Chương 2. CON NGƯỜI VÀ HIỆN THỰC MIỀN NÚI TRONG VĂN XUÔI HOÀNG THẾ SINH
2.3. Mối quan hệ con người - tự nhiên
2.3.2. Tư tưởng sống hòa hợp với tự nhiên
Văn học sinh thái là loại văn học lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái. “Một tác phẩm văn học sinh thái không chỉ đơn thuần miêu tả tự nhiên hoặc hệ sinh thái, mà quan trọng hơn là phải có đầy đủ tư tưởng sinh thái và góc nhìn sinh thái. Văn học sinh thái đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm và nghĩa vụ của con người đối với tự nhiên, khẩn thiết kêu gọi con người bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái, nhiệt tình ca ngợi sự hi sinh của con người vì lợi ích của chỉnh thể sinh thái”
[50].
Trong những năm gần đây, phê bình sinh thái nổi lên như một hướng nghiên cứu được nhiều nhà khoa học quan tâm. Điều này không có gì lạ khi mà
cả nhân loại đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên… ngày một nghiêm trọng.
Ngay từ những năm 70 của thế kỉ XX, văn chương thế giới đã có hàng loạt tác phẩm đề cập đến nguy cơ sinh thái. Đến đầu thập niên 90, các hoạt động văn học gắn liền với môi trường được tổ chức rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.
Hoàng Thế Sinh là một trong số hiếm các nhà văn miền núi có tư tưởng đề cao mối quan hệ hoà hợp giữa con người với tự nhiên, bên cạnh đó là tinh thần bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Cùng với Nguyễn Huy Thiệp, La Quán Miên, Hà Thị Cẩm Anh… xét về phương diện tư tưởng trong các tác phẩm của Hoàng Thế Sinh có thể khẳng định ông là một nhà văn tiêu biểu của văn học sinh thái ở Việt Nam.
Trong văn xuôi Hoàng Thế Sinh, con người và thiên nhiên có mối quan hệ hòa hợp với nhau. Con người dựa vào thiên nhiên để sinh sống, lao động, tồn tại, bồi đắp tình cảm và thanh lọc tâm hồn. Thiên nhiên không chỉ là môi trường sống, mà còn là điều kiện cần để con người tồn tại.
Thiên nhiên và con người còn gắn bó với nhau như những người bạn thân thiết. Con người khao khát sống giao hòa, giao cảm với thiên nhiên. Ở các tác phẩm của Hoàng Thế Sinh có một điều đặc biệt, đó là thiên nhiên thường được miêu tả gắn liền với những biến cố của cuộc đời nhân vật chính.
Đối với Sa (Sao tổn khuống), cô coi thiên nhiên như một người mẹ nuôi dưỡng bao thế hệ con người vùng cao bằng những gì ngọt lành nhất. “Gái các bản Thái quanh núi Khau Som, Khau Phạ, Khau Soóng này đều xinh đẹp có lẽ vì ai cũng được uống nước mát lành và ngọt ngào của dòng Nậm Đung bắt nguồn từ ba ngọn núi cao lưng chừng trời kia. Ai cũng được tắm nước khoáng nóng thiên nhiên Huổi Tun. Ai cũng được ăn con cá sỉnh thơm nức với thứ gạo nếp tan dẻo thơm, ngọt ngào trên cánh đồng Nà Hẩu, Búng Sủm, Pom Van, Cò Noòng kia. Ai cũng được ăn cái rau dớn mềm mát mọc ven suối với con ốc đá xanh vừa ngọt vừa lành trong dòng Nậm Đung này” [45, tr 387].
Đối với Hoàng (Bụi hồ), mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, lo âu hay những lúc cần sự yên tĩnh để suy nghĩ, anh lại lang thang đi dọc các dòng suối, thả hồn mình vào khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, trong lành. Và rồi từ những cảm nhận của mình về thế giới xung quanh, Hoàng soi lại cuộc đời mình, cũng giống như mọi vật của tạo hóa, anh nghĩ rằng mình cũng cần phải có một sự lựa chọn dũng cảm, phải lột bỏ tất cả lòng hận thù, thói nghi kị và thái độ ngạo mạn, thách đố với số phận. “Chưa bao giờ Hoàng cảm nhận hương rừng một cách thú vị như lúc này: ngào ngạt, đậm đà, thoảng ra mênh mông núi rừng. Trái tim Hoàng đập rộn lên. Nỗi khát khao được tự do hòa nhịp với cuộc sống, với đất trời thôi thúc Hoàng tìm đến “một sự lựa chọn dũng cảm” [44, tr 124].
Trong văn xuôi Hoàng Thế Sinh, con người luôn muốn trải lòng mình với thiên nhiên, ngoại cảnh, và ngoại cảnh lại có một tiếng nói riêng của nó mà chỉ con người miền núi đã ăn đời ở kiếp với nó mới có thể nghe và cảm nhận được.
