Sự phân tuyến nhân vật

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 68 - 71)

Chương 3. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG VĂN XUÔI HOÀNG THẾ SINH

3.1. Xây dựng nhân vật

3.1.2. Sự phân tuyến nhân vật

Nhiều nhà văn viết về miền núi khi xây dựng nhân vật đã chịu ảnh hưởng của thi pháp dân gian với quan niệm: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Hệ thống nhân vật trong tác phẩm của họ thường được phân định thành hai tuyến tốt – xấu, thiện - ác rõ ràng.

Ma Văn Kháng có ý thức về sự hiện hữu của cái thiện, cái ác trong xã hội.

Nhân vật xấu trong tác phẩm của ông khá nhiều và thường được miêu tả là những người có ngoại hình rất khó coi như: Săng, Vàng Lỉ (Trăng non), Quốc

Thanh (Gặp gỡ ở La Pan Tẩn). Còn hiện thân của cái thiện thường có chân dung rất đẹp như nhân vật Pao (San Cha Chải).

Đặc điểm nổi bật trong tiểu thuyết của Vi Hồng là các nhân vật được xây dựng theo hai tuyến đối lập giữa thiện và ác. Nhân vật chính diện là những người tốt, trong sáng, ngay thẳng như Quản (Gã ngược đời), Tú, bác sĩ Huy (Người trong ống)... Những nhân vật tốt này thường được tác giả miêu tả với bút pháp phóng đại, lí tưởng hóa quá mức theo quan niệm dân gian. Tú (Người trong ống), là một bác sĩ vừa có nhân đức, y đức, vừa có vẻ đẹp về ngoại hình.

Với những nhân vật chính diện như thế này tác giả thường sử dụng giọng điệu ngợi ca với lời văn đẹp đẽ.

Còn các nhân vật phản diện của Vi Hồng là những kẻ tàn ác, gian xảo như Đương và Hỷ (Gã ngược đời), Đoác (Vào hang)... Với loại nhân vật này, tác giả luôn miêu tả bằng thái độ căm ghét, lời văn thể hiện sự khinh bỉ, căm giận. Điều đặc biệt là cái xấu, cái ác trong tác phẩm của Vi Hồng thường được đẩy lên đến cực điểm, với những con người mất hết tính người, ác hơn cả những nhân vật ác trong truyện cổ tích, như Đoác (Vào hang); Ba (Người trong ống). Các nhân vật ở hai tuyến luôn va chạm, mâu thuẫn, xung đột với nhau nhưng cuối cùng cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.

Hệ thống nhân vật của Hoàng Thế Sinh cũng được nhìn nhận, miêu tả theo cái nhìn phân tuyến: một bên là những người tử tế, còn bên kia là những kẻ đểu cáng, bất lương. Ở đó, những người tử tế thường bị vùi dập, phải chịu nhiều thiệt thòi, còn những kẻ xấu thì lại đắc thắng, tác oai tác quái. Tuy nhiên cái xấu cái ác trong văn Hoàng Thế Sinh không được biểu hiện với mức độ ghê gớm như trong tác phẩm của Vi Hồng. Xây dựng hệ thống nhân vật theo hướng phân tuyến cái nhìn của nhà văn rất sòng phẳng theo quan niệm của dân gian: ác giả ác báo.

Có thể những người tử tế sẽ không được cuộc đời đền bù. Những người tốt như ông Đức (Luật của rừng) vì tình yêu với rừng mà phải nhận lấy bao nhiêu

thiệt thòi, vì thẳng thắn, trung thực mà bị điều chuyển công tác đến nơi hẻo lánh, vì bảo vệ rừng mà bị người ta trả thù, đốt nhà, con gái bị làm nhục... nhưng ông vẫn quyết tâm bám rừng vì ông tin vào luật nhân quả ở đời.

Đam (Rừng thiêng) đã cống hiến tuổi thanh xuân cho chiến trường, khi trở về thì người yêu không còn. Những tưởng anh sẽ được đền đáp bằng đám cưới hạnh phúc giữa anh và Sim. Nhưng trớ trêu thay, hạnh phúc ấy dường như tắt lịm khi những đứa con của anh ra đời, lần lượt đều bị nhiễm chất độc màu da cam.

Người tốt, dám đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực như Bảo Châu (Xứ mưa) thì bị cấp trên coi thường, chèn ép tới mức phải viết đơn xin nghỉ việc, dấn thân vào con đường đi tìm đá quý đầy nguy hiểm.

Song nhất định những kẻ xấu xa, độc ác sẽ phải nhận quả báo. Đúng như tên truyện ngắn Luật của rừng, nhân vật Lường “lợn lòi” táng tận lương tâm, phá rừng, đánh người quản rừng, cuối cùng đã bị gấu rừng vả vào mặt suýt chết.

Nhân vật Liêng (Rừng thiêng) cũng vậy, cả đời chuyên làm những điều độc ác. Khi Sim chưa lấy chồng thì hắn tìm mọi cách để chiếm đoạt cô, khi Sim đã có chồng hắn lại tìm cách phá hoại hạnh phúc gia đình họ. Không những thế, hắn còn buôn gỗ lậu, thả rắn độc vào nhà để giết người. Nhưng rồi cuối cùng, trong trận lũ hắn suýt bị cuốn trôi mất mạng.

Hiệu phó Tam (Xứ mưa) lợi dụng chức quyền tác oai tác quái, ăn bớt tiền công, chèn ép cấp dưới, cuối cùng cũng bị kỉ luật, bị điều chuyển đi nơi khác.

Tay công an Thành “búa tạ” (Bụi hồ), cũng bị cấp trên kỉ luật nặng vì nóng tính và hành hung người khác.

Sự phân chia nhân vật thành hai tuyến như vậy là để nhằm ca ngợi cái tốt, cái thiện, thúc đẩy việc đấu tranh, nhắc nhở con người luôn cảnh giác trước những thói hư tật xấu, tránh xa cái xấu, cái ác.

Tuy nhiên, việc phân chia nhân vật thành hai tuyến đối lập như vậy cũng có hạn chế nhất định. Đó là khi các nhân vật chính đại diện cho cái thiện được miêu

tả một cách cường điệu, phóng đại đến mức cực đoan khiến cho người đọc có cảm giác con người đó không bao giờ có thật trong thực tế. Chẳng hạn trong Rừng thiêng, tên Liêng “rắn” đã bao lần tìm cách phá hoại hạnh phúc gia đình Đam, thậm chí đã thả rắn vào nhà cắn chết bố vợ anh, bắt cóc con trai anh đem vứt vào rừng, nhưng khi thấy hắn chấp chới trong dòng nước lũ, Đam đã bỏ cả đứa con trai bé bỏng của mình trên chiếc mảng giữa dòng lũ để cứu Liêng. Hoặc chi tiết anh Sắc (Người nông dân nhỏ bé) cho người ăn mày tiền, dù đó là những đồng tiền quá ít ỏi cần thiết cho công cuộc đi tìm công lý. Chi tiết này không mấy thuyết phục người đọcvà ít nhiều mang lại cảm giác khiên cưỡng, giả tạo.

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)