Yếu tố kì ảo

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 80 - 84)

Chương 3. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG VĂN XUÔI HOÀNG THẾ SINH

3.3. Yếu tố kì ảo

Miền núi, nhất là trước kia, vốn được coi là chốn “ma thiêng nước độc”, bí ẩn, hoang dã, do đó, yếu tố kì ảo rất phù hợp với không gian miền núi, là một thủ pháp nghệ thuật rất hữu hiệu để nhà văn xây dựng hình tượng trong các tác phẩm viết về miền núi.

Trước 1945, yếu tố kì ảo xuất hiện phổ biến, đậm đặc trong các truyện đường rừng của Lan Khai (Tiếng gọi của rừng thẳm, Suối đàn), Tchya (Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya), Nguyễn Tuân (Xác ngọc lan), Thanh Tịnh ( Ngậm ngải tìm trầm), Lý Văn Sâm (Răng Sa Mát)... Đến giai đoạn 1945 – 1975, yếu tố kì ảo gần như biến mất nhường chỗ cho việc phản ánh hiện thực khách quan “như nó vốn có” nhằm đáp ứng yêu cầu của Cách mạng. Sang văn học thời kì đổi mới (từ 1986 đến nay), yếu tố kì ảo xuất hiện trở lại khá phong phú, đa dạng trong nhiều tác phẩm văn xuôi, cả truyện ngắn và tiểu thuyết với những tên tuổi như:

Nguyễn Bình Phương, Võ Thị Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Ngô Tự Lập, Hồ Anh Thái, Di Li, Tạ Duy Anh...

Ở khu vực văn xuôi viết về miền núi, yếu tố kì ảo có xuất hiện nhưng thưa thớt, mờ nhạt, chỉ một số ít nhà văn sử dụng yếu tố này trong tác phẩm như Đoàn Hữu Nam, Vũ Xuân Tửu, Hoàng Thế Sinh... Đây là điều đáng tiếc của văn xuôi miền núi đương đại. Có thể lí giải điều này ở chỗ, nhìn chung văn học miền núi thường chậm hơn so với văn học thành thị trong đổi mới, cách tân hình thức nghệ thuật và tiếp thu những thủ pháp, lối viết từ văn học nước ngoài.

Yếu tố kì ảo (fantasticque) xuất hiện trong sáng tác văn chương như là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo, có tác dụng to lớn trong việc kiến tạo thế giới hình tượng của tác phẩm. Nó giúp nhà văn khai thác những vỉa tầng khác nhau của hiện thực đời sống hay có thể phóng ngòi bút của mình vào những địa hạt có thời kì bị xem là “nhạy cảm” như tâm linh, tôn giáo... nhằm tạo ra sức hấp dẫn, mê hoặc đối với người đọc.

Yếu tố kì ảo là sự thể hiện một quan niệm mới của nhà văn về thế giới, là sự chiếm lĩnh hiện thực hết sức sinh động. Nó bao gồm nhiều hình thức nghệ thuật cụ thể như: đối thoại tâm linh, cổ tích hóa, huyền thoại hóa... Sau đổi mới, nền văn học của chúng ta có nhiều thay đổi. Bên cạnh việc đổi mới nội dung, các tác giả văn học còn chú ý đổi mới cả trên bình diện nghệ thuật.

Có sự xuất hiện trở lại của yếu tố này là vì từ khi chiến tranh kết thúc, những vấn đề lớn, những tình cảm lớn thuộc về một thời dần nhường chỗ cho những vấn đề về số phận cá nhân. Đề tài của văn học không chỉ dừng lại ở hiện thực khách quan mà còn chuyển sang địa hạt tâm linh, những trăn trở uẩn khúc diễn ra quyết liệt trong tâm hồn con người. Những diễn biến tâm linh rất khó nắm bắt, những hiện tượng con người không tự lý giải được bằng hình thức suy lý một thời là những nhân tố quyết định khiến các nhà văn sử dụng yếu tố kì ảo.

Yếu tố kì ảo là một hình thức đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần trừu tượng, khó nắm bắt của con người, để từ đó thấu triệt con người ở phần nhân tính, mơ hồ và huyền diệu.