Với Mỷ Châu (Thuốc phiện và lửa), bến nước Pàng Chùa vừa như một người bạn tâm tình, lại vừa như một chứng nhân chứng kiến cả những niềm vui lẫn sự đau đớn, buồn khổ trong cuộc đời của cô.
Đó là nơi Mỷ Châu thường ngồi nghỉ mỗi chiều đi nương về, ngồi một mình nghe suối Mây rì rào khúc ca muôn thuở cho vơi đi nỗi buồn. Đó là nơi cô cùng với Nủ Phy thường hẹn hò nhau, là nơi Nủ Phy tỏ tình với cô và là nơi
“phiến đá như bốc lửa rừng rực. Nước suối Mây duềnh sóng rì rào. Lá rừng gió thổi xôn xao. Chim sơn ca ríu rít cành cao. Anh với nàng đã nhập làm một, hoang dã và tan biến trong nồng nàn hương hoa phong lan, hoa vàng anh” [46, tr 337]. Nhưng cũng chính nơi đây lại chứng kiến sự đau đớn, tủi nhục của cô khi bị tên Sung làm nhục đến mức không giữ được giọt máu của Nủ Phy. Và cuối cùng cũng chính tại nơi đây, Mỷ Châu tìm được bến đỗ của cuộc đời mình bên anh Sình. Lúc đó thiên nhiên dường như cũng hòa nhịp theo tâm hồn của con người.
Không những vậy, trong các sáng tác của Hoàng Thế Sinh, sự gắn bó giữa con người với tự nhiên còn được biểu hiện trong những hình tượng đầy giá trị tâm linh và màu sắc huyền bí.
Đó là tượng đá Cho – còn gọi là Đá Cổ trên núi Đán Khao (Rừng thiêng).
Một tượng đá có “thân hình cao lớn đang quỳ gối”, “hai hòn đá hai bên sườn giống như hai cái ống nứa dốc ngược” [44, tr 511]. Mọi người trong bản Nà Lai từ xa xưa đã truyền tai nhau rằng hễ ai uống nước ở đáy ống đựng nước tình yêu của tượng đá này thì sẽ gặp may mắn trong tình yêu.
Đó là rừng núi Chúa có động Cậu Cóc “linh thiêng lắm” (Chuyện quanh núi Chúa). Một khu rừng cổ thụ cả nghìn năm tuổi, xưa nay cho nhiều nước mát, gỗ quý, cho nhiều muông thú quý, và cây thuốc quý. Khu rừng được người dân quanh vùng coi là “rừng cây thần”, và dân các bản vẫn quanh năm lên động Cậu Cóc cầu khấn, xin được an lành, no đủ, hạnh phúc.
Chính vì tình yêu, sự tôn thờ, kính trọng mà những con người nơi đây gắn bó cả cuộc đời mình với tự nhiên, họ coi rừng như là một phần của cơ thể, coi sự tồn tại của rừng còn quý trọng hơn cả sinh mạng của bản thân.
Ông Đức (Luật của rừng) làm nghề trông coi rừng tu bổ, cuộc đời ông bao nhiêu vui buồn đều gắn liền với thiên nhiên, rừng núi. Ông yêu vùng núi mà ông đã gắn bó lâu nay, ông tự hào về vẻ đẹp của nó, ông ước ao núi Hương Sơn cũng sẽ trở thành một Cúc Phương kỳ diệu của đất nước. Ông đau đớn như điên dại khi thấy cảnh rừng núi bị tàn phá. Đã có lúc ông bế tắc, muốn bỏ cuộc để tìm một cuộc sống yên bình cùng con gái nhưng rồi quyết định cuối cùng của ông vẫn là “nếu được sống hai cuộc đời tao cũng không bao giờ bỏ rừng đâu”.
Ông Chò (Chuyện quanh núi Chúa) đã gắn bó với rừng như một gia đình,
“sống trong rừng, ngủ cùng rừng, ăn của rừng, chơi với rừng, sống nhờ rừng mà chết cũng nhờ rừng cả”. Khi tận mắt chứng kiến cảnh khu rừng bị chặt phá, lòng ông buồn rười rượi “như cây rừng sau bão”. Ông đau đớn và kinh hãi vì biết rằng từ nay rừng núi Chúa sẽ không được bình yên nữa.
Nặng tình với tự nhiên trong truyện của Hoàng Thế Sinh còn là anh Đam (Rừng thiêng). Đam luôn bị mọi người trong bản cho rằng anh đã được lũ khỉ nuôi nấng từ nhỏ hay anh chính là con đẻ của khỉ. Đam gắn bó với rừng, mỗi khi đến với rừng anh như được về với bản mình vậy. Anh em họ hàng nhà cây, anh đều quen biết và thuộc lòng từng loại một. Có được điều đó là vì từ bé anh đã được theo bố đi rừng và bố anh đã dạy anh rằng, rừng chính là sự sống của mình, mỗi một cây cũng là một cuộc đời, cuộc đời của cây cống hiến cho cuộc đời của con người và cũng có cuộc đời của con người cống hiến cho cây như những người trồng rừng, giữ rừng chẳng hạn.
