CHƯƠNG 2: THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM VỀ QUẢN TRỊ NHÂN SỰ NƯỚC NGOÀI TRONG CÁC CÔNG TY ĐA QUỐC GIA TẠI VIỆT NAM
2.1. Thiết kế nghiên cứu
2.1.2. Lựa chọn mẫu nghiên cứu
Lựa chọn mẫu trong nghiên cứu về quản trị câu hỏi nghiên cứu sẽ quyết định đến quy mô mẫu được lựa chọn nghiên cứu. Có hai phương pháp lựa chọn mẫu nghiên cứu: (1) Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên (profitablity), hay còn gọi là phương pháp chọn mẫu xác suất, và phương pháp chọn mẫu phi ngẫu nhiên (non- profitability) (Saunders/Lewis…2009). Đối với phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, các tình huống lựa chọn có vị trí và vai trò như nhau, người nghiên cứu cần phải ước lượng đặc điểm mẫu để tìm câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu. Phương pháp ngẫu nhiên được sử dụng đối với những nghiên cứu thử nghiệm theo phương pháp điều tra. Phương pháp chọn mẫu phi ngẫu nhiên, ngược lại, mỗi tình huống nghiên cứu được lựa chọn đều không được biết trước về đặc điểm, mục tiêu nghiên cứu vì vậy sẽ không thể đạt được thông qua những suy luận hay phân tích thống kê về đặc điểm của mẫu tham gia. Mỗi cách chọn mẫu đều có những lợi thế và bất lợi nhất định và người nghiên cứu cần phải lựa chọn phương
pháp chọn mẫu phù hợp với nghiên cứu, chọn một trong hai cách hoặc có thể kết hợp cả hai.
Luận án sử dụng hình thức chọn mẫu phi ngẫu nhiên xuất phát từ hai lý do chính: (1) không thể xác định được cụ thể các đặc điểm của các tình huống trong nghiên cứu, (2) sự khó khăn trong việc tiếp cận khảo sát các thông tin sâu về các công ty ĐQG, nên luận án không thể sử dụng kỹ thuật chọn mẫu ngẫu nhiên và phương pháp nghiên cứu định lượng, hay kết hợp nghiên cứu định lượng. Đối với hầu hết tất cả những kỹ thuật chọn mẫu phi ngẫu nhiên, lựa chọn quy mô mẫu không có quy tắc nào cả. Theo Patton (2002), quy mô mẫu phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu và các câu hỏi nghiên cứu, điều gì cần nghiên cứu, thông tin gì là cần thiết, cần làm gì với những nguồn lực sẵn có, cần thu thập dữ liệu định lượng thông qua phỏng vấn ở đâu. Mặc dù đối với những thu thập định tính, sự chính xác của thông tin và thông tin sâu sẽ giúp phân tích nhiều hơn là quy mô mẫu, tuy nhiên cũng cần đưa ra những lập luận để chứng minh số lượng phỏng vấn là đủ. Nhiều nghiên cứu cho là thông tin định tính cần được thu thập đến khi nào đạt được mức độ bão hòa về thông tin (data saturation) (Saunders/Lewis… 2009). Guest (2006) đưa ra đề nghị đối với những nghiên cứu trong nhóm đối tượng đồng nhất, chỉ cần 12 đối tượng phỏng vấn sâu là đủ, tuy nhiên đối với nhóm đối tượng đa dạng hoặc câu hỏi nghiên cứu ở mức độ rộng sẽ cần phải có nhiều đối tượng phỏng vấn sâu hơn. Cresswell (2007) cho rằng, đối với những nghiên cứu chung, quy mô mẫu được cho là đủ sẽ dao động khoảng từ 25 đến 30 đối tượng phỏng vấn sâu là đủ. Đối với luận án này, quy mô mẫu được lựa chọn là 29 công ty ĐQG đang hoạt động tại Việt Nam chia theo nhóm các công ty ĐQG. Với những phân tích về đặc điểm về chọn mẫu phi ngẫu nhiên trong nghiên cứu định tính ở trên có thể khẳng định, quy mô mẫu 29 công ty đa quốc gia đối tượng nghiên cứu trong luận án là tạm đủ để đạt được mức độ bão hòa về thông tin.
Đối với luận án này, các tình huống nghiên cứu/ mẫu được lựa chọn dựa trên ba kỹ thuật chính: (1) kỹ thuật chọn mẫu có mục đích (purposive sampling), (2) kỹ thuật chọn mẫu thuận tiện (convenience sampling), (3) kỹ thuật chọn mẫu tự chọn lựa (self-selection sampling).
