Nhận xét về một số động từ, tính từ được dùng miêu tả về giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt

Một phần của tài liệu giới trong thành ngữ tục ngữ tiếng việt (Trang 62 - 67)

Chương 2: Ngôn ngữ về giới và quan niệm về số lượng giới được phản ảnh trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt

2.2. Ngôn ngữ về giới và quan niệm về số lượng giới của con người

2.2.4. Nhận xét về một số động từ, tính từ được dùng miêu tả về giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt

Bởi vì một đặc điểm đặc thù là động từ, tính từ miêu tả về giới này thường ít được dùng cho giới kia. Khi sử dụng tính từ, động từ vốn được dùng cho giới này để nói về giới kia thường có sắc thái tiêu cực nhiều hơn. Để hiểu rõ hơn chúng ta tiến hành phân tích những tính từ động từ có đặc trưng giới trong thành ngữ, tục ngữ về giới thu thập được.

• Các động từ nói về giới nữ mà chúng tôi khảo sát được cụ thể như sau:

Từ “đẻ” là một động từ chỉ dùng cho giới nữ. Vì xét về mặt chức năng sinh học đặc thù thì chỉ giới nữ mới có chức năng “sinh con đẻ cái”. Do đó từ này chỉ dùng cho giới nữ là vì vậy.

Ví dụ:

- Máu gái đẻ có khỏe cũng nên kiêng

- Đàn ông học sảy học sàng, đến khi vợ đẻ thì làm mà ăn - Con mẹ đẻ con con

Động từ “đảm” hay tính từ “đảm” cũng chỉ dùng cho giới nữ. Khảo sát trong nguồn ngữ liệu thu thập được chúng tôi chỉ thấy nhân dân sử dụng từ này trong những đơn vị nói về giới nữ mà không thấy trường hợp dùng cho giới nam.

Ví dụ:

- Cau non về hạt, gái đảm về chồng - Trai tài, gái đảm

Động từ “khéo” tuy rằng cũng có dùng để chỉ chung cho cả giới nam nhưng thường “khéo” được dùng cho giới nữ vì một đặc trưng thuộc về giới. Giới nữ vốn uyển chuyển, mềm mại, khéo léo hơn nên động từ này thường được dùng chỉ cho nữ là vì vậy. Trong thành ngữ, tục ngữ về giới chúng tôi cũng tìm được nhiều đơn vị có sự xuất hiện của từ này nhưng chỉ nói về nữ.

Ví dụ:

- Canh suông khéo nấu thì ngon, mẹ già khéo nói thì con đắt chồng - Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn

- Gái khéo vá vai, trai tài phủ nóc

- Chồng chung vợ chạ ai khéo hầu hạ thì được chồng riêng

Trong bốn ví dụ trên chúng ta thấy từ khéo dùng để miêu tả về bản tính của nữ: khéo trong ăn nói, khéo trong dạy con, khéo trong may vá, khéo trong hầu hạ người khác. “Khéo” chính vì vậy là động từ mang tính nữ nhiều hơn.

Tính từ “chính chuyên” là một tính từ chỉ dùng cho nữ nó có nghĩa là “một lòng chung thủy với chồng”. Khảo sát 1794 đơn vị thành ngữ, tục ngữ chúng tôi tìm

được bốn đơn vị với từ “chính chuyên” và chỉ dùng cho giới nữ mà không có một đơn vị nào dùng tính từ này cho giới nam.

Ví dụ:

- Tài trai lấy năm lấy bảy, gái chính chuyên chỉ lấy một chồng - Chính chuyên lấy chồng thợ giác, đĩ rạc lấy chồng quận công

- Gái chính chuyên chẳng lấy hai chồng

- Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng

Tất cả các trường hợp trên đều dùng từ này để nói lên đức tính tốt đẹp của giới nữ, một lòng chung thuỷ. Chính vậy vậy tính từ này mang tính nữ tích cực.

Động từ “trang điểm”cũng là một động từ dùng nói về việc sửa soạn nói chung nhưng chúng ta thấy nó vốn hay được dùng cho phái nữ hơn là phái nam vì một đặc thù nữ gần liền với chữ “dung”, chữ “sắc” thì việc “trang điểm” để

dung”, “sắc”được hoàn hảo là điều cũng dễ hiểu.

Ví dụ:

- Gà già khéo ướp lại tơ, nạ dòng trang điểm gái tơ mất chồng - Cau già dao sắc lại non, nạ dòng trang điểm vẫn còn như xưa

- Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen

Động từ “thủ tiết” cũng là một động từ chỉ dùng cho giới nữ. Vì quan niệm của nhân dân đối với giới nữ trong đó chữ “tiết hạnh”được xem là một trong bốn yếu tố quan trọng làm nên giá trị của họ cho nên động từ này được dùng để nói về họ. Còn đối với giới nam quan niệm nhân dân hầu như không chú trọng chữ tiết hạnh. Có lẽ vì thế mà không cần phải có ngôn ngữ nói về vấn đề này ở nam.

Ví dụ:

- Trai làm nên năm thê, bảy thiếp, gái làm nên thủ tiết một bề nuôi con.

- Trai năm thê bảy thiếp, gái thì thủ tiết một bề nuôi con.

Động từ “làm lẽ” , “lấy lẽ”cũng nói về giới nữ. Vì địa vị xã hội phụ nữ còn thấp, còn phụ thuộc vào giới nam còn chịu nhiều sự ràng buộc nên không tự

quyết định được số phận của mình mà phó mặc cho may rủi và do đó từ ngữ làm lẽ / lấy lẽchỉ dùng để phản ánh về số phận phụ nữ thấp bé trong xã hội.

