Chương 2: Ngôn ngữ về giới và quan niệm về số lượng giới được phản ảnh trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt
2.2. Ngôn ngữ về giới và quan niệm về số lượng giới của con người
2.2.1. Nhận xét về từ ngữ và tần số xuất hiện của từ ngữ trực tiếp chỉ giới bằng ý nghĩa từ vựng
2.2.2.1. Từ ngữ gián tiếp chỉ giới thông qua các biện pháp tu từ
Ngoài những từ ngữ chỉ giới có sự phân biệt giới tính mà chúng ta khảo sát được như trên trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt còn có nhiều đơn vị cũng chỉ về giới nhưng trong đó từ ngữ chỉ về giới không phải là những từ ngữ chỉ giới một cách trực tiếp mà là những từ, ngữ chỉ về giới thông qua ý nghĩa biểu trưng, ước lệ với những hình thức tu từ. Thống kê từ ngữ liệu thu thập được chúng tôi tìm được 148 đơn vị thành ngữ, tục ngữ có tính chất như vừa nêu.
Bảng 2.3. Từ ngữ gián tiếp chỉ về giới nam thông qua các biện pháp tu từ
Số thứ tự Từ ngữ Tần số xuất hiện
1. sức dài vai rộng 1
2. gà cồ 1
3. gà trống 1
4. kim đồng 1
5. nấu sử sôi kinh 1
6. Ngâu 1
7. Ngưu lang 1
8. thung 1
9. xuân 1
10. bướm 1
11. cú 2
12. ong 1
13. trâu 3
14. râu 2
15. chuột 1
16. tùng quân 1
Tống số lượt xuất hiện 20
Bảng 2.4. Từ ngữ gián tiếp chỉ về giới nữ thông qua các biện pháp tu từ
Số thứ tự Từ ngữ Tần số xuất hiện
1. vú thõng dưa gang 1
2. vú xếch, lưng eo 1
3. tóc mây mày nguyệt 1
4. vú bánh dày, má bánh đúc 1
5. tiết sạch giá trong 1
6. tóc chấm ngang vai 1
7. vú tày giần 1
8. tóc đuôi gà mày lá liễu 1
9. bèo mây 1
10. cân quắc 1
11. chiếc bóng 2
12. da trắng tóc dài 1
13. liễu 6
14. lưng eo vú xếch 1
15. má đào mày liễu 1
16. má hồng 1
17. má phấn môi son 1
18. má phấn răng đen 1
19. mặt hoa da phấn 1
20. mắt phượng mày ngài 1
21. mặt tươi như hoa 1
22. nghiêng nước nghiêng thành 1
23. phận ế, duyên ôi 1
24. quạ mổ diều tha 1
25. quần vận yếm mang 1
26. thắt đáy lưng ong 1
27. tía 1
28. trong ngọc trắng ngà 1
29. trúc 1
30. vóc ngọc mình vàng 1
31. yểu điệu thanh tân 1
32. yểu điệu thanh tân bồ sứt cạp 1
33. cả vú to hông 1
34. cành mai 1
35. chăn đơn gối chiếc 1
36. chân yếu tay mềm 1
37. chiếc bách 2
38. chó cái 2
39. chức nữ 1
40. cỏ 1
41. cọc 3
42. cột cái 2
43. cột con 2
44. của chua 1
45. da ngà mắt phượng 1
46. đào 4
47. gà 1
48. gà mái 5
49. Hằng Nga 4
50. hạt ngọc 1
51. hoa 37
52. hồng 3
53. hồng nhan 4
54. hương 5
55. huyên 3
56. liễu 4
57. loan 4
58. lưng chữ cụ, vú chữ tâm 1
59. lưng eo vú đảnh 1
60. má đào 2
61. má hồng răng đen 1
62. mai 3
63. mận 1
64. mặn phấn tươi son 1
65. cát lũy 1
66. mày ngài/ tằm, mắt phượng/
phụng
1
67. ngọc 2
68. nguyệt 3
69. nón 2
70. nữ kê 1
71. phấn 4
72. phản 1
73. phận cải duyên kim 1
74. phận hẩm, duyên ôi 1
75. quai xanh, vành chảo 1
76. sắc 3
77. son 1