Đối với Đoàn Hữu Nam, yếu tố kì ảo được tác giả sử dụng khi miêu tả sự ra đời của các nhân vật phản diện như: Chẩu Po, Triệu Tá Sắn (Thổ phỉ), Lù Tà (Trên đỉnh đèo giông bão)... Việc này đã giúp nhà văn lí giải những hành động vô nhân tính của nhân vật về sau. Những nhân vật này giống như những quái thai lại giống của loài người, những thú đội lốt người. Chẩu Po (Thổ phỉ) có sự ra đời khác thường, vừa ra đời đã toét miệng cười. Khác với những đứa trẻ bình thường, hắn có cái nanh nọc lõi đời của một con thú tinh khôn.

Yếu tố kì ảo trong văn xuôi Hoàng Thế Sinh vừa mang nét truyền thống, cổ xưa của cái kì ảo phương Đông vừa mang nét mới phản ánh bầu không khí của thời đại. Nó không đơn thuần là hình thức chuyển tải các vấn đề đạo đức theo kiểu “thưởng thiện phạt ác” của ông bụt, bà tiên trong cổ tích mà nó còn là sự sợ hãi, trăn trở của con người chân chính, khát vọng tự do, dân chủ thấm đẫm tinh thần thời đại.

Trong truyện ngắn Chuyện quanh núi Chúa, tên Sàm – một kẻ buôn lậu gỗ nổi tiếng lên khai thác rừng núi Chúa đã bị cảnh cáo lần đầu tiên khi thần cây chò hiện lên hóa thành những con rắn vàng khiến hắn “toàn thân tím bầm, rộp như phỏng dạ”. Lần thứ hai, những kẻ ăn rừng bặm trợn, đầy dã tâm này đã vào thắp hương khấn vái xin được cưa xẻ những cây cổ thụ - cây thần của rừng Cậu Cóc. Chẳng ngờ thần núi Chúa linh thiêng, bọn ăn rừng vừa mới ngã một cây, đã bị những con rắn mào đỏ lao tới như mũi tên cắm vào người. Tên Sàm bị rắn cắn vào cổ không thể cứu được, còn Dã Miêu thì phải mang thương tật suốt đời.

Yếu tố kì ảo có thể là những điều lạ lùng, huyền bí, vừa chân thực vừa huyền ảo mà cội nguồn của nó là sự tưởng tượng, hư cấu mạnh mẽ có sức lay động hứng thú thẩm mĩ của người đọc. Đặc biệt những yếu tố kì ảo ấy không đơn giản chỉ là cái siêu nhiên, không tưởng mà quan trọng nó tạo ra niềm tin cho những người đối diện với nó.

Tiểu thuyết Rừng thiêng có một chi tiết kì ảo khiến cho tác phẩm gần giống như truyện cổ tích, đó là việc đi tìm lại kho báu mà ông Mã Nủ cất giấu của Liêng và Lìn. Theo như lời kể lại thì phải đủ mười sáu năm sau khi ông Mã Nủ chết, và phải biết được câu thần chú thì mới mở được kho báu. Trong cuộc tìm kiếm, Lìn tưởng như lạc vào một thế giới ma quái chưa từng thấy ngay cả trong những giấc mơ hoang tưởng. “Lìn thấy hình như trên vách đá hiện ra cả đàn con trăn nằm loằng ngoằng đang ngoác mồm, ngóc đầu lên, đầu con nào cũng có cái mào đỏ rực. Trong ánh đèn nhấp nhoáng, Lìn nhìn thoáng bóng cô gái quần áo sặc sỡ cưỡi trên lưng một con trăn to nhất” [44, tr 597]. Lìn tin rằng đó chính là

hồn trinh nữ mười sáu tuổi do ông Mã Nủ mua về chôn theo với lũ rắn độc mà ông đã thả vào hốc đá trong hang để giữ kho báu.

Trong tiểu thuyết Thuốc phiện và lửa có câu chuyện về cánh đồng Ma. Đó là một cánh đồng rộng lớn, màu mỡ nhưng bị gắn với truyền thuyết là cánh đồng cũ của chúa đất Khan không ai được khai thác. Để giúp dân thoát khỏi đói nghèo bằng việc tìm đường dẫn nước về cánh đồng Ma, già làng Mã Lềnh đã lên cột Đá Trời để cầu khấn. Trong lễ cầu khấn, ông đã được gặp thần Núi (tóc trắng, râu trắng, mặc áo xanh, đang ngồi tư thế thiền trên đám mây vàng), xin thần cho mở ruộng trên cánh đồng Ma và đã được thần cho phép. Dẫu biết rằng những tai nạn mà người dân bản trước đây gặp phải trên cánh đồng Ma có thể chỉ là không may, nhưng chính niềm tin vào thế giới thần tiên, kì ảo này đã giúp cho các cán bộ cùng với người dân thêm quyết tâm, mạnh dạn trong việc canh tác trồng cấy trên cánh đồng tốt tươi ấy.

