Ngôn ngữ giàu chất thơ

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 72 - 76)

Chương 3. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG VĂN XUÔI HOÀNG THẾ SINH

3.2.1. Ngôn ngữ giàu chất thơ

Chất thơ – chất trữ tình, là tính chất được tạo nên từ sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn.

Chất thơ trong các sáng tác văn xuôi được tạo nên khi nhà văn chú ý khai thác và biểu hiện một cách tinh tế mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của chính mình trước thế giới bằng những chi tiết, hình ảnh đầy gợi cảm và một lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn.

Một tác phẩm văn xuôi được coi là giàu chất thơ khi sự chú ý của người viết không đặt vào việc kể lại một biến cố, sự việc, hành động, mà là việc làm bật lên một trạng thái của đời sống hoặc của tâm hồn con người.

Khảo sát văn xuôi Hoàng Thế Sinh, có thể thấy yếu tố thơ xuất hiện khá đa dạng. Có khi là những bài thơ, đoạn thơ, có khi là những bài ca dao, lời bài hát...

Đưa thơ hoặc dân ca vào tác phẩm là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong văn xuôi Hoàng Thế Sinh, ngoài việc góp phần chuyển tải nội dung còn làm đậm thêm chất trữ tình, chất thơ trong truyện. Đây cũng là điều thường gặp trong tác phẩm văn xuôi miền núi của nhiều tác giả khác.

Nhà văn đã đưa vào tác phẩm của mình những bài thơ dài. Ở tiểu thuyết Xứ mưa, có rất nhiều bài thơ, đoạn thơ do chính các nhân vật trong truyện tự sáng tác. Đó là những bài thơ tình yêu của Hoàng – một giáo viên dạy sử khá thân thiết với gia đình Bảo Châu. Một người rất hay làm thơ tình nhưng gần bốn mươi tuổi mà vẫn “chả biết yêu là gì”. Với Bảo Châu, cứ mỗi lần Hoàng đọc thơ là anh lại bị cuốn hút và có cái cảm giác như “Hoàng đang nhả những con chữ từ

trong đáy tim mình ra như con tằm rút ruột nhả tơ, chứ không phải đọc thơ bằng miệng”.

“Thế là chiều nay em không về nữa Ngõ nhỏ ven sông mưa rắc mịt mờ Lá bàng rụng tơi bời mái phố Cây bàng gầy trong gió ngẩn ngơ Thì mai trời cứ mà sang hạ

Cứ sang thu ai thiết đợi chờ

Chim cứ hót nắng lên rồi nắng tắt Mặc bên thềm mờ bụi dấu chân xưa Chiều chống chếnh một em một bóng, Cây bút thần không vẽ nổi giấc mơ, Còn ngấn lệ bờ mi nhòe giông bão”

Chất thơ còn được biểu hiện qua những đoạn văn giàu cảm xúc và nhạc tính trong tác phẩm. Khi đó, lời văn xuôi có nhịp điệu, mượt mà, bay bổng thể hiện những trạng thái, cung bậc của tâm hồn con người.

Đó là những đoạn văn miêu tả tâm trạng buồn man mác của Hoàng (Bụi hồ) khi anh quyết định ra đầu thú: “Hoàng quỳ xuống, nhặt một cánh hoa chanh đặt vào lòng tay con trai, đứng lặng. Hai cánh tay Hoàng cứ rung lên. Nắng xuân rực rỡ, hoa chanh tỏa hương ngào ngạt. Hôm nay, Hoàng thật sự làm một cuộc lựa chọn dũng cảm. Trái tim Hoàng thầm thì: Em biết không? Anh khao khát tình yêu của em như khao khát tìm ra ánh sáng, như khao khát tìm đến với nguồn nước trong lành. Em đã trở thành niềm yêu thương. Nơi ấy anh vui sướng tìm lại được chính mình: trong sáng, chân thật, dũng cảm. Nơi ấy anh sung sướng được gieo hạt mầm tương lai. Tình yêu của em đang làm cho anh hồi sinh”... [44, tr 179].

Nhạc điệu được tạo nên bởi biện pháp điệp từ, điệp ngữ, từ đó góp phần bồi đắp chất thơ cho câu, đoạn văn xuôi: “Tiếng sáo thổi qua tâm hồn người đàn ông

Mông nở ra thành tiếng sáo tâm hồn. Tiếng sáo tâm hồn Mông hòa vào mênh mông ánh trăng vàng cứ lấp lánh lấp lánh tỏa khắp núi rừng Xu Phin. Tiếng sáo tâm hồn Mông ngân vang thành một bản hòa tấu kỳ diệu của núi rừng – bản hòa tấu trầm bổng như thác đổ, như mưa rừng, như sấm núi, như gió ngàn, như thú kêu, như chim hót, như lá rụng...” [46, tr 575].

Những câu văn ngắn với biện pháp lặp cấu trúc cũng được tác giả sử dụng để miêu tả phiên chợ vùng cao vui tươi, nhộn nhịp và đa dạng sắc màu (Thuốc phiện và lửa): “Áo cỏm lấp lánh cúc mắc pém. Áo chàm xanh màu rừng xanh.