Vì vậy mà Đam đã rất kiên quyết ngăn chặn mọi hành động săn bắn, giết hại các loài thú ngay cả khi chính cuộc sống của con người bị chúng xâm hại.
Cụ thể là trong một lần cùng cả bản tham gia cuộc săn lùng con hổ thọt đã vào bản bắt mất con nghé nhà ông Sừ. Bao năm nay con hổ này tác oai tác quái khiến cho dân trong vùng, nhất là dân bản Nà Lai rất kinh hãi. Nhưng khi nhìn thấy con hổ to như con bò mộng đang nằm xoãi bốn chân, ngả đầu trên một phiến đá ngủ ngon lành trông cứ như một con trâu thật hiền lành và đáng thương, Đam đã quyết định không tra đạn vào nòng súng và quát tên Liêng không được bắn con hổ. Lý do của Đam đưa ra rất công bằng, sòng phẳng. Con hổ mò vào bản lúc nửa đêm để kiếm cái ăn, ăn no rồi nó quay ra ngủ một cách sung sướng thì có tội gì mà đáng chết. Nó cũng chẳng khác con người là mấy, con người có cách kiếm ăn của con người thì con hổ cũng như các loài thú khác có cách kiếm ăn của riêng nó. “Thỉnh thoảng nó vào bản có bắt con trâu, con dê thì cũng như con người vào rừng bắt mất con lợn lòi, con hoẵng, con nai vậy thôi” [30, tr 503].
Chính cuộc sống ngàn đời của người dân nơi núi cao rừng thẳm cho tới thế hệ Đam đang sống cộng với kiến thức nhà trường nông lâm đã dạy Đam biết được giá trị vô cùng to lớn của rừng đối với muôn loài sống trong rừng. Từ đó mà Đam luôn có tinh thần bảo vệ rừng, giữ gìn chúng như chính cuộc sống của
bản thân vậy. Có thể nói đây là một quan niệm rất công bằng và sâu sắc mà các nhà văn khác trong tác phẩm của mình chưa bao giờ phát biểu một cách trực tiếp như Hoàng Thế Sinh.
Bên cạnh những con người như ông Đức, anh Đam, ta còn thấy trong truyện của Hoàng Thế Sinh một loạt các nhân vật đầy tình nghĩa với tự nhiên như ông Quý, ông Lộc, ông Chò… Họ am hiểu sâu sắc các giá trị nhiều mặt của rừng và căm hận kẻ phá rừng.
Đối với ông Chò, ông ghi nhớ, am hiểu lịch sử và tất cả những giá trị to lớn mà núi rừng mang lại cho con người như một cuốn sổ ghi chép chân thực không sợ bị mai một vì nó luôn tồn tại trong tâm trí của ông. Từ xa xưa, con người đã sống dựa vào núi rừng, muốn có ngô khoai sắn để ăn thì núi đã cho đất trồng cấy. Muốn làm ngôi nhà sàn để ở thì rừng cho cây gỗ quý. Sông suối ruộng đồng và con người muốn sống phải có nước thì rừng cho nước. Rừng núi còn cho bao sản vật quý hiếm như chim muông, dã thú, thuốc chữa bệnh. Bao lần chạy giặc, dân bản đều được rừng cưu mang, che chở mà thoát chết… Vì vậy mà khi được vận động để phá rừng theo chủ trương của các lãnh đạo địa phương, ông không biết phải suy nghĩ như thế nào cho phải, cho đúng. Nhưng có thể dám chắc một điều ông không bao giờ ủng hộ việc phá rừng để làm lợi cho cá nhân.
Vậy nên khi tận mắt chứng kiến cảnh lũ người tàn phá khu rừng linh thiêng ông thấy thật đau đớn, ông căm ghét luôn cả những công nhân lâm trường và dân các bản chặt phá rừng để chuẩn bị trồng bồ đề, keo, bạch đàn. Và ông cảm thấy thật sự xúc động với những khẩu hiệu bảo vệ rừng mà ông đọc được:
“Rừng là vàng. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ giữ rừng. Hi sinh vì rừng cũng là hi sinh cho trái đất tươi xanh. Hãy giữ rừng núi Chúa như giữ ngôi nhà của mình” [45, tr 441].
Có thể nhận thấy rõ rằng, thiên nhiên và con người ở đây hòa trộn vào nhau như hai thực thể khó tách rời. Thiên nhiên trong văn xuôi Hoàng Thế Sinh sinh động, gần gũi và thân thuộc, như một người bạn tâm tình sẵn sàng im lặng lắng
nghe, chia sẻ với bao tâm sự của con người. Thiên nhiên và con người hòa quện, gắn bó khăng khít, chính vì thế mà con người nơi vùng đất này như được thừa hưởng mọi vẻ đẹp cũng như sức mạnh của thiên nhiên, một vẻ đẹp trong sạch, lành mạnh, tự do và thanh thản.