Trong sáng tác của mình, Hoàng Thế Sinh còn sử dụng cả những truyền thuyết dân gian.

Đó là truyền thuyết về tượng Cho thiêng liêng (Rừng thiêng) với một câu chuyện thần bí và bi tráng. Truyền thuyết như một điểm tựa tinh thần cho những đôi lứa yêu nhau đến để cầu may cho tình yêu của mình. Không những vậy tượng đá Cho còn có ý nghĩa sâu xa: “râu tóc xùm xòa chứng tỏ Cho đã gắng công đêm ngày lặn lội tìm đến người mình yêu, đầu ngoảnh nhìn với đôi mắt mở to đầy khao khát, còn một cánh tay thõng xuống chính là sự thảm bại – thảm bại tại bởi lòng thương người, thương muôn loài đến hết cả hi vọng cơ hội cho tình yêu của riêng mình” [44, tr 267].

Truyền thuyết về nàng Phạc Phiền (Thuốc phiện và lửa) lại mang một ý nghĩa khác. Vì nàng Phạc Phiền mà bao nhiêu người đã phải chết như Giàng Xim, A Sua, cả chúa đất Khan... Cái chết của chúa đất Khan trong câu chuyện về nàng Phạc Phiền đầy ám ảnh: “Nhiều ngày sau, bọn lâu la tìm thấy chúa đất Khan nằm chết còng queo trong chân núi, ngay bên nương cây Phạc Phiền, chỉ

còn là một bộ xương trắng, mấy đoạn xương ngón tay vẫn còn ngoắc vào cái ống hút nhựa Phạc Phiền” [32, tr 80]. Nó như một lời cảnh báo cho mọi người biết để tránh xa sự mê muội khó mà dứt ra được của loài cây độc – thuốc phiện.

Trong truyện ngắn Sao tổn khuống, Hoàng Thế Sinh đã kết hợp đan xen những yếu tố hư và thực tạo nên hình tượng con hươu vàng rất đặc trưng. Con hươu vàng có “thân hình vạm vỡ, với bộ lông vàng tươi”, đôi mắt to sáng, xanh long lanh, mắt nửa thú nửa người, có sừng. Con hươu này đã bao phen bị trai bản Thái săn đuổi mà không thể nào bắt được. Cái chết của Sa và con hươu vàng như sự ra đi của một thiên thần trong truyện cổ tích ám ảnh rất lâu trong lòng người đọc.

Ngay trong phần đầu của truyện ngắn, con hươu vàng xuất hiện như là đại diện của lòng bao dung độ lượng, của tình yêu và khát vọng hướng tới cái đẹp chân chính. Nó đã làm mê hoặc nhiều cô gái đẹp và bị cho là quỷ dữ khiến những cô gái khác khiếp sợ. Tuy nhiên, nó lại cũng có thể được hiểu như một vị thần linh nơi núi rừng huyền bí sẵn sàng giúp đỡ con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đứng vững và hướng tới tương lai. “Cái chết của con hươu vàng như một lời cảnh báo: Con người phải vừa say, vừa tỉnh trong buổi đầu hội nhập văn hóa Đông – Tây. Bản sắc dân tộc là chất đề kháng tốt nhất để con người tiếp thu có chọn lọc, kế thừa những giá trị mà cha ông để lại, để luôn được là mình và làm mới bản thân mình” [51].

Có thể nói, mặc dù chưa thật phong phú, yếu tố kì ảo đã ít nhiều đem lại cho sáng tác của Hoàng Thế Sinh một sức hấp dẫn riêng. Đây cũng là dấu hiệu của sự đổi mới, cách tân vốn còn chậm so với văn xuôi đô thị, đồng bằng của khu vực văn xuôi miền núi.

Một phần của tài liệu Sáng tác của Hoàng Thế Sinh trong văn suôi Yên Bái đương đại (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)