Sự kỳ thị về giới thể hiện qua lớp từ chuyên dụng của mỗi giới

Một phần của tài liệu giới trong thành ngữ tục ngữ tiếng việt (Trang 78 - 83)

Chương 3: Giới và sự kỳ thị giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt

3.2. Biểu hiện sự kỳ thị giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt

3.2.1. Biểu hiện của sự kỳ thị đối với giới nữ trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt

3.2.1.4. Sự kỳ thị về giới thể hiện qua lớp từ chuyên dụng của mỗi giới

Lớp từ vựng của mỗi ngôn ngữ rất đa dạng, để phản ánh toàn bộ những sự vật, hiện tượng cùng với những thuộc tính, tính chất nhất định. Nhưng mỗi sự vật, hiện tượng đều có những ngôn ngữ miêu tả khác nhau, chính vì vậy tính chất của mỗi sự vật, sự việc cũng được đặc tả mang sắc thái riêng. Có những từ ngữ chỉ dành cho một sự vật, hiện tượng nhất định, trừ một số cách nói sai phạm trù để đạt được mục đích phát ngôn nhất định. Chúng ta từng thấy những cách sai phạm vi như vậy trong thơ văn. Ngô Tất Tố đã từng đặc tả chị Dậu với hình ảnh của “người đàn bà lực điền”, trong khi những từ ngữ chỉ sức mạnh hình thể thường được dùng cho giới nam.

Hay những câu thơ dùng sai phạm vi biểu vật để miêu tả thiên nhiên như:

Trời xanh xao trên bờ môi dịu ngọt Lửa tươm vàng, ưng ửng, nở hồn em”

(Mùa lúa mới – Vương Ngọc Long)

“Thấy trăng vàng vọt nơi xa vắng Bởi đời đã sớm nắng chiều mưa”

(Thời xa vắng- Chi Lan)

Đối với lớp từ ngữ chỉ giới nam và giới nữ cũng nằm chung quy luật ấy. Mỗi đối tượng được đặc tả bằng những ngôn ngữ khác nhau, đặc trưng cho mỗi giới. Nhưng liệu chúng có được dùng sai phạm vi biểu vật không?

Qua khảo sát thành ngữ, tục ngữ có từ ngữ chỉ giới, chúng tôi nhận thấy rằng không những bản thân từ ngữ chỉ hai giới đã mang đặc điểm riêng mà lớp từ ngữ dùng riêng cho hai giới cũng rất khác biệt.

Trước hết chúng tôi nhận thấy trong các từ ngữ chỉ giới gián tiếp hay trực tiếp thì trong hệ thống từ ngữ chỉ về giới nữ có nhiều từ ngữ mang sắc thái tiêu cực ngay trong nghĩa từ điển của chúng và trong ngữ cảnh cũng vậy.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy lớp từ ngữ dành riêng cho mỗi giới có những khác biệt nhất định. Đặc điểm cụ thể như sau

Để miêu tả giới nữ, có những từ ngữ xuất hiện, gồm:

- Dáng vẻ bên ngoài: da ngà, mắt phượng, đẹp, già, héo, khoẻ, gầy, tàn, rửa, …

- Những từ ngữ liên quan đến phẩm chất: đảm, ác, ăn bớt, bốn chuyện, chín chuyện (nhiều chuyện), la sát (hung dữ), bối rối, buồn tình, cau cảu, thâm môi (độc ác), chân yếu tay mềm, nỏ mồm, dại, ngã, nâng, hay lam hay làm, xấu, mưu (mưu mô), ngoay ngoảy, nết, không lái, ngoại tộc, ngoan, ỏn ẻn, õng ẹo, phúc đức, rầu rĩ, rền rĩ, sợ,

- Những hoạt động có liên quan đến giới nữ: gả, bán, ngứa nghề, làm dâu, lẩm bẩm, nhởn nhơ, …

- Số phận: đa truân, bạc mệnh, gió dập sóng vùi (bị vùi dập), lìa cành, rụng (chết), trôi, dạt (số phận lênh đênh), goá, côi, nặng nợ, nát, tàn, ế, ôi, …

- Hình ảnh so sánh/ ẩn dụ: bầu nước lạnh, bầu nước lã, trái bầu non, trái cau non, mười hai bến nước, bồ chịu chửi, của giữa chợ, dâu năng hái, gấm thêu hoa, dịu dàng, nết na, khôn, ngoan, cánh hoa tươi nở một lần, bồ hòn có rễ, bè ngổ trôi sông, chuối chín cây, chuối ba hương (mong manh), quốc sắc thiên hương,

Những từ ngữ xuất hiện liên quan đến giới nam:

- Dáng vẻ bên ngoài: sức dài vai rộng, đầu râu tóc bạc, rậm râu sâu mắt,…

- Phẩm chất: thiện, ác, bất khí, cố cùng, vênh váo, xấu xa,

- Hoạt động có liên quan: trêu, ghẹo, đổi, giày, vò, chán, chê, xem, nhắm, tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,…

Qua đó, người viết nhận thấy trừ một số trường hợp nói về đặc điểm chung mang tính cách của con người như thiện – ác, những thuộc tính khác được sử dụng đặc thù của mỗi giới tính.

 Về dáng vẻ và phẩm chất

Hình ảnh người phụ nữ đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc với những đức tính “công dung ngôn hạnh” bên cạnh những tính cách đáng bị phê phán. Chính vì vậy, khi nói về giới nữ, lớp từ vựng tiếng Việt thể hiện rất phong phú và đa dạng, sắc thái ý nghĩa của từ mang nét đặc thù của giới nữ.