Ví dụ:

- Gái phải làm lẽ thà rằng chết trẻ còn hơn - Khôn đi làm lẽ, khỏe di ở mùa

- Lấy chồng làm lẽ khỏi lo, cơm nguội đầy rá, cá kho đầy nồi - Lấy chồng làm lẽ khỏi lo, lương vua khỏi đóng áo chồng khỏi may - Thà rằng làm lẽ thứ mười, còn hơn chính thất những thằng đần ngu

Động từ làm đĩ / hay đánh đĩ luôn được mặc định là chỉ về giới nữ. Vì xã hội coi phụ nữ chỉ là “thập nữ viết vô”, chỉ là điều tai họa. Đồng thời con người thường cho rằng chỉ những người thấp hèn mới đi làm nghề xấu xa đó mà giới nam thì luôn được đề cao vì vậy họ không thể nào làm mất mặt các đấng trượng phu, các đấng mày râu.

Ví dụ:

- Đánh đĩ chín phương để một phương lấy chồng - Làm đĩ ba đông lấy chồng cũng đẹp

- Lấy đĩ về làm vợ, không ai lấy vợ về làm đĩ

- Chính chuyên lấy chồng thợ giác, đĩ rạc lấy chồng quận công - Nằm với đĩ mới biết công vợ, trả xong nợ mới biết nghĩa nhà giàu Tất cả các ví dụ trên điều có cách nói rằng phụ nữ làm đĩ. Họ chỉ dùng từ này để nói về phụ nữ.

Một số kiểu kết hợp từ chỉ dùng cho giới nữ mà chúng tôi khảo sát được gồm: Gái + góa, Quả + phụ, Vợ + góa, Mẹ + góa.

Những cách dùng từ kết hợp như trên chỉ dành cho trường hợp nói về tình trạng hôn nhân của giới nữ. Vì đối với phụ nữ thời xưa việc xác định tình trạng hôn nhân của họ được nhân dân quan niệm là quan trọng. Còn đối với nam thì sự xác định tình trạng hôn nhân là không cần thiết.

Vợ lẽ, vợ bé, vợ mọn dùng cho nữ vì chỉ có nữ mới phải chịu cảnh làm lẽ làm mọn trong thực tế. Nam hiếm khi phải làm lẽ hay làm bé. Nên sẽ không có các kiểu kết hợp kiểu: chồng + bé, chồng + lẽ, chồng + mọn

Một số tính từ chỉ dùng cho nữ như sau: dịu dàng, nết na, lõa lồ, đỏng đảnh, nhí nhảnh, đanh đá.Chúng ta thấy khi những phát ngôn có sự xuất hiện của những từ ngữ này, một người Việt lập tức có cảm nhận là nói về giới nữ mà ít khi cảm nhận nói về giới nam. Trong Từ điển tiếng Việt phần lớn những từ này được phân biệt cách dùng và đa số là sử dụng khi nói về giới nữ.

+ Dịu dàng: Dịu dàng con gái, nết na học trò + Nết na: Nết na con gái tiếng tăm thầy đồ

+ Lõa lồ: Cá lên mặt nước cá khô làm thân con gái lõa lồ ai khen + Đỏng đảnh: Đỏng đảnh như phản gỗ long đanh

+ Nhí nhảnh: Nhí nhảnh như con đĩ đánh đồng + Đanh đá: Con mụ đanh đá

Nhìn chung: qua các tính từ, động từ nói về giới trên chúng tôi thấy rằng giới nữ được khắc họa như là một thực thể có tính mềm mại, dịu dàng, khéo léo, phục tùng, giữ chữ hạnh, gắn với chữ dung, bị động. Đó là một mẫu hình mà phụ nữ Việt Nam thường phải theo đuổi.

• Động từ, tính từ chỉ về giới nam không nhiều, ngoài những động từ, tính từ không giúp nhận dạng giới thì trong 1794 đơn vị thành ngữ, tục ngữ chỉ có hai đơn vị có miêu tả về giới nam bằng tính từ cụ thể như sau:

Phàm phu tục tử

Vợ hiền chồng ítcục, con thảo cha nhẹ la

Trong hai ví dụ trên “phàm” và “cục” đều miêu tả người nam thô tục, cộc cằn,… Nhưng thiết nghĩ đây cũng là một phần bản tính của giới nam trong đời sống thực tế và điều này được phản ánh vào trong thành ngữ, tục ngữ như trên.

Động từ “cưới” trong cụm từ “cưới vợ” cho chúng ta thấy sự chủ động của giới nam trong việc hôn nhân. Điều này phản ánh quan niệm con người vốn coi giới nam là giới chủ động làm chủ người và vật do đó ngôn ngữ về giới nam cũng phản

ánh quan niệm đó. Chúng ta thấy rằng đây là một động từ chỉ dùng để nói về người nam, dùng cho nam chứ thực tế chúng ta không gặp trường hợp “cưới chồng” trong tiếng Việt phổ thông.

Như vậy, qua phân tích thống kê về ngôn ngữ chỉ về mỗi giới như trên chúng tôi có thể đi đến một kết luận là số lượng giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt chỉ có hai. Con người quan niệm chỉ có hai giới trong đời sống nên giới đi vào ngôn ngữ cũng chỉ hai giới. Do quan niệm chỉ có hai giới nên trong ngôn ngữ nói chung, thành ngữ, tục ngữ nói riêng chúng ta chỉ có thể khảo sát được ngôn ngữ về hai giới mà không có một thứ ngôn ngữ về giới nào khác xuất hiện ngoài hai giới nam và nữ.

Một phần của tài liệu giới trong thành ngữ tục ngữ tiếng việt (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)