Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội

Một phần của tài liệu TAP BAI GIANG TRIET HOC (CAO HOC KINH TE) (Trang 137 - 141)

I- QUAN ĐIỂM TRIỂN HỌC MÁC – LÊNIN VỀ QUAN HỆ GIAI CẤP – DÂN TỘC – NHÂN LOẠI

1. BIỆN CHỨNG GIỮA TỒN TẠI XÃ HỘI VÀ Ý THỨC XÃ HỘI

1.3. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội

Thừa nhận tính độc lập nhất định của ý thức xã hội trong mối quan hệ với tồn tại xã hội nhưng chủ nghĩa duy vật lịch sử còn nhấn mạnh, đó là sự độc lập không hoàn toàn và có điều kiện, là độc lập tương đối. Điều đó biểu hiện ở những điểm sau đây:

1.3.1. Sự lạc hậu của một bộ phận ý thức xã hội so với tồn tại xã hội Theo nghĩa chung nhất, “lạc hậu” có nghĩa là bị ở lại phía sau, không theo kịp đà tiến bộ, phát triển chung; đã trở nên cũ, không hợp với hoàn cảnh và yêu cầu, điều kiện mới.

Lịch sử xã hội cho thấy, nhiều khi xã hội cũ đã mất đi, thậm chí mất đi rất lâu, nhưng ý thức xã hội do xã hội đó sinh ra vẫn còn tồn tại. Trong đó có một bộ

phận ý thức xã hội không phản ánh được những thay đổi tất yếu của tồn tại xã hội, không đáp ứng yêu cầu phát triển của tồn tại xã hội mới.

Sự lạc hậu của ý thức xã hội biểu hiện rất đa dạng, ở nhiều cấp độ, trong cả ý thức xã hội đời thường và cả ý thức lý luận.

Sự lạc hậu của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, từ trong bản chất, ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội, trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định, ý thức xã hội phản ánh không theo kịp những biến đổi tất yếu của tồn tại xã hội.

Thứ hai, một bộ phận của ý thức xã hội là truyền thống, tập quán, thói quen… của con người từ trong quy luật vận động của nó đã mang tính bảo thủ, khó thay đổi.

Thứ ba, ý thức xã hội luôn gắn với lợi ích của những nhóm, những tập đoàn người, những giai cấp nhất định trong xã hội. Vì vậy, những tư tưởng cũ, lạc hậu thường được các lực lượng xã hội phản tiến bộ lưu giữ và truyền bá.

1.3.2. Tính “vượt trước” của một bộ phận ý thức xã hội so với tồn tại xã hội Khi khẳng định tính thường lạc hậu hơn của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội, triết học Mác- Lênin đồng thời chỉ rõ rằng trong những điều kiện nhất định, tư tưởng của con người có thể vượt trước sự phát triển của tồn tại xã hội.

Sự phản ánh vượt trước tiềm ẩn nhiều khuynh hướng, trong đó có hai khuynh hướng cơ bản:

Phản ánh vượt trước một cách đúng đắn, khoa học. Khuynh hướng này góp phần dự báo được tương lai và có tác dụng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người, hướng hoạt động đó vào việc giải quyết những nhiệm vụ mới do sự phát triển xã hội đặt ra.

Phản ánh vượt trước nhưng ảo tưởng, chủ quan, sai lầm. Khuynh hướng này để lại những hậu quả tiêu cực trong hoạt động thực tiễn.

Khi nói tư tưởng tiến bộ có thể vượt trước tồn tại xã hội không có nghĩa là trong trường hợp này, ý thức xã hội không còn bị tồn tại xã hội quyết định mà đó là kết quả của sự phản ánh chính xác, sâu sắc tồn tại xã hội.

1.3.3. Tính kế thừa trong sự phát triển của ý thức xã hội

Lịch sử phát triển đời sống tinh thần của xã hội cho thấy rằng những quan điểm lý luận của mỗi thời đại không xuất hiện trên mảnh đất trống không mà được tạo ra trên cơ sở kế thừa những vật liệu lý luận của thời đại trước; ý thức xã hội của mỗi cộng đồng là kết quả phản ánh tồn tại xã hội của họ và cả thức xã hội của các thời đại trước và cả những ý thức xã hội của công đồng khác trong quá trình giao thoa, du nhập.

Do ý thức có tính kế thừa trong sự phát triển cho nên sẽ không thể giải thích được một tư tưởng nào đó nếu chỉ thuần túy dựa vào những quan hệ kinh tế hiện có. Lịch sử phát triển của tư tưởng cho thấy những giai đoạn hưng thịnh hoặc suy tàn của triết học, văn học, nghệ thuật, v.v... nhiều khi không phù hợp hoàn toàn với những giai đoạn hưng thịnh hoặc suy tàn của kinh tế.

