Bản chất con người

Một phần của tài liệu TAP BAI GIANG TRIET HOC (CAO HOC KINH TE) (Trang 153 - 158)

I- QUAN ĐIỂM TRIỂN HỌC MÁC – LÊNIN VỀ QUAN HỆ GIAI CẤP – DÂN TỘC – NHÂN LOẠI

1. NHỮNG QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC MÁC – LÊNIN

1.2. Bản chất con người

1.2.1. Quan điểm trước Mác và ngoài Mác về bản chất con người Trong lịch sử tư tưởng có rất nhiều cách tiếp cận vấn đề con người.

Phật giáo xem con người khác con vật ở chỗ có tâm và có thức. Tuy vậy tâm đó chỉ là một cái gì huyền bí, không sinh ra từ bất cứ một cái gì nhưng lại là nguồn gốc của mọi cái, nguồn gốc của thế giới và mọi vật và thức đó chỉ là sự giác ngộ về tâm linh, giác ngộ về sự phát triển huyền bí mà được gọi là con người.

Các nhà tư tưởng duy tâm trong Nho giáo đi tìm bản chất con người ở phương diện đạo đức Mạnh Tử cho bản bản tính con người là thiện. Tính thiện bắt nguồn từ tâm, nhờ tâm mà phân biệt được phải trái, thiện, ác.Tâm có “lương năng” nên không học mà vẫn có lương chi, không cần suy nghĩ mà vẫn biết. Mặc tử cho con người khác con vật do con người biết lao động (ông gọi là lực), Tuân tử cho con người khác con vật ở chỗ có nghĩa, con người hơn con vật ở chỗ biết hợp quần. Luận điểm của Mặc tử, Tuân tử khác về bản chất so với luận điểm của các nhà duy tâm, có yếu tố hợp lý. Trong điều kiện lịch sử xã hội phương Đông lúc đó, những quan điểm này được xem như là một cống hiến cho sự nhận thức về con người và bản chất con người.

Ở phương Tây, một số trào lưu triết học lại giải thích bản chất con người từ góc độ những điểm chung của mọi sinh vật trên trái đất. Bản chất đó là bản tính tự nhiên, là những nhu cầu thuộc về sự duy trì thể xác và dục vọng đề phát triển nòi giống; hoặc tìm kiếm bản chất con người trong khuôn khổ cá nhân riêng lẻ, nghĩa là con người bị tách khỏi mối quan hệ xã hội hiện thực của nó. Tính chất siêu hình của các quan điểm này về bản chất con người biểu hiện ở chỗ coi bản chất là cái vốn có trừu tượng và quy nó về bản chất tự nhiên, tách khỏi xã hội và trở nên bất biến.

Phoi-ơ-bắc đã phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêghen, ông đã đạt tới chủ nghĩa duy vật, khi khẳng định vật chất không phải là sản phẩm của tinh thần mà chính tinh thần là sản phẩm tối cao của vật chất. Song ông không giữ được quan điểm duy vật của mình, không đi vào phân tích những vấn đề về bản chất con người. Con người trong triết học của ông là con người tự nhiên

thuần tuý chứ không phải là con người lịch sử xã hội. Ông chỉ coi con người là “đối tượng cảm tính” mà không phải là “hoạt động cảm tính”, tức là những thực thể đang hoạt động. Ông không biết những quan hệ giữa người với người nào khác, ngoài tình yêu, tình bạn hơn nữa, lại là tình yêu tình bạn lý tưởng hoá. Đó là con người trừu tượng nói chung, có tính loài, đứng trên mọi giai cấp, mọi thời đại với bản chất bất biến của nó.

1.2.2. Quan điểm mácxít về bản chất con người

Con người là sự thống nhất giữa mặt sinh vật và mặt xã hội là một thực thể sinh vật – xã hội.

C.Mác trước khi bắt tay xây dựng học thuyết của mình, cũng đã từng viết một luận án tiến sĩ về con người. Sau này, trong hàng loạt công trình lý luận, đối tượng nghiên cứu của Mác mở rộng ra nhiều lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế, chính trị và xã hội . Tuy vậy, con người vẫn là trung tâm, là mục tiêu của tất cả các công trình nghiên cứu của Mác. Với quan điểm duy vật triệt để và phương pháp biện chứng, C.Mácvà Ph.ăngghen đã tạo ra một bước ngoặt trong việc nhận thức bản chất con người. Các ông xuất phát từ con người hiện thực, con người thực tiễn và thông qua hoạt động vật chất cải tạo hiện thực của con người để xem xét bản chất con người. Đó là một động vật có tính xã hội với tất cả những nội dung văn hoá - lịch sử của nó. Con người sống dựa vào tự nhiên như hết thẩy mọi sinh vật khác. Yếu tố sinh vật trong con người là điều kiện đầu tiên quy định sự tồn tại của con người. Vì vậy, có thể nói: giới tự nhiên là “thân thể vô cơ của con người”; con người là một bộ phận của tự nhiên; là kết quả của quá trình phát triển và tiến hoá lâu dài của môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, điều cần khẳng định rằng, mặt tự nhiên không phải là yếu tố duy nhất qui định bản chất con người. Đặc trưng qui định sự khác biệt giữa con người với thế giới loài vật là phương diện xã hội của nó. Điều đó có nghĩa là, con người sở dĩ trở thành con người chính là ở chỗ nó không chỉ sống dựa vào tự nhiên, Ph.Ăngghen là người đầu tiên đã chỉ ra được bước chuyển biến từ vượn thành người là nhờ có lao động. Quá trình con người cải tạo tự nhiên cũng là quá trình con người trở thành con người.