Kỹ thuật chọn mẫu có mục đích được sử dụng đầu tiên khi tác giả tiến hành xác định đối tượng các công ty ĐQG tham gia nghiên cứu thực nghiệm. Đối tượng
các công ty ĐQG được hướng tới là các công ty ĐQG thuộc những quốc gia có đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn vào Việt Nam. Dựa trên niên giám thống kê về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam của 92 quốc gia (năm 2011), tác giả lập danh sách 41/92 các quốc gia có vốn và dự án đầu tư lớn vào Việt Nam, lựa chọn 50% số quốc gia đứng đầu về tổng vốn đăng ký đầu tư và dự án để lựa chọn mẫu. Danh sách bao gồm các quốc gia sau:
Bảng 2.1: Vốn FDI tại Việt Nam theo quốc gia
STT Quốc gia Số dự án Tổng vốn đầu tư đăng
ký (USD)
1 Hàn Quốc 2.823 23.404.269.562
2 Đài Loan 2.187 23.241.661.801
3 Singapore 937 23.225.257.024
4 Nhật Bản 1.560 21.615.618.323
5 Malaysia 386 18.788.576.678
6 British Virgin Islands 498 14.889.076.400
7 Hoa Kỳ 579 13.251.078.812
8 Hồng Kông 639 10.710.062.699
9 Cayman Islands 52 7.432.293.351
10 Thái Lan 253 5.729.150.917
11 Hà Lan 153 5.597.633.552
12 Brunei 119 4.783.014.177
13 Canada 110 4.639.954.070
14 Trung Quốc 805 4.158.960.376
15 Pháp 325 2.987.378.073
16 Samoa 86 2.944.948.644
17 Vương quốc Anh 142 2.546.710.501
18 Sip 11 2.355.757.500
19 Thụy Sĩ 80 1.972.408.319
20 Australia 245 1.248.848.821
21 Luxembourg 20 1.097.584.393
22 British West Indies 6 986.999.990
23 Liên Bang Nga 73 910.467.848
24 CHLB Đức 165 846.365.942
25 Đan Mạch 91 233.600.889
26 Philippines 55 274.502.910
27 Mauritius 35 230.194.166
29 Ấn Độ 58 225.025.986
29 Bermuda 5 211.572.867
30 Indonesia 29 205.702.000
31 Italy 39 187.733.583
32 Cook Islands 3 142.000.000
33 TVQ Ả rập thống nhất 3 129.150.000
34 Channel Islands 14 113.676.000
35 Bahamas 3 108.652.540
36 Bỉ 40 102.859.740
37 Slovakia 3 102.368.421
38 Ba Lan 9 98.691.948
39 Na Uy 26 84.245.672
40 New Zealand 18 76.389.500
41 Thụy Điển 29 72.160.954
(Nguồn: Niên giám đầu tư trực tiếp nước ngoài 2011)
Sau khi có danh sách 50% các quốc gia dẫn đầu trong đầu tư FDI tại Việt Nam, tác giả tìm hiểu và nghiên cứu các danh mục công ty ĐQG thuộc những quốc gia này đang đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế khó khăn trong việc tiếp cận các công ty ĐQG tại Việt Nam, các công ty ĐQG được lựa chọn theo cách thuận tiện nhất để có thể tiếp cận nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, các công ty ĐQG được nghiên cứu và tiếp cận dựa trên mối quan hệ quen biết của tác giả với bạn bè, người thân, đồng nghiệp, người quen đang làm việc trong các công ty ĐQG và nhờ sự kết nối của họ trong mạng lưới các công ty ĐQG. Ở bước này, tác giả đã được giới thiệu, kết nối và có được danh sách 45 công ty ĐQG ở các quốc gia khác nhau bao gồm Đài Loan (5 công ty), Hàn Quốc (11 công ty) , Nhật Bản (9 công ty) , Singapore (3 công ty), Trung Quốc (2 công ty) , Đức (2 công ty), Hoa Kỳ (5 công ty), Pháp (2 công ty) , Thụy Điển (1 công ty), Vương Quốc Anh (3 công ty) và Úc
(2 công ty). Sau khi có danh sách này, tác giả đã tiếp cận và gửi đề nghị tham gia nghiên cứu đến các quản lý của 45 công ty trên theo kỹ thuật chọn mẫu tự lựa chọn.
Từ nhiều lý do như quy định hay sự bảo mật thông tin từ các công ty, khoảng cách địa lý, hoặc sự bận rộn của nhân sự quản lý, hay vì những lý do khác, không phải quản lý công ty nào cũng nhận lời tham gia trả lời phỏng vấn và tham gia vào nghiên cứu. Trong 45 công ty được đề nghị, có 29 công ty trả lời đồng ý tham gia, bao gồm 04 công ty của Đài Loan, 07 công ty của Hàn Quốc, 06 công ty của Nhật Bản, 02 công ty của Singapore, 01 công ty của Trung Quốc, 02 công ty của Anh, 01 công ty của Đức, 03 công ty của Hoa Kỳ, 01 công ty của Pháp 01 công ty của Thụy Điển và 01 công ty của Úc.