Kế thừa trong ý thức xã hội có những đặc trưng cơ bản như: Tính chọn lọc; tính giai cấp, chi phối bởi lợi ích…

Trong xã hội có giai cấp, tính chất kế thừa của ý thức xã hội gắn với tính chất giai cấp của nó. Những giai cấp khác nhau kế thừa những nội dung ý thức khác nhau của các thời đại trước. Các giai cấp tiên tiến tiếp nhận những di sản tư tưởng tiến bộ của xã hội cũ để lại. Ngược lại, những giai cấp lỗi thời và các nhà tư tưởng của nó thì tiếp thu, khôi phục những tư tưởng, những lý thuyết xã hội phản tiến bộ của những thời kỳ lịch sử trước.

1.3.4. Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội trong sự phát triển của chúng

Đây là một quy luật phát triển của ý thức xã hội. Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội làm cho mỗi hình thái ý thức có những mặt, những tính chất không thể giải thích được một cách trực tiếp từ tồn tại xã hội.

Lịch sử phát triển xã hội cho thấy, ở mỗi thời đại, tùy theo từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể có những hình thái ý thức nào đó nổi lên hàng đầu và tác động mạnh đến các hình thái ý thức xã hội khác. Ở Hy Lạp cổ đại, triết học và nghệ thuật giữ vị trí nổi bật, có vai trò đặc biệt to lớn trong đời sống tinh thần xã hội;

Tây Âu thời trung cổ tôn giáo có vai trò quan trọng chi phối các hình thái ý thức xã hội khác như triết học, pháp quyền, đạo đức, chính trị và cả khoa học.

Sự tác động lẫn nhau giữa các hình thái ý thức trong xã hội có giai cấp, ý

thức chính trị thường có vai trò đặc biệt quan trọng; ý thức chính trị của giai cấp cách mạng định hướng cho sự phát triển theo chiều hướng tiến bộ của các hình thái ý thức khác. Trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, ý thức pháp quyền, ý thức đạo đức, triết học, nghệ thuật... được dẫn dắt bởi đường lối chính trị đúng đắn của Đảng.

1.3.5. Sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội

Chủ nghĩa duy vật lịch sử không những chống lại quan điểm duy tâm tuyệt đối hoá vai trò của ý thức xã hội, mà còn bác bỏ quan điểm duy vật tầm thường, chủ nghĩa duy vật kinh tế... là những quan điểm không thấy hoặc phủ nhận tác dụng tích cực của ý thức xã hội trong đời sống xã hội. Ph.Ăngghen viết:

"Sự phát triển của chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, v.v. đều dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế".

Sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội diễn ra với nhiều khuynh hướng: nó có thể thúc đẩy tồn tại xã hội phát triển phù hợp với quy luật, mang tính tích cực, nhanh hơn và ngược lại. Xu hướng, phạm vi, cấp độ và hiệu quả tác động của ý thức xã hội tới tồn tại xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong đó có những yếu tố cơ bản như:

Một là, trình độ phản ánh của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội.

Khi ý thức xã hội phản ánh đúng đắn quy luật vận động của tồn tại xã hội, phản ánh đúng đắn các nhu cầu phát triển của tồn tại xã hội, khi ý thức xã hội mang tính khoa học, tiến bộ sẽ góp phần thúc đẩy tồn tại xã hội phát triển và ngược lại. Cũng do đó, ở đây cần phân biệt vai trò của ý thức tư tưởng tiến bộ và ý thức tư tưởng phản tiến bộ đối với sự phát triển xã hội.

Hai là, vai trò lịch sử của giai cấp mang ngọn cờ tư tưởng.

Sự phát triển của xã hội phụ thuộc vào nhận thức và hành động của con người, trong đó giai cấp mang ngọ cờ tư tưởng (giai cấp giữ là chủ thể lãnh đạo xã hội) giữ vai trò quan trọng. Nó thể hiện trong việc xây dựng, định hướng quan niệm, tư tưởng, giá trị... cho cộng đồng; trong việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá ý thức xã hội; trong việc vận dụng, phát huy vai trò ý thức xã hội…

Ba là, mức độ ảnh hưởng của ý thức xã hội trong quảng đại quần chúng.

Ý thức xã hội chỉ có thể phát huy vai trò, sức mạnh của nó khi chi phối nhận thức, hành động của con người, của quảng đại quần chúng. C.Mác nấn mạnh: “…lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”1.

Ngoài ra, xu hướng, phạm vi, cấp độ và hiệu quả tác động của ý thức xã hội tới tồn tại xã hội còn phụ thuộc vào mức độ tương tác qua lại giữa các yếu tố tham gia vào quá trình đó.

Một phần của tài liệu TAP BAI GIANG TRIET HOC (CAO HOC KINH TE) (Trang 137 - 141)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(184 trang)
w