tin tưởng, tác giả còn dẫn hàng loạt số liệu cụ thể theo tài liệu của Viện Khoa học quốc gia Hoa Kỳ và Cục Quân sự Hoa Kỳ về tổng số vụ rải chất độc cũng như số lượng chất độc mà Mĩ đã rải ở Việt Nam, và báo cáo của các nhà khoa học tại Hội thảo quốc tế về tác hại chất độc diệt cây mà quân Mĩ dùng trong chiến tranh Việt Nam.

Việc đưa ra những số liệu này nhằm nhấn mạnh nỗi đau chất độc da cam không chỉ đối với nhân vật trong truyện mà là nỗi đau chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, ngay cả những kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến tranh hóa học tàn khốc có một không hai trên thế giới cũng không tránh khỏi sự trừng phạt. Nó đã và đang để lại bao nhiêu “vết tích đau thương trên mỗi mét đất và di chứng cho không chỉ nhân dân Việt Nam, mà cả những người sử dụng chúng” [44, tr 725].

Tất cả những tài liệu, dẫn chứng trên như là một cơ sở khoa học để chứng minh rằng những đứa con vô tội được sinh ra quái dị không giống con người kia là do di chứng của chất độc da cam giặc Mĩ đã rải xuống chiến trường miền Nam chứ không phải như những lời đồn đại rằng Đam là con của khỉ núi Đán Khao, Sim là ma-cà-rồng nên mới sinh ra những đứa con như vậy. “Thằng Thương, thằng Hạnh bây giờ là con của cựu chiến binh Đam, được Nhà nước và mọi người quan tâm rồi. Lòng Sim như trút được hòn đá tảng nặng trĩu, như rút được cái mũi tên độc cắm ở trái tim mình” [44, tr 712].

Còn trong tiểu thuyết Thuốc phiện và lửa, đúng như nhan đề, tác giả cũng đưa ra rất nhiều số liệu về việc trồng cây thuốc phiện của những người dân vùng cao. Những số liệu ấy đã thôi thúc những cán bộ trẻ tuổi như Bách, Nủ Phy luôn

cố gắng hết sức vượt lên gian khó, vận động bà con, phối hợp các ban ngành để đẩy lùi cây thuốc phiện ra khỏi đời sống.

Với tinh thần đó mà dự án khu bảo tồn loài / sinh cảnh đã ra đời bao gồm hết xã Chế Tạo và cả vùng ngoại vi thuộc các xã Lao Chải, Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt dọc theo ranh giới phía Bắc và phía Đông. “Các đỉnh núi cao vời. La Háng 2.050m. Kể Cả 2.055m. Phu Ba 2.512m... Qua nhiều năm khảo sát điều tra, người ta đã phát hiện trong đó có 22 loài lưỡng cư, bò sát... Chim có tới 127 loài...Được biết chương trình Đông Dương của tổ chức FFI – tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế sau khi xem xét toàn bộ lịch sử phân bố của loài vượn đen tuyền ở Việt Nam mới xác định hai địa điểm phía Bắc huyện Văn Bàn – Lào Cai và các khu rừng nguyên sinh tiếp giáp Mù Cang Chải – Yên Bái với Mường La – Sơn La là còn loài vượn đen tuyền sinh sống. Qua mấy năm điều tra, người ta cho biết tổng số có 40 đàn ở khu Mường La và Mù Cang Chải và chắc chắn đã đếm được 111 cá thể...” [46, tr 178].

Những con số, dữ liệu rất cụ thể chứng tỏ tác giả đã bỏ không ít công sức để tìm tòi, điều tra, cập nhật thông tin từ báo chí và văn bản khoa học, đồng thời chứng tỏ tình yêu của tác giả đối với vùng đất này.

Phần cuối của cuốn tiểu thuyết này, tác giả còn đưa nguyên một bài phóng sự có tên Thuốc phiện lên giàn hỏa thiêu như thay lời kết, một cái kết đầy sức thuyết phục.

Giá trị của những truyện ngắn, tiểu thuyết đậm chất kí chủ yếu là ở giá trị về mặt tư liệu, mang lại không khí hiện thực, khách quan cho tác phẩm, thuyết phục người đọc ở tính chân thật và tính chính xác khoa học. Tuy nhiên hàm lượng kí đưa vào truyện cũng cần có chừng mực, giới hạn, nếu không sẽ làm cho tác phẩm truyện trở nên khô khan, thiếu hấp dẫn. Bởi vì, xét về đặc trưng của văn học – nghệ thuật, tác phẩm văn học tồn tại bằng những hình tượng sinh động, ám ảnh, giàu năng lượng thẩm mĩ chứ không phải bằng những con số, dữ liệu như một tác phẩm báo chí. Việc sử dụng các yếu tố thuộc về phong cách

ngôn ngữ báo chí và phong cách ngôn ngữ khoa học trong tác phẩm văn học của Hoàng Thế Sinh có thể được xem như một biểu hiện của tinh thần liên văn bản đang dần trở nên quen thuộc trong văn học đổi mới hiện nay. Tuy nhiên, tác phẩm của Hoàng Thế Sinh đôi khi có sự lạm dụng những yếu tố này khiến cho ngôn ngữ truyện khô khan, ít hình ảnh, đồng thời cốt truyện bị gián đoạn, thiếu liền mạch, gây cảm giác nhàm chán cho người đọc.

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)