Chương 3: Giới và sự kỳ thị giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt
3.2. Biểu hiện sự kỳ thị giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt
3.2.2. Biểu hiện sự kỳ thị đối với giới nam trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt
Chúng tôi vừa trình bày sự kỳ thị giới nữ trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Nhưng tiếng Việt không phải là ngôn ngữ chỉ thể hiện sự kỳ thị đối với giới nữ. Giới nam cũng là một giới đóng vai trò tạo ra ngôn ngữ vì vậy khả năng xảy ra sự kỳ thị đối với nam cũng là một sự tất yếu. Khảo sát thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt chúng tôi tìm được những biểu hiện của sự kỳ thị giới nam được phản ánh như sau:
• Sự loại trừ giống trong sử dụng ngôn ngữ
Trong một số trường hợp cách sử dụng ngôn ngữ cũng đã không tính đến giới nam, đã có sự loại trừ giống nam ra ngoài phạm vi biểu đạt.
Ví dụ:
Thất bại là mẹ thành công (1) Cơm tẻ mẹ ruột (2)
Trong trường hợp trên đây là cách nói của người Việt, người Việt cho rằng khi làm gì đó mà gặp phải một thất bại cũng đừng lo sợ vì có thất bại thì mới sinh ra được thành công. Nhưng ở đây vì đặc trưng chỉ giới nữ mới sinh con đẻ cái nên trong đánh giá sự việc cũng vậy con người cũng quan niệm sự thành công chỉ được sinh ra từ sự thất bại và họ ví sự thất bại như người mẹ của sự thành công. Trong trường hợp (2) cũng vậy, những gì thân thuộc với con người cũng được ví như mẹ mà không phải cha. Ví như cơm tẻ được so sánh như mẹ ruột nên không thể thiếu cơm tẻ trong đời sống hàng ngày vì nếu thiếu đi coi như thiếu mẹ, cuộc sống sẽ có nhiều khó khăn.
Những cách nói như trên chính là một trong những biểu hiện của sự kỳ thị về giới nam. Ở đó, giới nam bị gạt ra ngoài trong những trường hợp có thể sử dụng cả hai từ ngữ về nam và nữ để nói lên vấn đề.
• Cách nói hạ thấp vai trò giới nam
Giới nam thường bị gắn cho tính cách bạo lực hung tàn, trong khi đó nữ ít bị như thế. Vì xét về mặt thể chất nam mạnh mẽ hơn nữ. Nhưng không phải vì thế mà mọi tiêu cực bạo lực đều gắn cho giới nam.
Ta thấy trong anh em rể như ghế ba chân, chị em gái như trái cau non; anh em rể đánh nhau vỡ đầu thì anh em rể hay đánh nhau, không hòa thuận nhau, không thương yêu nhau thực sự, tình cảm như ghế ba chân không đứng vững, dễ đỗ vỡ.
Trong khi đó chị em gái lại thân thiết. Cách nhận định như vậy cũng đồng nghĩa xem giới nam không chân thật, hay bạo lực. Nhưng thực tế đâu phải lúc nào giới nam trong vai trò anh em rể cũng như vậy. Cách nói như thế cũng là biểu hiện kỳ thị về tính cách giới nam.
Trong vai trò làm cha làm mẹ của hai giới không phải lúc nào giới nam cũng được coi trọng. Những lúc miêu tả có sự hạ thấp vai trò giới nam đó cũng chính là kỳ thị đối với giới nam. Trong mối quan hệ cha mẹ đối với con cái cũng có quan niệm hạ thấp vai trò người cha so với vai trò người mẹ. Sự kỳ thị giới nam, hạ thấp vai trò người cha biểu hiện trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt như sau: cha chết ăn cơm với cá, mẹ chết liếm lá đầu chợ; mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu chợ; mồ côi cha còn khá, mồ coi mẹ lót lá mà nằm; sẩy cha ăn cơm với cá, sẩy mẹ lót lá mà nằm; cha sinh không bằng mẹ dưỡng; cha sinh không tày mẹ dưỡng; cha sinh mẹ đẻ; cha sinh mẹ dưỡng,... Trong những trường hợp trên người cha bị xem thường, bị đánh giá là không có vai trò quan trọng bằng mẹ trong việc chăm sóc con cái. Bởi vì, khi mất cha thì mẹ chăm lo nên không sao, nhưng khi mất mẹ thì cha không lo được, không chăm sóc được chu đáo nên phải chịu vất vả. Mặt khác sự kỳ thị còn ở quan niệm “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”, trong đó con người cho rằng vai trò của “cha sinh” không bằng “mẹ dưỡng”, sự chăm sóc của mẹ đối với con cái được xem trọng hơn công tạo ra con cái của người cha. Trong những trường hợp trên người cha bị gạt ra khỏi vai trò chăm sóc con cái. Quan niệm như trên coi con cái là của mẹ, cha chẳng có vai trò gì ngoài việc góp phần “sinh” con.