Khác với tự nhiên, xã hội không thể có trước con người mà đã ra đời cùng với con người, xã hội cũng không phải là cái gì trừu tượng, bất biến mà mỗi hình thái kinh tế – xã hội, chỉ thích hợp với một phương thức sản xuất nhất định. Nhân tố quyết định phương thức sản xuất phát triển lại là lực lượng sản xuất, bao gồm con người và công cụ lao động. Như thế, không phải cái gì khác mà chính là con người, cùng với những công cụ do họ chế tạo ra, đã quyết định sự sự thay đổi bộ mặt xã hội. Vậy xã hội đã sản xuất ra con người với tính cách là con người như thế nào thì con người cũng sản xuất ra xã hội như thế.

Là sản phẩm của tự nhiên và xã hội nên quá trình hình thành và phát triển của con người luôn luôn bị quyết định bởi ba hệ thống qui luật khác nhau, nhưng thống nhất nhau. Hệ thống các quy luật tự nhiên như qui luật về sự phù hợp cơ thể với môi trường, qui luật về sự trao đổi chất, về di truyền, biến dị, tiến hoá… qui định phương diện sinh học của con người. Hệ thống các qui luật tâm lý, ý thức hình thành và vận động trên nền tảng sinh vật của con người như hình thành tình cảm, khát vọng, niềm tin, ý chí. Hệ thống các qui luật xã hội qui định quan hệ xã hội giữa người với người.

Ba hệ thống qui luật trên cùng tác động tạo nên thể thống nhất hoàn chỉnh trong đời sống con người bao gồm cả mặt sinh vật và mặt xã hội. Mối quan hệ sinh vật và xã hội là cơ sở để hình thành hệ thống các nhu cầu sinh vật và nhu cầu xã hội trong đời sống con người, như nhu cầu ăn, mặc, ở; nhu cầu tái sản xuất xã hội; nhu cầu tình cảm; nhu cầu thẩm mỹ và hưởng thụ các giá trị tinh thần.

Trong khi phê phán những quan điểm của Phoiơbắc, xuất phát từ những cá thể cô lập, Mác đã đưa ra luận điểm nổi tiếng về bản chất con người: "Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội"(1). Luận điểm trên thể hiện những điểm cơ bản sau:

- Luận đề trên khẳng định rằng, không có con người trừu tượng, thoát ly mọi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử xã hội. Con người luôn luôn cụ thể, xác

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr.11.

định, sống trong một điều kiện lịch sử cụ thể nhất định, một thời đại nhất định. Trong điều kiện lịch sử đó, bằng hoạt động thực tiễn của mình, con người tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển cả thể lực và tư duy trí tuệ. Chỉ trong toàn bộ các mối quan hệ xã hội đó (như quan hệ giai cấp, dân tộc, thời đại; quan hệ chính trị, kinh tế; quan hệ cá nhân, gia đình, xã hội …) con người mới bộc lộ toàn bộ bản chất xã hội của mình.

- Khi nói bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội, cũng có nghĩa là tất cả các quan hệ xã hội đều góp phần hình thành bản chất con người, nhưng có ý nghĩa quyết định nhất là quan hệ sản xuất. Bởi vì, các quan hệ khác đều trực tiếp hoặc gián tiếp chịu sự quy định của quan hệ này.

Mỗi hình thái kinh tế - xã hội có một kiểu quan hệ sản xuất nhất định giữ vai trò chi phối, và chính kiểu quan hệ sản xuất đó là cái xét đến cùng, tạo nên bản chất của con người trong giai đoạn lịch sử đó.