78. sư tử Hà Đông 1
79. tao khang 1
80. tề gia nội trợ 1
81. thắm 1
82. thuyền 1
83. tranh tố nữ 1
84. vừa đẹp vừa giòn 1
85. xắn váy quai cồng 1
Tổng lượt xuất hiện 172
Từ ngữ gián tiếp nói về giới thông qua biện pháp tu từ có trong 148 đơn vị thành ngữ, tục ngữ, 16 từ ngữ với 20 lượt từ ngữ về giới nam và 85 từ ngữ với 172 lượt về giới nữ, chiếm tỉ lệ 40,16% trong tổng số từ ngữ về giới trong nguồn ngữ liệu thu thập. Như vậy, giới nữ được nói đến gián tiếp nhiều hơn giới nam. Những hình ảnh dùng biểu trưng cho nam thường là những sự vật chủ động, mạnh mẽ; nữ thường được biểu trưng bằng những hình ảnh bị động, yếu đuối, … Từ đây, người viết có thể dự báo về vấn đề kỳ thị giới ngay trong những hình ảnh biểu trưng về giới. Điều này sẽ được làm rõ trong các phần tiếp theo.
2.2.2.2. Vai trò của từ ngữ gián tiếp chỉ giới thông qua biện pháp tu từ trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt
Tiếng Việt rất phong phú, bên cạnh những từ ngữ mang nghĩa tường minh về giới còn có những cách diễn đạt hàm ẩn. Qua thống kê, người viết nhận thấy có 148 đơn vị trong đó có 16 trường hợp từ ngữ mang nghĩa hàm ẩn về giới nam, 86 trường hợp từ ngữ mang nghĩa hàm ẩn về giới nữ. Những nghĩa hàm ẩn về giới tính được tạo ra thông qua biện pháp ẩn dụ và hoán dụ.
a) Những từ ngữ chỉ giới thông qua biện pháp ẩn dụ
Những từ ngữ này dựa vào những đặc trưng tính giới nhất định biểu trưng cho một đối tượng giới tính nhất định.
- Giới nữ gồm những từ ngữ: nón, tía, trúc, đào, gà mái, Hằng Nga, hồng, hương, liễu, loan, mai, cọc, son, sư tử Hà Đông, chó cái, thuyền,…
- Giới nam gồm những từ ngữ: tùng quân, trâu, ong, bướm, Ngưu lang, gà trống, gà cồ,..
Những từ ngữ này mang tính biểu trưng cho đối tượng mang thông tin giới tính rất cao. Qua khảo sát, người viết nhận thấy, có những từ ngữ dựa vào những đặc tính tương đồng về vẻ đẹp, thuộc tính giới tính nhất định như liễu, loan, mai, đào (ẩn dụ cho những người phụ nữ đẹp), sư tử Hà Đông (ẩn dụ mang thuộc tính của đối tượng, biểu trưng cho người phụ nữ hung dữ, ghê ghớm); ong, bướm, tùng quân (ẩn dụ cho những đối tượng giới nam mang thuộc tính chung của giống đực),
những từ ngữ chỉ dựa vào đặc điểm giới tính tương đồng của sự vật thông qua ẩn dụ như gà trống, chó cái,…
Đặc biệt, các từ ngữ mang hàm ẩn giới tính này thường đặt trong thế đối lập nhau như sự đối lập giữa hai giới mang những thuộc tính khác nhau:, gà trống – gà mái, hoa, đào – bướm, ong, cọc – trâu, cú – mai, chuột – hạt hồng,…
Do mang tính biểu trưng rất cao nên khi tham gia tạo nghĩa của toàn đơn vị, những từ ngữ này tham gia rất lớn vào tính biểu trưng và tính hình tượng của toàn đơn vị. Những từ ngữ này mang yếu tố văn hoá ở cả nghĩa trung tâm và nghĩa liên tưởng.
