I- QUAN ĐIỂM TRIỂN HỌC MÁC – LÊNIN VỀ QUAN HỆ GIAI CẤP – DÂN TỘC – NHÂN LOẠI
1. NHỮNG QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC MÁC – LÊNIN
1.1. Vị trí vai trò của vấn đề con người trong triết học Mác - Lênin
Trước Mác, không ít các nhà khoa học, xã hội học tư sản đã phủ nhận học thuyết về con người trong chủ nghĩa Mác - Lênin. Tựu chung lại, họ cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ nói nhiều về kinh tế và giá trị, chủ trương đấu tranh giai cấp, bạo lực, chuyên chính… mà bỏ rơi mất con người. Như thế là đã phá vỡ mất cái truyền thống “nhân đạo” vốn có trong lịch sử tư tưởng nhân loại.
Quan điểm khác, tỏ ra “công bằng” hơn, cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin, nếu như bàn đến vấn đề con người, đó chỉ là ở giai đoạn đầu, sơ khởi, và thời kỳ Mác “còn trẻ”, chứ sau này nó là học thuyết “phi nhân” vì nói nhiều đến tính chất quyết định của những quy luật khách quan.
Thực ra, chưa có chủ nghĩa nào lại quan tâm đầy đủ đến vận mệnh của con người như chủ nghĩa Mác - Lênin. Lịch sử quá trình hình thành triết học Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác nói chung, đã chứng tỏ một cách rõ ràng rằng:
Con người là điểm xuất phát và sự giải phóng con người là mục đích cao nhất của triết học Mác.
Tư tưởng nhân văn, nhân đạo đó đã trở thành ánh sáng soi đường cho hành động thực tiễn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trong công cuộc đấu tranh xoá bỏ xã hội cũ xây dựng xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Thật vậy, ngay từ khi còn là một học sinh trung học, trong báo cáo tốt nghiệp của mình, Mác đã phê phán những tư tưởng ích kỷ, vụ lợi và đi vào phân tích mục đích, ý nghĩa của việc chọn nghề của thanh niên là phải xuất phát từ hạnh phúc của nhân dân và việc hoàn thiện bản thân mình. Con người chỉ có thể hoàn thiện bằng cách làm việc cho sự hoàn thiện của đồng loại, cho hạnh phúc của nhân loại. Nghề nghiệp là phương tiện giúp ta tiếp cận với mục đích. Và chính tinh thần nhân văn nhân đạo đó được bồi dưỡng và nâng cao không ngừng
trong suốt cuộc đời của Mác và Ăngghen với tư cách là những nhà khoa học và nhà cách mạng.
Đồng thời chủ nghĩa nhân đạo đó trở thành nhân tố định hướng cho sự phát triển tư tưởng triết học Mác. Triết học góp phần vào sự nghiệp giải phóng con người.
Xét về lôgíc nội tại của triết học Mác, những nguyên lý triết học Mác nói chung, chủ nghĩa duy vật lịch sử nói riêng có mối liên hệ hữu cơ với tiền đề xuất phát của nó là con người. Khắc phục tất cả những thiếu sót của những nhà tư tưởng đi trước về vấn đề con người, triết học Mác xuất phát từ con người, con người với tính cách là tiền đề của lịch sử, con người có đời sống hiện thực nhất định của nó chứ không phải là con người chỉ tồn tại trong lời nói, trong ý nghĩ, trong tưởng tượng. Tính hiện thực của nó được quy định trước hết bởi sản xuất vật chất, trong đó phương thức sản xuất vật chất không chỉ đơn thuần là sự tái sản xuất ra tồn tại thể xác của các cá nhân, mà hơn thế theo cách nói của Mác, nó đã là một hình thức hoạt động nhất định của những cá nhân ấy, một hình thức nhất định của sự biểu hiện đời sống của họ, một phương thức sinh sống nhất định của họ. Đây là điều khác biệt căn bản nhất của triết học Mác với tất cả các triết học trước đó. Và cũng chính từ đó, Mác đi vào nghiên cứu sự vận động và biến đổi của quá trình sản xuất vật chất của xã hội, vạch ra quy luật khách quan của lịch sử. Sự phát triển lực lượng sản xuất là nguyên nhân sâu xa của sự phát triển toàn xã hội, do đó sự phát triển rất cao của lực lượng sản xuất là "tiền đề thực tiễn" tuyệt đối cần thiết để khắc phục sự tha hoá của con người, phát triển con người. Và, lịch sử loài người là lịch sử của những phương thức sản xuất vật chất, thay thế nhau từ thấp đến cao. Từ đó, triết học Mác có được quan niệm khoa học về giai cấp và đấu tranh giai cấp (một thực tế lịch sử mà các nhà tư tưởng trước Mác đã phát hiện ra) và đi tới lý luận khoa học về nhà nước, về cách mạng xã hội, v.v..