Áo dài nâu màu đất núi. Áo phông sắc trời cẩm thạch. Áo hoa văn chim muông sông suối... hòa lẫn vào nhau như một tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu” [46, tr 279].

Chất thơ không chỉ thấm đẫm trong những trang tả tâm trạng của nhân vật, mà còn tiềm ẩn trong những câu văn xuôi miêu tả vẻ đẹp nên thơ của núi rừng Xu Phin: “Lúa vàng trĩu bông. Hoa ngô trổ tím sườn non. Dòng suối Mây đổ thác lưng trời. Biếc xanh rừng lá. Con nai ngơ ngác. Chấp chới đàn chim sơn ca bay liệng. Hoa phong lan long lanh khoe sắc. Hoa mua tím lối bản làng. Hoa chuối rực như ngọn lửa. Và mặt trời đỏ. Và trăng khuyết vàng. Và muôn vì sao lấp lánh.Và mây bay. Và sương giăng. Và gió cuốn” [46, tr 376].

Chất thơ trong tác phẩm của Hoàng Thế Sinh còn được thể hiện qua lời bài hát của các nhân vật. Nhà văn để cho nhân vật trực tiếp hát lên những bài ca ấy để thể hiện nỗi lòng, tâm trạng của chính mình.

Đó là lời hát đối đáp trao duyên trên sân hoa hạn khuống trong lễ hội lồng tồng (Sao tổn khuống). Nghe lời bài hát Sa biết đó là lời anh Tềnh dành cho cô, và cô cất lời đáp lại ngay nhưng trong một tâm trạng rối bời không biết rằng liệu anh Tềnh có hiểu được nỗi lòng của cô qua lời hát đó hay không.

Cũng trên sân hạn khuống nhưng trong tiểu thuyết Thuốc phiện và lửa, lời hát đối đáp giữa Mỷ Châu và Nủ Phy đã thể hiện rõ tình cảm giữa hai người.

Qua lời hát, hai người đã ước hẹn với nhau về một tương lai hạnh phúc. Cả hai say sưa hát cho nhau nghe tiếng lòng chân thật, tiếng lòng tha thiết, tiếng lòng

mê đắm “như bao chàng trai cô gái Mông sống ngàn đời quanh chân núi Pú Song Sung, Lũng Cung và Xu Phin này” [46, tr 255].

Những bài ca được Hoàng Thế Sinh đưa vào tác phẩm không chỉ là những lời hát giao duyên mà có cả những tiếng hát buồn. Đó là khi đoàn người của bản Xu Phin âm thầm rời bỏ quê hương đi tìm vùng đất mới để sinh sống. Lời bài hát cất lên mang theo bao nỗi buồn khổ, nỗi lo lắng, cả những hi vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn: “Ơ bản thương bản nhớ/ Không còn rừng già cho chim về làm tổ, cho mây ngủ qua đêm/ ...Hoa tớ zày không nở được nữa/ Mèn mén hết rồi, tiếng khèn con trai tiếng kèn con gái không cất thành lời hát yêu thương được nữa/ Ta đi khỏi nơi này thôi...” [46, tr 518].

Lời bài hát buồn có sức lay động lòng người. Lời hát cho thấy rõ hiện thực khó khăn, đói nghèo nơi quê cũ buộc họ phải ra đi tìm vùng đất mới đồng thời cho thấy tâm hồn thổn thức, chơi vơi, không ít dằn vặt, buồn khổ khi phải rời bỏ quê hương.

Bên cạnh đó là những bài hát ru thể hiện tình yêu thương của những người làm mẹ, làm cha: lời hát ru của cô giáo My, của Lỳ Say, của Mỷ Châu... Đặc biệt, lời hát ru của Mỷ Châu ở phần cuối truyện vô cùng ý nghĩa. Nó không đơn thuần thể hiện tình yêu của người mẹ dành cho con, nó còn làm cho Mã Sung thức tỉnh phần lương tâm còn sót lại khi mà lòng đố kị, ghen ghét, độc ác của hắn đang che lấp tất cả.

Xưa nay, chất thơ vẫn được xem như một phẩm chất quen thuộc của văn xuôi viết về dân tộc và miền núi. Nói cách khác, văn xuôi miền núi là khu vực văn học giàu chất thơ. Có điều đó là bởi, nói tới miền núi là nói tới thiên nhiên hùng vĩ, tới những nền văn hóa giàu bản sắc, những con người mộc mạc trọng tình nghĩa... tất cả những cái đó, tự bản thân nó đã bao hàm chất thơ. Tuy nhiên, không phải tác phẩm văn xuôi miền núi nào cũng có chất thơ. Để có được chất thơ đích thực trong tác phẩm, phải là một nhà văn có tài, đồng thời phải là một

cây bút biết trân trọng, tìm kiếm và theo đuổi cái đẹp trong thiên nhiên, trong đời sống và cả tâm hồn. Hoàng Thế Sinh là một người như vậy.

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)