Khi đứa con ra đời người cha như bị gạt ra ngoài.
Trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt cũng miêu tả giới nam gắn với những tính cách xấu như dữ dằn, thô tục, cục cằn, bắt nạt người khác.... Và những cách miêu tả đó làm cho người nghe, người đọc nghĩ rằng tất cả giới nam đều như vậy
mặc dù đối tượng phản ảnh trong nội dung đơn vị thành ngữ, tục ngữ chỉ có thể là một đối tượng giới nam cụ thể nào đó.
Chúng tôi nhận thấy trong những trường hợp sau đây: chồng dữ thì lo, mẹ chồng dữ đánh co mà vào; vợ hiền chồng ít cục, con thảo cha nhẹ la; chồng dữ thì em mới lo; chồng dữ thì em mới sầu; chồng đánh chẳng chừa cùi dừa bánh đa; chê chồng trước đánh đau, gặp chồng sau mau đánh; phàm phu tục tử; quan nói hiếp, chồng nói oan; quan nói hiếp chồng có nghiệp nói thừa; muốn nói không làm chồng mà nói... thuộc vào dạng vừa trình bày.
Giới nam được kỳ vọng là trụ cột gia đình, quyết đoán, có tinh thần làm chủ sự vật và người khác. Do đó, một thất bại nào đó trong cuộc sống hôn nhân con người cũng quy trách nhiệm cho giới nam. Đối với vợ giới nam phải giữ được vai trò người chồng, phải làm cho vợ theo mình , “phu xướng phụ tùy”, do đó khi vợ hư trách nhiệm thuộc về và trước hết là của người chồng, do người chồng không có đủ bản lĩnh “dạy” vợ: “Con hư bởi tại cha dung, vợ hư bởi tại anh chồng cả nghe.
Những cách nói như trên là hạ thấp vai trò mà giới nam đảm nhận.
Giới nam được văn hóa xã hội kỳ vọng, đặt ra những chuẩn mực mà họ phải đạt được. Trong đó có chuẩn mực làm trụ cột gia đình, là chủ sự vật và làm chủ người khác, có tinh thần tự lập. Do đó, khi người nam nào không đạt được những điều trên sẽ xem thường. Trong thành ngữ, tục ngữ cách nói kỳ thị đối với những người như thế là: con trai ở nhà vợ như chó nằm gầm chạn. Hình ảnh “chó nằm gầm chạn” đem so sánh với người “con trai ở nhà vợ” thì không còn ngôn từ nào kỳ thị đến mức độ như thế nữa. Những đơn vị: lệnh ông không bằng cồng bà; vợ là ông thì chồng là tớ; xưa kia có thế này đâu, bởi vì sợ vợ nên râu quặp vào cũng là những cách nói kỳ thị giới nam không đủ bản lĩnh làm chủ gia đình.
Giới nam luôn được xã hội quan niệm là rộng lượng phóng khoáng do đó cách nói trong “Đàn ông ruột gà, đàn bà ruột chó” cũng chính là một sự kỳ thị giới nam, phê phán họ không có tinh thần rộng lượng bao dung mà lại hẹp hòi, ích kỷ.