Các quan hệ xã hội không phải chỉ xét ở quan hệ trong từng hình thái xã hội riêng biệt mà còn khái quát những quan hệ xã hội chung thể hiện qua từng chế độ, thời đại riêng biệt. Quan hệ xã hội vừa diễn ra theo chiều ngang (đương đại) vừa theo chiều dọc lịch sử. Các quan hệ xã hội quy định bản chất con người bao gồm cả quan hệ xã hội hiện tại và quan hệ xã hội truyền thống, bởi trong lịch sử của mình con người bắt buộc phải kế thừa di sản của những thế hệ trước nó.

Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần có những truyền thống thúc đẩy con người vươn lên, nhưng cũng có những truyền thống "đè nặng lên những con người đang sống". Do đó khi xem xét bản chất con người không nên tách rời hiện tại và quá khứ.

- Cái bản chất không phải là cái duy nhất, mà là bộ phận chi phối trong chỉnh thể cụ thể phong phú đa dạng. Bản chất và thể hiện bản chất của con người có khác biệt. Bản chất một con người cụ thể là tổng hoà các quan hệ xã hội "vốn có" của con người đó và quy định những đặc điểm cơ bản chi phối mọi hành vi của con người đó. Còn tất cả những hành vi của người đó bộc lộ ra bên ngoài là những hiện tượng biểu hiện bản chất của họ. Sự thể hiện bản chất của con người không phải theo con đường thẳng, trực tiếp, mà thường là

gián tiếp, quanh co qua hàng loạt mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, giữa kinh nghiệm và nhận thức khoa học, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài; giữa bản năng sinh vật và hoạt động có ý thức, giữa di truyền tự nhiên và văn hoá xã hội... Trong diễn biến đầy mâu thuẫn đó, bản chất thể hiện ra như một xu hướng chung, xét đến cùng mới thấy sự chi phối của xu hướng đó.

- Con người là một thực thể sinh vật - xã hội. Thông qua hoạt động thực tiễn và hoạt động xã hội, con người làm biến đổi đời sống xã hội, đồng thời cũng biến đổi chính bản thân mình. Điều đó cũng có nghĩa là thông qua hoạt động thực tiễn con người tiếp nhận bản chất xã hội của mình.

Như vậy, bản chất con người không phải là trừu tượng mà là hiện thực, không phải là tự nhiên mà là lịch sử, không phải là cái vốn có trong mỗi cá thể riêng lẻ mà là tổng hoà của toàn bộ quan hệ xã hội. Đây là phát hiện có giá trị to lớn của Mác về bản chất con người.

Thừa nhận ý nghĩa quyết định của mặt xã hội đối với việc hình thành bản chất con người, song không có nghĩa là chủ nghĩa Mác – Lênin coi nhẹ mặt tự nhiên, phủ nhận cái sinh vật trong yếu tố cấu thành bản chất con người. Bởi vì theo Mác, "giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại.

Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên"(1).

Ngày nay, mối tương quan giữa mặt sinh vật và mặt xã hội trong sự phát triển của con người vẫn là đối tượng của những cuộc tranh luận khoa học gay gắt. Nhiều nhà khoa học tư sản vẫn đem đối lập và tách mặt sinh vật khỏi mặt xã hội. Chẳng hạn, phái duy sinh vật tuyệt đối hoá yếu tố sinh vật trong sự phát triển của con người. Họ tuyên truyền thuyết Đácuyn xã hội. Đại biểu trường phái này là: Ph.Nítsơ, Trenherơlen, Klovenơ...

Nhiều tác giả như Liônen Tigơ và Rôbin Phốcxơ cắt nghĩa hành vi của con người theo quan điểm di truyền học...(2).

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.42, tr.135.

(2) Xem: Chủ biên Đitơbécnơ: Con người - những ý kiến mới về một đề tài cũ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, t.1, tr.222-223

Chủ nghĩa Phơrớt cho rằng, toàn bộ cái xã hội trong tâm lý học người chỉ là mặt khác nhau của giới tính, là sự biểu hiện quanh co của những đam mê bẩm sinh(3).

Ngược lại, quan điểm xã hội học tầm thường về con người thường quy kết bản chất con người là một sản phẩm văn hoá của xã hội, của kinh tế và tước bỏ tính hữu cơ, tính tự nhiên của con người.

Trường phái "Triết học nhân bản hiện đại" quan niệm về bản chất của con người phải được xuất phát từ nguyên tắc tinh thần"(4).

Xuất phát từ những lập luận trên, kết luận tất yếu rút ra là: con người với tư cách là sản phẩm của giới tự nhiên, là sự phát triển tiếp tục của giới tự nhiên; mặt khác con người là một thực thể xã hội được tách ra như một lực lượng đối lập với giới tự nhiên. Sự tác động qua lại giữa mặt sinh vật và mặt xã hội trong con người tạo thành bản chất người.

Một phần của tài liệu TAP BAI GIANG TRIET HOC (CAO HOC KINH TE) (Trang 153 - 158)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(184 trang)
w