Như vậy, lý luận triết học của Mác nói chung, chủ nghĩa duy vật lịch sử nói riêng cần được hiểu như sự phát triển quan điểm nhân văn ở Mác và nhờ đó mà làm cho chủ nghĩa nhân đạo được phát triển, đáp ứng yêu cầu giải phóng con người trong thời đại mới, đó là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực. Điều này bác bỏ sự
xuyên tạc triết học Mác, đem đối lập các quan điểm về giai cấp và đấu tranh giai cấp, về cách mạng xã hội và bạo lực cách mạng... với quan điểm nhân văn. Rõ ràng, không hề có sự đối lập giữa "Mác trưởng thành" xa rời tính nhân văn với Mác nhân đạo thời trẻ - tác giả Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844. Đương nhiên, có thể kể ra những sự thay dổi nhất định quan điểm triết học của Mác qua các tác phẩm của ông; song, đó chính là quá trình phát triển tư tưởng triết học, trong đó chủ nghĩa nhân đạo luôn thể hiện một cách nhất quán và xuyên suốt; đồng thời, tính nhân văn của triết học Mác ngày càng trở nên sâu sắc vì đã vượt qua được những hạn chế do ảnh hưởng từ chủ nghĩa nhân bản của triết học Phoi-ơ-bắc.
Triết học Mác xuất phát từ con người và nhằm mục đích cao nhất là giải phóng con người, phát triển con người, song triết học Mác lại không thể lấy con người nói chung làm đối tượng nghiên cứu của mình. Con người là một khách thể có nội dung hết sức phong phú, sự tồn tại của con người bao hàm nhiều mặt với vô vàn các quan hệ phức tạp, nên con người được nghiên cứu bởi nhiều khoa học khác nhau, với đối tượng khác nhau phương pháp tiếp cận khác nhau như sinh vật học, tâm lý học, y học, dân tộc học, sử học, văn hoá học,v.v.. Chỉ với những vấn đề chung nhất về con người như bản chất của con người, thế giới quan, tư duy, đạo đức, tín ngưỡng, thẩm mỹ của con người, các quan hệ cá nhân và xã hội, quan hệ giai cấp, dân tộc và nhân loại... mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu của các khoa học triết học. Tất nhiên, triết học không giới hạn đối tượng nghiên cứu của mình ở từng mặt của con người hay bản chất con người trong trạng thái trừu tượng, cô lập với thế giới bên ngoài. Nó là một thể thống nhất bao gồm trong đó cả cái tự nhiên lẫn cái xã hội, cái tôi và cái không phải tôi, cái đơn nhất và cái chung, cái bên trong và cái bên ngoài, ý thức và hành động.
Ở đây, tính nhân văn của triết học Mác đã được thể hiện rõ ràng trong các phạm trù của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhất là trong chủ nghĩa duy vật lịch sử như lý luận hình thái kinh tế - xã hội, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp, lý luận về cách mạng xã hội...
Tóm lại, vấn đề con người là điểm xuất phát, trọng tâm và mục đích của học thuyết Mác - Lênin.