Có thể nói, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên tuyên truyền, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, triết học Mác-Lênin nói riêng vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Mặc dù, Hồ Chí Minh không để lại những tác phẩm chuyên khảo triết học thuần tuý nhưng tư tưởng triết học của Người đã thẩm thấu, xuyên suốt trong toàn bộ lý luận cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Khác với các nhà tư tưởng khác thường thể hiện tư tưởng triết học của mình qua những tác phẩm chuyên khảo, mang tính học thuật chuyên sâu, Hồ Chí Minh biểu đạt tư tưởng triết học của mình qua các bài viết,
bài nói chuyện, bài phát biểu, qua lối sống, phong cách làm việc và qua chính cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Có thể nói, những tư tưởng triết học của Người đã thẩm thấu trong tất cả các tác phẩm của Người từ các bài thơ, bài nói chuyện đến bản di chúc trước lúc đi xa. Đồng thời, những tư tưởng triết học ấy còn thẩm thấu vào hoạt động cách mạng, phong cách làm việc của Người. Những tư tưởng triết học ấy lại được Người biểu đạt bình dị, giản đơn, hết sức dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo nhưng không thô thiển, không tầm thường. Chính vì vậy, chúng ta ít gặp các phạm trù “vật chất”,“ý thức”, “biện chứng”, “siêu hình”, “thế giới quan”, “phương pháp luận”.v.v..trong các tác phẩm của Người. Có thể nói, chính Hồ Chí Minh là người đã làm giàu triết học Mác-Lênin bằng những cách diễn đạt của phong cách diễn đạt phương Đông, phong cách diễn đạt Việt Nam, phong cách diễn đạt bằng hình ảnh. Hình ảnh con đỉa hai vòi để nói về quan hệ giữa cách mạng ở chính quốc và cách mạng ở thuộc địa; hình ảnh một người khoẻ phải đi bằng hai chân mới vững để nói về quan hệ giữa kinh tế công nghiệp và kinh tế nông nghiệp của một quốc gia.v.v..là những hình ảnh biểu đạt tư tưởng triết học hết sức sâu sắc nhưng gần gũi nhân dân, nên nhân dân dễ nhớ, dễ hiểu.
Như vậy là, thông qua tư tưởng triết học Hồ Chí Minh có những luận điểm của triết học Mác-Lênin đã được bổ sung cách biểu đạt bằng hình ảnh chứ không phải bằng khái niệm nhưng không hề sai lệch bản chất. Để biểu đạt tư tưởng triết học bằng hình ảnh, bằng phong cách tư duy phương đông và phong cách tư duy Việt Nam, Hồ Chí Minh phải là người am hiểu triết học, thâu thái được những tinh tuý của tư tưởng triết học Đông-Tây, của văn hoá nhân loại. Hồ Chí Minh đã phát triển triết học Mác-Lênin bằng luận điểm nổi tiếng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người nhận thức sâu sắc rằng, chỉ có lựa chọn con đường phát triển chủ nghĩa xã hội mới là con đường bảo vệ và phát triển vững chắc nhất thành quả của độc lập dân tộc, mới bảo đảm cho nhân dân thực sự được hạnh phúc, đồng bào thực sự được ấm no. Tất nhiên, độc lập dân tộc cũng là điều kiện, tiền đề, cơ sở để thực hiện chủ nghĩa xã hội. Đồng thời Người còn bổ sung, phát triển triết học Mác-Lênin bằng lý luận về bản chất của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội theo Hồ Chí Minh là làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người ai cũng có công ăn, việc làm, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Trong chủ nghĩa xã hội, các dân tộc trong nước đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, tinh thần của nhân dân ngày càng được bảo đảm và không ngừng nâng cao. Chủ nghĩa xã hội có quan hệ hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc. Hồ Chí Minh còn là người phát triển nghệ thuật nhận thức và giải quyết mâu thuẫn theo tinh thần triết học Mác-Lênin; tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là biểu hiện sinh động của sự bổ sung, phát triển lý luận về phép biện chứng duy vật. Hồ chí Minh cũng là người vận dụng thành công triết học Mác-Lênin vào giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam như xây dựng Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa mới,v.v.. Có thể nói về bản chất, tư tưởng triết học quan duy vật biện chứng Hồ Chí Minh là tư tưởng triết học duy vật biện chứng của triết học Mác-Lênin trong sự thâu thái, biểu đạt, phát triển theo cách rất riêng Hồ Chí Minh. Tư tưởng triết học của Người không thể hiện bằng câu chữ, cũng không thể hiện bằng những nguyên lý thuần tuý mang tính hàn lâm mà đã chuyển hoá thành triết học của cuộc sống, của sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
Chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, triết học Mác-Lênin được Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp thu, vận dụng hết sức sáng tạo không chỉ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà cả trong cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, triết học Mác-Lênin nói riêng cũng như vận dụng những nguyên lý triết học Mác-Lênin vào đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của triết học Mác-Lênin vào phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội như bản chất đặc trưng của chủ nghĩa xã hội; về phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam; về những mối quan hệ lớn cần giải quyết trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; về quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội,v.v.. Tất cả những điều
này đều là kết quả của sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, triết học Mác-Lênin nói riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam vào điều kiện thực tiễn Việt Nam.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Thực chất của cuộc cách mạng trong lịch sử triết học do C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện?
2. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển triết học Mác-Lênin trong điều kiện thực tiễn Việt Nam?
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Những điều kiện, tiền đề cho sự ra đời triết học Mác-Lênin?
2. Những giai đoạn chủ yếu trong sự hình thành và phát triển triết học Mác- Lênin?
3. Những nội dung chủ yếu của triết học Mác được V.I.Lênin bổ sung, phát triển?
4. Những nội dung chủ yếu của triết học Mác được Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam bổ sung, phát triển?