Việc sử dụng từ ngữ chỉ giới nam để chỉ chung cả hai giới

Một phần của tài liệu giới trong thành ngữ tục ngữ tiếng việt (Trang 69 - 72)

Chương 3: Giới và sự kỳ thị giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt

3.2. Biểu hiện sự kỳ thị giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt

3.2.1. Biểu hiện của sự kỳ thị đối với giới nữ trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt

3.2.1.1. Việc sử dụng từ ngữ chỉ giới nam để chỉ chung cả hai giới

Thành ngữ, tục ngữ là một kho tàng văn hóa – ngôn ngữ dân tộc quý báu.

Mọi vấn đề của đời sống xã hội đều ít nhiều được phản ánh. Tình cảm con người nói chung cũng thế. Tình cảm anh em ruột thịt luôn là một phần quan trọng trong thành ngữ, tục ngữ. Ở đó, những tình cảm anh em tốt đẹp, những lời khuyên bảo về cách ứng xử giữa anh em với nhau đều được nhân dân ta đúc kết. Tuy nhiên đứng trên góc độ sự kỳ thị ngôn ngữ về giới ta thấy đa số các đơn vị thành ngữ, tục ngữ nêu lên vấn đề tình cảm anh em ruột thịt hay những tình cảm thân thiết nhau giữa người và người thường dùng từ “anh em” để miêu tả mà ít dùng từ “chị em”. Nếu có

dùng thì hai cách dùng cũng có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Khảo sát trong 1794 đơn vị thành ngữ, tục ngữ Tiếng Việt chúng tôi tìm được 26 đơn vị có chứa từ “anh em”. Một số ví dụ như:

- Anh em như chông như mác - Anh em ai có nồi nấy

- Anh em ai đầy nồi ấy

Trong khi đó, từ “chị em” chỉ xuất hiện 6 lần. Sự vượt trội của cách dùng từ chỉ về giới nam trong những trường hợp bao gộp về giới như trên cũng là một minh chứng cho sự kỳ thị giới.

Ví dụ:

- Chị em hiền thật là hiền, lâm đến đồng tiền mất cả chị em - Chị em không thèm đến ngõ

- Chị em trên kính dưới nhường, là nhà có phúc mọi đường yên vui

Trong Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê giải thích từ “anh em” là từ chỉ

những người cùng một thế hệ có quan hệ ruột thịt với nhau (nói khái quát)”.Nghĩa thứ hai của từ anh em là “Những người có quan hệ gần gũi thân thiết, coi nhau như anh em (nói khái quát)”. Như vậy trong cách hiểu, cách dùng từ “anh em” ta thấy

“anh” đã bao gộp luôn cả giới nữ trong vai trò chị nếu gia đình nào có con đầu là chị. Trong “anh em” chỉ có giới nam được nhắc đến trực tiếp và giới nữ bị bao gộp trong đó. Khi đọc hay nghe từ “anh em” mặc nhiên người nghe/ đọc thường nghĩ về những người con trai trước tiên. Bởi vậy, trong ngôn ngữ đời thường của chúng ta, khi gặp người mà ta chưa quen, ta thường sẽ hỏi “Nhà có mấy anh em?”, mà hiếm khi hỏi “Nhà có mấy chị em?”. “Anh em” được dùng với nghĩa bao gộp cho cả nam và nữ nhưng ngược lại “chị em” không bao giờ được dùng với nghĩa như vậy. Cách giải thích trong Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê về từ “chị em” như sau: “Những người phụ nữ trẻ có quan hệ gần gũi, thân thiết” ở đây không hề có sự bao gộp ngược lại đối với nam. Khảo sát ngữ liệu chúng ta không thấy trường hợp từ “chị em” được dùng cho những trường hợp bao gộp về giới bởi vì theo từ điển thì “chị em” không có nghĩa chỉ chung cho tất cả những người có cùng quan hệ ruột thịt,

hay những người có quan hệ thân thiết nhau mà “chị em” chỉ có ý nghĩa nói về những “người phụ nữ trẻ có quan hệ gần gũi, thân thiết”. Do đó “chị em” không thể dùng để thay thế cho “anh em”. Chúng ta thấy trong những trường hợp như thế theo các nhà ngôn ngữ học có tư tưởng bình đẳng giới họ cho rằng vai trò giới nữ đã bị hạ thấp hơn so với giới nam, trở nên vô hình, bị đẩy xuống vị trí thứ yếu, phụ thuộc vào giới nam.

Như vậy, đây là một biểu hiện của sự kỳ thị giới nữ trong cách dùng từ ngữ chỉ giới nam để chỉ cho những trường hợp bao gộp về giới.

Trường hợp như vậy ta cũng gặp trong từ “ông vải”. Đây là từ với nghĩa

“ông bà, tổ tiên”.Nếu theo nghĩa như trên từ này chỉ chung cho cả giới nam và giới nữ. Nhưng ở đây từ “ông vải” được xác định giống bằng từ ông chứ không phải là một từ nào về giới nữ. Trong trường hợp này giới nữ cũng đã bị vô hình vì khi đọc lên hay nghe nói “ông vải”chúng ta sẽ khó có thể nhận thấy sự hiện diện của giới nữ nếu thực tế chúng ta không biết nghĩa từ điển của nó. Từ chỉ giới nam được dùng chỉ chung cho cả giới nữ ngày càng làm cho vai trò của giới nữ trở nên không đáng kể gì. Từ này là một từ dùng để chỉ về thế hệ trước của chúng ta và chỉ những người đã khuất. Nghĩa dùng tất nhiên sẽ trang trọng nhưng chỉ có sự hiện diện của từ chỉ giới nam. Điều này càng góp phần làm rõ thêm tập tục trọng nam khinh nữ cho dù ngay cả đối với thế hệ trước. Về từ ngữ dùng để chỉ ông bà tổ tiên cũng có từ “ông bà” nhưng sự xuất hiện vượt trội của từ ông vải trong thành ngữ, tục ngữ đã làm cho từ ông bà – một từ có sự xuất hiện của cả hai giới không chiếm được ưu thế trong cách dùng.

Trong 1794 đơn vị thành ngữ, tục ngữ về giới chúng tôi khảo sát được 11 đơn vị chứa từ “ông vải”, “ông bà” chỉ xuất hiện trong 5 đơn vị với 5 lần. Sau đây là một vài ví dụ có chứa từ “ông vải”.

Ví dụ:

- Về chầu ông vải - Chầu ông vải

- Trưởng bại hại ông vải

- Con cháu nói chuyện ông vải

Như vậy, đây cũng là một biểu hiện của sự kỳ thị đối với giới nữ được phản ánh trong thành ngữ, tục ngữ Tiếng Việt qua sự vượt trội của giới nam trong các từ ngữ chỉ sự bao gộp về giới.

Một phần của tài liệu giới trong thành ngữ tục ngữ tiếng việt (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)