Giá trị con trai trong gia đình cũng có lúc không bằng con gái, thua kém con gái. Những cách nói hạ thấp vai trò con trai so với con gái cũng là một trong
những biểu hiện của sự kỳ thị đối với nam. Lúc này vai trò, địa vị con trai không ngang bằng với con gái nữa mà thua xa so với con gái thì sự kỳ thị càng lớn: Mười con trai không bằng lỗ tai con gái
Thói hư tật xấu trong xã hội như rượu chè, cờ bạc thường bị gắn cho giới nam. Những tật xấu như không chung thủy, mê sắc đẹp, đam mê nhục dục, tham lam... đều quy chụp cho giới nam mặc dù thực tế không phải người nam nào cũng vậy: trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng; đàn ông một trăm lá gan lá ở cùng vợ, lá toan cùng người; đàn ông như cái gậy thằng ăn mày; đàn ông như cái nôm bạ đâu úp đấy; đàn bà cạn lòng như đĩa, đàn ông bạc nghĩa như vôi; trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con; xưa nay thế thái nhân tình, vợ người thì đẹp, văn mình thì hay; gái tham tài, trai tham sắc; mắt con trai, tai con gái; vú đàn bà, quà đàn ông;
gái góa chồng phòng không chực tiết, trai góa vợ mải miết ngoài đường; hoa thơm đánh cả cụm; chê thằng một chai phải thằng hai lọ; chê thằng một chai, lấy thằng hai nậm,...
Giới nam phải oai phong, hào hoa, nên những cách nói chê bai một đặc điểm ngoại hình nào đó của giới nam cũng chính là một sự kỳ thị: chê thằng ỏng bụng, lấy thằng lưng gù; chê tôm ăn cá lù đù, chê thằng ỏng bụng lấy thằng lưng gù; chê anh béo lấy chàng bụng phệ,...
Trai tài gái sắc là quan niệm gắn giới nam với chữ tài. Do đó khi một người nam nào không có được cái “tài” sẽ bị kỳ thị bằng cách nói “đần”, “dại”,
“hèn”: chồng đần dễ khiến, chồng khôn khó chiều; chồng dại, luống tốn công phu nhọc mình; chồng khôn thì nổi cơ đồ, chồng dại luống tốn công phu nhọc mình;
chồng sang đi võng đầu rồng, chồng hèn gánh nặng đè còng cả lưng; hẩm duyên lấy phải chồng đần; hẩm duyên lấy phải chồng đần, có trăm mẫu ruộng bán dần mà ăn,...
Ngoài xã hội, giới nam luôn được trọng vọng, phải bản lĩnh, tài giỏi nhưng khi họ không đạt được những điều đó ngay lập tức sẽ có những cách phê phán thật đáng sợ đối với họ: làm trai cho đáng thân trai; làm trai cho đáng nên trai, khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng,...
Trong gia đình, giới nam được quan niệm phải là trụ cột, làm chủ gia đình.
Do đó khi một ai không thực hiện được sự kỳ vọng về vai trò đó sẽ có những cách nói chê bai, kỳ thị đối với họ: làm trai cho đáng nên trai, một trăm bữa cỗ chẳng sai bữa nào; làm trai cho đáng nên trai, vót đũa cho dài ăn vụng cơm con; xua gà cho vợ; cơm nhà gà vợ; bám váy vợ; làm trai đã đáng thân trai, ăn cơm với vợ lại nài vét nêu; gán vợ đợ con; cầm vợ đợ con; thế vợ đợ con,...
Nhiều nghề nghiệp có tiếng xấu trong xã hội, không chính đáng, có tính lừa lọc thường bị quy cho giới nam. Như vậy phải chăng con người quan niệm giới nam là giới hay làm những việc xấu gắn với tính bạo lực. Cách quan niệm như thế cũng là một biểu hiện của sự kỳ thị đối với giới nam. Những đơn vị sau đều gắn giới nam với những ngành nghề có tiếng xấu trong xã hội: chứa tiền chứa thóc thì giàu, chứa thằng ăn cướp mất đầu như chơi; lái trâu, lái lợn, lái bò, trong ba anh ấy chớ nghe anh nào; phù thủy, địa lí, lái trâu, trong ba anh ấy chớ nghe anh nào,...
Trên đây là những biểu hiện của sự kỳ thị đối với giới nam trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Tuy sự kỳ thị đối với giới nam trong thành ngữ, tục ngữ không nhiều bằng sự kỳ thị đối với nữ nhưng không phải là không có. Sự kỳ thị đối với giới nam trong đời sống là một hiện thực không thể chối bỏ. Do đó trong thành ngữ, tục ngữ sự phản ánh những quan niệm kỳ thị đó là một điều tất yếu của quy luật ngôn ngữ.