Bướm, ong trong Bướm chán ong chường biểu trưng cho đối tượng mang giới tính nam, nhưng cả đơn vị thành ngữ này lại biểu trưng cho một thuộc tính mang giới tính nữ. Chính những đặc điểm của sự vật liên tưởng đã góp phần nói lên vấn đề này. “Bướm, ong” là những côn trùng chuyên hút mật hoa và trong chuyến hành trình tìm mật hoa đó, có biết bao nhiêu hoa được ong, bướm ghé thăm; chính những tính chất ấy đã khiến cho người Việt liên tưởng đến tính cách của giới nam.
Đối tượng mà bướm, ong hướng đến là hoa, chính vì vậy trong trường hợp này đối tượng ngầm ẩn được nói đến là giới nữ.
Hay đối với các đơn vị thành ngữ “cọc đi tìm trâu”; “trâu đi tìm cọc chứ cọc đời nào đi tìm trâu” cũng vậy. Những đặc trưng cố định của chiếc cọc được liên tưởng đến những đặc điểm trong tính cách của phái nữ: thụ động, và đối lập với hình ảnh thụ động đó là sự vận động không ngừng của “trâu”.
b) Những từ ngữ chỉ giới thông qua biện pháp hoán dụ
Dựa vào những đặc điểm nổi bật của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể đặc thù của một đối tượng mang giới tính nhất định để biểu trưng cho đối tượng.
- Thuộc giới tính nam gồm những từ ngữ: sức dài vai rộng, nấu sử sôi kinh, đầu râu, rậm râu,…
- Thuộc giới tính nữ gồm những từ ngữ: thắt đáy lưng ong, vóc ngọc mình vàng, da ngà mắt phượng, hồng nhan,…
Những trường hợp này chủ yếu là hoán dụ hình thức. Những đặc điểm hình dáng bên ngoài được nêu lên là biểu trưng cho từng giới tính nhất định.
Cũng như trường hợp trên, những từ ngữ hoán dụ hoá này mang tính biểu trưng cao và góp phần rất đắc vào việc tạo nên ý nghĩa cũng như tính hình tượng của toàn đơn vị.
Có nhiều trường hợp, những yếu tố ngôn ngữ này trở thành đối tượng biểu trưng chính của đơn vị thành ngữ, tục ngữ.
Ví dụ:
- Da ngà mắt phượng
- Thắt đáy lưng ong người phụ nữ đẹp - Vóc ngọc mình vàng
- Sức dài vai rộng –trai tráng khoẻ mạnh - Nấu sử sôi kinh – thư sinh
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy thuộc trường hợp này chủ yếu là những đơn vị thành ngữ ẩn dụ hoá đối xứng. Những đặc điểm hình thức được nêu ra thường đối xứng nhau trên cơ sở làm rõ nghĩa và gia tăng tính biểu trưng.
Nếu tham gia vào đơn vị thành ngữ, tục ngữ có nhiều yếu tố thì những từ ngữ mang tính biểu trưng giới tính này cũng góp phần quan trọng để tạo nên ý nghĩa biểu trưng của toàn đơn vị.
Ví dụ:
- Hồng nhan bạc phận - Má đào phận bạc
Những yếu tố “hồng nhan, má đào”thông qua hoán dụ hoá biểu trưng cho đối tượng thuộc giới nữ với đặc trưng hình dáng bên ngoài đẹp; “bạc phận” là yếu tố biểu trưng cho số phận hẩm hiu. Và một lần nữa tổng hoà những yếu tố biểu trưng đó tạo nên ý nghĩa của toàn đơn vị: nêu lên một quy luật nghịch, số phận của giới nữ trong xã hội ngày xưa thường chịu nhiều bất công, thiệt thòi,..