Ví dụ:

- Cau non về hạt, gái đảm về chồng - Con gái có thì

- Da ngà mắt phượng - Da trắng tóc dài

Những từ ngữ miêu tả cho giới nữ vừa mang những đặc điểm ngoại hình lẫn tính cách bên trong: đảm, da ngà, mắt phượng, có thì,…. Những từ ngữ miêu tả này không dùng để miêu tả cho giới nam, không những chỉ vì sự khác biệt về đặc điểm ngoại hình mà còn liên quan đến quan niệm về vai trò, cũng như thân phận của mỗi đối tượng trong xã hội. Chính vì định kiến về vai trò khác nhau của mỗi giới mà từ ngữ đã phản ánh đúng tinh thần đó.

Hay ta không thể bắt gặp những từ ngữ miêu tả giới nam được dùng cho giới nữ.

Ví dụ:

- Sức dài vai rộng - Sôi kinh nấu sử

….

Chỉ có một trường hợp đề cập đến sự dùng sai phạm vi như: Gái khỏe chớ lấy

Rõ ràng thuộc tính “khoẻ” không phải là điển mẫu của giới nữ nên theo quan niệm của cộng đồng, tính cách đó chỉ là nét rườm.

 Về số phận của mỗi giới

Chúng tôi cũng nhận thấy, định kiến giới đã đi vào ngôn ngữ thể hiện rất rõ qua ý nghĩa cũng như sắc thái của từ. Thân phận của người phụ nữ trong xã hội với bao bất công được phản ánh qua những từ ngữ: hẩm, ôi, bạc mệnh, tàn, dập,

vùi,… Những tính từ và động từ được khảo sát là những từ mang sắc thái mạnh và mang tính tiêu cực. Những từ ấy được sử dụng đặc tả cho số phận của người phụ nữ, không hề được sử dụng chon giới nam. Ngược lại, đối với giới nam, số phận của họ được đánh giá qua sự nghiệp, qua việc “sôi kinh nấu sử”.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, thân phận cũng như số phận của giới nam ít được đề cập trong thành ngữ, tục ngữ; ngược lại số phận giới nữ được phản ánh ở nhiều bình diện với nhiều sắc thái khác nhau.

Phận hẩm duyên ôi - tình duyên lận đận

Những tính từ “hẩm, ôi” biểu trưng cho sự hẩm hiu của số phận, cho nợ duyên không tròn.

 Về những hoạt động liên quan giới nữ

Qua phân tích, người viết cho rằng, đối với giới nữ những hoạt động được đề cập vừa mang tính tích cực và tiêu cực.

Về những hoạt động mang tính tích cực có công việc nhà, làm dâu, làm mẹ,…

Ví dụ:

- Cau non về hạt, gái đảm về chồng - Trai có vợ tề gia nội trợ

- Con biết ngồi mẹ rời tay

Về những hoạt động mang tính tiêu cực có thể kể đến những hoạt động mang tính thụ động như gả, bán,…; những hoạt động mang tính chủ động như lẩm bẩm, ngứa nghề, buôn, bán,…

Ví dụ:

- Buôn nguyệt bán hoa - Buôn phấn bán hương

Ngược lại, giới nam không hề có những hoạt động tương tự như trên bởi vì giới nam không phải chịu số phận hẩm hiu như giới nữ. Những hành động của giới này được đề cập chủ yếu là những hoạt động lớn lao, hoặc những hoạt

động mang phong cách giới nam bao gồm cả những hoạt động mang tính tích cực và tiêu cực.

Về những hoạt động mang tính tiêu cực, người viết khảo sát và nhận thấy chủ yếu là những hoạt động chuyên gieo rắc vào giới nữ làm cho thân phận của họ hẩm hiu và đau khổ hơn hoặc những hoạt động mang tính rườm đối với giới nam nói chung.

Ví dụ:

- Giày tía vò hồng - Ghẹo nguyệt trêu hoa - Thế vợ đợ con

- Cầm vợ đợ con

Về những hoạt động mang tính tích cực, chủ yếu là những hoạt động, những tính toán to tát đối với sự nghiệp hoặc gia đình.

Ví dụ:

- Sôi kinh nấu sử/ nấu sử sôi kinh - Anh hùng tạo thời thế

- Cha đào ngạch, con xách nồi

 Hình ảnh so sánh

Mỗi giới được liên tưởng bởi những đặc tính nhất định. Hình ảnh người phụ nữ được so sánh với những sự vật mang tính nhỏ nhoi hoặc lênh đênh trở thành hình ảnh tượng trưng điển hình cho số phận giới nữ.

Ví dụ:

- Thân gái mười hai bến nước - Mẹ già như chuối chín cây - Chiếc bách giữa dòng

Những hình ảnh này xuất phát từ chính thuộc tính của đối tượng.

Trong khi, đối với giới nam, những hình ảnh của sự vận động, mạnh mẽ hoặc có lối sống phóng khoáng, tự do được so sánh.

Ví dụ:

- Làm trai biết đánh tổ tôm, uống chè chính Thái, xem nôm Thúy Kiều - Làm trai cho đáng nên trai, trải gan thờ chúa nghiêng vai đỡ thành

Đôi khi cũng thấy xuất hiện những hình ảnh so sánh mang tính tiêu cực và thấp hèn nhưng nó cũng không lẫn với những hình ảnh mang tính nữ.

Ví dụ:

- Đàn ông như cái gậy thằng ăn mày - Đàn ông như cái nôm bạ đâu úp đấy

Sự đối lập giữa những từ ngữ mang tính mềm mại – mạnh mẽ hoặc lối so sánh khác nhau về giới đã tạo nên sự khác biệt rõ rệt trong ngôn ngữ, một minh chứng quan trọng cho sự kỳ thị về giới.

Một phần của tài liệu giới trong thành ngữ tục ngữ tiếng việt (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)